Tổng thống Vladimir Putin ký phiên bản cập nhật của học thuyết chính sách đối ngoại của Nga vào ngày 31.3.
Học thuyết chính sách đối ngoại của Nga mà Tổng thống Vladimir Putin vừa ký là tài liệu chiến lược quan trọng vạch ra những nguyên tắc, mục tiêu và ưu tiên chính sách ngoại giao quốc tế của nước này.
Ông Putin giải thích, học thuyết chính sách đối ngoại của Nga phải được cập nhật do “những thay đổi mạnh mẽ” trong bối cảnh quốc tế.
Việc cập nhật học thuyết được tổng thống Nga công bố ngày 31.3 trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Hội đồng An ninh Nga, trong đó có các thành viên là Thủ tướng Mikhail Mishustin, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu…
Phác thảo các điều khoản chính của tài liệu, ông Lavrov lưu ý, học thuyết cập nhật phản ánh “những thay đổi mang tính cách mạng ở vành đai bên ngoài của Nga – nơi đã có sự thúc đẩy rõ rệt sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina hơn một năm trước.
Phiên bản trước của học thuyết chính sách đối ngoại của Nga được ký năm 2016, tập trung nhiều vào chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tăng cường dấu ấn toàn cầu của Nga và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo RT, học thuyết chính sách đối ngoại cập nhật của Nga có nhiều nội dung quan trọng chắc chắn sẽ được xem xét kỹ trong những tuần tới.
Hoà bình quốc tế
Học thuyết cập nhật nêu rõ những nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu lợi ích của Nga, trong đó cho biết, phương Tây sử dụng xung đột ở Ukraina “như một cái cớ để leo thang quan hệ chính sách chống Nga lâu đời và đã khơi mào một cuộc chiến hỗn hợp kiểu mới”.
Theo Mátxcơva, cuộc chiến hỗn hợp này tìm cách “làm suy yếu Nga bằng mọi cách có thể”, bao gồm làm suy yếu tiềm năng quân sự, kinh tế và công nghệ của nước này cũng như nhằm “giới hạn chủ quyền của Nga trong chính trị đối ngoại và đối nội đồng thời làm xói mòn sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga”.
Học thuyết chính sách đối ngoại cập nhật coi các chính sách chống Nga của phương Tây là rủi ro lớn với an ninh của Nga, cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại.
Nga kêu gọi tăng cường hợp tác giữa tất cả các quốc gia đang đối mặt với sức ép từ bên ngoài. Chỉ có những nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng quyền lực và lợi ích mới có thể đưa ra giải pháp cho “vô số vấn đề của thời đại chúng ta”.
Quan hệ với phương Tây
Học thuyết chính sách đối ngoại cập nhật của Nga khẳng định, nước này “không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”.
Nga mong muốn các cường quốc phương Tây “nhận ra sự vô ích của các chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền” để cuối cùng trở lại hợp tác thực chất với Nga dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. “Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác trên cơ sở như vậy” – văn bản cập nhật nhấn mạnh.
Bình đẳng cho tất cả các quốc gia
Nga đang tìm cách xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên các đảm bảo an ninh đáng tin cậy và cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, vị trí địa lý hay sức mạnh quân sự. Mátxcơva khẳng định, nên bác bỏ bá quyền trong quan hệ quốc tế, nên tránh bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác. Các quốc gia cũng phải từ bỏ bất kỳ tham vọng tân thực dân nào.
Nga kêu gọi “hợp tác rộng rãi” để vô hiệu hóa mọi nỗ lực của các quốc gia hoặc khối quân sự nhằm tìm kiếm sự thống trị quân sự toàn cầu. Tài liệu cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện các bước để tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân – cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác – bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.
Hướng tới hợp tác với Ấn Độ, Trung Quốc
Nga tin rằng sự hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có tầm quan trọng đáng kể với chính sách đối ngoại của nước này.
Cụ thể, Mátxcơva sẽ tìm kiếm “quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược” trong mọi lĩnh vực với Bắc Kinh và “quan hệ đối tác chiến lược ưu tiên” với New Delhi.
Hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ mở rộng sang “quan hệ đầu tư và công nghệ” cũng như thương mại và an ninh, bao gồm tăng cường năng lực của các bên trong chống lại “các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện”. Nga nỗ lực biến Á – Âu thành lục địa hòa bình, ổn định, tin cậy và thịnh vượng.
Hợp tác toàn cầu và khu vực
Nga tin tưởng có thể tìm thấy những người bạn và đối tác đáng tin cậy trên khắp thế giới, học thuyết cập nhật nêu rõ.
Nga đặc biệt coi nền văn minh Hồi giáo là thân thiện và tin rằng thế giới Hồi giáo có “triển vọng lớn” và có thể trở thành lực lượng độc lập, có ảnh hưởng trong một thế giới đa trung tâm. Nga cũng tìm cách thúc đẩy hợp tác với tất cả các chủ thể lớn trong khu vực, bao gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập và các nước khác.
Nga cũng đoàn kết với châu Phi trong mong muốn châu lục này có vị trí nổi bật hơn trên thế giới, xóa bỏ sự bất bình đẳng do “chính sách thực dân mới của một số quốc gia phát triển” gây ra. Tài liệu chiến lược đối ngoại cập nhật khẳng định, Nga sẵn sàng hỗ trợ cho chủ quyền và độc lập của các quốc gia châu Phi, thông qua hỗ trợ an ninh cũng như thương mại và đầu tư.
Ở Mỹ Latinh, Nga đặt mục tiêu phát triển quan hệ “trên cơ sở thực dụng, phi tư tưởng hóa và cùng có lợi”, cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có với các quốc gia như Brazil, Cuba và Venezuela. Mátxcơva cũng sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với Nga.
T.P