BienDong.Net: Ngư dân Quảng Bình coi đất Sài Gòn là nơi anh em bốn phương vui chung. Theo hải trình họ chỉ dẫn, vào đó là nơi làm ăn phồn thịnh mà người đồng hương của họ là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh từng làm cuộc di dân vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên – Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi) lập ra xứ Sài Côn – Gia Định giàu có bậc nhất nước Nam.
Kỳ 3: Nhịp thơ vào miền đất thuận hòa vui chung ( tiếp theo và hết )
Phần kết thúc, hải trình đi biển vô đến Nha Trang, vào tận Sài Gòn. Người miệt biển hào hoa như sóng nước.
Câu chữ vẫn khí cốt hiên ngang trước gió cả ba đào. Từng câu như thớ thịt săn chắc, rộn ràng. Họ sinh ra đã xem sóng nước biển Đông là nhà nên thấy cảnh sông núi vùng nào cũng hân hoan ca ngợi. Tâm hồn họ trong sáng kỳ lạ và yêu thương kỳ lạ những địa danh họ đi qua.
Những con thuyền như thế này xưa kia đã đi khắp các vùng biển đất nước
Là bởi vì từng tên đất, tên đảo, tên hòn trên biển hùng vĩ, tráng lệ. Câu chữ họ thốt ra như hạt cát chảy đều, như mái chèo quẫy nước, như cánh buồm căng gió:
“Buông qua mụi Ngọt, Giao Cần/ Đồi mồi lởm chởm muốn lần đi xa/ Một bầy Trâu mẹp xì xòa sóng reo/ Thẳng vời ba cạnh lần theo/ Cựa nhỏ, cựa nậy cựa eo… ra vào/ Bên trong Ba Đào, bên ngoài Ô Rô, Mụi Mác/ Cạnh Khe Gà tục tác bò ra/ Xóm Đò, ngọn Khói đã qua/ Lăn buồm, hạ cột, ấy là Nha Trang/ Cảnh Nha Trang vẻ vang vui thú/ Mượt cựa hàng khách trú bán buôn”.
Họ mô tả Nha Trang vẻ vang không chỉ đất trời mà còn đó là lòng người, chiến đấu can trường với khắc nghiệt thiên nhiên và cương trực trong bảo vệ quê hương trước bạo cường.
Và hành trình ghé bến Nha Trang, địa danh tiếng tăm ấy cũng phải đi trình tiếp:
“Ghé vô rồi lại đi luôn/ Xuôi vô một độ, tới luôn Hòn Rùa/ Đông ta dựa Bại Chùa/ Mồm nam dựa Trực, bốn mùa như ao/ Ngoài cù lao, trong đá cao như vách/ Vui lòng người quan khách nghĩ ngơi/ Ghé thuyền gạo củi rồi lui”.
Hình như, phía trước có hấp lực của chặng về đích, họ ghé vùng Bại Chùa, rồi chỉ dẫn mùa gió nồm, gió nam, gió đông mà dựa thuyền vào đó sẽ yên bình, tránh được mưa to, bão tố. Và sau bao mưa bão, họ lại căng buồm tiếp tục hướng về phía Nam.
Thơ họ cất lên dồn dập, rộn ràng, như mừng điều gì đó, vậy nên đọc ra, thấy như cần gió to, buồm căng hơn, tay chèo mạnh hơn để tiếp tục khám phá con đường phía trước:
Biển là nguồn sống
“Buồm dong ba cạnh thẳng vời chạy vô/ Vụng Vắng đá lại nhấp nhô/ Đá chồng đá chất quanh co như buồng/ Buồm căng theo ngọn một luồng/ Đi xuống một độ Hòn Chông rõ ràng/ Qua khỏi Hòn Chông phải chăng tay lái/Vượt Mà Rằng mới tới Phan Rang/ Bãi Tròn lai láng mênh mang/ Ngó ra thăm thẳm là ngàn Mụi Đinh/ Qua Mụi Đinh biển liền chín giải/ Mụi chỉ mặt trời vác lái đi ra/ Nhắm chừng chốn nớ đã qua/ Tây phiên gác mũi lại đà gác đông/ Thẳng vời ba cạnh thong dong”. Câu thơ như khoan thai, tay chèo lúc đó cũng khoan thai, và mọi người cũng thong thả.
Rồi cả một xứ địa danh dồn dập nhắc đến:
“Mụi Đinh đã cách, Cù Ông đã gần/ Cù Ông, Cà Ná, Bãi Trầm/ Hòn Lau Cau đó, thẳng gần Là Giang/ Ngó vô thuyền đậu ngênh ngang/ Làng sông, kẻ lái, xênh xang mến nghề/ Ngó vô đã thật cận kề/ Hòn Rơm đứng đó, Hòn Nghề đứng đây/ Thiên nhiên khéo tạc xui bầy/ Hòn Hồng, hòn Né đủ đầy cả hai/ Hỡi ai thủy thủ anh tài/ Bán buôn hôm sớm một hai dặm trường/ Sài Gòn thẳng hướng cùng phương/ Đi vô tới đó con đường còn xa/ Nước non phong cảnh bao la/ Ngài buôn kẻ bán thuận hòa bui chung”.
Thì ra, họ dồn dập vậy là để vui cùng nước non chốn Sài Gòn phồn hoa. Bởi vậy những câu thơ hồ hởi lạ lùng cho cuộc buôn bán, vui chung ấy cứ chảy ra tự nhiên, tấp nập. Đấy là không khí lao động siêng năng. Và vùng đất phương Nam đã cập bến là thành quả của một hải trình vượt qua bao giông bão. Thành quả ấy đáng để ngợi ca qua vòm ngực của thanh giọng miệt biển sóng khơi.
Những khoáng đạt thông thái
Kết thúc những câu thơ đi biển tài hoa, thấy tấm hồn người kẻ biển bao la khoáng đạt. Dù cho sóng biển ba đào, dù cho biển lớn cồn cào sóng to, họ vẫn hát lên mạnh mẽ những điệu hát từ tâm hồn của họ. Mỗi lớp đời ngư dân sau vẫn được truyền thụ văn hóa biển một cách miệt mài từ thế hệ cha ông.
Đi hết chặng hải trình bằng thơ gần 300 câu, đọc ra có nhiều âm vận bản địa vùng biển xứ Quảng miền cát, nhiều độc giả sẽ không hiểu về bản ngữ ấy. Nhưng tôi để nguyên khẩu khí đó với sự tôn trọng lời ăn tiếng nói người miệt biển. Bao giờ câu ca điệu hát dân gian giữ được nguyên bản cũng tốt hơn cho gia tài văn hóa địa phương.
Có thể đọc vào trúc trắc, nhưng thơ ca dân gian của người kẻ biển vốn tự do tiêu dao. Sống nghề sông nước, chất tự do ăn sâu vào cốt cách của họ nên người biển tung hứng câu chữ theo điệu thơ câu 6/ câu 8, câu 6/ câu 9, câu 6/ câu 10… Có khi ngắt đoạn bất ngờ cũng là thêm hiểu khí chất vùng biển phải dứt khoát mạnh mẽ.
Bao điều thông thái họ vẽ ra qua thơ hải trình như một ân huệ văn hóa với tôi được tìm hiểu. Tôi không tham vọng là kẻ hiểu biết về văn hóa làng biển, nhưng nhắc được những điệu thơ như thế này là điều cần thiết đến diết da. Bởi những công trình nghiên cứu văn hóa làng biển rất mỏng từ xưa đến nay.
Trong các thư viện dọc dài miền Trung tìm đỏ mắt cũng chỉ vài ba tài liệu nhỏ bé bởi từng một thời, những điệu hò câu hát của người miệt biển không gây sự chú ý của nhiều giới.
Và xin xem rằng, đọc những điều này để ủng hộ một trong những hồn cốt tổ tiên là vùng văn hóa biển vẫn chảy bất tận trên cát, và trong huyết quản mỗi người ngư phủ. Bởi người miệt biển cũng yêu nước thương nòi nồng nàn như sóng biển Đông hôn vô biên vào bờ cát làng.
HÀN THƯ ( Doanh Nhân Sài Gòn)