Thursday, November 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnDân mình bám biển: Vì mưu sinh và chủ quyền Tổ quốc

Dân mình bám biển: Vì mưu sinh và chủ quyền Tổ quốc

BienDong.Net: Dù phải đối diện với rất nhiều gian nan và hiểm nguy, nhưng dân mình vẫn bám biển, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc, bởi họ ý thức rằng, biển là nguồn sống, rằng ra khơi là góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển.

Theo chương trình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, để đảm bảo chủ động về nguồn nguyên liệu thủy sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nuôi trồng cũng như đánh bắt thủy sản, giai đoạn từ nay đến năm 2020, cần đầu tư khoảng 17.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho mục tiêu hiện đại hóa tàu khai thác xa bờ.

 

Tiến ra ngư trường của ta!

Quảng Ngãi có gần 6.000 tàu cá, trong đó trên 1.000 tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Quảng Nam có trên 3.200 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở hai quần đảo nói trên. Huyện đảo Lý Sơn, dân số hơn 21.000 người, có đến 70% dân số sống bằng nghề biển.

Ngư dân Mai Phụng Lưu, nổi tiếng với biệt danh “ Sói biển” từng tâm sự: “Nhiều đời cha ông của chúng tôi đã bám biển Hoàng Sa, nay đến chúng tôi vẫn bám biển. Riêng tôi có hàng chục năm đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Việc Trung bắt bớ đánh đập và cản trở chỉ khiến chúng tôi vô cùng tức giận chứ không hề sợ. Tôi sẽ mãi mãi bám biển và con cháu chúng tôi vẫn vậy”.

Ngư dân thu hoạch cá (Ảnh Minh Đức)

Còn Thuyền trưởng Võ Nam, quê ở thôn Tây, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi nói giọng chắc nịch: “Ôi, biển của mình thì mình ra đánh cá. Hoàng Sa hay Trường Sa gì cũng vậy hết. Ai cấm? Bọn tui không có ngán đâu!”

Cũng lập luận như vậy, ngư dân Hoàng Văn Lê (trú Sơn Trà- Đà Nẵng) khảng khái: Nếu Nhà nước Việt Nam cấm thì chúng tôi chấp hành, nhưng Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm ngược đời vậy thì chúng tôi sẽ không thực hiện”.

Ngày 16.5, tại âu thuyền Thọ Quang, con tàu lớn nhất miền Trung mang số hiệu ĐNa 90511TS của ông Trần Toàn (tổ 42 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) đã hạ thủy, bắt đầu hành trình ra Hoàng Sa làm dịch vụ nghề cá. Ngoài khai thác thủy hải sản, tàu của ông Toàn còn kiêm thêm nghề dịch vụ, hậu cần biển ở ngư trường Hoàng Sa.

Việc làm này nằm trong chiến lược phát triển tàu đánh cá và dịch vụ hậu cần vỏ thép – theo lộ trình hiện đại hóa tàu cá, để tăng cường khả năng bám biển của ngư dân.

Ông Lê Viết Chữ – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang cùng với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam ký kết đóng thí điểm 20 tàu vỏ thép công suất 600 – 800 mã lực để hỗ trợ ngư dân các địa phương gồm Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn. “Với sự đầu tư này, ngư dân Quảng Ngãi sẽ được bảo vệ trước những sự cố trên biển”, ông Chữ nói.

Một trung đội dân quân biển vừa được thành lập tại tỉnh Khánh Hoà ( ảnh V. Ngọc )

Thời gian qua, hầu hết các tỉnh miền Trung cũng đã triển khai thành lập lực lượng dân quân tự vệ biển, trong đó hai trung đội dân quân biển tập trung đầu tiên đã được thành lập tại Phường Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng và tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, mỗi trung đội sẽ có 25 người, chia thành 3 tiểu đội, tập trung trên 4 tàu đánh cá có công suất 120 – 300CV, với sự tham gia của những ngư dân trẻ, khỏe và có nhiều kinh nghiệm trên biển.

Đại tá Huỳnh Minh Chức, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng, cho biết Nhiệm vụ của dân quân biển là vừa sản xuất vừa huấn luyện, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng trên biển để ứng phó khi gặp sự cố, góp phần làm tốt chủ trương vươn ra biển để khai thác tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Biển không phụ người!

Quảng Ngãi có 28 xã ven biển, đảo, hàng ngàn ngư dân ở nơi đây đã hành nghề đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Hằng năm tỉnh này khai thác được trên 100.000 tấn hải sản các loại. Riêng xã Bình Chánh có 102 tàu cá, hằng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản. Tại huyện đảo Lý Sơn, năm 2011 khai thác trên 31.000 tấn hải sản các loại, đạt giá trị kinh tế hơn 250 tỉ đồng. Năm 2012 dự kiến khai thác đạt sản lượng hải sản 35.000 – 37.000 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 300 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại Quảng Ngãi, từ giữa tháng 2 đến nay, ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) liên tiếp được mùa cá cơm. Bình quân mỗi đêm ngư dân đánh bắt từ 20 – 30 tấn cá, giá bán từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, bà con thu về từ 250 – 450 triệu đồng.

Con cá mú nặng hơn 40kg đánh bắt từ vùng biển Hoàng Sa.(Ảnh Minh Đức)

Còn tại Quảng Nam, năm 2011, ngư dân huyện Núi Thành đã đánh bắt được 28.780 tấn hải sản, tăng 7,23% so với năm 2010. Năm nay huyện Núi Thành phấn đấu khai thác 27.000 tấn hải sản các loại. Ông Nguyễn Tin – Chủ tịch xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết: “Trong năm 2011, toàn xã khai thác được 12.800 tấn hải sản”…

Những ai về miền Trung chắc chắn không lạ gì với những câu chuyện ngư dân bị bắt, cướp, tống tiền. Những khó khăn đó buộc ngư dân phải thích ứng, một số người chuyển đổi ngư trường để chờ đợi thời cơ, nhưng không ai từ bỏ ý định bám biển.

“Ngư dân Bình Châu và cả ngư dân tỉnh Quảng Ngãi không ai muốn bỏ biển, bỏ Hoàng Sa và Trường Sa. Dù Trung Quốc có đưa ra hàng ngàn lệnh cấm đánh bắt đi chăng nữa, ngư dân vẫn ra khơi để mưu sinh, chấp nhận đương đầu với sóng gió và cả mọi hiểm nguy”, ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch xã Bình Châu, khẳng định như vậy.

Thế nhưng, theo ông Hùng, ngư dân ta cũng cần phải khéo léo để tránh bị thiệt hại về tài sản và lao động trên tàu.

Nhiều ngư dân cho rằng, thật sự nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng, từ những chính sách thiết thực của Nhà nước thì họ khó có cơ may trở lại biển khơi. Như hoàn cảnh của “Sói biển” Mai Phụng Lưu, ông Lưu tâm sự rằng: “Tôi bị phía Trung Quốc bắt 4 lần, tổn thất hàng tỉ đồng, tưởng chừng như sẽ không còn cách gì để ra khơi. Thế nhưng nhờ được hỗ trợ vay vốn, tôi lại có tàu để ra khơi. Lòng tôi lúc nào cũng luôn hướng về ngư trường Hoàng Sa”.

Tâm sự của “sói biển” Lưu cũng là nỗi lòng của những người kiên tâm bám biển. Thật đáng trân trọng và khâm phục lòng quả cảm của ngư dân chúng ta- những người đang thực sự tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển.

Bạch Đằng ( tổng hợp theo DDK, Đất Việt, SGTT và SGGP)

RELATED ARTICLES

Tin mới