Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam không chỉ phát hiện mà còn thật sự làm chủ...

Việt Nam không chỉ phát hiện mà còn thật sự làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa

Biendong.Net: Nhà nước Việt Nam không chỉ phát hiện, mà còn thật sự thực hiện quyền làm chủ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông, đáp ứng đủ cả 2 yêu cầu vật chất và tinh thần theo luật quốc tế để có danh nghĩa chủ quyền (titre de souveraineté). Đó là nhận định của nhà ngoại giao kỳ cựu Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng Ban Biên giới HĐBT Việt Nam.

Trong nhiều thế kỷ trước, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc một nước nào, là đất vô chủ, mà các luật gia gọi là rés nullius. Đến thế kỷ XVII, các quan chức xứ Thuận Hóa của Việt Nam tuyển 70 thanh niên xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn lập đội Hoàng Sa.

Đội đi về hướng Đông tìm đất mới, sau 3 ngày 1 đêm thì đến Bãi cát Vàng, một quần đảo lớn có nước ngọt, nhiều cá, nhiều chim.

Hoàng Sa thuộc về Việt Nam

Sau một thời gian tìm hiểu các đảo, thấy có thể sống được, đội trở về An Vĩnh. Các quan chức đổi tên quần đảo là Hoàng Sa và quyết định hàng năm phái đội Hoàng Sa ra giữ đảo, đánh bắt hải sản, thu lượm hóa vật của các tàu bị đắm, tháng giêng đi, tháng tám về. Năm 1815, vua Gia Long sai Phạm Quang Anh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo xem xét đo đạc thủy trình. Năm 1816, vua tiếp tục lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đo đạc thủy trình ở đảo. Năm 1833, vua Minh Mạng chỉ thị cho Bộ Công phái người đến Hoàng Sa dựng miếu, do vùng này thuyền buôn thường bị đắm, lập bia, dự bị thuyền và trồng nhiều cây để người đi biển dễ nhận biết. 

Năm 1835, vua sai đội thủy quân Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến xây miếu và dựng bia đá. Năm 1836, Bộ Công tâu vua Minh Mạng: Hoàng Sa là cương vực biển rất hiểm yếu, đề nghị sai thủy quân biên tỉnh và giám thành giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân ra Hoàng Sa vẽ bản đồ vị trí, hình thế từng đảo, bãi đá ngầm và đường biển. Vua y lời tấu, sai đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, mang theo 10 bài gỗ để đến đâu đánh dấu đến đó. Sau này, đội Hoàng Sa được giao thêm nhiệm vụ kiêm quản Trường Sa.

 

Trong cuốn Việt sử cương giám khảo lược, Nguyễn Thông từng là Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi, viết về Hoàng Sa: “Bãi cát vàng giăng từ phía Đông sang phía Nam chỗ nổi lên chỗ chìm xuống, không biết mấy nghìn dặm”. Nhà hàng hải nổi tiếng người Hà Lan Van Langren, người đầu tiên vẽ bản đồ Biển Đông năm 1505, chỉ vẽ Hoàng Sa với cái tên Parcel. Sau đó, nhiều người khác cũng chỉ vẽ Hoàng Sa với cái tên Parcel hay Paracels. 

Nhiều người phương Tây đã viết Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Các nhà truyền giáo Pháp đi tàu Amphitrite sang Trung Quốc đã viết trong Tập thư của các nhà truyền giáo Pháp ở Trung Quốc năm 1701: “Paracels là một quần đảo thuộc vương quốc An Nam”. J.B Chaigneau, cố vấn người Pháp của nhà vua An Nam đã viết trong hồi ký về nước Cochinchine: “Nước Cochinchine mà nhà vua đã lên ngôi Hoàng đế gồm chính xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh, một vài đảo nhỏ không có dân cư và quần đảo Paracels do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không dân cư hợp thành”. J. Gutzlaff, người Anh, trong bài “Địa lý vương quốc Cochinchine”, đã tả quần đảo Paracels (Kat vang) gần bờ biển An Nam và mở rộng giữa 15-17 vĩ độ Bắc và 111-113 kinh độ Đông.

Trung Quốc chỉ “biết”, chứ không “phát hiện” và “chiếm hữu”!

Không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào, Trung Quốc vẽ một đường đứt khúc 9 đoạn ôm gần hết Biển Đông, coi đó là biên giới biển của họ với những khái niệm mập mờ “vùng nước phụ cận”, “vùng nước liên quan”. Tuyên bố chủ quyền đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn vô căn cứ và trái với Công ước về Luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS). Trung Quốc coi đây là biên giới biển để nhận tất cả các đảo trong Biển Đông “thuộc chủ quyền của Trung Quốc”, tất cả các “vùng nước phụ cận”, “vùng nước liên quan”, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển để hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Binh sĩ Việt Nam trồng cây xanh trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Trung Kiên

Vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã có luật quốc tế rõ ràng. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam và do Việt Nam hành xử chủ quyền (souverainete) theo yêu cầu của luật quốc tế. Trung Quốc nói người Trung Quốc biết có đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) từ lâu, nhưng không hề đưa bằng chứng nhà nước Trung Quốc đã phát hiện và chiếm hữu thật sự (occupation effective) đảo đó theo nghĩa pháp lý của từ chiếm hữu, khác với từ biết.



Ông Lưu Văn Lợi

Chỉ biết mà không chiếm hữu, thì tất nhiên Trung Quốc không thực hiện quyền làm chủ. Việc Đô đốc Lý Chuẩn năm 1909 đến một vài đảo của Hoàng Sa chỉ là một sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vì khi đó quần đảo Hoàng Sa đã có chủ và thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tương tự, việc Trung Quốc đem quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật quốc tế và trái với lời kêu gọi ngày 14/12/1974 của Liên Hợp Quốc.

BĐN

RELATED ARTICLES

Tin mới