Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Đường lưỡi bò” xâm phạm các nguyên tắc hoà bình trên...

“Đường lưỡi bò” xâm phạm các nguyên tắc hoà bình trên Biển Đông

Dù Trung Quốc có một mực duy trì quan điểm Biển Đông là “chuyện trong nhà” của họ, thì một thực tế rõ ràng rằng Biển Đông mang tầm vóc toàn cầu và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vẫn cứ diễn ra. Cuối cùng thì ai cũng biết Biển Đông trong lịch sử cũng như hiện tại chưa từng bao giờ là “ao nhà” của Trung Quốc với cái gọi là “vùng nước lịch sử”. Thế giới ngày nay cũng không còn là thế giới “cá lớn nuốt cá bé” như xưa kia nữa.

Yêu sách ngang ngược của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” đe dọa nền hòa bình khu vực và an ninh hàng hải quốc tế chắc chắn sẽ vấp phải những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt của thế giới văn minh tôn trọng luật pháp.

Từ đầu năm 2007, Trung Quốc bắt đầu triển khai nhiều biện pháp để củng cố cơ sở pháp lý của yêu sách “đường lưỡi bò” và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về “chủ quyền ở Biển Đông”. Tiếp theo Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp (1992),Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998), Trung Quốc đi thêm một bước nhằm thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp. Ngày 3/7/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Trung Quốc cũng thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước quản lý về biển, hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương với Tầm nhìn 2020 (tháng 6/2010), Kế hoạch xây dựng khu kinh tế Quảng Tây, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người (nhằm vào Trường Sa và Hoàng Sa)…

Trong các nỗ lực nhằm khẳng định “chủ quyền và quyền kiểm soát” trên Biển Đông, Trung Quốc liên tục ngăn cản các hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác bất chấp các hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác theo công pháp quốc tế. Trung Quốc tăng cường sức ép, buộc các công ty nước ngoài rút khỏi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí mặc dù các dự án đó nằm trong vùng nước thuộc phạm vi quyền chủ quyền của Việt Nam . Trong khi đó, ngày 24/11/2008 , Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố dự án 30 tỷ USD để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu ở Biển Đông. Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90-116 hải lý.

Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào mùa đánh bắt cao điểm. Từ năm 1999, Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt trong ba tháng, từ giữa tháng Năm đến giữa tháng Tám, đúng vào mùa đánh bắt cao điểm của ngư dân Việt Nam . Nhiều trường hợp tàu ngư chính và tuần duyên của Trung Quốc cố tình va chạm trực tiếp làm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam , bắt giữ và đòi tiền chuộc nhiều tàu cá của Việt Nam . Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng từ năm 2007 đến nay hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, các hoạt động tuần tra, bắt giữ và cản phá ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn.

Có ba điểm đáng chú ý trong lệnh cấm đánh bắt hàng năm của Trung Quốc. Một là, lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực trong phạm vi một vùng biển lớn nằm trong “đường lưỡi bò” mà các nước khác bác bỏ, bao gồm cả những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và nhiều nước khác. Hai là, thời gian của các lệnh cấm đánh bắt cá ngày càng được kéo dài một cách tùy tiện và vô lý, không tham khảo ý kiến và không có được sự đồng thuận từ các quốc gia khác. Ba là, Trung Quốc sử dụng các loại chiến hạm cải tiến thành các tàu tuần ngư quy mô lớn, không ngại va chạm để xua đuổi, hăm dọa ngư dân các nước.  Vấn đề ở đây là những hành động như vậy hoàn toàn đi ngược lại những cam kết của Trung Quốc được ghi trong Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Để hỗ trợ các hoạt động kiểm soát trên thực tế và tạo dựng tiền đề cho việc khống chế Biển Đông trong tương lai, Trung Quốc ra sức hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân, củng cố và phát triển các căn cứ, cơ sở quân sự và dân sự ở vùng duyên hải và ở nhiều vị trí trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2008, Trung Quốc xây dựng một căn cứ hải quân ở Tam Á trên đảo Hải Nam . Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng mở rộng sân bay ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, củng cố căn cứ quân sự ở Bãi Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa với hệ thống ra-đa cảnh báo sớm, duy trì sự hiện diện liên tục tại Bãi đá ngầm Vành Khăn ngoài khơi bờ biển phía Tây của Philippines. Cùng với căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, Trung Quốc cũng thiết lập một căn cứ tên lửa ở Quảng Đông. Đỉnh cao về sự gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là vào các ngày 26/5 và 9/6/2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã có hành động ngang ngược cắt đứt dây cáp của các tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang tiến hành các cuộc khảo sát địa chấn tại khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam khoảng 120 hải lý thuộc thềm lục địa Việt Nam. Các hành vi này rõ ràng là đã vi phạm Tuyên bố DOC giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và luật pháp quốc tế.

Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc tiếp tục phản đối việc thực thi chủ quyền hợp pháp của các quốc gia khác cùng với các nỗ lực nhằm chống lại việc đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp. Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc quy định ngày 13/5/2009 là hạn chót để các nước đăng ký đường ranh giới ngoài của thềm lục địa. Ngày 6/5/2009 , Malaysia và Việt Nam nộp bản đề xuất chung và ngay ngày hôm sau, Việt Nam nộp một tuyên bố riêng.Ngay lập tức, Trung Quốc phản đối nhưng không nộp văn bản công khai. Theo quy định của Ủy ban Ranh giới thì những yêu cầu bị phản đối sẽ không thể được xem xét. Trung Quốc đã tư liệu hóa những yêu sách biển của mình bằng việc đính kèm một bản đồ vẽ “đường lưỡi bò”  liếm xuống hầu như toàn bộ Biển Đông.  Trong cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước, Trung Quốc tuyên bố với Mỹ rằng họ coi Biển Đông thuộc phạm vi “lợi ích cốt lõi” của họ, một động thái càng làm tăng những mối lo ngại về động cơ của Trung Quốc sau những diễn biến gần đây.

Trong một nỗ lực để mang lại trật tự và giảm thiểu va chạm, các cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc được bắt đầu vào những năm 1950, đã mang lại Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Công ước này đã được thiết lập để mang lại trật tự hợp lý trong việc “chiếm đất” trên biển và cân bằng các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển với những lợi ích hợp pháp tương tự của các cường quốc hàng hải. Khía cạnh đầu tiên là pháp điển hoá các quy tắc liên quan đến đường cơ sở, các ranh giới tại hoặc gần bờ biển giữa lãnh thổ thuộc hoàn toàn chủ quyền của nước ven biển và các vùng biển mở rộng ra ngoài khơi của họ. Mục đích của một hệ thống các đường cơ sở thống nhất là hạn chế việc mở rộng thẩm quyền của quốc gia ven biển đối với các đại dương. Khi Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa thì đó là một hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của UNCLOS rằng chỉ các quốc gia quần đảo mới có thể đưa ra một tuyên bố như vậy. Về các nguồn tài nguyên ở Biển Đông, có lẽ khuôn khổ UNCLOS quan trọng nhất được thiết lập nhằm đạt tới an ninh và ổn định hàng hải là Quy chế của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Vùng EEZ được thiết lập để giảm thiểu các tranh chấp đối với nguồn tài nguyên ở những dòng nước và đối với nguồn tài nguyên dưới đáy biển ra đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển. UNCLOS cung cấp cho các quốc gia ven biển quy định quyền pháp lý để quản lý, bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong khu vực này. UNCLOS khẳng định rõ ràng rằng một tuyên bố quyền tài phán quốc gia đối với các nguồn tài nguyên phải được dựa trên địa lý của quốc gia ven biển theo nguyên tắc “đất thống trị biển”. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán hàng hải của họ trong Biển Đông theo “đường lưỡi bò” táo tợn mà không có bất cứ sự xem xét dù là trực tiếp hay gián tiếp nào về đặc điểm của hình thù địa lý duyên hải hay thậm chí là cả đường cơ sở của họ là một sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và các qui chuẩn về cách hành xử được kỳ vọng của các quốc gia đã nói rõ trong quy chế đường biên giới biển do UNCLOS lập ra. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc do vậy là một trong hai nguồn chính của các vụ tranh chấp và va chạm giữa các quốc gia ven Biển Đông gây ra nhiều quan ngại cho nền hòa bình trong khu vực này.

Thêm vào đó, Trung Quốc tuyên bố trong một bức thư gửi cho Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc rằng tại quần đảo Trường Sa họ “hoàn toàn có quyền có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa”. Tuyên bố về các quyền đối với EEZ và thềm lục địa đối với Trường Sa của Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế ở chỗ có rất ít các đảo nhỏ, bãi ngầm và bãi cát nào mà tạo nên quần đảo Trường Sa có quyền hưởng các vùng đó do chúng không thể hỗ trợ việc sinh sống của người dân bản địa hoặc duy trì hoạt động kinh tế dân sinh tại chỗ.

Chế độ vùng đặc quyền kinh tế đã được soạn thảo như một thoả hiệp được cân bằng một cách thận trọng giữa hai lợi ích hợp pháp. Nó bảo vệ các quyền đối với các nguồn tài nguyên bằng cách cho phép các quốc gia có chủ quyền đặc quyền và quyền tài phán đủ để họ quản lý nhưng không phải là chủ quyền hoàn toàn, nghĩa là cho phép các quốc gia ven biển can thiệp vào quyền tự do hàng hải của các nước khác khi họ dùng sức mạnh hải quân để theo đuổi các lợi ích an ninh của mình. Bởi vậy, sự tự do hàng hải, tự do hàng không và một số hoạt động hợp pháp lâu đời khác trên vùng biển quốc tế, bao gồm cả tự do quân sự, đã được duy trì một cách cụ thể bởi tất cả các quốc gia trong khuôn khổ quyền tài phán của UNCLOS tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động đe dọa an ninh hàng hải, tự do hàng không, phá vỡ sự cân bằng này đã phản ánh sự coi thường UNCLOS của Trung Quốc trong việc đáp ứng đầy đủ tiềm năng của nó như một cơ chế ổn định hàng hải liên quan đến việc cân bằng quyền lợi của các quốc gia ven biển và tự do hàng hải, hàng không quốc tế trong vùng đặc quyền kinh tế. Từ những phân tích trên đây có thể thấy rõ rằng Trung Quốc đã chưa có được sự tuân thủ UNCLOS một cách nghiêm chỉnh khi đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò”, ngang ngược tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

H.N

RELATED ARTICLES

Tin mới