BienDong.Net: Liên tục từ tết đến nay, ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm mùa tôm hùm giống, mang lại thu nhập hàng trăm tỉ đồng. Theo người trong nghề, chưa năm nào ngư dân được mùa tôm hùm lớn như mùa Tết năm nay.
Tôm hùm con theo gió bấc đẩy đưa dạt vào bãi ngang đàn đàn lũ lũ. Thuyền nào ra khơi cũng có tôm giống đem về.
Có tàu chỉ trong một đêm bắt được trên 160 con với giá bán hiện từ 150.000 – 200.000 đồng/con. Đặc biệt, tàu của ông Phùng Hữu Hạnh (thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận), chỉ trong 10 ngày đã thu về 1 tỷ đồng từ tôm hùm giống.
Vụ đánh bắt tôm hùm con làm giống thường bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 1.000 tàu thuyền đánh bắt tôm hùm giống, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải (huyện Bình Sơn); Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh); Phổ Quang (huyện Đức Phổ).
Nghề đánh bắt tôm hùm giống không đòi hỏi phải đóng thuyền to, máy lớn và vốn đầu tư nhiều, tổng số tiền mua sắm phương tiện, ngư cụ chỉ chừng 30-40 triệu đồng, bằng 1/10 so với đóng phương tiện đánh bắt khác. Hàng ngày, vào khoảng 16-17 giờ, ngư dân ra khơi đánh bắt, đến sáng sớm hôm sau là trở về bến. “Với phí tổn chỉ từ 400.000-600.000 đồng/tàu/đêm, cho nên mỗi chuyến ra khơi chỉ cần bắt được 6 con tôm giống là coi như có lãi.
Có hai cách bắt tôm giống. Một là giăng lưới trên rạng ( đá ngầm) . Mùa này, suốt chiều dài hơn chục cây số dọc theo bờ biển, phao xốp nổi lềnh bềnh, phía dưới giăng đùm lưới, mỗi đùm lưới màu xanh gấp lại hai, ba lần thành búi dài, mắc cách nhau chừng một mét và được cột vào một sợi dây dài. Những con tôm hùm bằng cọng tăm chui vào đùm ẩn nấp, ăn sinh vật phù du. Mỗi sáng, người dân giong thuyền thúng ra , tháo đùm khỏi sợi dây chung rồi giũ nhẹ, bắt tôm con rơi ra để bán làm tôm giống.
Thương lái mua tôm hùm giống ( ảnh báo Quảng Ngãi )
Ngoài cách này, người ta còn sử dụng bình hơi để lặn xuống biển rồi dùng tay để bắt. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không hẳn là như vậy. Nghề lặn bắt tôm giống không phải ai cũng làm được, công việc thường chỉ dành cho những thanh niên khỏe mạnh, mắt thật sáng vì con tôm hùm chỉ bằng cây tăm xỉa răng và trắng trong nên khó phát hiện. Muốn bắt phải chọn chỗ đá ngầm, mang bình ôxy vào và lặn xuống sâu trên 10 m, rất nguy hiểm. Khi phát hiện tôm con núp trong các kẽ đá, các lỗ nhỏ, người đi săn dùng cây tăm xe đạp chọc vào, các con tôm bị “nhột” và bung ra. Thợ lặn phải nhanh tay chộp lấy cho vào chiếc chai nhựa mang theo. Thông thường mỗi thuyền có 4 – 5 thợ thay nhau lặn, mỗi lần lặn 30 – 50 phút.
Theo các lão ngư, tôm hùm chỉ sinh sản trong môi trường tự nhiên, nên rất khan hiếm. Tôm ở vùng biển Quảng Ngãi lâu nay nổi tiếng vì dễ nuôi và là giống tôm lớn. Hiện nay, nhu cầu nuôi tôm hùm lồng ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tăng cao. Tôm giống có bao nhiêu, người nuôi cũng mua hết. Đa số tôm giống đánh bắt được các đầu mối tại địa phương thu mua, sau đó đem bán lại cho những hộ nuôi tôm ở Sông Cầu, Tuy Hoà (Phú Yên); Vạn Giã, TP. Nha Trang (Khánh Hòa)- nơi có thời tiết ôn hòa để thả nuôi thành tôm hùm thương phẩm.
Anh Nguyễn Hữu Cầu ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), chủ một đầu mối thu mua tôm hùm giống cho biết, khoảng 12 năm trước, ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá là chính. Tuy nhiên, nguồn hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, trong khi phương tiện đánh bắt phần lớn có công suất nhỏ, không đủ sức vươn xa bờ nên thu nhập ngày càng giảm. Lúc đó, nhiều ngư dân Bình Châu đã học nghề “săn” tôm hùm con của ngư dân Phú Yên, Khánh Hòa. Từ khi chuyển sang nghề này, cuộc sống của bà con khá hơn hẳn.
Khai thác tôm giống đơn giản và nhiều lợi nhuận như vậy, nên cứ đến vụ tôm là hầu hết số tàu thuyền nhỏ đều chuyển sang đánh bắt con này. Nhờ tôm hùm giống mà nhiều ngư dân nghèo ở vùng ven biển của Quảng Ngãi có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/vụ/năm và đã ra khỏi danh sách xóa nghèo.
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, cho rằng việc tôm hùm giống về nhiều như hiện nay là do khu vực biển này có nhiều đá ngầm và môi trường tương đối trong lành, nhiều thức ăn, tạo điều kiện lý tưởng để tôm về trú ngụ, sinh sản. Tuy nhiên, ông cảnh báo, người dân cần phải đánh bắt có mức độ, tránh làm tổn hại đến môi trường biển dẫn đến mùa sinh sản sang năm lượng tôm con về sẽ suy giảm.
Chương Dương ( tổng hợp theo các báo quốc nội )