Kỳ I.
Ngày 17-4-2010, tình cờ tôi đọc bài “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của bà Đỗ Lai Bích, một nghiên cứu sinh tại Mỹ, trên trang mạng của BBC tiếng Việt. Trong bài này, bà Đỗ Lai Bích nói nhiều chuyện, trong đó có ý kiến cho rằng : cho đến trước năm 1974, Việt Nam chưa chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không đủ cơ sở để khẳng định hai quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bài viết của bà Đỗ Lai Bích đã khiến độc giả trong và ngoài nước phẫn nộ gửi phản hồi trên trang mạng BBC tiếng Việt. Do đã có nhiều ý kiến phê phán hiểu biết non nớt về nhiều phương diện của bà Đỗ Lai Bích, tôi không phê phán thêm. Nhưng tôi thấy mình nên cung cấp một số thông tin về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để nhiều người hiểu rõ thêm hư thực về vấn đề hết sức phức tạp này.
Với tinh thần đó, tôi xin giới thiệu Đại sự ký của bà Monique Chemilier – Gendreau, một giáo sư nổi tiếng người Pháp, trong cuốn sách “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” mà bà là tác giả thành một bản Đại sự ký đơn giản, trong đó nêu những sự kiện thật nổi bật nhất liên quan đến việc Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này để nhiều nguời cùng biết.
I. TRƯỚC THỜI KỲ THUỘC ĐỊA :
Việc biết đến các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa) chắc chắn là đã có từ rất lâu. Nó đã được chứng minh bằng rất nhiều ghi chép trong các tác phẩm lịch sử. Nhưng, sự hiểu biết về các quần đảo này – xuất phát từ sự phát hiện của những người đi biển khác nhau – đã được nêu trong các câu chuyện kể lại về những chuyến đi hoặc xuất phát từ các bản đồ, cho tới tận thế kỷ XVIII, không có hệ quả pháp lý nào.
Những người đánh cá từ các quốc gia láng giềng khác nhau thường xuyên lui tới các đảo này trong hàng thế kỷ.
Những người đi biển có nguồn gốc xa hơn (người Ấn Độ, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan) đã biết và nói về các đảo này từ lâu. Trong số đó, có các nhà hàng hải Pháp xuống tàu từ cảng La Rochelle, ngày 7-3-1568, cùng với các nhà bác học dòng Tên, đi Viễn Đông. Họ đã đến Hoàng Sa.
Hai quần đảo trở nên nổi tiếng trong các biên niên sử hàng hải đối với vụ đắm tàu “Amphitrite” dưới thời vua Louis XIV trong khi đi từ nước Pháp sang Trung Quốc (1698) các văn bản cổ Trung Quốc từ những giai đoạn trước thế kỷ XVIII có nhắc tới sự tồn tại của các đảo mà các thủy thủ Trung Quốc đã biết đến từ lâu.
– Qua các tư liệu, sử sách (Phủ biên tạp lục của Nhà bác học Lê Quý Đôn năm 1776; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất Thống chí) từ cuối Thế kỷ XVI đến Thế kỷ XVII (thời Chúa Nguyễn) đã hình thành đội Hoàng Sa, hàng năm đi làm nhiệm vụ ở Quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa đã tiến hành một cách liên tục các hoạt động khai thác, quản lý quần đảo Hoàng Sa cho đến giữa Thế kỷ thứ XIX. Lực lượng chính tham gia các đội Hoàng Sa là người An Vĩnh (thuộc Đảo Lý Sơn và xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Các dấu tích về đội Hoàng Sa hiện vẫn được lưu giữ ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (Sắc chỉ, Châu bản, miếu thờ….).
– Năm 1816 : Hoàng đế Gia Long long trọng khẳng định chủ quyền của các vua An Nam trên các quần đảo (Hoàng Sa và Trường Sa).
– Triều Minh Mạng nối ngôi Hoàng đế Gia Long tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của ông.
– Năm 1833-1834 : Vua Minh Mạng có Chiếu dụ xây dựng bia và lập bản đồ quần đảo.
– Năm 1835-1836 : Các công trình trên đảo được tiến hành dưới sự quản lý của nhà vua.
– Năm 1848-1849 : Quản lý hành chính các đảo được duy trì, nó có mục đích địa lý nhằm mang lại sự hiểu biết tốt nhất về các hải trình. Nó cũng có mục đích tài chính để thu thuế ngư dân trong vùng.
II. THỜI KỲ XÂM CHIẾM THUỘC ĐỊA CỦA PHÁP CHO TỚI CUỐI CHIẾN TRANH THẾ GIỚI LẦN THỨ HAI :
Sự thống trị của Pháp được bắt đầu bằng hiệp ước đầu tiên về chế độ bảo hộ ký tại Sài Gòn ngày 15-3-1874, được xác nhận bằng hiệp ước ấn định dứt khoát chế độ bảo hộ (Hiệp ước Patenôtre) ký tại Huế ngày 6-6-1884 và đã mang lại cho nước Pháp những thẩm quyền quan trọng trong một số lớn lĩnh vực.
Về phương diện ranh giới lãnh thổ, nước Pháp thực hiện quyền kiểm soát của mình ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Quân đội Pháp có thể lui tới tất cả các nơi trên lãnh thổ của Vương quốc.
Ngày 17-10-1887 : Liên hiệp Đông Dương được thành lập biến thành một chính quyền thuộc địa, nằm dưới quyền của Toàn quyền Paul Doumer. Quyền lực cơ bản của Hoàng đế từ nay được chuyển vào tay Khâm sứ.
Các sự kiện liên quan đến quần đảo này hay quần đảo kia trong thời kỳ này là những sự kiện sau :
– Năm 1881-1884 : Người Đức tiến hành nghiên cứu có hệ thống tình hình thủy văn của quần đảo Hoàng Sa (như họ đã làm trên toàn bộ biển Trung Hoa) mà không có yêu sách nào về chủ quyền đi theo.
– Ngày 26-6-1887 : Pháp và Trung Quốc ký kết Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.
Văn bản này tuyên bố : “Tại Quảng Đông, hai bên đồng ý rằng những điểm tranh chấp ở phía Đông và Đông Bắc Móng Cái, ở phía bên kia đường biên giới được quy thuộc về Trung Quốc. Những hòn đảo nằm ở phía Đông đường kinh tuyến Paris 105043’Đông, nghĩa là của đường thẳng Bắc – Nam đi qua mũi phía Đông của đảo Tch’a-Kou Ouanchan (Trà Cổ) và tạo thành biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Cô Tô và những hòn đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam”.
– Năm 1895-1896 : Hai vụ đắm tàu xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa vào những năm đó đã gây ra sự tranh cãi. Đó là vụ đắm tàu Đức “Bellona” và vụ đắm tàu của Nhật “Imegi Maru”. Hai chiếc tàu vận chuyển đồng này do các công ty Anh bảo hiểm. Không thể cứu được hàng hóa trên tàu. Hàng hóa bị bỏ lại tại chỗ. Những người đánh cá Trung Quốc đã cướp lấy hàng hóa, và dùng thuyền buồm và xuồng vận chuyển hàng hóa đến đảo Hải Nam để bán lại cho các chủ tàu thuyền.
Các công ty bảo hiểm tìm cách lên án những người phải chịu trách nhiệm, đã thúc đẩy đại diện nước Anh tại Bắc Kinh và lãnh sự tại Hoihow phản đối.
Các quan chức Trung Quốc ở địa phương (Tổng đốc Lưỡng Quảng) đã cãi lại bằng cách trút bỏ mọi trách nhiệm với lý do là quần đảo Hoàng Sa, theo họ là các đảo đã bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc cũng không thuộc về An Nam, và về hành chính các đảo đó không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam và không có nhà chức trách đặc biệt nào “phụ trách về an ninh trên các đảo đó”.
– Năm 1899 : Toàn quyền Paul Doumer ra lệnh xây một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Việc nghiên cứu do các cơ quan kỹ thuật của chính quyền thuộc địa tiến hành. Nhưng việc đó không được thực hiện vì thiếu ngân sách.
Còn tiếp Kỳ II.