Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90 m...

Việt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng 90 m nước

BienDong.Net: Cuối tháng 3/2012, tại TP Vũng Tàu, Giàn khoan tự nâng 90 m nước – giàn Tam Đảo 03 đã được Công ty PV Shipyard bàn giao cho Liên doanh Việt – Nga.

Giàn khoan tự nâng 90 m nước là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, là giàn khoan tự nâng đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam do PVN làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu chế tạo. Sự kiện này đã chính thức đưa Việt Nam trở thành một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Giàn khoan Tam Đảo 03 được PVN chuyển giao cho Vietsovpetro sử dụng.

Đây là dự án có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị điện, điện tự động và kiến trúc nội thất.

Giàn tự nâng có trọng lượng gần 12.000 tấn với chiều cao chân giàn là 145m, có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển.

Công trình đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ – ABS cấp giấy chứng nhận khẳng định chất lượng của giàn khoan Tam Đảo 03 đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo.

Khi Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí được thành lập năm 2007 nhằm mục đích thiết kế, chế tạo đóng mới, sửa chữa các loại giàn khoan, phương tiện nổi dầu khí, hầu hết các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực cơ khí chế tạo giàn khoan dầu khí biển đều thận trọng cho rằng Việt Nam chưa thể chế tạo được giàn khoan tự nâng.

Những băn khoăn đó hoàn toàn có cơ sở, bởi vì đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, phức tạp với các tiêu chuẩn khắt khe, phải chịu được các điều kiện khắc nghiệt như sóng, gió, dòng chảy, ăn mòn, động đất… mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được (chỉ khoảng 02 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công).

Chính vì thế, Dự án đóng mới giàn khoan đã trở thành bước ngoặt lớn đưa ngành công nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội, tiền đề để mang các loại giàn khoan do Việt Nam chế tạo vươn ra cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Sau khi tổ chức bàn giao giàn khoan tự nâng đầu tiên, trong năm nay PV Shipyard sẽ tiếp tục đóng mới giàn khoan tự nâng thứ 2 cho Vietsovpetro với khả năng hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 130m. Cùng lúc đó, 01 sà lan tiếp trợ khoan hoạt động ở độ sâu 250 m, chiều sâu khoan 10.000m cũng đã được Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) giao cho PV Shipyard thực hiện.

Hoa Biển ( Nguồn: Petro Times )

RELATED ARTICLES

Tin mới