BienDong.Net: Tại hội
nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS
) diễn ra từ ngày 13-17/6, tại New
York, đề cập việc gần đây Trung Quốc đã liên tục phá hoại hoạt động khảo sát
bình thường do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh khẳng định
đây là những hành vi có chủ ý, được tính toán kỹ, nhằm mục đích biến các vùng
biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thành khu
vực tranh chấp, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của
Việt Nam, vi phạm các quy định và nguyên tắc cơ bản của Công ước.
Đồng thời, Trưởng đoàn Việt Nam cũng bác bỏ đường yêu sách 9 đoạn của Trung
Quốc ở Biển Đông, khẳng định đường yêu sách này hoàn toàn không có bất cứ cơ sở
pháp lý quốc tế nào, đặc biệt là theo Công ước Luật Biển.
(Tàu
Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp của tàu Bình Minh ngay trong khu vực chủ quyền
lãnh hải của Việt Nam
ở biển Đông)
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn Philippines,
ông Henry Bensurto nói: "Các quy tắc của pháp luật là nền tảng của hòa
bình, trật tự, và công bằng trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và tuân thủ luật
pháp quốc tế là cách bảo vệ hòa bình và giải quyết xung đột”. Ông cũng lên án
việc gia tăng các xung đột gần đây trên biển Đông, thậm chí là xung đột tại
vùng biển và thềm lục địa trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.
Philippines
cũng phản đối việc Trung Quốc mở rộng khái niệm về khu vực tranh chấp trên biển
Đông.
7 nước
Asean kêu gọi giải pháp hoà bình Biển Đông
Việt
Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore cùng kêu gọi
việc tìm ra giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
1982 để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Đây là tuyên bố chung được 7
thành viên ASEAN đưa ra khi cùng tham dự Hội nghị các quốc gia thành viên
UNCLOS vừa diễn ra từ ngày 13-17/6 tại New York, Mỹ. Các nước ASEAN nói trên
cũng nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hòa bình và an ninh tại Đông Nam Á, tờ Philippines
Star cho hay.
– Vấn đề biển Đông cũng được
bàn thảo trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Tổng thống Indonesia
Susilo Bambang Yudhoyono ở Tokyo hôm 17.6. Nhật kêu gọi các nước giải quyết mâu
thuẫn thông qua cơ chế đàm phán đa phương có sự tham dự của nhiều quốc gia,
trong đó có Mỹ và Nhật. Ngoại trưởng Nhật Takeaki Matsumoto nhấn mạnh việc đảm
bảo hàng hải tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông là “cực kỳ quan trọng” đối
với Nhật cũng như cộng đồng quốc tế.
QH
( tổng hợp)