BienDong.Net: ngày 2/6, phát biểu tại đối thoại An ninh châu Á lần thứ 11 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã lần đầu tiên công bố chi tiết chiến lược quân sự mới của quốc gia này tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á- Thái Bình dương, ông Panetta cho biết: “Đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ điều chuyển lực lượng của mình từ tỷ lệ khoảng 50-50% hiện nay giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang tỷ lệ 60-40 giữa hai đại dương”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ( Ảnh Reuters )
Ngoài ra, sáu trong số 11 tàu sân bay của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực này.
Tháng Mười Một năm ngoái, Tổng thống Barack Obama tuyên bố rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “ưu tiên hàng đầu” của chính sách an ninh của Mỹ.
Bắc Kinh đã tỏ ra không hài lòng với việc Hoa Kỳ thúc đẩy sự hiện diện của mình ở khu vực.
Hải quân Mỹ hiện có 285 tàu các loại và theo một dự án đóng tàu được công bố hồi tháng 2/2012, hạm đội sẽ được phát triển lên tổng cộng 300 tàu sau khi dự án kéo dài 30 năm này hoàn tất.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định lại một loạt các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm các hiệp ước với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và các đối tác Ấn Độ, Singapore, Indonesia cùng nhiều nước khác.
Ông cho biết Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự khu vực thông qua những hoạt động hợp tác tương tự như thỏa thuận luân chuyển bố trí quân mà Mỹ đã đạt được với Australia và đang tiến hành với Philippines. Ngoài ra, Washington còn tăng số lượng cũng như qui mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực.
Ông Panetta còn nói Mỹ cũng rất quan tâm tới tình hình tại bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông, nơi Trung Quốc và Philippines đã lâm vào một tranh cãi về chủ quyền gần đây.
Theo thống kê, năm 2011, Mỹ đã tiến hành 172 cuộc tập trận với 24 quốc gia tại châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nhằm làm giảm quan ngại về việc Washington có thể không đáp ứng được các cam kết quân sự trong khu vực do nước này đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Panetta tuyên bố Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch ngân sách 5 năm để thực hiện chiến lược quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm tài chính và những mục tiêu dài hạn được đề ra trong chiến lược này.
Phát biểu tại Shangri-La 11, ông Panetta bác bỏ nhận định cho rằng việc chuyển hướng trọng tâm quân sự sang châu Á-Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm kiềm chế vai trò của Trung Quốc tại khu vực.
Ông tuyên bố việc Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ cải thiện an ninh khu vực và điều này đem lại lợi ích cho Trung Quốc. Ông cam kết Mỹ sẽ xây dựng quan hệ hợp tác quân sự ổn định, đáng tin cậy, lành mạnh và lâu dài với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Bắc Kinh trong việc duy trì an ninh, ổn định khu vực. Ông Panetta kêu gọi Bắc Kinh ủng hộ hệ thống công ước quy định chủ quyền ở khu vực và giải quyết các tranh chấp khu vực một cách hòa bình.
Đối thoại cấp cao an ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La theo tên khách sạn nơi tổ chức hội nghị. Sự kiện này được tổ chức bởi Viện quốc tế về nghiên cứu chiến lược IISS, một trong những tổ chức nghiên cứu chiến lược hàng đầu thế giới.
Đối thoại Shangri-La đơn thuần là một cuộc đối thoại chứ không đưa ra bất kì quyết định hay tuyên bố nào.
Trường Sa (tổng hợp)