Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếMỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ...

MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁC LUẬN CỨ MÀ TRUNG QUỐC SỬ DỤNG ĐỂ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN TỪ LÂU ĐỜI ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO TÂY SA VÀ NAM SA KỲ CUỐI

Kỳ I: http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/147-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ II:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/153-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ III:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/159-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ IV:
http://www.biendong.net/tu-lieu/thong-tin-tu-lieu/168-mot-so-nhan-xet-ve-cac-luan-cu-ma-trung-quoc-su-dung-chung-minh-chu-quyen-tu-lau-doi-doi-voi-hai-quan-dao-tay-sa-va-nam-sa.html
Kỳ V
: (tiếp theo và hết)

II. TRÊN BÌNH DIỆN LUẬT PHÁP QUỐC TẾ :

Từ những cuốn sách và tư liệu cổ được trích dẫn trong cuốn Tổng hợp sử liệu, các tác giả cuốn sách
này kết luận : “Một phần văn kiện và sử liệu được dẫn ở trên cũng đủ để chứng
minh : sự thật lịch sử và căn cứ pháp lý về việc Trung Quốc có chủ quyền đối với
các đảo Nam Hải là đầy đủ, chuẩn xác, không thể tranh cãi được. Một là, các đảo
Nam Hải do Trung Quốc phát hiện sớm nhất, sau đó lại do Trung Quốc khai thác và
kinh doanh sớm nhất. Chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Nam Hải dần
dần hình thành, từng bước hoàn thiện trong thời kỳ lịch sử lâu dài chính trên nền
tảng đó. Hai là, bắt đầu từ đời Tống, qua các đời Nguyên, Minh, Thanh cho đến
thời cận, hiện đại, chính phủ Trung Quốc các đời đã thực thi quyền quản hạt đối
với các đảo Nam Hải. Xét về thời gian quản hạt, dài đến ngàn năm. Phương thức
quản hạt nhiều loại, nhiều dạng, hoàn toàn phù hợp với tập quán và luật quốc tế
cổ đại, cận đại và hiện đại.”

Ở các phần trên, chúng ta đã chỉ rõ sự thật của những sách và tài liệu cổ mà
các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu trích
dẫn để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc từ lâu đời đối với hai quần đảo Tây
Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa) trên bình diện khoa học và lịch sử. Trong
phần này, chúng ta sẽ xem xét các luận cứ của các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu dưới ánh sáng của luật
pháp quốc tế đương thời và hiện đại.

1. Việc phát hiện ban đầu
:

Từ cuối thế kỷ 15, luật pháp quốc tế tập quán coi việc phát hiện ban đầu một
vùng lãnh thổ như là một danh nghĩa nguyên thuỷ của việc chiếm hữu vùng lãnh thổ
đó. Danh nghĩa nguyên thuỷ này không dẫn đến một hệ quả pháp lý nào cả nếu không
được củng cố bằng việc chiếm hữu và quản lý hành chính thực sự vùng lãnh thổ được
phát hiện trong một khoảng thời gian hợp lý.

Nguyên tắc tập quán này của luật pháp quốc tế đã được xác nhận bằng các phán
quyết trọng tài và ngoại giao. Tiêu biểu trong số các phán quyết này là các vụ
Toà án Trọng tài giải quyết các vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, vụ
tranh chấp đảo Clipperton giữa Mexico và Pháp, vụ quy chế pháp lý của Đông Greenland
giữa Đan Mạch và Na Uy, vụ tranh chấp đảo Minquiers và Ecreshours giữa Anh và
Pháp …

Nhiều học giả nổi tiếng cũng ủng hộ triệt để nguyên tắc tập quán nói trên. Bà
Monique Chemillier Gendreau trích dẫn Engere Ortolan cho rằng : “Việc phát hiện
kèm theo một sự khẳng định công khai về chủ quyền chỉ tạo ra một danh nghĩa sơ
khởi (inchoate title) có khả năng gạt những người thứ ba ra khỏi vùng lãnh thổ
mà ở đó danh nghĩa này đã được áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết nhưng
không phải là vô hạn để danh nghĩa đó được phát triển bằng việc chiếm hữu, vì
khoảng thời gian đó đủ để người có danh nghĩa bổ sung nó bằng việc chiếm hữu thực
sự, làm cho danh nghĩa đó không thể bị thay thế. Để hoàn thiện danh nghĩa, làm
cho nó thành đầy đủ và chắc chắn, phải có sự chiếm hữu thực sự kèm theo ý định
chiếm lấy lãnh thổ đã được phát hiện, có nghĩa là cần phải đặt vùng đất đó thuộc
quyền sử dụng của mình và tiến hành các công việc tạo thành một sự xác lập”.[1]

Charles Rousseau cũng chỉ ra rằng : “Trong mọi trường hợp, hiệu lực của
quyền phát hiện chỉ là cung cấp sự khởi đầu của một danh nghĩa hoặc, theo cách
diễn đạt của người Anh, tạo nên một danh nghĩa ban đầu, có nghĩa là một danh
nghĩa phôi thai và chỉ có giá trị tạm thời đủ để gạt bỏ ngay lập tức – nhưng không
phải là mãi mãi – các tham vọng tranh đua của một nước thứ ba trên cùng một lãnh
thổ… Đó chỉ là các hành vi tượng trưng mà các quốc gia thứ ba từ chối không công
nhận hiệu lực pháp lý, trừ phi chúng được củng cố tiếp theo bởi một sự chiếm cứ
lâu dài.”[2] Danh nghĩa nguyên thuỷ này
phải được củng cố trong một thời gian hợp lý và phải đáp ứng được hai đòi hỏi, đó
là : sự khẳng định quyền lực Nhà nước đối với vùng lãnh thổ đó; và không bị các
quốc gia khác tranh chấp. Fuglsang viết : “Nếu luật pháp quốc tế bảo đảm một
danh nghĩa ban đầu cho quốc gia phát hiện nhằm dành cho quốc gia đó khả năng được
hưởng các hiệu lực của việc phát hiện đó. Vì cần phải có một khoảng thời gian
nhất định để xác minh xem liệu việc chiếm cứ thật sự có thể thực thi và về mặt
chính trị là khả thi hay không, và liệu có đáng giá hay không và cũng cần phải
có thời gian để hoàn thiện việc chiếm cứ… Khoảng thời gian chính xác phụ thuộc
vào các yếu tố của từng trường hợp cụ thể.”[3]

Theo các chuẩn mực về sự phát hiện có hiệu lực pháp lý nói trên  thì có thể rút ra nhận xét là : các ghi chép
và tài liệu được các tác giả cuốn Tổng
hợp sử liệu
trích dẫn không cung cấp đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để có thể
kết luận rằng người Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất hai quần đảo Tây Sa và Nam
Sa. Cùng lắm, chỉ có thể nói rằng người dân Trung Quốc đã biết đến các đảo ở
Nam Hải từ xa xưa. Sự “biết đến” này không kèm theo những chứng cứ về “ý định
chiếm lấy lãnh thổ đã được phát hiện” và “thực thi chủ quyền” trên lãnh thổ đó
nên không thể được coi là “sự phát hiện” có hệ quả pháp lý theo như quy định của
luật pháp quốc tế đương thời.

2. Chiếm hữu và thực thi
chủ quyền thực sự :

Theo luật pháp quốc tế đương thời cũng như hiện đại sau này, hành vi chiếm
hữu và thực thi chủ quyền thực sự đối với một vùng lãnh thổ vô chủ đòi hỏi phải
đáp ứng đồng thời hai điều kiện, đó là : yếu tố vật chất (corpus) và yếu tố
tinh thần (animus). Tức là, quốc gia chiếm hữu có hành động chiếm hữu một vùng
lãnh thổ vô chủ bởi Nhà nước và sau đó là thể hiện rõ ý chí khẳng định chủ quyền
và thực thi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó; đồng thời việc chiếm hữu và thực
thi chủ quyền đó cũng phải không bị các quốc gia khác tranh chấp. Hành vi chiếm
hữu và thực thi chủ quyền thực sự đối với một vùng lãnh thổ vô chủ cần phải đáp
ứng được một số điều kiện sau đây :

a. Chiếm hữu và thực thi
chủ quyền một cách rõ ràng, hoà bình và liên tục:

Sau khi Định ước Berlin ra đời năm 1885, để chứng minh có sự chiếm hữu thực
sự đối với một vùng lãnh thổ, một quốc gia phải chứng minh được rằng việc chiếm
hữu đó là rõ ràng, hoà bình, liên tục và không có tranh cãi.

Xác định chiếm hữu một vùng lãnh thổ vào trước thời điểm 1885 không đòi hỏi
phải tuân thủ những điều kiện khắt khe như thế. Tuy vậy, ngay từ trước khi có Định
ước Berlin thì luật tập quán quốc tế đã yêu cầu, và đã được chấp nhận rộng rãi,
là việc chiếm hữu phải được thực hiện một cách cụ thể qua các hoạt động thực
thi chủ quyền, không phải chỉ là các hành vi chỉ có tính chất tượng trưng. Bà
Monique Chemillier Gendreau trích Beatrice Orent và Pauline Reinsch cho
rằng :  “Chỉ phát hiện không thôi thì không bao giờ tạo được cơ sở bảo
đảm cho một yêu sách đối với đất vô chủ (terra nullius) … Những lễ nghi tượng
trưng thường được bổ sung bằng một số hoạt động thực thi quyền lực hành chính nào
đó, chẳng hạn như qua việc cấp giấy phép hay bằng việc cho các công dân tư nhân
sinh sống tại đó.”[4]

Vào thời kỳ nói trên, luật pháp quốc tế tập quán cũng công nhận rằng trong
trường hợp yêu sách chủ quyền trên các vùng lãnh thổ thưa dân và không có người
đến ở, như trong trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự có mặt
thường xuyên trên đó không phải lúc nào cũng là cần thiết. Toà án Công lý quốc
tế của Liên hợp quốc cũng nói về vấn đề này như sau : “Trong trường hợp các yêu
sách chủ quyền trên các lãnh thổ nằm trong các miền thưa dân hoặc không có người
ở, không phải lúc nào cũng cần thiết phải đòi hỏi có nhiều biểu hiện của việc
thực thi các quyền chủ quyền khi không có một sự cạnh tranh nào.”[5] Tức là vẫn phải có biểu
hiện của việc thực thi các quyền chủ quyền, chỉ có điều là không cần nhiều mà
thôi.

Toà án thường trực trong vụ tranh chấp liên quan đến quy chế pháp lý của Đông
Groenland nhận xét rằng : “Một đòi hỏi chủ quyền được dựa không phải trên hành
vi hoặc một danh nghĩa riêng biệt nào, như một hiệp ước nhượng địa chẳng hạn, mà
đơn giản là trên một sự thực thi liên tục quyền lực, hàm ý hai thành tố của việc
thực thi đó, cần phải được tỏ rõ đối với mỗi bên : ý muốn và ý chí hành động với
tư cách quốc gia có chủ quyền, và việc thể hiện công khai hoặc thực thi hữu hiệu
quyền lực đó.”[6]

b. Chiếm hữu và thực thi
chủ quyền bởi Nhà nước:

Một nguyên tắc tập quán đã được xác định rõ trong luật tập quán quốc tế là
“việc chiếm cứ lãnh thổ vô chủ chỉ có thể là hành động của một quốc gia, một cá
nhân hay một công ty tư nhân không thể thụ đắc chủ quyền cho chính họ”.[7]

Thẩm phán Mac Nair cũng đưa ra một kết luận tương tự về vấn đề này : “Một
nguyên tắc của luật mà tôi cho là có tính chất không đổi liên quan đến danh nghĩa
lịch sử : nói chung cần phải biết được một bằng chứng nào đó của việc thực thi
chủ quyền bởi quốc gia, hành động độc lập của tư nhân có rất ít giá trị trừ phi
chúng ta có thể minh chứng được rằng họ đã hành động căn cứ trên các giấy phép
hoặc một quyền lực nào đó đồng ý bởi Chính phủ của họ, hoặc chính Chính phủ đó
bằng một hình thức nào đó đã khẳng định chủ quyền của mình thông qua trung gian
của họ.”[8]

Trong Vụ tranh chấp đảo Aves giữa Hà Lan và Venezuela, Toà án quốc tế đã từng
thảo luận về vấn đề này như sau : “Xét thấy rằng, mặc dù đã xác định rõ các cư
dân của vùng thuộc Hà Lan, đi đánh bắt rùa biển và thu lượm những trứng rùa tại
đảo Aves, sự kiện đó không thể tạo ra một cơ sở cho chủ quyền bởi vì nó chỉ hàm
ý đơn giản một sự chiếm cứ đảo nhất thời và hiếm hoi, hơn nữa nó không thể hiện
được một đặc quyền, mà chỉ là hậu quả của việc từ bỏ đánh bắt cá của các cư dân
các vùng bên cạnh hoặc của người chủ hợp pháp của vùng đó.[9]

Không phải hành vi nào của các quốc gia cũng được coi là việc thực thi chức
năng của Nhà nước và được coi là chứng cứ để khẳng định sự chiếm hữu và thực
thi chủ quyền. Trong vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Ecréshours, toà án quốc
tế đã tính tới việc thực hiện các quyền tài phán hình sự đối với các sự kiện xảy
ra tại Ecreshours, các điều tra về các tử thi tìm thấy tại Ecreshours, việc đánh
thuế các nhà ở, việc đăng ký các hợp đồng mua bán, việc thiết lập trạm hải
quan, thông tư của Ngân khố Anh năm 1875 để xét cho Vương quốc Anh thắng. Toà án
không coi “việc đặt cọc tiêu xung quanh các đá của nhóm đảo” như là chứng cứ đầy
đủ về ý chí của Chính phủ Pháp thiết lập chủ quyền đối với các đảo đá nhỏ này vì
Toà cho rằng “các hành vi này không thể hiện được tính chất cho phép coi chúng
như là sự thể hiện công khai quyền lực của Nhà nước trên các đảo đá đó”.[10]

Việc nghiên cứu các tài liệu, sách cổ hoặc bản đồ mà các học giả Trung Quốc
nêu trong cuốn sách Tổng hợp sử liệu
cho thấy không có một tài liệu, sách cổ hoặc bản đồ nào chứng minh rằng các nhà
nước Trung Quốc đã chiếm hữu, dù chỉ là tượng trưng, một đảo nào trong hai quần
đảo vào trước năm 1909. Có một số học giả Trung Quốc, như ông Phan Thạch Anh chẳng
hạn, cố chứng minh rằng theo luật pháp quốc tế vào thế kỷ 15, 16 chỉ cần quyền
phát hiện là đủ để tạo nên quyền sở hữu đất vô chủ. Nhưng vì không tìm được chứng
cứ về việc Nhà nước Trung Quốc đã “phát hiện” hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, ông
lý luận rằng các hoạt động tư nhân như của các ngư dân Trung Quốc cũng đủ để
tạo ra quyền phát hiện.[11] Ở đây, ông Phan Thạch
Anh đã đánh đồng việc sớm biết với sự phát hiện có hiệu lực pháp lý. Ông cố
tình không hiểu rằng theo luật pháp quốc tế thời kỳ đó thì các hoạt động của
ngư dân không thể được coi là sự thể hiện ý định của Nhà nước đối với lãnh thổ
vô chủ và càng không thể được coi là sự thể hiện sự chiếm hữu của quốc gia đối
với lãnh thổ vô chủ đó.

Tóm lại, trên cơ sở những quy định của luật pháp quốc tế tập quán đương thời
về chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với những lãnh thổ vô chủ, có thể nói rằng
các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu không
đưa ra được bằng cứ lịch sử và pháp lý xác thực nào, ngoài những chứng cứ hoàn
toàn nguỵ tạo hoặc một số ghi chép của các cá nhân, để có thể chứng minh Trung
Quốc đã  chiếm hữu và thực thi chủ quyền
thực sự, liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và
Trường Sa).

III. TRÊN BÌNH DIỆN CHÍNH TRỊ :

Trong khi rất mơ hồ và vô căn cứ nếu xem xét trên  bình diện khoa học, lịch sử và pháp lý quốc tế,  các luận cứ mà các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu đưa ra thể hiện rất rõ
ràng mưu đồ chính trị lâu dài của Trung Quốc : quyết tâm chiếm lấy Tây Sa và
Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), để từ đó, bành trướng ra toàn bộ khu vực biển Đông
bằng mọi giá và mọi cách. Cuộc hành quân của Đô đốc Lý Chuẩn đến Hoàng Sa năm
1909 để “khảo sát” và “kéo cờ, bắn súng” biểu thị sự “chiếm hữu” là sự bắt đầu
của mưu đồ trên. Năm 1956, khi Pháp rút khỏi Đông Dương và quân đội của Việt
Nam Cộng hoà ở Sài Gòn chưa kịp ra thay thế quân đội Pháp, Trung Quốc đã chiếm
bằng vũ lực phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, sau khi Mỹ ký với
Trung Quốc Thông cáo chung Thượng Hải, Trung Quốc ra tay chiếm nốt phần còn lại
của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1988, khi Việt Nam đang phải đối phó với những vấn đề
quốc tế phức tạp, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm một số đá, bãi ngầm ở quần đảo
Trường Sa.

Cuốn Tổng hợp sử liệu ra đời là để
biện minh cho những hành động bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Đó là lý
do vì sao mặc dù vô lý đến như vậy nhưng các tác giả cuốn sách này vẫn cho rằng
: những văn kiện và sử liệu được dẫn trong sách chứng minh : “sự thật lịch sử và
căn cứ pháp lý về việc Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo Nam Hải là đầy đủ,
chuẩn xác, không thể tranh cãi.”[12]

 Để cho khách quan, phần tiếp theo của
bài viết sẽ giới thiệu một số nhận thức của các học giả nước ngoài về vấn đề chủ
quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

IV. NHẬN XÉT CỦA MỘT SỐ HỌC GIẢ NƯỚC NGOÀI VỀ CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HAI QUẦN
ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA :

1. Ông D.L. Bennet, một luật gia Mỹ nhận định : “Nếu các đảo hoặc không
được quản lý bởi một chính phủ hoặc không được thăm viếng bởi các nhân viên nhà
nước, vấn đề đặt ra là liệu những cuộc tiếp xúc riêng rẽ  bởi các ngư dân tư nhân Trung Quốc có đủ để
thiết lập chủ quyền trên quần đảo Nam Sa theo luật pháp quốc tế hay không ? Vì
vậy, giá trị của lập trường chính thức của Trung Quốc (khẳng định chủ quyền đối
với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là đáng nghi ngại.”[13]

2. Ông Jean-Louis Tabert, một linh mục người Pháp đã có chép tỉ mỉ về việc
Vua Gia Long chiếm hữu quần đảo Paracels (Bãi cát vàng) như sau : “Pa racel
hoặc Paracels (Bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này không có giá trị gì ngoài các
đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều bất tiện lợi hơn, Vua Gia Long đã nghĩ tới
việc mở rộng lãnh thổ của Ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm
1816, Ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này,
mà không một ai tranh giành gì với Ngài cả.”[14]

3. Ông J. B. Chaigneau, cố vấn của nhà Vua An Nam, đã viết trong Hồi ký về
nước Cochinchine như sau : “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi
Hoàng Đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh … một vài đảo có dân cư không xa
biển và quần đảo Paracels do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp
thành. Chỉ tới năm 1816, Hoàng Đế mới chiếm hữu quần đảo này.”[15]

4. Dubois de Jancigny trong cuốn “Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật,
Đông Dương, XeyLan” có viết : “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi năm nay,
quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát vàng), một ma hồn trận thật sự của các
đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được
coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được
người Nam Kỳ (Cocochine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một
công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc
chắn rằng Vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì
Ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi Ngài long
trọng kéo cờ của Nam Kỳ (Cocochine) lên đó”.[16]

5. Bà Monique, một học giả người Pháp, đã dành nhiều thời gian và nỗ lực
nghiên cứu những tài liệu cổ liên quan đến chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa, đã nhận định :

“Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì là Trung Quốc đã từng phản
kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông
trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các vua chúa Việt Nam tổ chức
việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách hành chính hơn.”

Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn tập lịch sử Trung Quốc những lời xác
nhận sự không tồn tại tham vọng của Trung Quốc trong lịch sử. Ví dụ trong Hải lục, có viết : “Vạn Lý Trường Sa là đất
nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam,”[17] điều đó cho phép
nhận xét rằng “… ở đây, không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sáp nhập
các đảo này vào lãnh thổ của đế chế”. Từ đó, ta thấy rằng Trung Quốc không có các
hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng, họ hình như đã đồng tình với sự chiếm
hữu của Việt Nam.

Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các quần đảo trong thời kỳ này đã được hai
tài liệu xác nhận : bản đồ Trung Hoa của
Đế chế thống nhất Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ
, phát hành vào năm
1894, lãnh thổ Trung Quốc trong đó chỉ mở rộng tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, quyển
sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241
rằng “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến
18 độ 13’ Bắc.”

Các tài liệu này có từ  cuối thời kỳ đang
xem xét ở đây, xác nhận rằng cho đến khi đó (cuối thế kỷ XIX), Trung Quốc chưa
thể hiện tham vọng rõ ràng đối với bất kỳ quần đảo nào trong hai quần đảo.”[18]

Sau khi nghiên cứu những tài liệu và sách cổ của Trung Quốc, bà Monique đưa
ra nhận xét rằng :

“Như vậy, qua việc xem xét kỹ lưỡng các tư liệu do người Trung Quốc nêu ra
thì thấy rằng các tài liệu tham khảo này chứng minh sự hiểu biết từ lâu về sự
hiện diện của nhiều đảo nhỏ nằm rải rác đó đây trong biển Nam Trung Hoa. Nhưng,
chúng không cho phép đi xa hơn và không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập
luận rằng Trung Quốc có lẽ là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và
quản hạt hai quần đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa)”.[19]

6. Ông Roderich
Ptak, giáo sư khoa Trung Quốc học của Đại học Tổng hợp Munich, tác giả của nhiều
cuốn sách và bài viết về lịch sử hàng hải, lịch sử thương mại, lịch sử địa lý
châu Á, sau khi nghiên cứu các nguồn tài liệu của Trung Quốc trong các đời Tống,
Nguyên, Minh và các tài liệu của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha  và các nguồn khác liên quan đến hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa đã đưa ra kết luận cho rằng :

“Các tài
liệu của Trung Quốc không gợi cho người ta thấy rằng chúng (các đảo ở biển Đông)
là một phần của Đế chế Thiên triều thời Tống, Nguyên hay Minh (ghi chú: tác giả
không khảo cứu về thời nhà Thanh ở đây). Ở một mức độ nào đó, các thủy thủ
Trung Quốc đã quen thuộc với chúng nhưng họ lại tránh đi đến đó. Những câu
chuyện về ma quỷ, các đảo đá nguy hiểm và các dòng chảy ngầm bí hiểm lan truyền
đồn đại từ đời này qua đời khác, do đó các chuyên luận và các bản đồ về địa lý
không ghi chép gì cụ thể  về khu vực này. Không chắc là người ta sẽ tìm
được trong các tài liệu này các bằng chứng rõ ràng chứng minh cho một quan điểm
ngược lại. Các thủy thủ đầu tiên người Bồ Đào Nha cũng có những sự dè chừng
giống như vậy. Họ cũng cố gắng tránh xa những khu vực cạm bẫy này.

Dường như
không có nơi định cư ổn định trên bất kỳ đảo san hô nào trong Biển Đông – ít
nhất là trong giai đoạn được khảo cứu ở đây. Chỉ có một vài túp lều tạm do ngư
dân dựng lên, có thể tồn tại ở đây một lúc nào đó, và đây hoàn toàn chỉ là giả
thiết. Các tài liệu viết không gợi cho người ta về sự tồn tại của các làng mạc
như vậy.[20] Chúng cũng không gợi cho
người ta biết là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Đông Sa đã được chính quyền
Trung Quốc quản lý về mặt hành chính. Điều thú vị là, trường hợp quần đảo Bành
Hồ (Pescadores) nằm gần đảo Đài Loan lại rất khác; ở đó, chúng ta có chứng cứ
rõ ràng về các chuyến thăm viếng của người Trung Quốc và sự tồn tại của các đồn
tạm thời của chính quyền. Bằng chứng sớm nhất có niên đại từ thời nhà Nguyên.[21] Nếu các đồn tương tự đã
từng được thiết lập ở nhóm đảo Hoàng Sa hay Đông Sa thì việc đó chắc chắn sẽ
được chép lại trong các tài liệu này nhưng chúng lại không ghi chép gì cả.”

KẾT LUẬN

Tóm lại,
đứng trên bình diện khoa học, lịch sử và pháp lý, có thể khẳng định rằng không
có bất kỳ cơ sở nào để kết luận là Trung Quốc đã phát hiện sớm nhất, đặt tên
sớm nhất, quản hạt sớm nhất và thực thi chủ quyền sớm nhất đối với hai quần đảo
Tây Sa và Nam Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Các sách
vở và tư liệu cổ mà các tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu trích dẫn, dù nhiều đến
mấy, cũng không thể che đậy được một sự thật lịch sử là : Các quần đảo ở biển
Đông chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chưa có bất kỳ sử sách
cổ hoặc bản đồ cổ chính thống nào của Trung Quốc chép hoặc thể hiện các quần
đảo ở biển Đông là bộ phận cấu thành của lãnh thổ Trung Quốc. Các triều đại
phong kiến Trung Quốc cho đến trước năm 1909 chưa đưa ra bất kỳ đòi hỏi nào về
chủ quyền đối với các quần đảo ở vùng biển Đông, chưa có bất kỳ hành động nào
nhằm thực thi chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo đó.

X.T

 

[1]
Monique, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Chính
trị quốc gia, trang 59.

[2] Charles Rousseau, Công pháp quốc tế,
trang 162 – 164.

[3] Fuglsang, Der Streit um die Insel Palmas
(1931), trang 95. Trích lại của FAF Von. der Heydie, Phát hiện, sáp nhập tượng
trưng và nguyên tắc thực sự trong luật pháp quốc tế, Tạp chí Luật pháp quốc tế
của Mỹ, trang 462.

[4] Beatrice Orent và Pauline Reinsch, Chủ
quyền trên các đảo trong Thái Bình Dương, American Journal of International Law
(Tạp chí Luật quốc tế Mỹ), 1991, trang 443 và tiếp theo.

[5] Toà án pháp lý quốc tế, Tư vấn pháp lý
liên quan đến vấn đề Tây Sahara, Tuyển tập 1975, trang 42.

[6] Toà án pháp lý thường trực, CPJI, Tuyển
tập, serie A/B. N. 53, trang 45-46.

[7] Charles Rousseau, Công pháp quốc tế,
trang 152.

[8] Vụ tranh chấp về ngư trường giữa Anh và
Na Uy, Phán quyết ngày 18 tháng 12 năm 1951, ICJ, Rec, 1951, Ý kiến phản đối
của thẩm phán Ngài Arnol Mac Nair, trang 184.

[9] Tuyển tập các phán quyết trọng tài quốc
tế, A. de la Pradelle và N. Politis, Quyển II, trang 414.

[10] Tuyển tập các phán quyết, ý kiến tư vấn
của Toà án pháp lý quốc tế (ICJ), Rec, năm 1953, trang 65 và trang 71.

[11]
Phan Thạch Anh, The petropolitics of the Nansha islands-China’s indisputable
legal case, Beijing,
December 1995.

[12]
Lời dẫn của cuốn Tổng hợp sử liệu.

[13]
DL Bennet, “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và việc sử dụng luật pháp quốc tế trong
vụ tranh chấp các đảo Spratleys”, trong Stanford Journal of International Law,
quyển 28 (1991-1992), trang 435.

[14]
J.L. Taberd, “Ghi chép về địa lý Nam Kỳ”, trong The Journal of Bengal,
Calcutta, serie VI, September 1837, trang 737-745.

[15]
Tạp san các người bạn cũ của Huế, số tháng 2 năm 1923, trang 257.

[16] M. A.
Dubois de Jancigny, Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương,
XeyLan, Paris éd, Firmin Didot Freres, 1850, trang 555.

[17]
Bà Monique trích dẫn trong tờ 4, trang 2 của Hải quốc đồ chí viết năm 22 triều
Dạo Quang nhà Thanh (1730). In lại trong lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp. Hộp AS
1840, Trung Quốc 797.

[18] Monique,
Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia, 1998, trang 83 đến 85.

[19]
Monique, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nhà xuất bản Chính
trị quốc gia, 1998, trang 72.

[20]
Như trên, tr. 542. He Jisheng dẫn ra một từ điển địa lý cuối thời Thanh hình
như đã nói bóng gió về sự hiện diện của nông dân tại các đảo này, nhưng đoạn
trích này rất mơ hồ. Hơn nữa, tài liệu được dẫn ra trong từ điển địa lý này
không thể kiểm chứng và thời điểm mà ông He đưa ra (1488) không phù hợp với
thời điểm mà tôi có thể tìm thấy trong danh mục hiện nay (1511). Về thời điểm
năm 1511 xin xem Li Mo, “Quảng Đông Phương chí yếu lục”, tr. 435.

[21]
Về Bành Hồ, xem, ví dụ như Cai PingLi, “Bành Hồ Thông sử” (Đài Bắc: Trung Văn
đồ thư cố phần hữu hạn công ty, 1979).

RELATED ARTICLES

Tin mới