Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTRUNG QUỐC QUAY LẠI CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO THỰC DỤNG TRONG QUAN...

TRUNG QUỐC QUAY LẠI CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO THỰC DỤNG TRONG QUAN HỆ VỚI MỸ

Việc Chủ tịch
Hồ Cẩm Đào tham dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân quốc tế tại Mỹ đã đưa ra tín
hiệu về việc quay lại chủ nghĩa thực dụng của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ.
Do vậy, mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Oasinhton – tạo ra bởi phản ứng
của Trung Quốc trước quyết định bán vũ khí cho Đài Loan và việc gặp Đạtlai
Lạtma của chính quyền Obama, cộng với việc Mỹ cho rằng Bắc Kinh “thao túng tiền
tệ không hợp lý” – đã nhanh chóng giảm đi.

Bình luận của
tờ “Bưu điện Hoa Nam
buổi sáng” cho hay Trung Quốc đã hội nhập vào cộng đồng thế giới một cách rộng
rãi và toàn diện. Việc dự hội nghị thượng đỉnh trên của ông Hồ Cẩm Đào có thể
không đáng ngạc nhiên, nhưng đó là một quyết định hết sức có ý nghĩa. Trong bối
cảnh cuộc tranh luận gay gắt tại Trung Quốc về cách thức phản ứng đối với việc
Mỹ vi phạm những lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh – Đài Loan và Tây Tạng được coi
là những lợi ích đó của Trung Quốc – và sự chia rẽ của tầng lớp trên ở Trung
Quốc, quyết định trên đã thể hiện một sự đồng thuận mới và là sự chấm dứt cho
cuộc tranh luận theo chủ đề trên ở nội bộ Trung Quốc.

Có thể tưởng
tượng sức nặng về chính sách rất lớn đè lên các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung
Quốc, vì chúng ta biết được rằng có một số lớn quan chức Trung Quốc phản đối
việc ông Hồ Cẩm Đào tham dự hội nghị trên. Những người phản đối này cho rằng
đây là sự nhượng bộ một phía trước sự chà đạp lên “sự toàn vẹn lãnh thổ” của
Trung Quốc.

Quan hệ Trung
– Mỹ trong năm ngoái đã thể hiện một sức sống hiếm thấy. Tổng thống Mỹ Barrack
Obama đã dùng những lời lẽ nồng ấm để miêu tả quan hệ song phương này là mối
quan hệ quan trọng và có ý nghĩa nhất trên thế giới. Ông kêu gọi người đồng cấp
Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn nữa, đồng thời gánh vác thêm trách nhiệm, chia
sẻ vai trò lãnh đạo thế giới với Mỹ khi giải quyết các thách thức mang tính
toàn cầu.

Chuyến thăm
Bắc Kinh vào tháng 11/2009 và sự “nhiệt tình Trung Quốc” của Obama đã làm
người Trung Quốc rất phấn khích, đồng thời ông nhận được sự quan tâm của người
Trung Quốc hơn bất cứ tổng thống Mỹ nào trước đây. Chủ nghĩa lạc quan đã chiếm
ưu thế trong quan hệ Trung – Mỹ. Hầu hết các nhà phân tích đều tin rằng cả hai
bên có thể thúc đẩy “mối quan hệ làm việc” một cách hợp tác, mang tính xây dựng
và toàn diện hơn. Tuy nhiên, vấn đề đã nhanh chóng tồi tệ đi, với quyết định
bán vũ khí của Oasinhton cho Đài Loan trong tháng 1/2010 và việc Obama gặp
Đạtlai Lạtma vào tháng 2. Bắc Kinh đã phản ứng một cách quyết liệt, kể cả tuyên
bố các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ liên quan tới việc bán vũ
khí cho Đài Loan, đồng thời cáo buộc Nhà Trắng đã đưa ra những quyết định làm
tổn hại tới “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Tuy vậy, việc Mỹ bán vũ
khí cho Đài Loan đã diễn ra trong suốt 30 năm qua, và các tổng thống Mỹ đã gặp
Đạtlai Lạtma trong 18 năm qua. Việc phản đối của Trung Quốc trong năm nay
dường như mạnh hơn so với trước đây.

Lý do đằng sau
việc Trung Quốc tỏ ra nổi giận có thể dễ dàng nhận thấy như sau: Thứ nhất, hầu
hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nghĩ rằng sự “nhiệt tình Trung Quốc” của
ông Obama chỉ là một sự hoa mỹ chứ không mang tính thực chất. Những bước tụt
lùi mạnh này đã dấy lên câu hỏi ở Bắc Kinh về sự cải thiện thực chất trong quan
hệ song phương với Oasinhton. Có thể không ai ở Oasinhton tỏ ra ngạc nhiên về
quyết định bán vũ khí cho Đài Loan, vì vấn đề này không ảnh hưởng tới quan điểm
“một Trung Quốc” bây lâu nay của Mỹ. Bán vũ khí cho Đài Loan là một phần trong
chính sách đó của Mỹ. Còn việc gặp Đạtlai Lạtma là một khía cạnh chính trị, vì
không một tổng thống Mỹ nào muốn tạo ra một ấn tượng rằng họ phải cúi đầu trước
đòi hỏi của Trung Quốc.

Bắc Kinh trong
khi đó lại có những lập luận hoàn toàn khác so với Mỹ trong vấn đề này. Đối với
ông Hồ Cẩm Đào, không có gì quan trọng hơn là vấn đề Đài Loan và Tây Tạng một
khi ông muốn để lại một “di sản” và củng cố thêm sự ủng hộ đối với mình. Sự
thúc đẩy của Bắc Kinh đối với hai vấn đề này là việc tiếp tục các chính sách
chính trị đối nội. Ngay tại nước Mỹ, chính trị đối nội từ lâu đã là ưu tiên của
Mỹ trong mọi vấn đề.

Lý do thứ hai
của việc Bắc Kinh ngày càng không chấp nhận việc bán vũ khí cho Đài Loan và
việc gặp Đạtlai Lạtma là vì một sự thực: quan hệ Trung – Mỹ đã trở thành quan
hệ cộng sinh. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, việc sở hữu
một lượng lớn trái phiếu ở Mỹ của Bắc Kinh và việc Mỹ ngày càng cần có sự hợp
tác của Trung Quốc đã tạo ra một tâm lý nhiều chiều trong người Trung Quốc
giữa sự tin cậy và thất vọng. Họ cho rằng nước Mỹ cần phải đối xử tốt với Trung
Quốc trong khi nước này đã làm nhiều việc tốt cho Mỹ, như việc đầu tư vào thị
trường trái phiếu Mỹ và cùng kích thích nền kinh tế thế giới. Dường như người
Trung Quốc cảm thấy họ ở vị trí tốt hơn để tìm kiếm sự thay đổi có lợi cho họ.
Đối với người Trung Quốc, lập trường cứng rắn của Mỹ là không phản ánh đúng
bản chất của mối quan hệ cộng sinh Trung – Mỹ mới, và không thừa nhận vai trò
quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Hơn nữa, người
Trung Quốc nghĩ rằng đòi hỏi thay đổi là sự công bằng, vì Trung Quốc không
dính với những thách thức thực sự của Mỹ, nhưng đã hỗ trợ và đạt được sự hợp
tác Trung – Mỹ. Điều mỉa mai là phản ứng quyết liệt của Trung Quốc và sự kiên
quyết bác bỏ việc tăng giá đồng nhân dân tệ đã được cho là “thách thức thực sự”
đối với Mỹ, ít nhất là trong lĩnh vực chính trị. Chính quyền Obama đã không có
dự định này, và xã hội Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi chính sách truyền thống
trong khi đối phó với Trung Quốc.

Việc tham dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân lần này
cho thấy Bắc Kinh đang bình tĩnh trở lại. Mặc dù có những ảnh hưởng ngoài lề và
sự thất vọng, Trung Quốc vẫn không muốn làm hỏng mối quan hệ đối với
Oasinhton, trong khi lại muốn thúc đẩy quan hệ cộng tác giữa hai cường quốc.
Trong khi kiên quyết mở rộng lợi ích tập trung trong quan hệ với Mỹ và củng cố
hợp tác trong các vấn đề quốc tế, chủ nghĩa thực dụng của Bắc Kinh một lần nữa
lại trỗi dậy. Tương tự, lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Iran
ngày càng có tính hỗ trợ hơn. Tuy nhiên, chuyên gia trong nước có quan điểm
khác biệt sẽ tạo ra các ảnh hưởng khác nhau đối với những ưu tiên trong chính
sách của chính phủ. Ở thời điểm ông Hồ Cẩm Đào dường như sẽ lại chìa bàn tay
nồng ấm cho Obama, quan hệ Trung – Mỹ sẽ còn đối mặt với nhiều thử thách trong
tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới