Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA KỲ IV

Kỳ I: http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/147-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ II:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/153-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ III:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/159-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ IV (tiếp theo)

PHẦN B. BÌNH
LUẬN VỀ CÁC LUẬN CỨ CỦA CÁC HỌC GIẢ TRUNG QUỐC NÊU TRONG CUỐN TỔNG HỢP SỬ LIỆU:

Để có thể đánh giá
chính xác về cái gọi là các luận cứ về việc Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất, đặt
tên sớm nhất, quản hạt và thực thi chủ quyền sớm nhất đối với hai quần đảo Tây
Sa và Nam Sa (tức là Hoàng Sa và Trường Sa), chúng ta cần xem xét các bằng chứng
lịch sử, được các tác giả cuốn Tổng hợp
sử liệu
trích dẫn để hình thành nên các luận cứ này, trên bình diện khoa học,
pháp lý và chính trị, cụ thể là :

I. TRÊN BÌNH DIỆN
KHOA HỌC VÀ LỊCH SỬ :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đã hình thành các luận
cứ của mình một cách hết sức không khoa học, cụ thể là :

1. Về việc sử dụng tư liệu :

Các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu sử dụng và trích dẫn các
sách và tài liệu cổ rất tuỳ tiện. Để chứng minh là Trung Quốc có nhiều bằng chứng
lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là Hoàng Sa và
Trường Sa), các tác giả cuốn Tổng hợp sử
liệu
trích dẫn hàng trăm cuốn sách và tài liệu cổ. Tuy vậy, không có cuốn sách
và tài liệu cổ nào nói trực tiếp đến Tây Sa và Nam Sa; không một cuốn sách và tài
liệu cổ nào nói đến việc Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo thuộc Tây Sa và
Nam Sa. Chỉ có một trích dẫn hiếm hoi về sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn “khảo sát” và
“kéo cờ, bắn súng” biểu thị sự “chiếm hữu” đảo Tây Sa vào năm 1909 là có nhắc đến
địa danh Tây Sa, nhưng trước đó hàng thế kỷ quần đảo Tây Sa đã thuộc lãnh thổ
Việt Nam với tên gọi “Bãi cát vàng” hay “Hoàng Sa”.

Các sách và tài liệu
cổ được nêu trong cuốn Tổng hợp sử liệu chủ yếu là loại sách địa chí và hàng hải
liên quan đến các nước ngoài cương vực Trung Quốc. Một số sách nói về hoạt động
của ngư dân Trung Quốc ngoài biển. Có vài cuốn do những người thật sự đi biển
viết hoặc kể lại như Sai Thắng lãm của
Phí Tín, Doanh Nhai thắng lãm của Mã
Hoan, là hai người đã đi theo Trịnh Hoà khảo sát Ấn Độ Dương. Một số sách ghi
theo lời kể của người khác như Hải lục do Dương Bính Nam đời Thanh ghi theo lời
kể của Tạ Thanh Cao (1765-1821), là một thuỷ thủ Trung Quốc đã làm việc nhiều năm
trên các tàu nước ngoài và thông thạo các đường biển ông đã đi qua và các nước
vùng Đông Nam Á. Có một số cuốn sách do những người Trung Quốc đi sứ ở vùng Đông
Nam Á viết như “Phù Nam truyện” của sứ giả nhà Ngô là Khang Thái đi Phù Nam,
“Chân Lạp phong thổ ký” của sứ giả Chu Đạt, là quan nhà Nguyên ghi chép tuyến đường
biển từ Ôn Châu sang Chân Lạp, “Hải Quốc Quảng ký” của Thận Phàn ghi chép hành
trình Ngô Huệ đời Minh đi sứ Chiêm Thành, “Tuỳ Thư” ghi chép việc Thường Tuấn,
sứ giả nhà Tuỳ, đi qua biển Đông. Một số cuốn sách khác là do những người không
thực sự qua biển Đông mà chỉ ghi chép theo những điều “nghe và thấy” chẳng hạn
như cuốn “Đông Tây Dương Khảo” của tác giả Trương  Nhiếp : hỏi những người từ phương xa tới gặp ở
bến cảng.

Một điểm yếu to lớn
trong những luận cứ của các tác giả cuốn Tổng
hợp sử liệu
là khẳng định rằng các triều đại Trung Quốc xác lập chủ quyền đối
với các quần đảo ở Nam Hải (biển Đông) từ lâu đời nhưng không đưa ra được bằng
chứng lịch sử xác thực nào từ chính sử của các triều đại Trung Quốc. Trong một
số trường hợp hiếm hoi, các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu có trích dẫn  chính sử như trích Nguyên sử về sự kiện Quách
Thủ Kính quan trắc thiên văn tại một số địa điểm ở cả trong lãnh thổ Trung Quốc
và ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhưng lại xuyên tạc là Quách Thủ Kính quan trắc
thiên văn trong lãnh thổ Trung Quốc và coi đó hành động thực thi chủ quyền.

Việc cuốn Tổng hợp sử liệu trích dẫn hàng trăm
cuốn sách của các cá nhân, học giả cũng không khắc phục được điểm yếu căn bản
này. Bởi vì, những cuốn sách của các cá nhân, học giả viết với tư cách cá nhân
chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị khẳng định chủ quyền. Vả lại, nghiên
cứu các ghi chép của các học giả, cá nhân được trích dẫn trong cuốn Tổng hợp sử
liệu cho thấy những ghi chép về các chuyến đi, các chuyên khảo và các sách hàng
hải, của dân chài Trung Quốc hoặc của sứ thần Trung Quốc ở nước ngoài chỉ thể
hiện hiểu biết về địa lý của người xưa liên quan không chỉ tới lãnh thổ của
Trung Quốc mà còn liên quan tới lãnh thổ của các nước khác.

2. Về phương pháp làm việc và nghiên cứu :

Phương pháp làm việc
và nghiên cứu được các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu sử dụng nhất quán là dùng
các thủ thuật như : suy luận vô căn cứ, biến không thành có; cắt xén, xuyên tạc
và một số thủ thuật phi khoa học khác.

Từ các mô tả mơ hồ
và không chính xác về địa lý và hàng hải trong các tài liệu của các cá nhân, các
tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu suy diễn một cách hết sức chủ quan để rút ra kết
luận là Trung Quốc đã phát hiện ra hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa. Chỉ từ các cụm
từ như “từ thạch”  và “các đảo đá san hô,
với nền là đá tảng, san hô mọc trên”, các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu coi đó
là Tây Sa và Nam Sa. “Nam Duệ di vật chí” viết thế kỷ thứ nhất chỉ nói đến việc
ngư dân Trung Quốc bắt được rùa và đồi mồi, “Hoàng Châu ký” chỉ nói “người xưa
bắt cá trong biển được san hô” nhưng được suy diễn thành người Trung Quốc đã
“khai phá và kinh doanh sớm nhất” các đảo Nam Hải (biển Đông). Chuyến đi của hải
quân nhà Tống sang Ấn Độ Dương, phái thuyền binh ra phòng ngự cướp biển ở ven bờ
đảo Hải Nam của Vương Tá đời Minh, cuộc tuần tra ven bờ của đảo Hải Nam của phó
tướng Ngô Thăng đời Thanh được suy diễn là “Từ đời Minh, Thanh trở đi, vùng biển
quần đảo Tây Sa, Nam Sa vẫn được đặt vào phạm vi tuần tiễu của thuỷ quân Trung
Quốc.”

Qua cách diễn giải
của cuốn Tổng hợp sử liệu thì có thể
thấy rằng chính tác giả  cũng không biết
chính xác các tài liệu và sách vở mà họ trích dẫn nói đến các đảo, quần đảo
nào. Bởi vì, tên các đảo được nêu rất khác nhau và theo sự tưởng tượng phong
phú của những tác giả sách và tài liệu cổ. Có trường hợp, các tác giả cho rằng Cữu
Nhũ Loa Châu, Vạn Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường, Thất
Châu Dương, Thất Châu Sơn chính là Tây Sa và Nam Sa. Nhưng đôi khi chính họ lại
cho rằng địa danh Vạn Lý Thạch Đường là chỉ cả bốn quần đảo : Đông Sa, Tây Sa,
Trung Sa và Nam Sa.

Không ít trường
hợp, các nhà nghiên cứu Trung Quốc biến các đảo, đá ở các vùng biển của nước
ngoài ở biển Đông thành các các đảo và quần đảo của Trung Quốc. Các sách “Dị
vật chí” (nói về những điều lạ của các xứ nước ngoài), “Lĩnh ngoại đại đáp”
(ghi chú về nước ngoài) của Triệu Nhữ Quát, “Hải quốc văn kiến lục” (các điều
tai nghe mắt thấy về các nước hải ngoại), của Vương Bính Nam, “Hải quốc đồ chí”
(ghi chép về các nước ngoài và về hàng hải) của Nguỵ Nguyên), “Doanh hoàn chí
lược” (tổng quan về địa lý hoàn cầu) của Bành Ôn Chương, “Hải ngữ” của Hoàng
Trung là các tác phẩm rõ ràng là viết về các chuyến đi, nghiên cứu về hàng hải
và địa lý liên quan đến các nước bên ngoài Trung Quốc trong khoảng thời gian từ
đời Hán Đế đến đầu thế kỷ 20 (khoảng từ 25-1909). Chỉ bằng một thủ thuật đơn giản
là cắt xén các đoạn nói về vùng biển của nước ngoài, các tác giả của cuốn Tổng
hợp sử liệu nghiễm nhiên kết luận các đảo, đá nói trong các tài liệu nói trên là
các quần đảo Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc, nằm trong vùng biển của Trung Quốc.

Nhưng, các đảo, đá
được mô tả là của nước ngoài thì hiển nhiên không thể là của Trung Quốc. Kết
luận này được khẳng định bởi các tài liệu chính thức khác của Trung Quốc mô tả
và phân định lãnh thổ của Trung Quốc kết thúc ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam
như Quỳnh Châu Phủ chí (1731), Hoàng Triều Di Tông Tâm Lĩnh (1894), Đại Thanh
Di Đồ (1905). Các tài liệu này đã xác định rõ điểm mút phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc nằm ở
Nhai Châu, thuộc phủ Quỳnh Châu tỉnh Quảng Đông tại vĩ độ 18 13’N. Điều đó cũng
được khẳng định trong sách Giáo khoa địa lý Trung Quốc, Bắc Kinh năm 1906. Sách
này viết rõ ràng : “Phía Nam từ vĩ độ Bắc 18o13’, tận cùng là bờ
biển Nhai Châu đảo Hải Nam, phía Bắc đến vĩ độ Bắc 53o50’, tận cùng
là chỗ gặp nhau giữa sông Hắc Long Giang và sông U-xu-ri, phía Tây đến kinh
tuyến 42o11’; tận cùng là núi Tùng Lĩnh. Nam Bắc gồm hơn 36 vĩ độ,
dài hơn 8.800 dặm. Diện tích 32.605, 156 dặm vuông, chiếm 1/4 châu Á, 1/10 lục
địa thế giới, lớn hơn cả châu Âu”. Người ta không tìm thấy được một tài liệu chính
thức nào của Trung Quốc vào trước năm 1909 ghi chép về sự tồn tại của các quần
đảo nằm ngoài điểm cực Nam đảo Hải Nam.

Còn
tiếp Kỳ V

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới