Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỘT CÁCH TIẾP CẬN SAI LẦM CỦA TRUNG QUỐC VỀ “GÁC TRANH...

MỘT CÁCH TIẾP CẬN SAI LẦM CỦA TRUNG QUỐC VỀ “GÁC TRANH CHẤP, CÙNG KHAI THÁC” Ở BIỂN ĐÔNG

altNgày 3 tháng 1 năm
2011, Thời báo Học tập, một tờ báo của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc đăng bài
“Cần hiểu đầy đủ tư tưởng chiến lược của Đặng Tiểu Bình về giải quyết tranh
chấp biển” của tác giả Văn Hàng và được Tân Hoa xã đăng lại trong mục Tin tức
của Đảng cộng sản Trung Quốc trên mạng Nhân dân ngày 4 tháng 1 năm 2011. Trong
bài viết trên, ông Văn Hàng quán triệt với người đọc rằng: Đối với vấn đề Nam
Hải (biển Đông), tư tưởng chiến lược hoàn chỉnh của Đặng Tiểu Bình là “chủ
quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Ông cho rằng nếu bỏ qua tiền
đề cơ bản “chủ quyền thuộc ta”, chỉ đề cập đến “gác tranh chấp, cùng khai thác”
thì hoàn toàn không đúng với bản chất tư tưởng chiến lược về giải quyết tranh
chấp trên biển của Đặng Tiểu Bình. Đồng thời ông cũng chỉ ra rằng việc nhiều
người từ trước đến nay cho rằng tư tưởng chiến lược giải quyết tranh chấp trên
biển của Đặng Tiểu Bình chỉ có một biện pháp là giải quyết hoà bình là cách
hiểu phiến diện, không hoàn chỉnh. Ông cho rằng nội hàm của câu đó là Trung
Quốc phải cố gắng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, nhưng cũng
quyết không thể từ bỏ biện pháp sử dụng vũ lực tự vệ, bảo vệ lợi ích chính
đáng. Hay nói rõ hơn là: trong điều kiện lịch sử mới, nếu không thực hiện được
bằng biện pháp hoà bình, hoặc nước nào có ý đồ sử dụng vũ lực mở rộng tranh
chấp, xâm phạm lợi ích của Trung Quốc, thì việc sử dụng vũ lực tự vệ, bảo vệ
toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia là lựa chọn tất yếu.

Qua bài viết,
người ta thấy rằng không phải ông Văn Hàng bàn cho vui, mà thực ra ông muốn nhân
dịp “lý giải hoàn chỉnh” tư tưởng chiến lược của Đặng Tiểu Bình để nêu “tư tưởng
chiến lược” của riêng ông về giải quyết tranh chấp và để thúc đẩy  việc “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở biển
Đông, cụ thể:

Một là, nhấn
mạnh tiền đề “chủ quyền thuộc ta” trong tư tưởng chiến lược của Đặng Tiểu Bình
về “gác tranh chấp, cùng khai thác” và ông nhắc nhở rằng dù có cùng các nước liên
quan khác “cùng khai thác” hay không thì chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa và biển Đông vẫn luôn luôn thuộc về Trung Quốc.

Hai là, nêu
ra một số sáng kiến để củng cố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

Ba là, dứt
khoát phải buộc các nước láng giềng là các bên tranh chấp ở biển Đông phải thực
hiện thiện chí “gác tranh chấp, cùng khai thác”của Trung Quốc.

Bốn là, nếu
nước láng giềng có tranh chấp nào không thèm để ý đến thiện chí “gác tranh
chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc thì Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp
đáp trả mạnh, kể cả việc sử dụng vũ lực.

Chúng ta thử xem
những lý giải của ông Văn Hoàng có đóng góp gì cho việc giải quyết tranh chấp và
thúc đẩy hợp tác cùng khai thác ở khu vực biển này hay không.

Về tiền đề “chủ quyền thuộc ta”:

Để hiểu được ý tứ
của ông Văn Hàng, có lẽ ta cần tìm hiểu về xuất xứ và bối cảnh ra đời của tư
tưởng chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình. Ý tưởng “gác
tranh chấp, cùng khai thác” đã được Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 1970
của thế kỷ 20 để tô vẽ cho thái độ bang giao với các nước ASEAN của Trung Quốc
là “thiện chí, chân thành, thông cảm, tôn trọng địa vị và lập trường của mỗi
bên”. Vào thời điểm đó, nguyên văn của ý tưởng của Đặng tiểu Bình về giải pháp
cho tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa ở biển Đông là “gác chủ quyền, cùng nhau
khai thác”.

Tháng 8 năm 1980,
trong chuyến thăm Singapore và Malaysia, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã chính
thức đưa ra đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Tháng 10 năm 1982,
tư tưởng chiến lược “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai
thác” đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận mới được Đặng Tiểu Bình
chính thức nêu ra.

Sau này, trước
thái độ e ngại của các nước ASEAN trước tiền đề “chủ quyền thuộc về Trung Quốc”
hay theo ngôn ngữ của ông Văn Hàng là “chủ quyền thuộc ta”, Trung Quốc bỏ cụm
từ “chủ quyền thuộc về Trung Quốc” để làm nhẹ phần nào tính nhạy cảm và vô lý của
nó. Từ đó, Trung Quốc chỉ còn dùng cụm từ “gác tranh chấp, cùng khai thác” để nói
chuyện với các nước tranh chấp khác.

Việc bỏ cụm từ
“chủ quyền thuộc Trung Quốc” là phải, là lô gích, là hợp lý. Bởi vì, nếu các quần
đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc thì làm gì có chuyện Trung Quốc thảo luận với
ai để “cùng khai thác”. Và nếu nhắc tiền đề này với các nước láng giềng tranh
chấp thì có ai chấp nhận thảo luận với Trung Quốc về “cùng khai thác”. Thực ra
chỉ hai năm sau khi đưa ra cái thuyết “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh
chấp, cùng khai thác” thì chính Đặng Tiểu Bình đã bỏ cái tiền đề “chủ quyền thuộc
Trung Quốc” rồi. Vào đầu năm 1984, trong một cuộc nói chuyện với đoàn đại biểu
từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược thuộc Đại học Georgetown tại Washington
D.C. Đặng Tiểu Bình đưa ra ý kiến cho rằng: trong cố gắng giải quyết các tranh
chấp lãnh thổ, các quốc gia liên quan nên “cùng phát triển vùng tranh chấp trước
khi thảo luận vấn đề chủ quyền”.

Như vậy, với việc
nhấn mạnh phải gắn cái tiền đề đã lỗi thời “chủ quyền thuộc ta” với cái gọi là
tư tưởng chiến lược “gác tranh chấp, cùng khai thác”, ông Văn Hàng chẳng những đã
không lý giải đúng, mà còn xuyên tạc tư tưởng chiến lược “gác tranh chấp, cùng
khai thác” của Đặng Tiểu Bình sau này.

Về sáng kiến củng cố tiền đề “chủ quyền thuộc ta”

Đề xuất của ông Văn
Hàng về củng cố chủ quyền là hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý, vi phạm nghiêm trọng
các quy định của luật pháp quốc tế bởi một lẽ rất đơn giản là Trung Quốc không
có chủ quyền ở biển Đông .  

Nếu bỏ công ra đọc
lại những bộ chính sử Trung Quốc, ông Văn Hàng có thể thấy một sự thật là Trung
Quốc chưa hề thực hiện một cách thực sự “chủ quyền” của mình ở biển Đông. Các
sử sách cổ của Trung Quốc như Đại nguyên nhất thống chí (1842), Đại Minh Nhất
thống trí (1461), Đại Thanh Nhất thống chí (1842) đều khẳng định “cực Nam của
lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Người Trung Quốc chỉ biết đến
quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã không còn là đất vô chủ vì quần
đảo này đã thuộc về Việt Nam trong nhiều thế kỷ trước đó. Đến đầu thế kỷ 20,
“Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản năm 1910, vẫn thể hiện
rất rõ ràng điểm cực nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam và “Trung Quốc địa
lý học giáo khoa thử” xuất bản năm 1906 cũng ghi rõ điểm mút ở phía nam Trung
Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18013′ Bắc. Các triều đại
phong kiến Trung Quốc cho đến trước năm 1909 chưa đưa ra bất kỳ đòi hỏi nào về
chủ quyền đối với các quần đảo ở vùng biển Đông, chưa có bất kỳ hành động nào
nhằm thực thi chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo đó. Đó chính là lý do
vì sao cho đến giữa thế kỷ 20, Trung Quốc không có chỗ đứng nào ở hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa và tất cả các bước tiến xuống Biển Đông của Trung Quốc
đều phải sử dụng đến vũ lực để chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa và một số đá, bãi ở
quần đảo Trường Sa một cách bất hợp pháp.

Không có chủ quyền
đối với quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc không có cơ sở nào để vạch đường cơ
sở lãnh hải cho quần đảo Trường Sa. Không có chủ quyền đối với cái gọi là vùng
nước lịch sử trong “đường chín đoạn” thì Trung Quốc không có cơ sở nào để tiến
hành cái gọi là biện pháp “tăng cường chấp pháp” trong vùng biển này.

Thực ra, bản thân
ông Văn Hàng cũng biết quá rõ tính phi lý của “đường chín đoạn” cho nên ông mới
khẩn thiết yêu cầu Trung Quốc “cần làm rõ địa vị pháp lý của “đường chín đoạn””.
Chỉ có điều là ông không nói thẳng ra sự thật là “đường chín đoạn” mà người
Trung Quốc đưa ra không có cơ sở pháp lý. Mà không có cơ sở pháp lý thì Trung
Quốc có quyền gì để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển trong
con đường này.

Thực ra, không đợi
đến khi có ông Văn Hàng cố vấn thì Trung Quốc mới thực thi các biện pháp nhằm
triển khai ý đồ bành trướng ở khu vực biển này. Trong thời gian qua, Trung Quốc
liên tiếp có những hành động gây hấn, hiếu chiến ở biển Đông như đưa tàu ngư chính
đến “chấp pháp” tại những khu vực cách xa lục lục địa Trung Quốc hàng ngàn km; đơn
phương áp đặt lệnh cấm đánh cá; tập trận bắn đạn thật; phô trương sức mạnh để đe
doạ các nước láng giềng khác làm cho tình hình biển Đông hết sức phức tạp. Những
hành động đó đã làm cho tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng tạo ra môi trường
khu vực bất ổn, không có lợi cho chính Trung Quốc; đẩy các nước trong khu vực
co cụm với nhau và xích lại gần hơn với Mỹ; tạo cơ hội cho Mỹ và các nước lớn
hiện diện trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc; làm mất lòng tin của các nước
trong khu vực và đánh mất đi hình ảnh của một nước Trung Quốc hoà bình và thân
thiện.

Những hành động nói
trên cũng chính là nguyên nhân căn bản ngăn cản các nước tranh chấp thương
lượng về vấn đề “cùng khai thác” trong các khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Về “gác tranh chấp, cùng khai thác”:

Trước hết, cần
khẳng định rằng “gác tranh chấp, cùng khai thác” là một sáng kiến hay. Sáng
kiến này, nếu được thực hiện, có thể  góp
phần ngăn chặn tranh chấp leo thang thành những xung đột bạo lực, giúp các nước
tranh chấp liên quan hợp tác khai thác tài nguyên biển ở những vùng biển chồng
lấn phục vụ cho phát triển của mỗi nước, do đó, góp phần bảo đảm hoà bình, ổn
định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.

Sáng kiến “gác
tranh chấp, cùng khai thác” có thể được coi như là một giải pháp tạm thời trong
khi các nước tranh chấp tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề chủ quyền theo quy
định của Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc. Theo Công ước này, trong
khi chờ đợi việc ký kết các thỏa thuận về hoạch định ranh giới trên biển, “các
quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình  để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính
chất  thực tiễn và để không phương
hại  hay cản trở việc ký kết các thỏa
thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này” (khoản  3, điều 74 và khoản  3, điều 83).[1]

Trong bối cảnh tranh chấp biển Đông hết sức phức tạp như hiện nay và còn lâu
các bên tranh chấp mới có thể đi đến được giải pháp lâu dài, “gác tranh chấp, cùng
khai thác” theo đúng những quy định của luật pháp quốc tế có thể góp phần mở ra
một triển vọng tốt cho hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, đáp ứng nhu
cầu phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, về nguyên tắc các nước tranh chấp
trong khu vực không bác bỏ “cùng khai thác”, nhưng khẳng định chỉ xem xét “cùng
khai thác” ở những vùng thực sự có tranh chấp, coi đó là một giải pháp tạm thời
trong quá trình giải quyết vấn đề chủ quyền.

Nhìn lại tiến trình thúc đẩy ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”, người
ta thấy rằng những khu vực cụ thể mà Trung Quốc đề nghị khai thác chung đều là
các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” chiếm đến 80% diện tích biển Đông, trùm
lên phần lớn thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc
lập luận rằng vùng biển trong “đường chín đoạn” là vùng nước lịch sử của Trung
Quốc và kêu gọi “cùng khai thác”. Chủ trương “cùng khai thác” của Trung Quốc thực
chất là “cùng khai thác” tài nguyên trong các vùng biển của các quốc gia khác,
chứ không phải “cùng khai thác” trên vùng biển của Trung Quốc hoặc ở vùng biển kế
cận của những đảo, đá mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt bất hợp pháp.

Như vậy, những yêu sách phi lý về chủ quyền của Trung Quốc là một trong những
nguyên nhân cơ bản khác cản trở tiến trình “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở
biển Đông.

Về sử dụng vũ lực:

Lý giải của ông
Văn Hàng về sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở biển Đông và thúc đẩy “gác
tranh chấp, cùng khai thác” khiến người ta phải hết sức kinh ngạc. Ông cho rằng:
nếu các nước tranh chấp dám từ chối “gác tranh chấp, cùng khai thác” theo kiểu
Trung Quốc thì phải sử dụng vũ lực theo di huấn của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Đồng thời, chuẩn bị tốt cơ sở pháp lý và dư luận cho việc sử dụng vũ lực, tuyên
truyền tính hợp pháp, chính nghĩa của việc sử dụng vũ lực.

Luận bàn của ông
Hàng về sử dụng vũ lực chứng tỏ ông chẳng hiểu về thời đại mình đang sống và thực
sự rất nguy hại cho tương lai của khu vực biển Đông. Dường như ông đang tồn tại
trong thời kỳ Trung cổ, khi mà vũ lực được sử dụng như là một công cụ chủ yếu để
giải quyết các vấn đề trong quan hệ giữa các quốc gia. Vậy thì việc trao đổi kỹ
hơn với ông Hàng về vấn đề này tưởng cũng không thừa.

– Một là, sử
dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực trong thời đại ngày nay đã bị toàn thế giới
lên án. Hoà bình giải quyết các tranh chấp là một nguyên tắc cơ bản nhất của
luật pháp quốc tế, đã được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, mà tất cả các
quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, đều phải tuân thủ.
Việc ông Hàng đòi sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực ở biển Đông để giải
quyết các tranh chấp trên biển và để thúc đẩy cái mà ông gọi là tư tưởng chiến
lược “gác tranh chấp, cùng khai thác” là xui chính phủ nước ông làm một việc
bất hợp pháp và bất chấp đạo lý. Hợp tác hay không hợp tác là quyền của các nước
có chủ quyền, không ai có thể áp đặt.

– Hai là,
dùng vũ lực không giải quyết được vấn đề chủ quyền. Hiến chương Liên hợp quốc,
trong đó điều 2 khoản 4 quy định việc cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10
năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ: các quốc gia có nghĩa vụ không
đe doạ sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện
có của một quốc gia khác hay coi đe doạ sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực như một
biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về lãnh thổ
và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia. Việc Trung Quốc sử
dụng vũ lực để chiếm các đảo và vùng biển do các nước khác quản lý là vi phạm
nghiêm trọng luật pháp quốc tế và không tạo ra chứng cứ để quy thuộc chủ quyền
của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển đó.

– Ba là, sử
dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế nói
chung và các tranh chấp ở biển Đông nói riêng là đi ngược với xu thế chung của
khu vực và thời đại. Chắc là ông Văn Hàng và những người hiếu chiến đã biết dư
luận của khu vực và thế giới về tranh chấp ở biển Đông qua các Hội nghị thượng
đỉnh ASEAN 16 được tổ chức trong năm 2010. Những nước tham dự các hội nghị trên
đều mong muốn các nước tranh chấp trong khu vực giải quyết tranh chấp một cách
hoà bình, giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển
trong khu vực. Các nước trên đồng loạt lên tiếng phản đối việc đe doạ sử dụng
vũ lực hay sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

– Bốn là, kế
sách sử dụng vũ lực của ông Hàng chà đạp lên những cam kết của chính phủ Trung
Quốc. Chính phủ ông đã cam kết không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực
khi ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông năm 2002 (DOC).
Cam kết này được Trung Quốc khẳng định trong Hội
nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 13 tại Hà Nội ngày 29 tháng 10 năm 2010
vừa qua trong đó Trung Quốc và ASEAN cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác vì
hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực; cam kết không sử dụng vũ lực và đe
doạ sử dụng vũ lực; cam kết giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật
pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển của Liên hợp quốc.

– Năm là,
hậu quả của việc sử dụng vũ lực rất nặng nề. Nếu cố dùng vũ lực, cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ rất
đắt, thậm chí ảnh hưởng quốc tế tiêu cực của hành động này đối với Trung Quốc
còn lớn hơn cả phát động một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan. Xung
đột quân sự ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia không chỉ ở khu vực
Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí là cả thế giới. Tóm
lại, xung đột quân sự sẽ là thảm họa đối với các nước trong khu vực này, trong
đó có Trung Quốc.

Sáu là, khả năng dùng vũ lực của Trung Quốc cũng còn rất hạn
chế, chưa dễ dàng để đánh nước khác hoặc đe doạ nước khác. So với từng nước
một, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở thế áp đảo. Tuy vậy, nếu các nước ASEAN
cùng co cụm lại và với sự can dự của các nước lớn thì ưu thế quân sự không
nghiêng về phía Trung Quốc. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, cả ba
nhân tố thiên thời, địa lợi và nhân hoà đều không thuận để Trung Quốc có thể
phát động các cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn tại biển Đông.

Làm thế nào để thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai
thác”?

Tranh chấp chủ quyền
ở biển Đông sẽ khó có thể giải quyết trong một hai thế hệ tới do tranh chấp liên
quan đến nhiều bên và tất cả các bên đều coi biển Đông là lợi ích căn bản không
thể thoả hiệp. Vì vậy, “gác tranh chấp, cùng khai thác” có thể được coi là một
trong các biện pháp tốt để giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo điều kiện cho hợp tác
và phát triển trong khu vực.

Tuy thế, chỉ có thể
thúc đẩy “gác tranh chấp, cùng khai thác” với một số điều kiện nhất định. Điều
kiện tiên quyết cho “gác tranh chấp, cùng khai thác” là các bên tranh chấp phải
có thiện chí, có quyết tâm chính trị, và đặc biệt là, không sử dụng vũ lực và đe
doạ sử dụng vũ lực. Điều kiện quan trọng thứ hai là các bên tranh chấp phải xác
định rõ ràng yêu sách của mình về chủ quyền và các quyền đối với biển, đảo phù
hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982. Bởi vì chỉ trên
cơ sở những yêu sách chủ quyền phù hợp với Công ước luật biển 1982 thì các bên
tranh chấp mới có thể xác định được vùng biển chồng lấn. Và chỉ có trên cơ sở xác
định được khu vực biển chồng lấn thì các bên tranh chấp mới có thể thảo luận để
đi đến “cùng khai thác”. Như vậy, các bên tranh chấp cần từ bỏ những yêu sách vô
lý của mình. Các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các đảo nhỏ,
không có điều kiện cho cư dân sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng, vì
vậy, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo điều 121 của Công
ước luật biển 1982. Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách “đường chín đoạn”. Một đường đứt khúc, không
được đánh dấu bằng các toạ độ địa lý, không rõ bản chất pháp lý thì không thể
nào là đường biên giới trên biển. Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc hoàn toàn trái với các quy định của Công ước luật biển
1982, xâm hại đến hầu hết các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và
quyền tài phán của các quốc gia khác ven Biển Đông.

Điều kiện thứ ba là
việc “cùng khai thác” cần được thực hiện trên cơ sở những  nguyên tắc phù hợp với luật pháp và thực tiễn
quốc tế, đó là :

– Tuân thủ luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước luật biển 1982;
tôn trọng các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc
gia của các nước ven biển.

– Chỉ “cùng khai thác” tại các khu vực có tranh chấp và các hoạt động hợp
tác khai thác chung không ảnh hưởng đến chủ quyền và các quyền chủ quyền của
các bên tranh chấp liên quan khi phân định các khu vực nói trên sau này.

– “Cùng khai thác” phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc công
bằng, hợp lý và cùng có lợi.

– Dự án “cùng khai thác” phải được tất cả các bên liên quan đến khu vực
tranh chấp chấp nhận; không được dùng biện pháp vũ lực ép buộc các nước phải
“cùng khai thác”.

Với các điều kiện
và trên cơ sở các nguyên tắc trên, một số dự án “cùng khai thác” dầu khí tại các
khu vực biển chồng lấn ở biển Đông đã được tiến hành giữa Malaysia và Thái Lan
năm 1979, giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992. Đó là những bài học và kinh nghiệm
tốt cho việc “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại biển Đông.

Tóm lại, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” về cơ
bản là tốt, nhưng cách tiếp cận bạo lực và bành trướng của ông Văn Hàng về thúc
đẩy ý tưởng trên là hết sức sai lầm. Chẳng những sai lầm mà còn hết sức nguy hiểm.
Trong thời đại ngày nay, vũ lực không giải quyết được vấn đề gì và tuyệt đối chẳng
ai hoan nghênh. Vũ lực không giải quyết được tranh chấp và cũng không ép buộc được
các nước liên quan “cùng khai thác” ở biển Đông, chỉ làm phức tạp thêm tình hình
và cản trở quá trình hợp tác, trong đó có việc “cùng khai thác” trong khu vực./.


[1] Công
ước luật biển Liên Hiệp Quốc 1982.

Thành Nam

RELATED ARTICLES

Tin mới