Thursday, March 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamHọc giả Pháp: Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa liên...

Học giả Pháp: Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa liên tục, không có tranh chấp

BienDong.Net: Là một trong những học giả đầu tiên công khai trên diễn đàn quốc tế, vạch rõ sự thật về bản chất của cuộc tranh chấp mới nảy sinh đối với Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời đưa ra những cơ sở pháp lý để xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, Giáo sư Monique Chemillier-Geudreau (Khoa Công pháp quốc tế và Khoa học chính trị của ĐH Paris VII) khẳng định: các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực thi quyền quản lý hành chính tại Trường Sa và Hoàng Sa một cách liên tục nhiều thế kỷ.

Trong cuốn sách hơn 300 trang: Hoàng Sa và Trường Sa: Vấn đề chủ quyền lãnh thổ, nữ Giáo sư Monique Chemillier đã khẳng định: các triều đại phong kiến Việt Nam suốt nhiều thế kỷ đã thực thi quyền quản lý hành chính tại Trường Sa và Hoàng Sa một cách liên tục, không ngắt quãng, cũng không có sự tranh chấp nào từ một nước bên ngoài.

Chiếm đóng bằng vũ lực là bất hợp pháp

Bà viết: “Từ năm 1956, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa và đến 1974 chiếm nốt phần còn lại bằng biện pháp chiếm đóng quân sự, gạt bỏ sự có mặt trước đó của Việt Nam trên vùng đất ấy”. Năm 1956, nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc “lén lút” đánh chiếm nhân lúc quân đội viễn chinh Pháp rút đi, và hải quân Nam Việt Nam vẫn giữ phía Tây. Đến năm 1974, họ lại tiến thêm một bước nữa. GS Monique viết thêm: “Tháng giêng năm 1974, họ chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo sau những trận chiến ác liệt. Và kể từ ngày ấy, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị đặt dưới quyền kiểm soát quân sự của Trung Quốc”.

Đầu tháng 9/1951, tại một hội nghị ở San Francisco (Mỹ), ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau đó, chính quyền ở Nam vĩ tuyến 17 cũng đã lên tiếng tố giác hành động phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa khi xảy ra sự kiện 1956 và 1974.

 

Những người giữ biển ( ảnh Bùi Tuấn cung cấp )

Tháng 1/1974, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã kháng nghị với Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời cho xuất bản cuốn Sách Trắng vạch rõ và lên án mạnh mẽ hành động chiếm đoạt bất hợp pháp đối với quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Sài Gòn cũng đã nhân khóa họp thứ 2 của Hội nghị Quốc tế lần thứ 3 về Luật Biển của LHQ ở Caracas (Venezuela) tháng 6.1974 để tái khẳng định các quyền về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo. Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng bất hợp pháp này của phía Trung Quốc.

Trên cơ sở phân tích những sự kiện lịch sử và hành động của Trung Quốc, Giáo sư Monique đưa ra nhận xét: “Luật quốc tế hiện đại, cụ thể là tại Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương LHQ, nghiêm cấm việc dùng vũ lực xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của một nước. Do đó, hành động chiếm đóng quân sự của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, bằng bất cứ cách nào, cũng không bao giờ có thể trở thành một chứng cứ, và được thừa nhận”. Nguyên tắc được nêu tại Điều 2, Khoản 4 Hiến chương LHQ tiếp tục được phát triển trong Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng LHQ tháng 10/1974.

Nghị quyết này khẳng định: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương LHQ. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”.

Trung Quốc không xác lập chủ quyền

Trước năm 1956, hai quần đảo thuộc chủ quyền quản lý của chính quyền  Đông Dương thuộc Pháp khi nước Việt Nam thuộc quyền bảo hộ của Pháp theo Hiệp ước 1884. Còn từ 1884 trở về trước, hai quần đảo ấy đã từng nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thể hiện trên bản đồ quốc gia từ đời nhà Lê (thế kỷ XV).

Bằng việc đưa ra một thống kê chi tiết biên niên sử các sự kiện về Hoàng Sa, Trường Sa từ thế kỷ XVIII đến năm 1995, Giáo sư Monique Chemillier-Geudreau đã cho mọi người thấy rằng, trải qua các giai đoạn lịch sử, các chế độ khác nhau, chính quyền Việt Nam thực sự đã liên tục thực thi chủ quyền quốc gia trên hai quần đảo này. Chỉ có “Trung Quốc là nước duy nhất mới chiếm cứ Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự”, nghĩa là đã dùng biện pháp bất hợp pháp để chiếm đoạt.

Tại hội nghị ở San Francisco (Mỹ) năm 1951, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

So với Hoàng Sa, thì Trường Sa xa lục địa hơn nhiều, nên Trung Quốc không “dễ nuốt trôi”. Các đảo đó đã từng nằm trong khu vực quản lý trên biển của các hoàng đế An Nam trước khi thực dân đến. Việc Trung Quốc hoàn toàn không có yêu sách gì đã khiến Chính phủ Pháp tự do hành động hơn trong việc chiếm đóng và khẳng định trước thế giới chủ quyền của mình, ngay khi điều đó trở thành một cuộc tranh chấp trước sự đe dọa ngày càng lớn của Nhật Bản.

Chủ quyền của Việt Nam đối với cả 2 quần đảo đã được GS Chemillier-Geudreau thừa nhận “đây là một quyền phù hợp với hệ thống pháp lý của thời đại. Không có một dấu tích nào của Trung Quốc nói lên rằng họ phản bác việc các vua chúa Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ XVIII, hoặc trước nữa, cho đến thế kỷ XIX khi các vua chúa Việt Nam tổ chức hành chính để khai thác các đảo thuộc chủ quyền tài phán của mình”.

Thậm chí ngay trong các giấy tờ văn kiện của Trung Quốc cũng có những bằng chứng xác nhận không có những yêu sách của Trung Quốc trong trường kỳ lịch sử đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. “Trung Quốc đã không những không có hành động xác lập chủ quyền đối với các quần đảo ấy mà bằng sự im lặng của mình, đã đồng thuận với việc Việt Nam nắm quyền sở hữu những đảo này”.

Trần Thái Bình (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)

RELATED ARTICLES

Tin mới