Thursday, March 28, 2024

Bắc Cực: Cơ hội hợp tác mới?

Phần I – Một khu vực giàu tài nguyên

Biendong.net – Một vài năm trở lại đây, tình trạng biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên dẫn đến việc tan nhanh các tảng băng Bắc Cực – vốn được coi là không thể xâm nhập – khiến vùng biển đầy băng này đang trở thành một thiên đường mới.

Nhiều nước đang hợp tác với nhau để khai thác tài nguyên tại Bắc Cực, đồng thời mở ra các tuyến đường hàng hải mới.

 

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đáy biển Bắc Cực chứa đựng nguồn tài nguyên rất quan trọng là dầu khí. Theo Viện địa lý Mỹ (USGS), khu vực Bắc Cực có trữ lượng dầu thô chưa được khai thác khoảng 90 tỷ thùng, khí đốt tự nhiên 1,669 nghìn tỷ m3 và khí tự nhiên hóa lỏng 44 tỷ thùng. Điều này tương ứng với 13% trữ lượng dầu mỏ trên toàn thế giới chưa được khai thác, 30% khí đốt tự nhiên và 20% khí tự nhiên hóa lỏng. Đa số các mỏ dầu nằm ở ngoài khơi, tập trung chính tại 5 vùng lòng chảo: Arctic Alaska, Amerasia, East Greenland Rift, East Barents và West Greenland East. Khí đốt cũng có trữ lượng lớn ngoài khơi và tập trung chính trong 3 khu vực: West Siberian, East Barents và Arctic Alaska. Từ Alaska đến các đảo Sakhaline cũng hình thành một vành đai năng lượng mới.

Ảnh: http://beautifulplacestovisit.com/arctic/the-north-pole/.

Bắc Cực cũng có các nguồn nguyên liệu quan trọng khác như: kim cương, măngan, đồng, cô ban, phốt phát, niken, aluminum, urani, gali, inđi… Các tập đoàn Deawoo, Rio Tinto, De Beers đang tích cực khai thác kim cương tại Nunavut (Canada). Điều này có nghĩa các nguồn tài nguyên dự báo chưa hoàn toàn được chứng minh bởi phần lớn đáy Bắc Cực chưa được thăm dò.

Tuy nhiên, việc khai thác đòi hỏi những công nghệ mới và do khoảng cách xa so với các thị trường, cần có các phương tiện giao thông thích ứng, điểm chứa, tàu vận tải, đường ống dẫn và các tuyến đường. Theo một nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) liên quan tới việc khai thác dầu khí: “Mỗi thùng dầu được khai thác tại những nơi dễ tiếp cận nhất tại Bắc Cực sau khi trừ công lọc, trang thiết bị sản xuất… sẽ có giá từ 35-40 USD/thùng”. Đối với những giếng dầu phức tạp hơn, giá mỗi thùng dầu sẽ vào khoảng 100 USD. Ngoài ra còn những thách thức khác: môi trường, các đạo luật khác, bảo trì cơ sở hạ tầng. Theo một số nghiên cứu, các nguồn tài nguyên tại Bắc Cực sẽ không thể được đưa vào thị trường đều đặn trước năm 2025 hay 2050. Trong ngắn hạn, Bắc Cực ít có khả năng tăng cường lượng cung khí đốt hay là giải pháp thay thế cho các khu vực giàu tài nguyên khác.

Hiện những tuyến đường vận tải chính đi qua Bắc Cực là tuyến đường biển Tây-Bắc và Đông-Bắc. Tuy nhiên, tuyến Tây Bắc ngày nay khó di chuyển hơn tuyến Đông Bắc do một số nơi có độ sâu hạn chế, thiếu thiết bị hậu cần và tàu phá băng. Còn tuyến Đông Bắc thuận lợi hơn do lớp băng mùa đông tan nhanh, song độ sâu cũng chỉ cho phép các tàu cỡ trung bình đi qua. Tuyến Đông Bắc ngắn hơn tuyến Tây Bắc; tuyến từ các cảng Địa Trung Hải đến châu Á qua kênh đào Xuyê gần hơn; từ Nam Âu đến phía Tây nước Mỹ qua kênh đào Panama gần hơn; các tuyến đường càng gần phía Bắc thì có thuận lợi, tuyến Rotterdam-Yokohama qua Bắc Cực gần hơn. Để biến Bắc Cực thành khu vực có lãi, những công nghệ cần thiết và việc phát triển các tuyến hàng hải sẽ mất vài năm. Rất nhiều chủ tàu buôn tỏ ra thận trọng do lo ngại về các tuyến hảng hải mới qua Bắc Cực, đó là việc xác định thời gian chính xác băng tan để đi qua. Có thể tuyến đường ngắn hơn song lại phải đi chậm, cộng với phí bảo hiểm tàu bè tăng cao khi đi qua những nơi nguy hiểm như Bắc Cực… Chính vì vậy cần phải xác định lại xem các tuyến đường biển này có mang lại lợi ích hay không.

 

Nằm tại vòng cực Bắc (66°34’03’’ xích đạo Bắc), khu vực này gồm rất nhiều biển và liên quan tới 8 nước (Nauy, Đan Mạch, Canađa, Nga, Mỹ, Thụy Điển, Aixơlen và Phần Lan), trong đó có 5 nước ven biển trực tiếp. Tuy nhiên, lợi ích khu vực này không chỉ giới hạn trong các nước giáp ranh, mà còn các nước khác, trong đó Trung Quốc cũng xem nơi đây là một thách thức địa chiến lược và thèm khát Bắc Cực. Vậy là những thực tế mới về khí hậu mở ra các cơ hội địa chiến lược, địa kinh tế và không thoát khỏi bàn tay các cường quốc.

Bắc Cực không chỉ giàu tài nguyên hải sản, mà còn gồm dầu khí và những khoáng sản khác, và cũng có khả năng mở ra các tuyến hàng hải thương mại và quân sự mới. Do đó, mỗi chỏm đất nổi lên từ nay đều là mục tiêu tranh giành địa chính trị, trong đó mục tiêu ngầm là giành các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quan trọng. Chính vì vậy, nhiều nước yêu sách chủ quyền các lãnh thổ trong khu vực để mở rộng EEZ: Đan Mạch (EU), Mỹ, Nga, Nauy và Canađa. Ví dụ tồn tại những tranh chấp giữa Đan Mạch và Canađa (đảo Hans), giữa Nga và Mỹ (eo biển Bering), giữa Canađa và Mỹ (biển Beaufort). Thierry Garcin, tác giả cuốn sách “Bắc Cực-không gian địa chính trị mới”, nhận xét: “Thế giới Bắc Cực từ nay phụ thuộc vào việc khí hậu trái đất nóng lên: lớp vỏ băng tan đi, các nguồn tài nguyên hải sản, các tuyến hàng hải nối giữa Nga và Canađa. Những mỏ dầu khí lớn (biển Barents), các cuộc thăm dò các nguồn nguyên liệu trên mặt đất và dưới biển, việc xây dựng các cơ sở khí hóa lỏng, những nguy cơ gây ô nhiễm hạt nhân (bán đảo Kola của Nga), những thách thức về chủ quyền và khu vực ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của khu vực này đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, là những hồ sơ quan trọng cho toàn bộ vùng địa chiến lược này trong thời gian tới”.

Những yêu sách lãnh hải

Tất cả các nước giáp giới đều yêu sách một phần khu vực, ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Công ước Montego Bay nêu rõ một Nhà nước ven biển có thể mở rộng EEZ tối đa đến 350 dặm biển với điều kiện thềm lục địa trải dài đến tận đó. Các Nhà nước yêu sách lãnh hải cần gửi hồ sơ lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa. Một khi các nước đã phê chuẩn Công ước Montego Bay , họ có 10 năm để lập hồ sơ. Trong khi 5 nước ven Bắc Cực đã xác nhận trong Tuyên bố Ilulissat (Greenland) năm 2008 giải quyết tranh chấp lãnh hải thông qua Công ước Montego Bay thì Mỹ lại chưa phê chuẩn công ước này. Điều này ảnh hưởng đến tính hợp lệ và làm suy yếu những lập luận của các Nhà nước đã phê chuẩn công ước. Nauy, Nga , Canađa và Đan Mạch đã phê chuẩn Công ước Montego Bay theo thứ tự thời gian 24/6/1996, 12/3/1997, 7/11/2003 và 16/11/2003.

(Còn nữa)

Mai Trang tổng hợp

RELATED ARTICLES

Tin mới