Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaHoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử chưa bao giờ thuộc chủ...

Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử chưa bao giờ thuộc chủ quyền của Trung Quốc

altKỳ 1: Việt Nam có chủ quyền lịch sử đối với hai quần đảo, Trung Quốc không thể chứng minh ngược lại

Nói đến Biển Đông người ta không thể không thể không nói đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông. Nói đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam cũng không thể không nói đến việc Việt Nam, đã từ rất lâu trong lịch sử, khám phá và liên tục thực hiện quyền chiếm hữu đối với hai quần đảo này. Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được coi là những phần đất thiêng liêng của Tổ quốc do ông cha chúng ta đã khám phá và thực thi chủ quyền từ xa xưa, mà trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam sau này phải quyết tâm gìn giữ và bảo vệ.

Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô, đá ngầm và bãi cạn, cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 hải lý. Diện tích toàn bộ quần đảo chiếm gần 15.000 Km2 diện tích mặt nước, trong đó diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2 và đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm, diện tích khoảng 1,5 km2. Quần đảo Trường Sa (Spratly) gồm hơn 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi cát, cách Cam Ranh khoảng 248 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 595 hải lý. Diện tích toàn bộ quần đảo chiếm gần 160.000 Km2 diện tích mặt nước, trong đó phần đất nổi của quần đảo cũng khoảng 10 km2, trong đó đảo Ba Bình lớn nhất, rộng khoảng 0,5 km2.

Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng trên tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Châu Âu và Châu Á, Trung Đông và Châu Á; cùng với những tiềm năng về tài nguyên như dầu khí, khoáng sản và nguồn lợi dồi dào về thuỷ sản… mà ngày nay Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang trở thành điểm nóng về  tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực với Việt Nam, tạo ra những thách thức đối với hoà bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á, thu hút sự quan tâm của các nước lớn. Nổi lên trong những thách thức đó là sự chiếm đoạt bằng vũ lực của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và năm 1974, chiếm một số bãi ngầm trong quần đảo Trường Sa năm 1988, cùng với tuyên bố vô căn cứ, phi lịch sử và phi lý đối với cái gọi là “đường chín đoạn”, chiếm hầu hết Biển Đông, mà Trung Quốc đã công khai cho thế giới biết kể từ tháng 5/2009.

Đã có rất nhiều luật gia, nhà nghiên cứu lâu năm, chuyên gia về biển ở Việt Nam cũng như trên thế giới viết về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và những tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo. Có thể nêu ra ở đây tác giả Marwyn S. Samuels với cuốn sách “ Tranh chấp Biển Đông” dày 225 trang, do nhà xuất bản METHUEN, NEWYORK AND LONDON ấn hành năm 1982, trong phần đầu của cuốn sách tác giả đã nói tới những hoạt động của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông và kết luận rằng trong lịch sử người Trung Quốc tuy có các chuyến “du hành” đường dài để phát triển buôn bán cùng tham vọng khống chế các tuyến vận tải đường biển, nhưng tham vọng này đã dần dần “chìm vào dĩ vãng” kể từ thế kỷ XV khi các quốc gia hùng mạnh của Châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan tăng cường giao thương trong khu vực này. Một cuốn sách khác phải kể đến nhiều hơn có tên là “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” do Nhà xuất bản L’Harmattan Paris ấn hành năm 1996, của bà Monique Chemillier-Gendreau, Giáo sư công pháp và khoa học chính trị trường Đại học Paris VII, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu. Cuốn sách dầy gần 300 trang của bà là một công trình nghiên cứu công phu, độc lập và kéo dài nhiều năm, trong đó bà đã nói đến những chứng cứ lịch sử và đánh giá lập luận của các bên, chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam, liên quan đến hai quần đảo, rồi dựa trên việc áp dụng luật pháp và thực tiễn quốc tế để đưa ra những phân tích  sâu sắc về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo. Bà viết “qua việc xem xét kỹ lưỡng các tài liệu do người Trung Quốc nêu ra thì thấy rằng chúng không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng Trung Quốc có lẽ là nước đầu tiên phát hiện, khai phá, khai thác và quản hạt hai quần đảo này”. Trong thời gian ở Pháp tháng 5/2008, người viết bài này đã có dịp gặp giáo sư Monique và được nghe bà kể rằng, sau khi bà cho xuất bản cuốn sách nói trên, phía Trung Quốc đã liên hệ với bà, mời bà sang thăm Trung Quốc và hứa sẽ cho bà xem những bằng chứng lịch sử của phía Trung Quốc để phản bác lại những phân tích và đánh giá của bà. Sau đó không lâu, bà đã sang Bắc Kinh (TQ) nhưng những người tiếp bà chỉ là các quan chức chính phủ và không có ai đưa ra được bằng chứng lịch sử nào để bác lại những dẫn chứng mà bà đã nêu trong cuốn sách.

Một người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, tiến sĩ luật Đại học Sorbonne (Pháp) Từ Đặng Minh Thu cũng bỏ ra một thời gian dài thu thập tài liệu, nghiên cứu và có một chuyên đề cùng tên với cuốn sách của bà Monique. Chuyên đề này được trình bày tại Hội thảo hè về “Vấn đề tranh chấp Biển Đông” tổ chức tại New York City tháng 8/1998, sau đó được đăng trên số 11, tháng 7/2007 của tạp chí nghiên cứu và thảo luận “THỜI ĐẠI MỚI”, trong đó ông đã phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc để đưa ra những kết luận về cơ sở và thời gian thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng tại Hội thảo này, Luật gia Đào Văn Thuỵ, sống tại Paris đã có bài tham luận với tựa đề “Lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng sa, Trường Sa và luật quốc tế”. Tham luận này cũng được đăng trên tạp chí “THỜI ĐẠI MỚI” số 11, tháng 7/2007. Tác giả đã bàn về những “chứng cứ lịch sử” do phía Trung Quốc đưa ra, phân tích những điểm mập mờ, không chính xác, thậm chí mâu thuẫn trong các lập luận của Trung Quốc, đồng thời so sánh với những chứng cứ lịch sử rõ ràng, rành mạch trong lập luận do Việt Nam đưa ra để chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập và thực hiện chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo.

 Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã dành trọn cuộc đời để thu thập, nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa, và đợi đến khi về hưu mới trình và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” năm 2003. Với câu nói nổi tiếng “Tôi thách thức các nhà nghiên cứu các nước, kể cả Trung Quốc, có một đề tài xác lập chủ quyền Hoàng Sa mang tính khoa học được như tôi”. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã dùng các tài liệu của Trung Quốc và cả các sách vở, bản đồ, nhật ký…của phương Tây để phản bác các lập luận của Trung Quốc và chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được thực hiện từ rất lâu trong lịch sử trước khi xẩy ra tranh chấp với Trung Quốc.

 Ngoài những học giả nói trên, người viết bài này còn muốn nhắc đến tên tuổi một số nhà nghiên cứu khác cùng các bài viết, ấn phẩm của họ như nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Minh Nghĩa, cố Trưởng ban Ban biên giới chính phủ CH XHCN Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao trường Đại học Quốc gia… nhưng xét thấy cũng là quá đủ vì các tài liệu, các công trình nghiên cứu của các học giả Việt Nam và thế giới, tuy có những quan điểm và cách nhìn nhận khác nhau nhưng đều thống nhất ở một điểm là dựa vào lịch sử, trân trọng tính trung thực vốn là bản chất của lịch sử, để nói lên một sự thật là Việt Nam là nhà nước đầu tiên khám phá và hành xử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có một nước nào khác, kể cả Trung Quốc có thể chứng minh ngược lại.  
RELATED ARTICLES

Tin mới