Biendong.net – Ngày 6/9 vừa qua, Văn phòng Thông tin của Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố “Sách Trắng” năm 2011, trong đó khẳng định Trung Quốc sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại hòa bình độc lập, đẩy mạnh việc xây dựng một thế giới hài hòa, tích cực thực hiện trách nhiệm quốc tế cũng như thúc đẩy hợp tác khu vực và các mối quan hệ láng giềng hữu hảo.
“Sách Trắng” cũng nêu rõ Trung Quốc sẽ không can dự vào cuộc chạy đua vũ trang với bất kỳ nước nào khác và Trung Quốc không phải là mối đe dọa quân sự đối với các nước.
Trung Quốc sẽ tuân thủ nguyên tắc không tấn công nước khác trừ phi Trung Quốc bị tấn công, đồng thời cam kết giải quyết các tranh chấp quốc tế và các vấn đề “nóng” bằng các biện pháp hòa bình. Trung Quốc sẽ tích cực thực hiện các cuộc giao lưu quân sự quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế và khu vực, đồng thời phản đối khủng bố dưới mọi hình thức. “Sách Trắng” 2011 của Trung Quốc lần đầu tiên đề cập một cách rõ ràng tới 6 lợi ích cốt lõi mà họ cho là cần phải bảo vệ, đó là: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chế độ chính trị do hiến pháp xác lập, những bảo đảm cơ bản cho sự phát triển kinh tế, xã hội lâu bền.
Tàu chiến Trung Quốc. Ảnh: Global Times.
Tuy nhiên, khi bình luận về “Sách Trắng” 2011 của Trung Quốc, một số các nhà quan sát cho rằng trong những năm qua, lời nói của Bắc Kinh không đi đôi với hành động, nhất là trong các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng ở châu Á.
Ông Michael Mazza, chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Nhà nước (Mỹ), nhận định “Sách Trắng” mà Trung Quốc vừa công bố chỉ mang tính tuyên truyền và sẽ không làm giảm mối lo ngại của nhiều nước trên thế giới về ý đồ thật sự trong những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của giới hữu trách ở Bắc Kinh. Ông Mazza nói: “Theo tôi, phần lớn nội dung của ‘Sách Trắng’ 2011 – ít ra là phần liên quan tới vấn đề an ninh – không đúng sự thật, không phù hợp với những hành vi của Trung Quốc. Lời nói là quan trọng, nhưng hành động còn quan trọng hơn. Tôi không tin những tuyên bố như vậy sẽ làm cho bất cứ ai cảm thấy yên tâm hơn”.
Ông Michael Mazza cho rằng Trung Quốc đã có lúc thuyết phục được các nước, đặc biệt là những nước láng giềng ở Đông Nam Á, rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính hòa bình và không đe dọa tới an ninh của khu vực hay của thế giới, nhưng điều này đã thay đổi trong vài năm gần đây. Ông Mazza nhận xét: “Trong thập niên trước, Trung Quốc đã có những hoạt động ngoại giao mang lại hiệu quả. Họ làm cho các nước láng giềng tin rằng họ sẽ phát triển trong hòa bình – hay trỗi dậy trong hòa bình, như cách nói trước đây. Tuy nhiên, những hành động của họ trong hai năm qua đã làm thay đổi cái nhìn của các nước trong khu vực đối với họ. So với những năm trước, các nước trên thế giới hiện cảm thấy lo ngại nhiều hơn về những hành động của Trung Quốc cũng như về đường hướng phát triển của họ. Thí dụ rõ ràng nhất là những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Mai Trang