Friday, January 3, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSự cố Viking 2 và mưu đồ của Bắc Kinh

Sự cố Viking 2 và mưu đồ của Bắc Kinh

altTác giả Việt Long với nhiều bài viết được đăng trên các báo và trang mạng ở
Quốc nội đã đưa ra nhiều lập luận mạng tính pháp lý bác bỏ những yêu sách quá
đáng của nhà đương cục Trung Quốc, vạch trần những mưu đồ đen tối của bành
trướng bá quyền Bắc Kinh. Bạn đọc sẽ thấy rõ qua bài: “Sự cố Viking2 và
mưu đồ của Bắc Kinh” của Việt Long. BDN xin giới thiệu tới bạn đọc trình bày nội dung bài viết.


Những sự kiện gần đây tại Biển
Đông đang làm cho dư luận đặt câu hỏi: phải chăng Bắc Kinh đang áp dụng binh
pháp Tôn Tử cố tình biến cái không thể thành có thể, biến các khu vực không
tranh chấp thành các khu vực tranh chấp để đòi hỏi được chia phần tài nguyên
trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng yếu thế thông
qua công thức “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Bắc Kinh đang dụng chiêu biến không thành có

Tôn Tử, chiến
lược gia đại tài trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng với thuật dùng binh, biến
hư thành thực, thực thành hư, làm đối phương nghi kỵ, chia rẽ lẫn nhau, rơi vào
thế bị động, qua đó đạt được mục tiêu khống chế của mình. Những người mê chuyện
Tam Quốc, hẳn còn thán phục Khổng Minh trong thành rỗng dùng tiếng đàn đuổi
hàng vạn hùng binh của Tư Mã Ý, hay Tào Tháo cố tình tẩy xóa thư gửi Hàn Toại,
lấp lửng nửa kín nửa hở, gây nghi ngờ, chia rẽ chú cháu Hàn Toại, Mã Siêu để
hai bên tự đánh nhau đi đến chỗ tan rã.

Những sự kiện
gần đây tại Biển Đông đang làm cho dư luận đặt câu hỏi: phải chăng Bắc Kinh
đang áp dụng binh pháp Tôn Tử cố tình biến cái không thể thành có thể, biến các
khu vực không tranh chấp thành các khu vực tranh chấp để đòi hỏi được chia phần
tài nguyên trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng yếu
thế thông qua công thức “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Sự kiện tàu
Bình Minh 02 bị cắt cáp địa chấn trên thềm lục địa cách bờ biển Việt Nam 120
hải lý được dư luận đánh giá là nghiệm trong vì 1) vụ việc xảy ra nằm sâu trong
thềm lục địa và đặc quyền kinh tế mà quốc gia ven biển như Việt Nam được hưởng
một cách hợp pháp theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982; 2) do một
lực lượng chấp pháp của một nước tiến hành có chủ ý; 3) xâm phạm tài sản công
của một quốc gia độc lập có chủ quyền. Song dưới con mắt của các phát ngôn viên
Trung Quốc thì đó là việc làm “bình thường và hợp lý ở khu vực biển thuộc
thẩm quyển và quyền tài phán của Trung Quốc”. Thậm chí, người phát ngôn Bộ
Ngoại giao Trung Quốc còn yêu cầu Việt Nam “tránh tạo ra những sự cố
mới”.

Tại Đối thoại
Shangri-La ngày 3-5/6/2011, khi bị chất vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã
dùng tới 27 lần từ hòa bình trong phát biểu của mình và khẳng định “Quân
giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa
diễn ra”. Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật vừa đấm vừa xoa. Họ
nhiều lần khẳng định yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cùng các bên đàm phán. Trong
khi Việt Nam
đang chân thành mong muốn Trung Quốc thể hiện đúng như những gì mà Trung Quốc
đã nói và cam kết thì các hoạt động trên biển lại càng trở nên phức tạp. Liên
tục các tàu cá của Việt Nam
và Philippines
bị tấn công. Ngày 9/6/2011, tàu khảo sát địa chấn Viking 02 của Việt Nam lại
tiếp tục bị tàu cá và tàu ngư chính của Trung Quốc quấy rối cắt cáp, phá chân
vịt tại lô 136 thềm lục địa phía Nam. Vị trí lần này cũng chỉ cách đường cơ sở
Việt Nam
gần 100 hải lý.

Trước đó,
người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lớn tiếng đổ lỗi cho Việt Nam: “Trung
Quốc có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Trường Sa và lãnh hải gần đó.
Trung Quốc và Việt Nam
nhiều lần đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về cách xử lý phù hợp các vấn đề
hàng hải và duy trì ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam sẽ
có các nỗ lực nghiêm túc để thực hiện những đồng thuận liên quan”. Một
tuyên bố lấp lửng làm dư luận có thể hiểu nhầm Trung Quốc và Việt Nam đã có những đồng thuận và chính Việt Nam là
bên không thực hiện. Rõ ràng Trung Quốc và Việt Nam đang tiến hành đàm phán thỏa
thuận nguyên tắc về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Điều này thể hiện
thiện chí của Việt Nam,
tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế giải quyết hòa bình các tranh chấp,
không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Lập trường
của Việt Nam gồm 4 điểm: 1) Việt Nam được quyền có thềm lục địa và đặc quyền
kinh tế riêng từ đất liền Việt Nam không có tranh chấp, tách biệt với các vùng
biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 2) Hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt
Nam, 3) vùng biển của các đảo trong hai quần đảo được xác định theo Công ước
luật biển năm 1982, cụ thể theo điều 121.3. Các đảo thuộc hai quần đảo này nếu
có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế thì cũng là những vùng biển hạn chế không
thể có đầy đủ hiệu lực trong phân định như từ lãnh thổ đất liền, phù hợp nguyên
tắc “đất thống trị biển”, 4) trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản
lâu dài, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần kiềm chế, không mở rộng chiếm đóng
mới, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình, hợp tác trong những
lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học biển, phòng
chống cướp biển theo đúng tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở
Biển Đông DOC 2002.

Như vậy, đúng
như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
đã trả lời : “Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền
cản trở các hoạt động của Việt Nam
tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung
Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước”.

Đường lưỡi bò và lập luận lạ lùng

Vậy thực chất
đằng sau những lời nói và việc làm trái ngược của Trung Quốc là gì? Tờ Trung
Quốc nhật báo (China Daily) ngày 8/6/2011 đã không ngại ngùng bộc lộ. Tranh
chấp Biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa) có ý nghĩa chiến lược
quan trọng với Trung Quốc bởi hai lý do: Thứ nhất, Trung Quốc là nước lớn nhưng
chưa phải là một siêu cường biển. Mặc dù có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế
rộng, bờ biển đất liền và đảo dài nhưng phần đóng góp của biển với GDP còn nhỏ.
Chỉ với một số ít các đảo đang tranh chấp nằm dưới sự kiểm soát của mình, Trung
Quốc không có đường để nối biển với đại dương. Thứ hai, không có một lực lương hải
quân mạnh và sự chú trọng các quyền lợi biển, Trung Quốc vẫn ở vị thế không
thuận lợi. Muốn trở thành một siêu cường có ảnh hưởng, Trung Quốc buộc phải
chuyển từ “cường quốc đất liền” sang “siêu cường biển”. Và
tranh chấp Biển Đông là phép thử thực tế cho việc đạt được mục tiêu đó. Để thực
hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, không gì tốt hơn phương thức biến cái của người
khác thành của mình, biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển có tranh
chấp, đòi chia sẻ tài nguyên và quyền kiểm soát biển trên vùng biển của nước
khác dưới chiêu thức ‘gác tranh chấp cùng khai thác”.

Tháng 5/2009
Trung Quốc lần đầu tiên đưa yêu sách đường lưỡi bò ra trước công chúng, trước
Liên hợp quốc nhưng lại lớn tiếng cho rằng con đường này là đường lịch sử đã
được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi và toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn nửa
nổi nửa chìm, thậm chí đến cả các bãi chưa từng nổi lên cũng như các vùng nước
liên quan, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trong phạm vi con đường này thuộc
quyền quản hạt của Trung Quốc. Có nhẽ chỉ những học giả Trung Quốc quen xem
mình là trung tâm của thế giới mới có lập luận lạ lùng như vậy.

Tại Hội nghị
luật biển lần thứ nhất năm 1958 trong danh sách các vùng nước, vịnh lịch sử của
thế giới, đốt đuốc lên cũng chẳng thấy có văn bản nào ghi nhận cái đường lưỡi
bò. Một con đường đứt đoạn, vẽ tùy ý, không tọa độ sao có thể là một ranh giới
biển được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Khái niệm “vùng nước liên
quan” cũng chỉ là sản phẩm riêng của Trung Quốc, không có trong Công ước
Luật biển của Liên hợp quốc. Ngay sau khi Trung Quốc lưu chiểu tấm bản đồ này
lên Liên hợp quốc, Việt Nam,
Malaysia và muộn hơn là Philippines
đã lên tiếng phản đối. Các nước không liên quan như Indonesia, Mỹ cũng đều phê phán
tính vô lý của con đường.

Ngày
14/4/2011, Trung Quốc lại đưa ra lập luận mới, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) có
vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra
yêu sách theo ngôn ngữ của luật biển quốc tế. Điều đó không có nghĩa là Trung
Quốc từ bỏ đường lưỡi bò. Họ vẫn tiếp tục dùng cả đường lưỡi bò và luật biển
khi cần thiết và để bổ trợ cho nhau. Lấy sự không rõ ràng làm cơ sở bào chữa
cho các hành động vi phạm luật quốc tế của mình. Thực chất đường lưỡi bò giống
như một đường chủ trương yêu sách lớn của Trung Quốc làm thế mặc cả cho những
đàm phán giải quyết sau này. Càng mở rộng vùng tranh chấp vào sâu lãnh thổ hay
vùng biển đối phương càng có lợi thế để mặc cả. Các nước có tranh chấp lãnh thổ
với Trung Quốc chẳng lấy gì làm lạ với chiến thuật biến không thành có này của
Bắc Kinh.

Cạm bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác”

Bước thứ hai
của chiến lược “biến cái không thể thành có thể” là tạo cớ, gây sức
ép với các nước lân cận để khẳng định trên thực tế “đường lưỡi bò”
của Trung Quốc. Đây là lý do vi sao gần đây Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động
quấy rối. Từ việc đơn phương thiết lập lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông hàng năm
từ 15/5 đến 31/8 tới các hoạt động cản trở tàu thuyền Việt Nam và Philippines
trong tháng 3-tháng 6/2011, hay hoạt động dùng tàu ngầm đặt quốc huy dưới đáy
biển Bãi cạn Tăng Mẫu gần Malaysia đầu năm 2011, các hoạt động này đều có một
điểm chung là nằm trên ranh giới của “đường lưỡi bò”.

Bắc Kinh mong
muốn dưới sức ép của cây gậy, các bên hữu quan sẽ phải chấp nhận củ cà rốt họ
đưa. Đó là chủ trương “chủ quyền tại ngã, gác tranh chấp cùng khai
thác”. Chủ trương này theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc gồm 4 yếu tố : 1) Chủ
quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc; 2) Khi điều kiện
chưa chín muồi để có giải pháp cho tranh chấp chủ quyền, đàm phán về chủ quyền
có thể hoãn lại để có thể gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp không có
nghĩa từ bỏ chủ quyền. Nó chỉ là gác tranh chấp lại chờ thời gian thích hợp; 3)
Khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan; 4. Mục đích của khai thác chung là
nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ
quyền lãnh thổ.

Như vậy “gác
tranh chấp cùng khai thác” của Trung Quốc thực chất chỉ để phục vụ cho
điều kiện thứ nhất “Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về
Trung Quốc”. Chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác”, tức chấp
nhận đường yêu sách lưỡi bò của Bắc Kinh. Điều kiện chín muồi ở đây là thời
điểm Bắc Kinh đủ sức để kiểm soát toàn bộ các vùng biển và lãnh thổ này trong
phạm vi đường lưỡi bò. Trong khi chờ đợi điều kiện chín muồi này thì các bên
cùng khai thác, tức Bắc Kinh có quyền ngang hàng với nước chủ nhà trong thăm
dò, khai thác và quản lý các tài nguyên của họ. Khu vực gác tranh chấp cùng
khai thác chỉ được đề xuất trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của nước khác
mà Bắc Kinh chưa thể và không thể kiểm soát. Khu vực gác tranh chấp cùng khai
thác không được Bắc Kinh chấp nhận ở những nơi họ đã giành được quyền kiểm soát
một cách phi pháp như Hoàng Sa và một số khu vực ở Trường Sa.

Đã đến lúc đưa vấn đề ra LHQ

Đường lưỡi bò
và gác tranh chấp cùng khai thác là hai yếu tố cấu thành của một chủ trương lớn
độc chiếm Biển Đông. Các hành động mạnh bạo vừa qua là thể hiện ý chí của Trung
Quốc áp đặt cho các nước xung quanh Biển Đông chấp nhận công thức đó. Phép thử
của Trung Quốc ngày 26/5/2011 muốn nắn gân Việt Nam, Philippin, Hiệp hội các nước
ASEAN, Mỹ và các nước khác có lợi ích ở Biển Đông. Phản ứng của Việt Nam, Philippin, Malaysia, Indonesia và Mỹ là tích cực. Các
bên đều mong muốn Trung Quốc tôn trọng những gì đã cam kết, cần phải có một lộ
trình rõ ràng nếu không sẽ có đụng độ.

Tuy nhiên
những phản ứng đó có lẽ còn chưa đủ để ngăn cản những bước đi liều lĩnh của Bắc
Kinh, tiếp tục xây dựng các công trình trên các bãi đá ngầm gần Philippin và
cắt cáp của tàu Viking 02 trên thềm lục địa Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam và
Philippin đưa vấn đề ra trước Liên hợp quốc hoặc cả hai nước cùng gửi Công hàm
lên Liên hợp quốc. ASEAN dưới sự chủ tọa của Indonesia cần sớm có một Tuyên bố
về tình hình Biển Đông như Tuyên bố năm 1992 mở đầu cho quá trình xây dựng
Tuyên bố DOC.

Các nước có
quyền lợi ở Biển Đông và ASEAN cần sớm đưa vấn đề giải thích và áp dụng điều
121.3 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 về quy chế các đảo
đá ra trước Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật biển. Một trong những
nguồn gốc làm phức tạp vấn đề Biển Đông chính là sự không rõ ràng của điều
khoản này. Và tất cả những nước có thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hợp pháp
bị vi phạm cần kiên quyết thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình trước những
hành động quá khích, đe dọa tính mạng và tài sản công. Có như thế điều không
thể vẫn chỉ là không thể và công lý không bị xói mòn./.

Việt Long

 

RELATED ARTICLES

Tin mới