Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa,...

Chứng cứ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa theo luật pháp quốc tế

Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, một chúng tôi muốn trình bày khái quát và cân nhắc luận thuyết của các bên tranh chấp dưới ánh sáng luật pháp quốc tế.

Trong tranh chấp Hoàng Sa, các bên tranh chấp là Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo.

Tranh chấp Trường Sa bao gồm các bên Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phillippines, Malaysia và Brunei, trong đó Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo, Phillippines (mới tham gia tranh chấp từ năm 1951) và Malaysia (từ năm 1978) đòi hỏi chủ quyền với một phần quần đảo, còn Brunei chỉ đòi hỏi một đảo (Louisa Reef, từ năm 1984).

I. Luận thuyết của Việt Nam:

1. Từ thời kỳ nhà nước phong kiến, Việt Nam đã có danh nghĩa pháp lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dựa trên quyền phát hiện và chiếm cứ hiệu quả đối với lãnh thổ vô chủ (terra nullius).

Theo luật quốc tế, bản thân quyền phát hiện đầu tiên một lãnh thổ vô chủ không đủ để tạo ra danh nghĩa pháp lý cho quốc gia phát hiện. Muốn thụ đắc chủ quyền, quốc gia này phải tiếp tục chiếm cứ hiệu quả lãnh thổ đó. Hai nguyên tắc cơ bản trong việc thụ đắc chủ quyền là nguyên tắc thực sự, tức là chiếm hữu thực sự lãnh thổ vô chủ, coi nó như một bộ phận lãnh thổ của mình và thực thi quyền hạn nhà nước, quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý; và nguyên tắc công khai – việc chiếm hữu phải được các quốc gia khác công nhận. Một cá nhân hay một công ty không thể thụ đắc chủ quyền lãnh thổ.

Ngoài yếu tố vật chất (corpus), việc chiếm hữu thực sự đồng thời còn đòi hỏi yếu tố tinh thần (animus) nghĩ là ý chí của quốc gia muốn chiếm hữu lãnh thổ vô chủ.


Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ nay. Ảnh: Internet.

Để chứng minh cho quyền phát hiện và chiếm hữu thực sự của mình, Việt Nam đã đưa ra các luận cứ sau:

– Nhà nước phong kiến Việt Nam đã biết đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó được gọi dưới tên chung là Đại Trường Sa, Hoàng Sa hay Vạn Lý Trường Sa và coi chúng là một phần lãnh thổ của mình.

– Trong suốt ba thế kỷ từ XVI đến XIX, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình ít nhất là trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm, trong nhiều tháng, để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản chìm đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn. Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, và có đầy đủ cả yếu tố vật chất (corpus) lẫn tinh thần (animus).

Để chứng minh cho luận cứ này, Việt Nam đã đưa ra các nguồn tài liệu chính thức của nhà nước như Đại Nam thực lục tiền biên (1600-1775), Toàn tập Thiên Nam thống chí lộ đồ thư (1630-1653), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (bộ sách địa lý lịch sử chung của Đại Nam 1865-1882), Lịch triều hiến chương loại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo lược (1876), các châu bản triều Nguyễn về các bản tấu, phúc tấu, các dụ của các Vua, và hàng loạt bản đồ, tài liệu của nước ngoài thời kỳ đó.

Các tác giả Jaseniew Vladimir và Stephanow Evginii trong cuốn “Biên giới Trung Quốc: từ chủ nghĩa bành trướng truyền thống đến chủ nghĩa bá quyền hiện nay”, sau khi trình bày các sự kiện cho thấy việc thực thi chủ quyền liên tục của nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng nhấn mạnh: “từ lâu đời, chính quyền phong kiến Việt Nam đã sát nhập các quần đảo như Hoàng Sa và Trường Sa vào bên trong biên giới lãnh thổ nhà nước Việt Nam”.

2. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo.

Năm 1899, toàn quyền Paul Doumer ra đề nghị chính phủ Pháp một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, công việc này không thực hiện được vì thiếu ngân sách.

Ngày 8 tháng 3 năm 1925, toàn quyền Đông Dương tuyên bố Hoàng Sa thuộc lãnh thổ nước Pháp. Các chuyến khảo sát và nghiên cứu khoa học đã được thực hiện ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1925 và ở Trường Sa từ năm 1927.

Năm 1930, chính quyền Pháp ở Đông Dương cử phái đoàn đến treo cờ trên quần đảo Trường Sa. Sau đó, từ năm 1930 đến 1933, các đơn vị hải quân Pháp đã chiếm cứ các đảo chính của quần đảo này: đảo Trường Sa (13.4.1930), đảo An Bang (7.04.1933), đảo Ba Bình (10.4.1933), nhóm Hai Đảo (10.4.1933), Loai Tạ (11.4.1933), Thị Tứ (12.4.1933) cùng các đảo nhỏ xung quanh các đảo nói trên. Việc chiếm cứ này được thông báo trong Công báo của Cộng Hòa Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933 và Công báo Đông Dương ngày 25 tháng 9 năm 1933. Việc chiếm cứ này không gặp bất cứ sự phản đối nào từ phía Trung Quốc, Phillippines, Hà Lan (khi đó đang chiếm Brunei) hay Mỹ. Nước Anh yêu cầu giải thích và tuyên bố thỏa mãn với hồi đáp của Pháp.

Ngày 2 tháng12 năm1933, Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

Ngày 30 tháng 3 năm1938 hoàng đế Bảo Đại đã ra chiếu chỉ sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15 tháng 6 năm 1938, Toàn quyền Đông Dương J. Brévié ra nghị định thành lập một đơn vị hành chính tại Hoàng Sa. Sau đó chính phủ Pháp tiến hành chiếm cứ thực sự toàn bộ quần đảo. Một đội quân cảnh vệ được cử đến đồn trú thường xuyên tại đây. Vào năm 1938, bia chủ quyền được dựng lên với dòng chữ “Cộng Hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa, 1816 – đảo Hoàng Sa – 1938”. Một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến được đặt trên đảo Hoàng Sa.

Năm 1939, Nhật chiếm đóng Trường Sa, đổi tên quần đảo thành Shinnan Gunto (Tân Nam Quần đảo) và đặt chúng dưới quyền tài phán của Cao Hùng (Đài Loan). Tháng 4 năm1939, Pháp gửi công hàm phản đối các hành động quân sự của Nhật và khẳng định quần đảo này là một phần lãnh thổ của An Nam.

Ngay sau khi Nhật đầu hàng năm 1945, chính quyền Pháp đã lập tức khôi phục lại sự có mặt của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 6 năm 1946, một phân đội của Pháp đã đổ bộ lên Hoàng Sa để chiếm lại quần đảo. Tháng 10 năm 1946, chiến hạm của Pháp mang tên “Chevreud” đã đến Trường Sa và đặt bia chủ quyền trên đảo Ba Bình.

Cuối năm 1946, khi Trung Hoa Dân Quốc cử quân đội đến chiếm đóng đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa), Pháp đã phản đối và yêu cầu họ rời khỏi quần đảo.

Như vậy, với tư cách nhà nước bảo hộ đại diện cho quyền lợi của An Nam, chính phủ Pháp không hề từ bỏ mà vẫn thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa một các liên tục. Đối với Trường Sa, Pháp coi đây là lãnh thổ vô chủ và đã chiếm cứ thực sự trước khi các nước khác có mặt trên quần đảo này mà không gặp sự phản đối đáng kể nào từ phía các quốc gia khác.

3. Chủ quyền của Việt Nam tiếp tục được thực thi và bảo vệ sau khi Pháp rời khỏi Đông Dương

Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo.

Trong phiên họp thứ 7 tại Hội nghị hòa bình San Francisco vào ngày 7.9.1951, đại diện Quốc Gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại) là thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không có một phản đối hay bảo lưu nào từ phía 51 nước tham dự Hội nghị. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều vắng mặt trong hội nghị này. Tuy nhiên, Trung Quốc bảo lưu yêu sách của họ đối với các quần đảo qua tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Chu Ân Lai ngày 15 tháng 8 năm 1951.

Sau Hiệp ước Geneva năm 1954, hai quần đảo được Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. Ngày 22 tháng 8 năm1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa và đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.

Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, với tư cách người thừa kế danh nghĩa pháp lý cùng các quyền và yêu sách của Pháp, đã liên tục tiến hành quản lý hành chính, khảo sát, khai thác và bảo vệ hai quần đảo bằng các hành động như: cắm cờ, lập bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (8.1956), sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam (7.1961), khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo bằng thông cáo của Bộ Ngoại Giao ngày 15 tháng 7 năm 1971, sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Phước Tuy (9.1973), cấp phép cho khai thác phân chim, bắt giữ nhóm quân Trung Quốc giả dạng ngư dân xâm chiếm nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa (2.1959). Tháng 1 năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm toàn bộ các đảo Hoàng Sa, chính quyền đã phản ứng mạnh mẽ và tận dụng mọi cơ hội để khẳng định chủ quyền của mình như: gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo An và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị can thiệp, tuyên bố khẳng định chủ quyền tại Hội nghị Ủy ban Kinh tế Viễn Đông (3.1974) và tại Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về Luật Biển tại Caracas (7.1974), công bố sách trắng về Hoàng Sa và Trường Sa (2.1975).

4. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2 tháng 7 năm 1976 là bên kế thừa hợp pháp của hai nhà nước trước đó, tiếp tục sở hữu danh nghĩa pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đến nay.

Thực thi chủ quyền của mình, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (12.1982), lập thị trấn Trường Sa bao gồm quần đảo Trường Sa, thị xã Cam Ranh và các đảo phụ cận (4.2007), liên tục có quân đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Các lãnh đạo của Việt Nam tiến hành các chuyến đi thăm và khảo sát quần đảo Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền như: các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Quyết, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Đoàn Khuê vào tháng 5.1988, chuyến thăm của ủy viên Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt vào tháng 4.1998.

C.P

RELATED ARTICLES

Tin mới