Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamBằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường...

Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa

BienDong.Net: Trong cuộc đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa từ tay Trung Quốc và bảo vệ quần đảo Trường Sa, việc hệ thống hóa các bằng chứng để chứng minh rằng “quần đảo này là vô chủ vào thời điểm VN xác lập chủ quyền” và “VN thực thi chủ quyền liên tục” là hai vấn đề mấu chốt.

 

Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930

Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa

Với việc Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa, cuộc đấu tranh giành lại các phần biển đảo bị chiếm đóng đòi hỏi một chiến lược tổng thể và đồng bộ. Trong cuộc đấu tranh dài lâu này, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc là yếu tố cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong vấn đề thu thập tài liệu, bằng chứng.

Tư liệu thời Việt Nam Cộng hòa

Theo bài trên báo Thanh Niên ra ngày 30/11, lâu nay, báo chí quốc nội thường đưa tin về việc phát hiện các tài liệu thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, những tài liệu của người Trung Quốc, người phương Tây đề cập tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nghiên cứu để sử dụng hợp lý những tài liệu này là rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo bài báo, bên cạnh các tài liệu “cổ xưa” như trên, chúng ta còn có một hệ thống tư liệu là các văn kiện khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Những tài liệu thời Việt Nam Cộng hòa, trong đó có các tuyên bố phản đối chính thức sau sự kiện Trung Quốc nổ súng chiếm Hoàng Sa năm 1974, là những bằng chứng quan trọng cho chính nghĩa Việt Nam.

Trước kia- bài báo viết- do nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử, chúng ta ít khi công khai những tài liệu trong giai đoạn này. Giờ đây, để phục vụ cho công cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền Trường Sa, những tài liệu ấy cần được nghiên cứu và công bố nhiều hơn, để người dân hiểu rõ hơn về lịch sử chủ quyền, về lập trường xuyên suốt của các chính quyền tại Việt Nam. Không chỉ ở trong nước, các tài liệu này cần được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế, để thế giới biết được chính nghĩa của Việt Nam, cũng như nhận thấy hành động dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa mà Trung Quốc đã thực hiện vào năm 1974 và thập niên 1980.

Trụ sở hành chính của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974

Cũng theo bài báo, một nguồn tư liệu sống dồi dào mà lâu nay báo chí trong nước ít đề cập, đó là những con người bằng xương bằng thịt. Họ là những binh sĩ, kỹ thuật viên dân sự Việt Nam Cộng hòa từng chiến đấu và làm việc tại Hoàng Sa. Nhiều người đã ngã xuống khi Trung Quốc nổ súng xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng cũng rất nhiều người còn sống và là những bằng chứng hùng hồn cho chủ quyền Việt Nam, cũng như là bằng chứng tố cáo hành động phi nghĩa và phi pháp của Trung Quốc.

Để đấu tranh đòi lại vùng biển đảo bị chiếm đóng, chúng ta phải chứng minh các ý chính mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra khi nói về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa – đó là xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ và thực thi chủ quyền liên tục, trong hòa bình. Về ý “xác lập chủ quyền đối với đảo vô chủ”, chúng ta đã có một hệ thống tư liệu đồ sộ; còn về ý “thực thi chủ quyền trên thực tế và liên tục”, chúng ta cần khai thác mạnh hơn nữa những bằng chứng trong giai đoạn chính quyền Sài Gòn quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, bài báo kết luận.

Chi Lăng ( theo báo quốc nội Thanh Niên )

Ảnh tư liệu của Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi và Bảo tàng TP Đà Nẵng

RELATED ARTICLES

Tin mới