Rốt cuộc Chủ tịch Trung
Quốc Hồ Cẩm Đào đã tham dự “Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân” lần thứ
nhất diễn ra tại Oasinhton. Tại hội nghị lần này, các bên chủ yếu thảo luận các
vấn đề như mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, biện pháp đối phó của các nước và
cộng đồng quốc tế, cũng như vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế
(IAEA) trong lĩnh vực an ninh hạt nhân. Thế nhưng cùng với những vấn đề quan
trọng này, còn một vấn đề khác mà tầm quan trọng cũng như những vấn đề trên
chính là quan hệ Trung-Mỹ với một loạt câu hỏi đang được đặt ra: trong thời
gian tới liệu quan hệ Trung-Mỹ có nhanh chóng được hàn gắn và khôi phục? Hành
động Mỹ dựa vào tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) cũng như một loạt các vấn đề khác
liên quan đến lợi ích hạt nhân của Trung Quốc để thách thức Trung Quốc liệu
đã dừng lại?…
Các nhà quan sát quốc
tế nêu rõ sau khi Barrack Obama lên nắm quyền nước Mỹ, giữa Trung Quốc và Mỹ
từng xuất hiện thời kỳ “trăng mật” ngắn ngủi: Nhưng từ đầu năm 2010 đến nay,
quan hệ Trung-Mỹ bất ngờ có những thay đổi lớn theo hướng tiêu cực mà cơ bản là
xuất phát từ nhiều hành động của phía Mỹ như Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Obama
gặp gỡ Đạtlai Lạtma (lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng lưu vong, nhân vật
Trung Quốc coi là đứng đằng sau thao túng các vụ bạo loạn tại Tây Tạng), va
chạm mậu dịch và vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. Có thể nói dường như tất cả
những vấn đề quan trọng từng gây phiền hà cho quan hệ Trung-Mỹ trong suốt 30
năm qua cùng lúc được bộc lộ. Throng đó vấn đề Tây Tạng, vấn đề Đài Loan và vấn
đề mậu dịch (trade), gọi tắt là vấn đề “3T” luôn là nổi cộm nhất và ảnh hưởng
nhiều nhất đến quan hệ Trung-Mỹ từ trước đến nay. Còn tranh cãi giữa Trung
Quốc và Mỹ quanh vấn đề tỷ giá đồng NDT, mặc dù đã có từ lâu nhưng bắt đầu từ
đầu năm 2010, Mỹ mới gây sức ép toàn diện, mưu đồ ép Trung Quốc khuất phục,
đây là điều hiếm thấy từ trước đến nay.
1. Obama “khơi mào” cuộc chiến tỷ giá Trung – Mỹ
Đầu năm nay, Obama đã
nổ phát súng đầu tiên “khơi mào” cho cuộc chiến tỷ giá Trung – Mỹ. Ngày
22/01/2010, trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện Mỹ,
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố Tổng thống Obama tin rằng
Trung Quốc đang “thao túng” tỷ giá đồng nhân dân tệ. Sau đó, hồi trung tuần
tháng 3 vừa qua, tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã công
khai đáp trả: giá trị của đồng nhân dân tệ hoàn toàn không bị định giá thấp.
Ông Ôn Gia Bảo còn nêu rõ những năm gần đây, thông qua ổn định tỷ giá đồng nhân
dân tệ, Trung Quốc đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế thế giới, đồng
thời nhấn mạnh tỷ giá đồng nhân dân tệ là do trong nước quyết định, còn thay
đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ luôn là phương hướng nhất quán của Trung Quốc.
Thế nhưng dường như Mỹ
đã sớm có sự chuẩn bị trước đối với hành động và tuyên bố của phía Trung Quốc.
Ngay sau đó, phía Mỹ liền gây sức ép toàn diện, khoảng 130 nghị sĩ Quốc hội Mỹ
đã cùng ký tên và đệ trình Quốc hội Mỹ một “đề án”, trong đó phản đối Trung
Quốc “thao túng tỷ giá”. Thượng nghị sĩ bang Niu Yóoc Charles Schumer còn
“hùng hồn” hơn, tại một cuộc họp báo, Charles Schumer đã công bố cái gọi là “đề
án Schumer” được nâng cấp, đồng thời khởi động trình tự lập pháp, theo đó đe
dọa nếu như đồng nhân dân tệ không tăng giá, thì tất cả hàng hóa của Trung
Quốc đi vào thị trường Mỹ đều phải nộp thêm khoản thuế tỷ giá là 27,5% và
Trung Quốc sẽ phải hứng chịu những đòn trả đũa mang tính chính sách của Mỹ.
“Đề án Schumer” yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ phân biệt rõ “quốc gia tỷ giá hối đoái không tương xứng
mang tính căn bản” và thực hiện một loạt chế tài đối với những quốc gia này,
trong đó bao gồm cả khả năng thay đổi sự thừa nhận nền kinh tế thị trường đối
với những quốc gia này. Đồng thời “đề án Schumer” còn cấm Chính phủ Mỹ mua hàng
hóa và dịch vụ của những quốc gia này, trừ phi những quốc gia này là bên tham
gia ký kết “Hiệp ước mua sắm Chính phủ” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sau một
năm, tại các quốc gia này chưa thể áp dụng chính sách thích hợp, Chính phủ Mỹ
sẽ cấm các công ty và chủ đầu tư tư nhân Mỹ ở hải ngoại tham gia đầu tư, góp
vốn cho những dự án của các quốc gia này, đồng thời phản đối dự án góp vốn ngân
hàng đa phương mới.
2. Tấn công Trung Quốc – biện pháp Mỹ giảm gánh nặng nợ
Đối mặt với những thách
thức nghiêm trọng này, hiển nhiên chính phủ Trung Quốc cũng đã có những đòn
đáp trả, như phản đối Chính phủ Mỹ lợi dụng tỷ giá đồng đôla Mỹ làm công cụ
chiến lược đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra thông tin
có khả năng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ không tham dự “Hội nghị thượng đỉnh an ninh
hạt nhân” lần thứ nhất tại Oasinhton. Trong bối cảnh này, ngày 3-4, Bộ trưởng
Tài chính Mỹ Timothy Geiner bất ngờ đưa ra tuyên bố đối ngoại: trì hoãn việc
công bố “Báo cáo tình hình chính sách tỷ giá ngoại hối”, vốn có kế hoạch công
bố vào ngày 15/4/2010. Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, trong “Báo
cáo” của Timothy Geiner nhiều khả năng coi Trung Quốc là “quốc gia thao túng
tỷ giá”, gây ra ảnh hưởng bất lợi cho quan hệ kinh tế, mậu dịch Trung – Mỹ. Còn
năm nay, Mỹ từng tuyên bố đưa ra bản báo cáo này, một khi kết hợp với “đề án
Schumer” đã được nâng cấp như đã trình bày ở trên, quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ,
thậm chí là quan hệ chiến lược giữa hai nước thụt lùi toàn diện là điều khó
tránh khỏi. Giờ đây, phía Mỹ đã chủ động rút lui trong bước đi gây sức ép toàn
diện với Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đã tới Mỹ tham dự
“Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân”, đã phản ánh rõ hai nước Trung – Mỹ sau
khi trải qua những trắc trở, đang dần quay trở lại quỹ đạo hợp tác, tình thế bế
tắc cũng có phần được tháo gỡ. Thế nhưng, một điều chắc chắn rằng xu thế chung
Mỹ yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ sẽ không thay đổi.
Về vấn đề Mỹ nóng vội
như vậy trong việc gây sức ép Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ, hầu hết
các học giả kinh tế Trung Quốc cho rằng ít nhất có bốn lý do lớn.
Thứ nhất, nhìn từ mục
tiêu ngắn hạn, Trung Quốc chỉ cần liên hệ đến kế hoạch của Mỹ do Chính quyền
Obama đưa ra là tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu trong vòng 5 năm tới, cũng như
sự phụ thuộc cao độ vào xuất khẩu trong quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ,
thì đã có thể thấy việc các chính khách quan trọng của Mỹ gây sức ép với Trung
Quốc, thị trường nhiều khả năng trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của hàng
hóa Mỹ, yêu cầu Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ là rất rõ ràng.
Thứ hai, cùng với suy
thoái của kinh tế toàn cầu, con số thâm hụt tài chính khổng lồ của Mỹ cũng như tỷ
lệ thất nghiệp trong nước Mỹ, khiến rất nhiều người Mỹ lo ngại về khoản trái
phiếu Mỹ mà Trung Quốc có trong tay. Một mặt người Mỹ lo ngại Trung Quốc bất
ngờ giảm bớt lượng nắm giữ trái phiếu sẽ tạo ra đòn tấn công rất lớn đối với
nền kinh tế Mỹ. Mặt khác cũng lo ngại sự gia tăng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc
nắm giữ trong tay sẽ khiến cho sự phụ thuộc tài chính của Mỹ vào Trung Quốc
gia tăng. Vậy là gây sức ép để đồng nhân dân tệ tăng giá, khiến cho giá trị
trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc có trong tay thu hẹp ở mức độ lớn, trở thành biện
pháp chiến lược quan trọng để Mỹ giảm bớt nợ nần.
Thứ ba, đồng nhân dân
tệ đang tiến theo phương hướng thực hiện tự do chuyển đổi và trở thành đồng
tiền quốc tế quan trọng, điều này không chỉ khiến cho nhu cầu của quốc tế đối
với đồng đôla Mỹ giảm mạnh, mà khá nhiều nước có kim ngạch mậu dịch lớn với
Trung Quốc, trong đó bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga do ngày càng nhiều
giao dịch thương mại được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, cho nên giảm bớt sự
lệ thuộc vào đồng đôla Mỹ, từ đó khiến cho địa vị quốc tế của đồng đôla Mỹ,
thực tế cũng chính là địa vị bá chủ toàn cầu của Mỹ chịu sự đe dọa nghiêm
trọng. Vì thế, đối mặt với Trung Quốc ngày càng trỗi dây, kiên trì vấn đề tỷ
giá đồng nhân dân tệ, ép Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ, gây sức ép đối
với đồng nhân dân tệ, bảo vệ địa vị đồng tiền quốc tế của đồng đôla Mỹ, có thể
nói là sự lựa chọn tất yếu của Mỹ.
Thứ tư, giống như
chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới, Chủ tịch Morgan Stanley (Công ty dịch vụ
tài chính toàn cầu, có trụ sở tại Niu Yóoc) khu vực châu Á Stephen S.Roach từng
nói Bộ Tài chính Mỹ sở dĩ đưa ra “Báo cáo tỷ giá quốc tế” chủ yếu nhằm vào đồng
nhân dân tệ của Trung Quốc chính là muốn để cho Mỹ có một công cụ thoái thác
trách nhiệm. Chức năng lớn nhất của báo cáo này là khiến cho Mỹ có thể tiếp tục
phủ nhận vai trò chủ yếu của Mỹ gây ra sự mất cân bằng trong toàn cầu. Không ít
chuyên gia kinh tế quốc tế bao gồm cả Stephen S.Roach đều chỉ rõ tỷ lệ dự trữ
quá thấp của Mỹ là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mất cân bằng kinh tế toàn cầu,
nhất là cả nước Mỹ căn bản không có dự trữ. Năm 2009, chỉ tiêu chủ yếu đánh giá
dự trữ trong nước của Mỹ – tỷ lệ tịnh dự trữ quốc dân (so sánh tịnh kim ngạch
dự trữ quốc dân với thu nhập quốc dân), giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử,
âm 2,5%.
3. Tỷ giá đồng NDT ổn định có lợi cho hai nước Trung – Mỹ
Vì thế, các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng
Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế quan trọng trên thế giới, xuất phát từ lợi
ích của mỗi nước, trong các vấn đề nhạy cảm bao gồm cả vấn đề tỷ giá đồng nhân
dân tệ của Trung Quốc, hai nước thường xuyên xảy ra va chạm và tranh cãi. Vấn
đề là Trung Quốc ngoài việc phải học được cạc dùng nhãn quan chính trị để nhìn
nhận vấn đề kinh tế quan trọng ra, còn cần phải đưa ra những báo cáo quyền uy
xuất phát từ nghiên cứu thực tiễn, khiến cho ngày càng nhiều hơn người Mỹ hiểu
rõ: bảo đảm duy trì tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định không chỉ có lợi cho Trung
Quốc, mà còn là nhân tố không thể thiếu đảm bảo cho Mỹ duy trì tỷ lệ lạm phát
thấp và thậm chí là kinh tế ổn định lâu dài. Cách đây chưa lâu, Thứ trưởng Bộ
Thương mại Trung Quốc Trọng Sơn trong thời gian thăm Mỹ đã có bài viết mang
tựa đề “Đấu tranh mậu dịch Trung – Mỹ” đăng trên tờ “Nhật báo phố Uôn” nêu rõ
nếu như không có hàng tiêu dùng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, vật giá Mỹ mỗi
năm sẽ tăng 2%, điều này đủ để khiến nhân sĩ trí thức và lãnh đạo nước Mỹ lo
ngại.
Comments are closed.