Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViệt Nam đứng trước nước biển dâng

Việt Nam đứng trước nước biển dâng

BienDong.Net: Là quốc gia biển, Việt Nam là một trong 5 nước được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng khoảng 20cm.

PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường (Bộ TN-MT), cho biết theo kịch bản phát thải toàn cầu cao, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến 2,5-3,7 độ C, lượng mưa năm tăng trên hầu hết lãnh thổ nước ta từ 2-10%.

Trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95 cm. Mực nước biển ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang có thể dâng tối đa đến 105 cm.

Tiến sĩ Trần Thục ( ảnh Internet)

Từ kết quả tính toán, nếu mực nước biển dâng 1m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp; Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.


Ảnh: www.rtv.es.

Ước tính, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, đồng thời biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam bị ngập hàng năm.

Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh đến Việt Nam thông qua các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, rõ rệt nhất là các cơn bão trái mùa, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn.

Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vừa được công bố hôm 7/3 tại Hà Nội, có hai mục tiêu chung đã được xác định là phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu pháp triển bền vững.

Đồng thời, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế CO2 thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh BĐKH toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Chiến lược cũng xác định bốn mục tiêu và các nhiệm vụ cụ thể:

Đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành việc xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đến năm 2020, hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan đạt mức tiên tiến của thế giới.

Đến năm 2020, tỷ lệ đất có rừng được nâng lên 45% song song với việc nâng cao chất lượng rừng, tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước…

Đến năm 2015 hoàn thành việc rà soát và ban hành kế hoạch loại bỏ dần các công nghệ năng lượng kém hiệu quả; ban hành hệ thống định giá năng lượng mới.

Về giải pháp ứng phó, Tiến sĩ Trần Thục cho biết hiện có 3 kịch bản biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ở VN, và kịch bản về phát thải toàn cầu ở mức trung bình chính là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương sử dụng làm cơ sở trong việc đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng kế hoạch thích hợp nhất nhằm giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về con người, kinh tế – xã hội.

Ông Thục khuyến cáo: Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tại các tỉnh ven biển miền Trung, không nên xây nhà và các công trình ở gần biển, đặc biệt là khu vực trũng, khi xây dựng công trình giao thông cũng phải xem xét đến yếu tố nước biển dâng. Tây Nguyên sẽ không chịu cảnh ngập nước nhưng cần có giải pháp để thích ứng khi nhiệt độ tăng, thay đổi chế độ mưa… ĐBSCL chịu ngập nặng nhất, vì vây cần nghiên cứu chuyển đổi cây trồng chịu được ngập và mặn, tổ chức nuôi trồng thủy sản hợp lý và xem xét việc xây đê bao để ngăn nước biển xâm nhập.

Cũng theo TS Trần Thục, bên cạnh những tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội, BĐKH cũng có thể là động lực thúc đẩy sự phát triển, hình thành mẫu hình tiêu thụ mới, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, mở ra các thị trường mới về công nghệ năng lượng, hàng hóa, dịch vụ theo hướng phát thải ít CO2, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các thiết chế tài chính quốc tế về BĐKH.

Sông Hồng ( tổng hợp )

RELATED ARTICLES

Tin mới