Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChina.com cổ suý vũ lực và kình địch dân tộc?

China.com cổ suý vũ lực và kình địch dân tộc?

BienDong.Net: Bài nghiên cứu của ông Nguyễn Hồng Thao, tiến sĩ luật biển tại ĐH Paris I Pantheon – Sorbonne, về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trình bày một ý kiến nghiêm túc, khách quan và hợp lý.

Trong bài viết, tác giả đề xuất: Để giải quyết cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh danh nghĩa lịch sử, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bên thứ ba- ở đây là ý kiến của các học giả không phải là người Trung Quốc hay người Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao ( ảnh phapluatvn.vn)

Việc trang mạng China.com. đăng lại bài viết này là bình thường, song việc họ chọn đăng những ý kiến của dân mạng Trung Quốc như trích dẫn ở dưới đây đã gây sửng sốt.

Thứ nhất, nó cho cảm giác như người Trung Quốc đang đánh trận- dù chỉ bằng ngôn từ- nhưng thật hung hăng và bạo liệt, khác hẳn quan điểm “ láng giềng hữu nghị, láng giềng hài hoà “ mà nhà nước Trung Quốc tuyên bố theo đuổi.

Thứ hai là thái độ ngạo mạn, kẻ cả nước lớn kiểu lấy thịt đè người ăn hiếp người khác, bất chấp lẽ phải và sự thật- lối hành xử đặc trưng của những kẻ cậy tiền và cậy súng- nó cũng không giống với lời rêu rao “sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc”.

Thứ ba, có cảm giác là những cư dân mạng tham gia tranh luận này không có hiểu biết về lịch sử, hoặc được học theo một lịch sử bị bóp méo, hoàn toàn xa lạ với nhận thức chung của thời đại khi mà ở thế kỉ 21 họ vẫn coi Việt Nam là “xứ đô hộ” thuộc Trung Quốc, thậm chí cho rằng ngày nay Việt Nam vẫn là “một tỉnh của Trung Quốc”.

Thứ tư là trong vấn đề Biển Đông nói chung và Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, có vẻ nhưTrung Quốc không cần đến lý lẽ, không cần chứng cớ, họ “chỉ cần biết Trung Quốc cần chúng” ( Biển Đông )- “không cần nói nhiều”, như phát ngôn được đăng trên diễn đàn China.com: “chỉ cần hai nước đánh nhau một trận, “chỉ đại pháo hành trình là chân lý”…

Lý lẽ của những người tham gia tranh luận được đăng trên China.Com phản ánh một thứ não trạng sô vanh nước lớn, không văn minh, giẫm lên sự thực lịch sử.

Tuy không đại diện cho quan điểm chung của nhân dân Trung Quốc, song cái não trạng không bình thường đó vẫn luôn hiện diện, ám ảnh, nó làm vẩn đục bầu không khí trong lành của xã hội, đe doạ sự bình yên của khu vực, gây lo ngại cho các láng giềng.

Việc China.com đăng lại trên trang mạng của mình những lời lẽ thiếu hữu nghị như vậy rõ ràng là vô trách nhiệm, có vẻ như nó cổ vũ tâm lý hiếu chiến, hung hăng vô chính phủ, khuấy động sự kình địch dân tộc.

Sẽ không bất ngờ lắm nếu như những ý kiến kiểu như thế được đăng trên một blog cá nhân, song khi nó xuất hiện Website chính thức của China.com, một tờ báo điện tử lớn ở Trung Quốc có nhiều người truy cập thì rõ ràng đây là một điều không bình thường và không lành mạnh.

Người ta đặt câu hỏi: Trong khi chính quyền Trung Quốc đang lên án những thông tin phản cảm trên các trang báo mạng, việc China.com đăng tải những ý kiến kích động trên nhằm mục đích gì?

Chúng ta một lần nữa khẳng định: Việt Nam là một quốc gia độc lập.

Từ thuở hồng hoang, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã luôn đoàn kết một lòng, hiên ngang đứng lên đánh giặc ngoại xâm, bất kể chúng lớn mạnh thế nào, quyết xả thân giữ nước, không chấp nhận sự nô dịch của ngoại bang:

Chúng ta tự hào với nhữngThánh Gióng, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung….…

Những Như Nguyệt, Diên Hồng, Chương Dương, Bạch Đằng, Chi Lăng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Hàm Tử còn sáng mãi trong sử Việt…

Gần 500 năm trước, năm 1427, sau cuộc đại thắng quân Minh, trong Bình Ngô Đại Cáo bất hủ, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã thay lời Bình định Vương Lê Lợi tuyên bố:

Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Đối với dân tộc Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm !

Khát khao sống hoà bình, hoà hợp với các láng giềng, người Việt cũng luôn coi trọng hoà hiếu theo tinh thần:…Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo”, đồng thời luôn có đủ ý chí, quyết tâm và sức mạnh để giữ gìn và bảo vệ Tổ Quốc thân yêu của mình.

Chương Dương


Sau đây là bài viết của TS Nguyễn Hồng  Thao đăng trên China.com sau khi đã chuyển ngữ:


Bài nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hồng thao đăng trên China.com

Để giải quyết cuộc tranh luận dai dẳng xung quanh danh nghĩa lịch sử, cách tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bên thứ ba.

Người phương Tây đã từng nói về sự quy thuộc của quần đảo Paracel vào An Nam. Các nhà truyền đạo Pháp trên tàu Amphitrite trên đường sang TQ đã ghi trong một bài tiếng Pháp năm 1701: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam. Đó là một bãi đá ngầm khủng khiếp có đến hàng trăm dặm, rất nhiều lần đã xảy ra các tai nạn đắm tàu ở đó” ([1]).

Jean-Louis Taberd ghi nhận:
“Pracel hoặc Paracels (Bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này không có gì ngoài các đá, bãi và độ sâu lớn hứa hẹn nhiều bất tiện lợi hơn, Vua Gia Long đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ của ngài bằng cách chiếm thêm vùng đất buồn bã này. Năm 1816, ngài đã tới đây long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá này, mà không một ai tranh giành gì với ngài cả”([2]).

Về phần mình, J.B.Chaigneau, cố vấn của nhà vua An Nam, đã viết trong cuốn hồi ký về nước Cochinchine: “Nước Cochinchine mà nhà vua bấy giờ đã lên ngôi Hoàng đế gồm xứ Cochinchine và xứ Đông Kinh… một vài đảo có dân cư không xa biển và quần đảo Paracel do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành. Chỉ tới năm 1816, Hoàng đế mới chiếm hữu quần đảo này”([3]).

Dubois de Jancigny trong Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan có viết: “Chúng tôi quan sát thấy rằng từ ba mươi tư năm nay, quần đảo Paracel (người An Nam gọi là Cát vàng), một ma hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá và các bãi cát đầy ngờ vực của các nhà hàng hải và có thể được coi là hoang dã và vô tích sự nhất trong số các điểm của quả địa cầu, đã được người An Nam (Cochinchine) chiếm hữu. Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (nhằm mục đích, có thể, bảo vệ nghề cá); nhưng chắc chắn rằng Vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người, bởi vì ngài đã thân chinh tới đó chiếm hữu, việc này xảy ra vào năm 1816 khi ngài long trọng kéo cờ của An Nam lên đó”([4]).

Gutzlaff trong bài Địa lý Vương quốc Cochinchine xuất bản năm 1849 tại London (Anh) cũng ghi Cát Vàng (để chỉ Paracel) thuộc Cochinchine. Gutzlaff viết:

“Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài cái bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ dập qua. Những đảo ấy đáng lẽ không giá trị nếu nghề chài ở đó không phồn thịnh và không biết bù hết mọi nguy nan cho kẻ phiêu lưu. Từ lâu đời, những thuyền phần lớn từ đảo Hải Nam tới, đã hằng năm đến thăm các bãi nổi này và tiến hành cuộc viễn du xa xa tới tận bờ đảo Borneo. Tuy rằng hằng năm hơn phần mười bị đắm, nhưng cá đánh được rất nhiều, đến nỗi không những bù hết được mọi thiệt thòi, mà còn để lại món lợi rất to. Chính phủ An Nam thấy những lợi có thể mang lại nếu một ngạch thuế được đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải trả, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc” ([5]).

Trong Địa lý tóm tắt của Ý (Compendio di Geografia) do Adriano Balbi soạn năm 1850, trang 641 mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: Cũng thuộc vương quốc này còn có quần đảo Paracel, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Condor (tức Hoàng Sa, nhóm đảo Hải Tặc và Côn Đảo). Cũng trong tác phẩm này tr.644-648 về địa lý Trung Hoa không viết gì về Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngay cả các sách TQ cũng công nhận việc quy thuộc các đảo này vào An Nam. Chúng ta có thể đọc được điều đó trong phần tựa cuốn Hải Lục năm 1842 trong đó Vương Bính Nam đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ TQ từng đi nhiều nước nhiều vùng về kể lại:
“Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên giậu của An Nam”.

Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người TQ) năm 1696 ([6]) quyển III đoạn thuật lại chuyến đi về Quảng Đông bắt đầu đi từ Quảng Nam viết: “…bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn lý Trường Sa”, mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm ([7]). Các quốc vương thời trước, hằng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào”. Đoạn văn mô tả này đã xác nhận việc hành xử chủ quyền của thời Chúa Nguyễn qua hoạt động thu lượm hóa vật của Đội Hoàng Sa.

Các mô tả về Paracel từ các nguồn nước ngoài chứng tỏ Hoàng Sa không phải là các đảo ven bờ biển Trung VN. Trong khi có khá nhiều nguồn tài liệu trung gian chứng minh sự chiếm hữu Paracels của các Chúa và Vua Nguyễn, không có một nguồn tư liệu nước ngoài nào chỉ rõ sự chiếm hữu các đảo này của TQ.

TS Nguyễn Hồng Thao

 

 

Trích đoạn phản hồi của dân mạng Trung Quốc

– Tác giả: Không yêu em thì yêu ai?

2011-11-09 14:27:30
Người VN nói nhiều cũng chẳng tác dụng, Người TQ nói nhiều cũng chẳng tác dụng. Tôi nghĩ phương pháp chân chính để giải quyết vấn đề chỉ còn một cách: đó là 2 nước đánh nhau 1 trận. Người VN tự cho mình rất hay, người TQ chúng ta cũng tự cho mình rất hay, không cần lắm lời, rốt cuộc ai hay thì đánh một trận sẽ biết liền. TQ cổ thư nói “thượng binh phạt mưu”( ý là: trước dụng binh sau mới rõ mưu cao thấp). Ngoài ra tôi muốn nói với người VN rằng đánh nhau thì cần số lượng lớn tiền tài, toàn dựa vào anh hùng chỉ vô dụng, còn cần yếu tố tổng hợp của trang thiết bị quân sự và binh lính. Với mấy việc này thì ai buồn cười và đại ngôn không biết thẹn, chỉ có người hiểu biết mới biết . Cuối cùng tôi nói với người VN: Các ngươi lúc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nếu không có viện trợ tài và trí của người TQ thì cái thân thấp kém các ngươi với gia tài và trí thông minh (IQ) liệu giành được thắng lợi, căn bản là không thể nào.

– Tác giả: 490
2011-11-09 14:09:52
Được rồi, coi như là của VN đi, nhưng lúc đó VN lại là của ai ?

– Tác giả: Thiên Sơn Thiên Lâm

2011-11-09 15:08:16
An Nam quốc cách đây 2000 năm thuộc về TQ!

– Tác giả Thiên Đãng Sơn
2011-11-09 15:13:34
Con khỉ VN đừng quên, theo lịch sử VN mãi luôn là lãnh thổ TQ hoặc xưng thần cống nạp TQ.

– Tác Giả
2011-11-09 14:47:06
Chỉ đại pháo hành trình là chân lý.

– Tác giả: Hảo Liệt Binh
2011-11-09 16:09:05
Từ thời Tần trở lại VN là lãnh thổ TQ, mặc dù đời Tống độc lập nhưng mãi là nước phụ thuộc, độc lập thật sự vào cuối đời Thanh. Các ngươi nói Nam Hải là của các ngươi, chúng tôi không có chứng cứ ? Cần gì chứng cứ, chúng tao cần nó, đơn giản vậy thôi, không phục hả ? Các ngươi nói Đài Loan là của các ngươi, thử lại đánh coi ?

– Tác Giả: Chiết Liễu
2011-11-10 01:49:36
VN lúc kháng Mỹ đã dùng công hàm quốc gia, mà quốc tế đã biết rõ, xác nhận Nam Hải là của TQ. Đó là sự thật trên quốc tế, một sự thật không thể phản bác.

– Tác Giả: Lam Sắc Kinh Hồng
2011-11-10 07:43:24
Tôi bổng nhiên nhớ lại cảnh chiếu thế giới động vật, thảo nguyên Phi châu với bầy khỉ đầu chó tranh địa bàn với bầy sư tử. Kết quả có thể tưởng ra mà biết. Bầy khỉ đầu chó cơ hồ một con cũng không còn!
Không biết quý vị cảm xúc hết chưa, tôi rất bình tâm, chỉ tức cười ! Quốc gia khỉ sắp vong quốc không còn xa nữa !

– Tác giả 866

2011-11-10 10:36:13
Ai da, có ngư dân đến đó thì là lãnh thổ ? Hôm nay lần đầu nghe nói đến An Nam quốc ? hình như thời cổ đại, hôm nay Quảng Tây cũng là An Nam. Thế nào, muốn đi lùi nữa không ? Giao chỉ nghe nói chưa ?
Trước Công nguyên năm 111, Hán Võ Đế diệt nước Nam Việt, rồi tại bắc bộ VN ngày nay lập ra ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, thực thi quản lý hành chính trực tiếp. Ngay cả cái tên nước cũng do triều Thanh đặt cho. Ban đầu các ngươi muốn lấy tên Nam Việt. Nguyên nhân đơn giản là ( viết tắt từ) An Nam – Việt Thường. Mỗi cái tên đều chỉ Nam Việt. Nhưng chúng tôi đã diệt Nam Việt rồi, sợ nhầm lẫn nên bỏ cái tên đó đi.
Tên An Nam xuất hiện vào đầu đời Đường, An Nam Đô Hộ Phủ. Ý nghĩa là gì thì không cần thiết giải thích nữa rồi nhé ? Lấy việc An Nam làm mẫu, vậy mà còn muốn Tây Sa, thật có tài ! Một Đô hộ Phủ của triều Đường chúng tao ! Các ngươi kế thừa An Nam, sao lại dám to mồm tranh đất ? Được rồi, nước ngươi có hải quân gì ? thành lập khi nào ? Đừng nói với tôi là ngư dân hải tặc cũng tính luôn nhé !
VN có bao nhiêu năm lịch sử ? Các ngươi thử lật ra xem, chính vì các ngươi và TQ giống nhau, có một Hán tộc áp chế sao ? Hết nói luôn, còn muốn tìm người TQ lý giải ? Ai thèm chạy đến các ngươi lý giải. An Nam quốc, hết nói, vui lòng hiểu An Nam Đô Hộ Phủ cái đã rồi giảng diễn lịch sử gì gì….???

– Tác giả: Đại Trung Hoa – Đế Quốc Thời Đại
2011-11-10 11:16:28
Hiện tại TQ vẫn thừa nhận toàn bộ VN là một tỉnh của TQ, nghĩ sao ? Kiên định hoàn toàn.

(Trang Thiên Long chuyển ngữ)

RELATED ARTICLES

Tin mới