Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLẠI MỘT HÀNH ĐỘNG ĂN CƯỚP VÔ NHÂN TÍNH CỦA TÀU CỘNG...

LẠI MỘT HÀNH ĐỘNG ĂN CƯỚP VÔ NHÂN TÍNH CỦA TÀU CỘNG Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

Ngày 25, 26-2-2012, các hãng tin quốc tế BBC, RFA, RFI, Kyodo… đưa tin về một hành động ăn cướp vô nhân tính của Tàu Cộng ở Hoàng Sa. Vụ việc xảy ra đối với tàu cá mang số hiệu QNg 90281TS do ông Đặng Tằm (người xã Bình Châu, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ tàu và 10 ngư dân khác khi họ đang đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Khoảng 17h ngày 22-2-2012, để tránh gió áp thấp nhiệt đới, tàu QNg 90281TS chạy vào đảo Xà Cừ thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi tàu đến vị trí có tọa độ 16o38’ vĩ độ Bắc – 111o44’ kinh độ Đông, cách đảo Xà Cừ khoảng 2,8 hải lý (tức khoảng 5,2km) về phía Đông thì tàu chiến Trung Cộng mang số hiệu 789 xông đến. Khoảng 30 lính Trung Cộng dùng vòi rồng xả nước vào các ngư dân. Ngư dân phải cuộn mình, day lưng vào nhau để chống chọi vòi rồng.

Sau đó binh lính Trung Cộng nhảy vào tàu cá, đánh đập ngư dân, lục soát và lấy đi máy định vị, máy dò, máy quét, quần áo lặn, chân vịt, hải sản, chặt đứt dây lặn và đổ hai phi dầu của tàu cá QNg 90281TS xuống biển. Toàn bộ tài sản bị lính Trung Cộng cướp và phá hỏng khoảng 500 triệu đồng.

 

Dư luận Việt Nam hết sức bức xúc và căm phẫn khi nghe tin về hành động ăn cướp vô nhân tính của Tàu Cộng đối với 11 ngư dân của tàu QNg 90281TS. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động đó của phía Trung Quốc. Phía Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc không để tái diễn những hành động sai trái tương tự và bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Phản ứng đó là tất yếu bởi lẽ hành động mang tính ăn cướp của lực lượng vũ trang Trung Cộng hoàn toàn không thể chấp nhận được từ góc độ luật pháp quốc tế, cũng như quan hệ láng giềng cho đến góc độ đối nhân xử thế hàng ngày.

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã hàng trăm nay thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự thật này được thể hiện trong các bộ sử chính thức của Nhà nước Việt Nam như Đại Nam Thực lục tiền biên, Đại Nam Nhất thống chí, các bản đồ cổ của Việt Nam như An Nam đại quốc họa đồ. Trong các sách ghi chép và bản đồ cổ của các nhà nghiên cứu phương Tây cũng thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Từ thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành cử các đội Hoàng Sa và Bắc Hải ra khai thác nguồn lợi của hai quần đảo này. Đó là hoạt động chính thức của Nhà nước Việt Nam. Còn về ngư dân thì hàng trăm năm nay, ngư dân Việt Nam đặc biệt là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn có căn cứ và phù hợp pháp luật quốc tế. Việc quân Trung Cộng đang chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá ở quần đảo Trường Sa là hệ quả của các hành động xâm lược của Trung Cộng vào những năm 1956 và 1974. Chính vì vậy, ngày 29-2-1012, NFN Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghi đã khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển của quần đảo này là việc làm bình thường từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”.

Hành động ăn cướp đó của Trung Cộng cũng đi ngược lại những gì mà Trung Cộng luôn mồm hứa hẹn và thề thốt với khu vực và thế giới. Năm 2002 Trung Cộng đã chính thức đặt bút ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (thường được gọi tắt là Tuyên bố DOC năm 2002), trong đó có cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982, không sử dụng vũ lực và không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Họ cũng cam kết chủ trương duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cam kết thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC năm 2002, phấn đấu cùng các nước ASEAN xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông. Trong gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Việt Nam, lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Cộng cũng nhắc đi nhắc lại rằng Trung Cộng luôn xuất phát từ tầm cao chiến lược, lấy đại cục của hai nước làm trọng, không tiếc sức mình nỗ lực để tăng cường quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị với Việt Nam. Việc binh lính Tàu ở Hoàng Sa nổ súng bắn vào tàu cá và cướp các tài sản của ngư dân Việt Nam đã vi phạm các cam kết của Trung Cộng theo Tuyên bố DOC năm 2002 cũng như vi phạm các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước Trung -Việt trong những năm qua. Chắc hẳn rằng binh lính Tàu không nổ súng bắn vào ngư dân Việt Nam nếu như không được sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Cộng. Điều làm cho người ta kinh ngạc là việc binh lính Trung Cộng cố tình đẩy các ngư dân trên tàu QNg 90281TS vào chỗ chết. Dùng vũ khí bắn vào tàu cá đã là vô nhân đạo. Nhưng lính Trung Cộng không dừng lại ở đó: chúng còn đổ hai phi dầu dự trữ của ngư dân Việt Nam xuống biển. Lính Trung Cộng biết rằng giữa biển khơi, nhất là khi biển động, chiếc tàu cá nhỏ bé không có dầu sẽ bị chìm mà không ai biết. Lúc đó tội ác của binh lính Tàu Cộng sẽ không ai biết. Sự tàn bạo rõ rành rành. May mắn cho các ngư dân trên tàu Qng 90281TS là trên đường quay về họ đã gặp tàu cá của ngư dân Việt Nam cứu. Việc họ không bị chìm ở biển khơi là ngoài sự mong đợi của binh lính Tàu Cộng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh hành động của phía Trung Quốc đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản của ngư dân Việt Nam, không phù hợp quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhận thức chung, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Hành động ăn cướp ngày 22-2-2012 của Tàu Cộng đối với tàu QNg 90281TS một lần nữa bóc trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Hành động đó chỉ làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Hành động đó chỉ làm cho người dân Việt Nam và các nước trong khu vực căm ghét Trung Cộng hơn và buộc họ phải đoàn kết hơn để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình./.

An Bình

RELATED ARTICLES

Tin mới