Thursday, November 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhông thể vừa ăn cướp, vừa la làng

Không thể vừa ăn cướp, vừa la làng

Tạp chí Tri thức thế giới của Bộ Ngoại giao Trung Cộng số ra ngày 16/11/2011 có bài viết “Việt Nam là nước hung hăng nhất trong việc tranh giành Nam Hải”. Bài báo lu loa: Việt Nam đòi hỏi tối đa hóa chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa làm căng thẳng thêm mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc; Việt Nam thể hiện thái độ hai mặt bằng việc vừa ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển với Trung Quốc lại ký thỏa thuận với Ấn Độ về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông; Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông; Việt Nam khai thác lượng lớn tài nguyên của Trung Quốc ở Biển Đông.

Toàn bộ mạch của bài viết vẽ lên hình ảnh một Trung Quốc là nạn nhân đáng thương do việc làm của Việt Nam. Vậy thực hư thế nào?

 

Về cái gọi là Việt Nam đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa làm căng thẳng thêm mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Trung Quốc là một siêu cường. Việt Nam là một nước nhỏ. Tiềm lực kinh tế và quân sự cách nhau một trời, một vực. Từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều mất mát và đau thương để giữ nước, nên Việt Nam rất cần một môi trường hòa bình và ổn định để tái thiết và phát triển đất nước. Trung Quốc lại là nước láng giềng gần gũi của Việt Nam. Vậy Việt Nam có lợi ích gì trong việc làm căng thẳng quan hệ với Trung Quốc? Không có lợi ích gì. Sự thực là kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1975, Việt Nam đang tìm cách để làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam càng đặc biệt coi trọng và thực tâm mong muốn phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc cũng như với Lào và Căm-pu-chia là những nước láng giềng gần gũi nhất.

Trong những thập niên gần đây, quan hệ giữa hai nước có những lúc trở nên căng thẳng là vì sao? Ai cũng biết rằng Nhà nước Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ hàng trăm năm nay. Từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam hàng năm cử đội Hoàng Sa ra khai thác tài nguyên của hai quần đảo. Sau đó, vua Gia Long, vua Minh Mạng và các vua khác liên tục cử các tướng sĩ ra đo đạc, vẽ bản đồ hai quần đảo. Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh trên đất liền. Sách sử và bản đồ cổ của Việt Nam cũng như nhiều sách cổ và bản đồ cổ của phương Tây đều chứng minh sự thật này. Vào giữa thế kỷ XIX, Pháp đô hộ Đông Dương. Chính quyền Pháp đã tiếp tục quản lý hai quần đảo này. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp cử quân ra đóng ở 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau đó ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Trường Sa. Ảnh: Internet.

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, lợi dụng lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Cộng cho quân chiếm nửa phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nửa phía Tây của quần đảo đó tiếp tục do Pháp quản lý. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Pháp bàn giao nửa quần đảo này cho chính quyền Sài Gòn quản lý. Theo Hiệp nghị này thì vĩ tuyến 17 là giới tuyến tạm thời: phần lãnh thổ Việt Nam ở Nam vĩ tuyến 17, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Phần lãnh thổ Việt Nam ở Bắc vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1972, Mỹ rút ra khỏi Đông Dương. Chính quyền Sài Gòn trở nên yếu ớt trước sức tấn công của quân Cách mạng. Lợi dụng thời cơ đó, Trung Cộng cho quân chiếm luôn nửa phía Tây của quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Sài Gòn. Tháng 2 năm 1979, Bắc Kinh lại vô cớ gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tàn phá nhiều thị xã, thị trấn thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Tháng 3 năm 1988, Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm 64 lính Việt Nam bị chết oan uổng ở đá Gạc Ma. Sự thật trần trụi đó, cả thế giới đều biết. Chính những hành động ăn cướp nói trên của Bắc Kinh đã làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Chính những hành động phi pháp nói trên của Bắc Kinh làm cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Về việc Việt Nam vừa ký Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển với Trung Quốc lại thỏa thuận với Ấn Độ về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông?

Trong dịp ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Một trong các cam kết quan trọng nêu trong bản thỏa thuận là hai bên sẽ lấy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp trên biển giữa hai nước. Hà Nội và Bắc Kinh cũng đồng ý là các tranh chấp tay đôi giữa Việt Nam và Trung Quốc như tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa và vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thì sẽ giải quyết tay đôi. Còn tranh chấp liên quan các nước khác như tranh chấp về quần đảo Trường Sa thì phải có sự tham gia của các nước liên quan (tức là cả Phi Luật Tân và Mã Lai).

Trong khoảng thời gian đó, ông Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ. Trong dịp này, Công ty dầu khí quốc gia của Việt Nam và Công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ ký hợp đồng hợp tác thăm dò dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Một sự thật khách quan là từ năm 1986 đến nay, công ty dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký hàng chục hợp đồng tương tự với hàng chục công ty nước ngoài để khai thác dầu khí trong phạm vi 200 hải lý của Việt Nam. Hiện nay cả Trung Quốc và Việt Nam đều cam kết tuân thủ Công ước Luật Biển 1982. Tức là, Việt Nam có quyền khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Trung Quốc có quyền khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của Trung Quốc. Các hợp đồng hợp tác mà Công ty dầu khí Việt Nam ký với nước ngoài, kể cả hợp đồng dầu khí ký với Công ty Ấn Độ, hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Các hợp đồng đó không hề động chạm đến thềm lục địa 200 hải lý của Trung Quốc. Khu vực mà Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ hợp tác hoàn toàn nằm trong thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam từ khoảng 60 hải lý. Hà cớ làm sao mà học giả Trung Quốc phải lu loa lên. Vả lại, không phải bây giờ Việt Nam mới bắt đầu ký thỏa thuận với Ấn Độ về việc hợp tác khai thác dầu khí. Việc hợp tác này giữa hai bên đã triển khai từ hàng chục năm nay. Do đó, Bắc Kinh lấy lý do gì để trách cứ Việt Nam? Việc Việt Nam hợp tác với Ấn Độ khai thác dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của mình hoàn toàn không liên quan gì đến quan hệ Việt – Trung, càng không liên quan gì đến Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam và Trung Quốc vừa ký.

Về cái gọi là Việt Nam tìm cách quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông để mặc cả và đối chọi lại với Trung Quốc?

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều biết rõ trong quan hệ giữa hai nước có một cục xương khá lớn là tranh chấp về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cục xương này không thể tiêu hóa được trong một sớm, một chiều. Cục xương này cũng gây nhiều sóng gió cho quan hệ của hai nước. Nhưng cả hai bên đều thấy, dù muốn hay không, hai nước mãi mãi sống bên nhau. Mãi mãi là láng giềng. Đã là láng giềng bên nhau thì phải hòa hiếu. Đó là nhu cầu tất yếu bảo đảm cho quan hệ phát triển tốt đẹp.

Là nước nhỏ, Việt Nam càng không dại gì tìm bạn nơi khác để đối chọi với Trung Quốc. Chủ trương này quả thật không đáp ứng lợi ích của chính bản thân Việt Nam. Do đó, chắc chắn không có việc Việt Nam tìm cách quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông để mặc cả và đối chọi lại với Trung Quốc như học giả Trung Quốc suy diễn. Việc các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, v.v… bày tỏ tiếng nói nhiều hơn về vấn đề Biển Đông trong thời gian qua là có. Các nước này không trực tiếp tiếp giáp Biển Đông như Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, v.v…Nhưng họ cũng có lợi ích ở Biển Đông. Đó là quyền tự do hàng hải theo Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc. Các nước ven Biển Đông, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, không thể phủ nhận quyền này của họ. Ngoài ra, hòa bình và ổn định ở Biển Đông không chỉ liên quan đến Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Mã Lai, mà còn liên quan cả khu vực và thế giới.

Từ đó, việc Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, EU, Nga, v.v… bày tỏ sự quan tâm lớn hơn và thể hiện tiếng nói tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông là tất yếu khách quan và cần thiết. Họ tham gia tích cực hơn vào việc thảo luận vấn đề Biển Đông chính là vì lợi ích của họ. Sao học giả Trung Quốc lại đổ lỗi cho Việt Nam về việc các nước đó tích cực hơn trong vấn đề Biển Đông? Họ ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình thì có gì sai trái? Họ kêu gọi các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc. Có gì sai trái đâu! Trung Quốc cũng tham gia Công ước Luật Biển mà. Họ ủng hộ việc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng COC. Tại sao Bắc Kinh lại phàn nàn việc này khi các nhà lãnh đạo của Trung Quốc luôn luôn cam kết tuân thủ DOC và tiến tới xây dựng COC?

Cuối cùng, về cái gọi là Việt Nam khai thác lượng lớn tài nguyên quý giá của Trung Quốc ở Biển Đông?

Học giả Trung Quốc phàn nàn rằng “Việt Nam đang hỳ hục khai thác” “đẩy nhanh việc giành lấy toàn bộ tài nguyên dầu khí, nghề cá và khoáng sản trên thềm lục địa”. Đúng là có việc Việt Nam đang tăng cường khai thác tài nguyên dầu khí, nghề cá trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Mấu chốt là Việt Nam khai thác các tài nguyên đó ở đâu? Nếu như Việt Nam khai thác tài nguyên dầu khí, nghề cá trong thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc hoặc của nước láng giềng nào đó thì quả thật đáng trách, đáng lên án. Sự thực là Việt Nam đang tiến hành khai thác dầu khí trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam cũng tăng cường khai thác nguồn lợi hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam không hề khai thác dầu khí hoặc khai thác thủy sản trong thềm lục địa Trung Quốc hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh không có lý do gì để trách cứ Hà Nội.

Việc Bắc Kinh cho tàu hải giám cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ở khu vực chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý thuộc thềm lục địa Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua hoàn toàn sai trái. Hà Nội đã kiên quyết phản đối việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam trong thềm lục địa 200 hải lý của mình. Bằng việc làm này, chính Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng cam kết theo Công ước Luật Biển năm 1982. Chính Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc. Bắc Kinh không thể “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

An Bình

RELATED ARTICLES

Tin mới