Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐi Trường Sa: Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió

Đi Trường Sa: Cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió

BienDong.Net: Nơi đảo xa, những người giữ đảo của chúng ta sống như thế nào? Ghi chép cùng những bức hình của Mai Thanh Hải cho chúng ta thấy phần nào cuộc sống hằng ngày ở nơi đầu sóng ngọn gió này…

Nuôi quân ở Trường Sa

 

Chả phải do tàu nằm ì một chỗ neo đậu tránh bão đến mấy ngày, khiến mình rỗi rãi sục sạo khắp cái không gian nhỏ hẹp giữa biển mênh mông, bám càng tổ nuôi quân chăm lo cho những người đi biển theo tiêu chuẩn ngày 4 bữa và thông cảm, khâm phục các chàng con trai nhưng thạo việc “cơm dẻo canh ngọt” hơn cả các nhân vật, đại loại tham gia Chương trình “Vào bếp”, “Món ngon” phát nhan nhản trên kênh Truyền hình…

Thế nhưng những ngày biển động, sóng cao ngất đầu này, được chứng kiến và tham gia công việc cùng các “anh nuôi”, mình càng phục lăn, đến lác cả mắt.

Toàn đàn ông thanh niên, sĩ quan – chiến sĩ Hải quân, cả đời chỉ quen với tàu chiến, súng đạn… nhưng khi được điều động sang tham gia tổ nuôi quân, những lính biển này tạm gác chuyện súng pháo sang một bên, tất bật từ 4 giờ sáng đến 12 giờ đêm với việc nấu cơm, thái thịt, nhặt rau, nấu nướng giữa bập bênh sóng biển, chia thức ăn, bê đến tận phòng khách đi tàu và rồi lại thu dọn, rửa bát quét tàu…

Cứ lặp đi lặp lại ngày 4 lần như vậy, cho bữa ăn sáng – trưa – chiều – tối.

Cường độ làm việc cao như vậy, nhưng việc ăn ở của anh em đơn giản đến nao lòng: Cả tổ phải mắc võng ngủ nghỉ ở.trên boong, nơi để hàng – thực phẩm giữa thông thống gió biển, nước tạt lên hàng ngày và lạnh cóng mỗi đêm.

Những ngày sóng gió bão bùng, nhìn anh em không được phép say sóng như những người trong Đoàn công tác của mình, chạy đi chạy lại lo từng bát cơm, cốc nước cho toàn tàu, cứ thắt lòng lại thương và khâm phục đồng đội.

Còn những người trong Đoàn công tác thì tấm tắc: “Bộ đội mình giỏi thật. Thế này, chả ngại bọn cướp biển” và mình xin được ghi công trong lòng mình về họ – Những người lính biển tài hoa, dũng cảm và nhiệt huyết của Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.

Tổ nuôi quân đang… tác nghiệp

Thích nhất là có món cà pháo trên biển

Rau muống luộc

Nhà Giàn thân thương


Biển sau bão, cứ tưởng sẽ lặng được lâu lâu, ít nhất là hết chuyến đi. Nhưng chẳng ngờ đùng phát, mới qua một đêm ngủ, sáng dậy đã thấy bung biêng chao đảo như quấy bột. Biển động đến cấp 4, sóng lừng lừng nhưng Trưởng đoàn công tác vẫn chỉ đạo Trợ lý Tác chiến và Lữ đoàn 171, tìm mọi cách lên nhà giàn Huyền Trân (DK1/7) thăm và làm việc với bộ đội, bởi từ Tết đến nay, hình như chưa có khách nào ghé qua với anh em. Xuồng chuyển tải của tàu hì hụp kéo tụi mình lách qua chân sóng vào và lượn vòng tìm cách tiếp cận. Sau gần 1 tiếng ngoi lên thụp xuống, rút cục cũng được anh em kéo tuột lên nhà giàn. Có nhiều chuyện kể thêm về nhà giàn lắm, nhưng đưa trước cái hình chụp với Phó Chính ủy Lữ đoàn 171, trước khi cho máy ảnh vào túi bảo quản, chới với lao từ nhà giàn xuống xuồng và lại hì hụp quay trở lại con tàu thân yêu..

“ĐẶC SẢN NHÀ GIÀN LÀ CÂY CHANH QUẢ RẤT TO!”…


Duy nhất toàn quần đảo Trường Sa và những nhà giàn DK1, mỗi nhà giàn DK1/7 có cây chanh sai quả, mọng nước và sống bền bỉ, đơm hoa kết trái đều đặn mấy năm nay. Cây chanh này nổi tiếng toàn bộ vùng… thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, đến nỗi có tàu trực ở khu vực gần đó, trụ lâu ngoài biển nên hết sạch đồ tươi, phải hạ xuồng vượt sóng to lấy cớ lên “thăm anh em nhà giàn” để xin mấy quả chanh cho anh em tàu hít hà, đỡ nhớ mùi đất liền. Mình lên nhà giàn, chụp hình cây chanh, cậu chiến sĩ người Nam Định cứ lom lom đứng cạnh, thi thoảng lại nhắc nhở: “Nhẹ tay thôi anh nhé!” khi thấy mình sờ vào lá, thân cành. Buồn cười nhất là khi nghe xong báo cáo báo cầy của phân đội, có người hỏi: “Điểm khác của nhà giàn này so với các nhà giàn khác là gì?”, cậu sĩ quan trẻ trả lời rất hồn nhiên: “Là có cây chanh quả rất to”, khiến mọi người cười suýt ngã. Nhưng cười vậy đấy, xong ai cũng thương lính đến nao lòng. “Đặc sản” thế, tại sao mình không ngồi, tự giơ máy chụp chung để khoe rằng: “Đặc sản nhà giàn là cây chanh quả rất to”, đất liền xa xôi nhể?

Đội tuần tra đặc biệt


“Đội Tuần tra” này không hoạt động theo giờ mà rất miệt mài, chăm chỉ 24/24 khắp khu vực quanh bia chủ quyền của Trường Sa Lớn. Cũng lạ, đến mỗi đơn vị – phân đội trên toàn “Thủ đô của Trường Sa”, đâ đâu cũng thấy những “Đội Tuần tra” như thế. Anh em bảo: Khách thăm hỏi, chụp hình thì không sao, nhưng cứ lớ xớ đến gần công sự, nơi đặt vũ khí – khí tài (có biển đỏ ghi rõ “Cấm quay phim, chụp hình”), thế nào “lính tuần tra cũng” ngoạc mồm kêu quàng quạc váng cả lên, gọi lũ “cảnh khuyển” đến sủa ông ổng, báo cho Vệ binh về tình trạng “vi phạm quy định”…

Thế mới thấy, ở nơi đầu sóng ngọn gió, mọi việc đều có thể xảy ra, không chỉ con người cần nâng cao tinh thần cảnh giác mà gia súc, gia cầm, vật nuôi cũng biết học theo chủ mình, “bảo mật, phòng gian”. Ai ra Trường Sa, nhớ tuân thủ nghiêm quy định này, kẻo gà vịt vừa quàng quạc vừa kéo quần, chó sủa to – nhe răng trắng ởn ngăn cản, thì xấu hổ với bọn chúng lắm, nhé!…

BDN ( Biên tập theo bài viết của Mai Thanh Hải )

RELATED ARTICLES

Tin mới