Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCÔNG HÀM CỦA CỘNG HOÀ INDONESIA VỀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA...

CÔNG HÀM CỦA CỘNG HOÀ INDONESIA VỀ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ CỦA TRUNG QUỐC

Ngày 8 tháng 7 năm
2010, Phái đoàn thường trực của nước Cộng hoà Indonesia tại Liên hợp quốc đã
gửi công hàm số 480/POL-703/VII/10 cho Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản đối tấm
 bản đồ yêu sách hình chữ U (hay còn gọi
là đường đứt khúc 9 đoạn) kèm theo Công hàm số CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm
2009 của Phái đoàn thường trực của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, trong đó mô
tả cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với các đảo
trên biển Đông và các vùng nước kế cận, các quyền chủ quyền cũng như quyền tài
phán của nước này đối với các vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và
vùng đất dưới đáy biển.

I. Nội dung cơ bản Công hàm của Phái đoàn
thường trực Indonesia
:

Trong Công hàm của
mình, Phái đoàn thường trực của nước Cộng hoà Indonesia tại Liên hợp quốc nêu lên
một số nội dung chính sau đây :

“1. Indonesia
không phải là một quốc gia yêu sách trong cuộc tranh chấp chủ quyển ở Biển
Đông, và với vị thế đó, Indonesia đã đóng một vai trò trung lập nhưng cũng rất
tích cực trong việc xác định các biện pháp tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia
yêu sách và tạo ra một bầu không khí hoà bình thông qua một loạt các hội thảo
về Biển Đông kể từ năm 1990. Nỗ lực này cuối cùng đã mở đường cho việc thông
qua “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) vào
năm 2002;

2. Indonesia
cũng theo dõi sát sao cuộc tranh luận về tấm bản đồ trên – vốn được nhắc đến
với cái gọi là “bản đồ đường chín đoạn”. Cho đến nay vẫn chưa có được một sự
giải thích rõ ràng nào về cơ sở pháp lý, phương pháp vẽ bản đồ, cũng như quy chế
của “đường chín đoạn” đó. Dường như những đường đứt đoạn  đó có thể là các vùng biển của các đảo nhỏ
đang bị tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông). Bất kể chủ sở hữu của các
đảo đó là ai, Indonesia cũng mong muốn nhân cơ hội này đề cập tới quan điểm của
Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về các vấn đề liên quan đến vùng biển của các đảo nhỏ và đảo đá được thể hiện thông qua các tuyên bố sau:

a. Tuyên bố của
Trưởng đoàn nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ngài Đại sứ Chen Jinghua, tại
Phiên họp thứ 15 của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISBA) ở Kingston, Jamaica
vào tháng 6 năm 2009 nhấn mạnh rằng “Yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm
lục địa từ các đảo đá […] là điểm cơ bản liên quan đến các nguyên tắc quan
trọng của Công ước và lợi ích tổng thể của cộng đồng quốc tế”. Ngài Đại sứ tiếp
tục với việc viện dẫn tuyên bố của Đại sứ Arvid Prado của Malta rằng “nếu quyền
tài phán 200 hải lý có thể được dựa trên cơ sở quyền sở hữu các đảo rất nhỏ,
không người sinh sống và xa xôi thì hiệu quả của việc quản lý quốc tế đối với
vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ bị tổn hại nặng nề”.

b. Tuyên bố của
đoàn Trung Quốc tại Cuộc họp thứ 19 của các Quốc gia thành viên của Công ước luật
biển (SPLOS) được tổ chức tại New York từ ngày 22 – 26 tháng 6 năm 2009, nhắc
lại rằng “theo Điều 121 Công ước luật biển, các đảo đá không thích hợp cho con người
đến ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế
hay thềm lục địa.”

3. Áp dụng tuyên
bố nói trên của các đại diện nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào tình hình ở biển
Nam Trung Hoa (biển Đông), thì những đảo xa xôi hay rất nhỏ ở biển Đông không
có quyền được có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Việc cho phép sử dụng
các đảo đá, đá ngầm và đảo san hô không người ở, tách biệt với  lục địa và nằm giữa biển khơi làm điểm cơ sở
để hình thành không gian biển là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Công ước luật
biển và xâm phạm đến các lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế.

4. Do vậy, dựa vào
những tuyên bố trên, cái gọi là “bản đồ đường đứt đoạn” được kèm theo Công hàm
Số: CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 nói trên rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý
quốc tế và đi ngược lại các quy định của của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp
quốc.”

Phái Đoàn Thường
trực của nước Cộng hoà Indonesia yêu cầu phổ biến Công hàm nói trên tới tất cả
các thành viên của Ủy ban về Ranh giới Thềm Lục địa (CLCS) và tất cả Quốc gia thành
viên của Công ước luật biển của Liên hợp quốc cũng như tất cả các thành viên
của Liên Hợp Quốc.

II. Nhận xét về nội dung Công hàm của
Phái đoàn thường trực Indonesia
tại Liên hợp quốc :

1. Qua Công hàm nói
trên, Phái đoàn thường trực Indonesia
tại Liên hợp quốc giúp làm sáng tỏ một số điểm quan trọng :

i/ Trung Quốc không
có cơ sở pháp lý để giải thích, phương pháp vẽ bản đồ và cơ sở pháp lý của đường
yêu sách chữ U (hay còn gọi là đường đứt khúc 9 đoạn) được thể hiện trong tấm bản
đồ kèm theo Công hàm số CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Phái đoàn
thường trực của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc.

ii/ Luật biển quốc
tế không cho phép Trung Quốc sử dụng các đảo đá, đá ngầm và đảo san hô không
người ở, tách biệt với  lục địa và nằm giữa
biển Đông làm điểm cơ sở để yêu sách các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa. Bởi vì làm như vậy là :

– Vi phạm những nguyên
tắc của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc, cụ thể là điều 121 của Công ước,
trong đó quy định “các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không có
đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.”

– Trái ngược với
tuyên bố của đại diện nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Phiên họp thứ 15 của
Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISBA) ở Kingston, Jamaica vào tháng 6 năm 2009
và tại Cuộc họp thứ 19 của các Quốc gia thành viên của Công ước luật biển
(SPLOS) được tổ chức tại New York từ ngày 22 – 26 tháng 6 năm 2009 là không thể
lấy các đảo đá, đá ngầm và đảo san hô không người ở, tách biệt với  lục địa và nằm giữa biển khơi làm điểm cơ sở để
yêu sách thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

– Xâm phạm những lợi
ích chính đáng của cộng đồng quốc tế nói chung và của các nước trong khu vực nói
riêng.

iii/ Vì các lý do
trên, Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên hợp quốc kết luận rằng bản
đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Phái đoàn
thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc là hoàn toàn không có căn cứ pháp
lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước luật biển 1982.

2. Từ năm 2000, Ông
Hasjim Djalal, một nhà ngoại giao cao cấp của Indonesia, cựu Tổng giám đốc Viện
Nghiên cứu và phát triển (RDA), cựu Đại sứ Indonesia tại Đức đã từng cho rằng :
“Không có một định nghĩa nào cho đường đứt đoạn này, cũng không có toạ độ chính
xác của đường này. Do đó, giá trị pháp lý và vị trí chính xác của đường này là
không rõ ràng”.[1]

3.
Công hàm của Phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc phản ánh quan
điểm tương đối thống nhất của các nước và các học giả trên thế giới, đó là :
xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu
sách “đường đứt khúc 9 đoạn” trên Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở khoa học
và không có giá trị pháp lý quốc tế.

4. Công hàm nói trên
của Indonesia
có một ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển
Đông. Công hàm đó phản ánh tinh thần chung của các nước trong và ngoài khu vực
là : Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn, từ bỏ những yêu sách
chủ quyền hết sức vô lý của họ ở biển Đông. Đó là chìa khoá để mang lại hoà bình,
ổn định cho biển Đông. Đó cũng là mong muốn của không chỉ các nước có tranh chấp
trong biển Đông mà còn của cả các nước khác trong và ngoài khu vực.

 

[1] Djalal, H. South
China Sea Island
Disputes. The Raffles Bulletin of Zoology, Supplement No.8 (The Biodiversity of
the South China Sea (2000) trang 9-11.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới