Ngày 4 tháng 12
năm 1931 Chính phủ Pháp, với tư cách là đại diện của triều đình Huế, đã gửi một
Công hàm cho Công sứ quán Trung Quốc tại Paris để khẳng định chủ quyền của Việt
Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và phản đối chính quyền Trung Quốc dự định cho
Công ty Anglo-Chinese Development được quyền khai thác phân chim ở quần đảo này.
Đáp lại công hàm trên của Pháp, chính quyền Trung Quốc chỉ đưa ra lập luận dựa
trên ý niệm quan hệ “thượng quốc – chư hầu” để biện minh cho việc làm phi pháp
của họ, không nêu được bất kỳ luận chứng nào để phản bác những chứng cứ lịch sử
xác thực về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, khi đó đang thuộc
quyền cai quản của triều đình Huế.
Trong một bức công văn gửi Bộ Ngoại giao
Pháp ngày 29 tháng 9 năm 1932, chính quyền Trung Quốc cho rằng với tư cách là
một chư hầu của các hoàng đế Trung Hoa nên các hoạt động của các triều đại vua
Việt Nam phải được coi là các hoạt động nhân danh hoàng đế Trung Hoa. Do đó, những
hành động cai quản quần đảo Hoàng Sa của các triều đại vua Việt Nam thực chất chỉ là “xác định chủ quyền của Trung
Quốc trên những đảo này” và các đảo đó “không thuộc Việt Nam”! Theo cách hiểu như vậy của
chính quyền Trung Quốc thì quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc chỉ vì một lý do đơn giản là Việt Nam là “chư hầu”
của “thượng quốc” Trung Hoa. Trước luận điểm hoàn toàn phi lý, không thể chấp
nhận được nêu trên của chính quyền Trung Quốc, năm 1932, Pháp chính thức tuyên
bố An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo này
vào địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên (trước đó vào năm 1925, Toàn quyền Đông
dương đã tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đất của Pháp). Năm
1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa. Năm
1938, Pháp cho đặt bia đá, xây hải đăng, đài khí tượng và đưa đội biên phòng
người Việt ra bảo vệ đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa.
trong hơn 7 thập kỷ trôi qua, cái gọi là quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa
Trung Quốc và Việt Nam không
còn được người Trung Quốc sử dụng như một lập luận để chứng minh chủ quyền đối
với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vậy mà, ông Tiến sĩ
Vương Hàn Lĩnh từ Viện Luật pháp Quốc tế, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc
(Bắc Kinh) lại đột nhiên nêu vấn đề này bên lề một cuộc hội thảo quốc tế về
khai thác chung nguồn năng lượng biển ở châu Á, diễn ra vào thượng tuần tháng 8
năm 2010 tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi được phóng viên “Tuần Việt Nam” hỏi “Trung Quốc nói có chủ quyền và quyền tài
phán cả nghìn năm nay (đối với quần đảo Hoàng Sa) nhưng lại không đưa ra được
những bằng chứng về việc thực hiện chủ quyền của chính phủ trung ương với các quần
đảo này. Trong khi đó, phía
Việt Nam
có đầy đủ bằng chứng lịch sử và chứng cớ pháp lý, chẳng hạn với quần đảo Hoàng
Sa, từ hàng trăm năm nay. Ông nói sao?” Ông Tiến sĩ dõng dạc trả lời “Nên
nhớ rằng cho đến năm 1885, Việt Nam
vẫn là thuộc quốc của Trung Quốc.” Khi phóng viên hỏi tiếp: “Tại sao chúng ta đang sống trong một kỷ
nguyên có luật pháp, công ước quốc tế đàng hoàng, mà ông lại sử dụng cách suy
luận mang nặng tính hình thức trong quan hệ nước nhỏ với nước lớn ngày xưa như
vậy ?” Ông tiếp tục khẳng định “nhưng chúng ta cũng không thể thay đổi
lịch sử”. Ông này muốn hàm ý rằng cho đến năm 1885, Việt Nam vẫn là thuộc quốc
của Trung Quốc, và do đó, việc Việt Nam có xác lập chủ quyền đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước đó hàng trăm năm thì chẳng qua cũng là mệnh
danh Trung Quốc và giữ đất cho Trung Quốc mà thôi.
Mặc dù đây chỉ là ý kiến đã lỗi thời của một cá nhân, nhưng có lẽ cũng cần làm
sáng tỏ một số điểm về thực chất mối quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa các
triều đại hoàng đế Trung Hoa với các triều đại vua Việt Nam, cũng như hệ lụy
của mối quan hệ đó đối với việc quy thuộc chủ quyền các đảo do các triều đại
vua Việt Nam chiếm hữu và thực thi chủ quyền.
1. Thực chất cái gọi là quan hệ “thượng quốc – chư
hầu” giữa các triều đại hoàng đế Trung Hoa với các triều đại vua Việt Nam:
Năm 111 TCN, nhà
Hán dẹp họ Triệu và sáp nhập lãnh thổ Nam Việt vào đế chế Hán, do một viên Thứ
sử đứng đầu, bắt đầu hơn 1000 năm Bắc thuộc của các triều đại vua Việt Nam.
Những tư liệu lịch
sử cổ cho thấy trong khoảng thời gian này đã liên tiếp nổ ra một loạt các cuộc
khởi nghĩa của người Việt chống lại sự thống trị của vương triều phương Bắc. Cuộc
khởi nghĩa năm 40 SCN của hai Bà Trưng đã quét sạch sự đô hộ của Đông Hán trong
3 năm. Khởi nghĩa của nghĩa quân Lý Bí năm 542, lập ra nước Vạn Xuân độc lập
544-602. Năm 905, Khúc Thừa Dụ lật đổ ách đô hộ của nhà Đường, xây dựng một
chính quyền tự chủ, kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn một nghìn năm của
phong kiến phương Bắc đối với Việt Nam,
mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng cho dân tộc Việt Nam. Sau chiến
thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán xâm lược vào năm 938, Ngô Quyền xoá bỏ tổ
chức cai trị cũ cùng với chế độ Tiết độ sứ. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, xây
dựng một triều đình riêng, đặt bá quan, định triều nghi và phẩm phục. Triều
đình của nhà Ngô xây dựng là một vương triều quân chủ độc lập, không còn lệ
thuộc vào chính quyền phương Bắc. Năm 1077, Lý Thường Kiệt đã trịnh trọng tuyên
bố “Nam quốc sơn hà Nam đế cư; Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư; Như hà
nghịch lỗ lai xâm phạm; Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Đây được côi là Bản
tuyên ngôn chính thức đầu tiên của Việt Nam để khẳng định nền độc lập, tự
do và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Sau khi giành độc
lập, các triều đại phong kiến của Việt Nam tiếp tục duy trì bang giao với các
triều đại phong kiến Trung Quốc, duy trì chế độ triều cống để nhận được sự công
nhận ngoại giao của các triều đại này. Thực tế chỉ có vậy. Không có chứng cứ lịch
sử nào cho thấy “chư hầu” Việt phải cầu viện “thượng quốc” Trung Hoa can
thiệp giải cứu các bất ổn trong nội bộ Việt Nam, cũng như điều hòa những khúc
mắc trong quan hệ bang giao giữa các triều đại vua Việt Nam với các thực thể
vua chúa khác trong và ngoài khu vực (người Bồ Ðào Nha ở Ma Cao và người
Hà Lan ở đảo Java). Lịch sử còn ghi rõ,
ngay trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh (thế kỷ thứ 17), trước
những tình thế nan giải và hậu quả nặng nề do cuộc chiến tranh “huynh đệ tương
tàn” gây ra, người Việt không những đã không nhờ cậy sự “chi viện” của vương triều phương Bắc, mà còn buộc phải mưu
lược chống lại sự lăm le xâm chiếm của các đế chế phương Bắc.
Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc từ khi Việt Nam giành được
quyền tự chủ chỉ thể hiện qua việc gửi sứ giả sang triều cống các hoàng đế
Trung Hoa những lễ vật, đặc sản địa
phương quý giá vào các thời điểm khác nhau, hoặc hàng năm hoặc khi có sự thay
đổi ngôi vua hoặc vào dịp kế thừa triều đại hoặc sau một cuộc chiến tranh giành
độc lập để bình thường hoá quan hệ ngoại giao, nhất là để xoa dịu thể diện của
một nước láng giềng khổng lồ mới bị bại trận. Mục đích việc triều cống là nhằm để “mua” sự yên bình của một nước nhỏ
bên cạnh một nước lớn, tránh để nước lớn ỷ nại sức mạnh, kiếm cớ đánh chiếm nước nhỏ. Hành động triều cống chủ
yếu là nghi lễ ngoại giao, không có ảnh hưởng gì đối với quyền nội trị và bang
giao với các nước khác của Việt Nam. Cũng cần ghi nhận rằng càng về sau việc triều cống của các triều đình phong kiến
Việt Nam
đối với các triều đại phong kiến phương Bắc càng giảm dần và càng mang tính hình
thức nhiều hơn. Như F. Joyaux đã nhận định “triều đình Việt cần sự thụ phong
Trung Hoa để được kính nể, cũng như một quốc gia tân tiến ngày nay không thể
tránh khỏi sự thừa nhận quốc tế để đứng vững”[1].
Tóm lại, sự chấm
dứt chế độ “Bắc thuộc” của các triều đại vua Việt Nam đã khởi nguồn từ năm 542,
khi cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lý Bí kết thúc thắng lợi, lập ra nước Vạn
Xuân độc lập 544-602 (không phải “mãi đến năm 1885 Việt Nam vẫn là thuộc quốc
của Trung Quốc” như ông Vương Hàn Lĩnh khẳng định). Từ khi giành được độc lập tự
chủ, Việt Nam
vẫn duy trì bang giao hữu hảo với các đế chế Trung Quốc, vẫn cử sứ giả thăm
viếng, triều cống các đế chế phương Bắc theo nghi lễ ngoại giao. Những mối bang
giao này đã hoàn toàn khác với cái gọi là quan hệ “thượng quốc – chư hầu” đã
từng tồn tại trong quá khứ bang giao giữa các vương triều Trung Quốc và các
triều đại phong kiến Việt Nam.
2. Mối quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa các triều
đại hoàng đế Trung Hoa với các triều đại vua Việt Nam
và việc quy thuộc chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông.
Qua cách diễn giải
nêu trên của ông Vương Hàn Lĩnh cho thấy ông không đặt nghi vấn về việc từ lâu các
triều đại phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu, xác lập và thực thi chủ quyền trên
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Điều ông Vương Hàn Lĩnh muốn chuyển
tải ở đây là việc các triều đại phong kiến Việt Nam chiếm hữu, xác lập và thực
thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, rút cuộc, cũng chỉ là việc
làm của một “chư hầu” nhân danh “thượng quốc” để canh giữ các quần đảo đó thay
cho thượng quốc và do vậy các quần đảo này phải thuộc thượng quốc, tức là Trung
Quốc.
Trong phần viết
dưới đây chúng tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại các chứng cứ lịch sử và
cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì vấn đề này đã được đề cập trong nhiều bài
viết của nhiều tác giả khác nhau.
Thiết nghĩ, để
minh bạch hệ luỵ của mối quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa các triều đại
hoàng đế Trung Hoa với các triều đại vua Việt Nam liên quan đến việc quy thuộc chủ quyền đối với các đảo ở
Biển Đông, cần làm rõ một số vấn đề sau:
Một là, theo
luật pháp quốc tế, việc thừa kế quốc gia về biên giới, lãnh thổ chỉ có thể xẩy
ra giữa quốc gia tiền bối và quốc gia thừa kế, tuyệt nhiên không có quy định
nào về việc thừa kế biên giới, lãnh thỗ giữa quốc gia tiền bối với một quốc gia
khác trên cơ sở quan hệ “chư hầu – thượng quốc” hoặc quan hệ khác tương tự như
vậy. Quy định này cho thấy việc thừa kế chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa chỉ có thể diễn ra giữa một bên là các triều đại vua Việt Nam với bên
khác là các chính thể của Việt Nam sau này.
Việc coi quan hệ
“chư hầu – thượng quốc” là một cơ sở để khẳng định chủ quyền của “thượng quốc”
đối với một vùng lãnh thổ từng thuộc chủ quyền của “chư hầu” cũng đã từng bị
bác bỏ trong thực tiễn quốc tế. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta có thể trở
lại án lệ quốc tế trong vụ tranh chấp chủ quyền đối với các đảo Minquires và
Ecréhous trên biển Manche giữa Anh và Pháp. Trong vụ tranh chấp này, Pháp khẳng
định là mình có chủ quyền nguyên thuỷ đối với các đảo Ecréhous trên biển Manche
với lý do các công tước của vùng Normandie từng là chư hầu của vua Pháp. Phản
bác lại luận điểm trên đây của Pháp, Anh khẳng định tước quyền của vua Pháp đối
với vùng Normandie chỉ đơn thuần mang danh nghĩa hình thức.
Trong qua trình thụ
lý vụ tranh chấp này, Toà án quốc tế đã bác bỏ đòi hỏi của Pháp trên cơ sở coi
các văn tự phong kiến nguyên thuỷ của vua Pháp đối với những hòn đảo trong biển
Manche có liên quan tới một thời phong kiến xa xôi và đã chấm dứt từ năm 1024.[2] Có
thể nói các tình tiết của vụ kiện này đã giúp chúng ta có một nhãn quan xác
thực và hợp lý hơn về chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa.
Hai là, những ai
ủng hộ ý kiến nêu trên của ông Vương Hàn Lĩnh cũng cần nhận thức rõ một thực tế
khách quan là từ lâu các vua và chính thể sau này của Việt Nam đã chiếm hữu và
thực thi một cách hòa bình và liên tục chủ quyền của mình đối với hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền đó của các vua Việt Nam đã được
thể hiện công khai, đầy đủ về mặt nhà nước sau khi đã chấm dứt quan hệ “chư
hầu” với “thượng quốc” Trung Hoa. Cũng cần lưu ý rằng trong thời kỳ trước và
sau khi chấm dứt quan hệ “chư hầu – thượng quốc” giữa các vua Việt Nam và vương
triều Trung Hoa tuyệt nhiên không có bất kỳ tư liệu lịch sử nào cho thấy “thượng
quốc” Trung Hoa đã phản đối “chư hầu” Việt quản lý và thực thi chủ quyền đối
với hai quần đảo nêu trên. Có thể “thượng quốc” coi “chư hầu” đã thực thi chủ
quyền thay “thượng quốc” như ông Vương Hàn Lĩnh diễn giải chăng?
Từ những phân tích trên đây chúng ta chỉ có thể khẳng
định một điều là lập luận của ông Vương Hàn Lĩnh và những người ủng hộ ông coi
quan hệ “thượng quốc – chư hầu” giữa Trung Quốc và Việt Nam là cơ sở để yêu sách
chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hoàn
toàn không có giá trị, cả về lịch sử và pháp lý, không thể chấp nhận được./.