BienDong.Net: Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), dịch bệnh đã làm chết toàn bộ tu hài nuôi của 650 hộ gia đình trong huyện, với thiệt hại lên tới 200 tỷ đồng chỉ tính riêng tiền mua giống.
Nuôi tu hài ở bản Sen, Vân Đồn (ảnh QĐND )
Số tu hài chết kể trên được nông dân bắt đầu thả giống từ tháng 5/2011. Dự kiến đến tháng 7 này sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, từ tháng 3 trở lại đây, tình trạng tu hài chết xuất hiện ở hầu hết ở các lồng và bãi nuôi của các hộ gia đình.
Cty TNHH Quan Minh, một trong hơn 20 doanh nghiệp nuôi tu hài lớn của Vân Đồn, cho biết vụ nuôi năm nay công ty đầu tư nuôi hơn 100.000 ô lồng với mức bình quân 40 con giống/lồng. Đến nay, số tu hài thả nuôi của Cty chết gần như 100%.
Ông Nguyễn Văn Minh, trú tại khu 9 thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn cho biết, gia đình thả hơn một vạn lồng tu hài, trung bình mỗi lồng từ 40-45 con, nhưng từ tháng 3 trở lại đây, tình trạng tu hài chết xuất hiện ở hầu hết lồng, bãi nuôi của gia đình.
Chủ tịch UBND xã Bản Sen Lê Hồng Phương cho biết, xã đảo có lượng tu hài nuôi lớn nhất Vân Đồn, người dân trong xã có hơn 2.000 ha nuôi tu hài. Tính từ đầu tháng 5, đã có trên 10 triệu tu hài giống và thương phẩm chết.
Theo ông Hoàng Văn Thanh, Phó chủ tịch huyện Vân Đồn, dịch bệnh đã làm toàn bộ tu hài nuôi của 650 trong tổng số hơn 700 hộ nuôi tu hài trong huyện bị chết, với hơn 200 triệu con giống cấp 2 . Chỉ tính riêng thiệt hại về con giống đã lên tới hơn 200 tỷ đồng, còn nếu tính thiệt hại thương phẩm có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tu hài chết hàng loạt không chỉ khiến người dân, doanh nghiệp điêu đứng mà cả người kinh doanh, phân phối loại hải sản này khóc dở mếu dở vì liên tục bị phạt hợp đồng.
Chị Tuyết, chủ một cơ sở tại Cẩm Phả chuyên thu mua, đóng gói tu hài chuyển tới Hà Nội, cho biết, vì là sản phẩm bán chạy nên chị đã ký hợp đồng dài hạn cung cấp cho nhà hàng nhưng nhiều hôm chỉ gom được vài chục cân, trong khi trước đây mỗi ngày chị xuất được hàng trăm cân đến vài tấn tu hài.
Theo mẫu xét nghiệm, nguyên nhân gây bệnh được Trung tâm Chẩn đoán Thú y Quốc gia, Bộ NN&PTNT xác định là do mắc nội ký sinh trùng Perkinsus Spp. là bệnh lây lan rất nhanh, nhưng chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu.
Có thông tin cho rằng loại vi khuẩn này xuất hiện do thủy triều đỏ từ năm 2011.
Ngành nông nghiệp và huyện Vân Đồn đã khuyến cáo bà con nông dân và các doanh nghiệp tạm thời dừng nuôi tu hài trong thời gian 2 năm để đảm bảo môi trường chăn nuôi trên Vịnh được trong sạch trở lại.
Nỗi buồn người nuôi tu hài
Tình hình dịch bệnh khiến người nuôi tu hài đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ người dân vẫn vướng thủ nhiều thủ tục, qui định, chẳng hạn phải có công bố dịch. Ngoài ra theo luật, mỗi héc-ta vật nuôi trồng được hỗ trợ 4 triệu đồng, trong khi nuôi một héc-ta tu hài lại phải đầu tư hàng chục triệu đồng.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình dịch bệnh tu hài, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Tài chính khẩn trương báo cáo với Bộ NN&PTNT về tình hình dịch bệnh trên tu hài nuôi tại địa phương và thực hiện công khai công bố dịch.
Ông cũng cho rằng Sở Tài chính cần đối chiếu với các văn bản quy định để hỗ trợ người nuôi tu hài phần nào thiệt hại, trước mắt sẽ hỗ trợ về giống và yêu cầu ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác vệ sinh môi trường tại vùng nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Vấn đề cần giải quyết tiếp theo thành công nhân giống tu hài
Trước đây nguồn tu hài thực phẩm cung cấp cho tiêu thụ chủ yếu là khai thác tự nhiên. Nhằm phát triển nghề nuôi tu hài tại Hải Phòng và Quảng Ninh, năm 2003 Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1 đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo tu hài và đang được mở rộng ở nhiều trại giống tại các địa phương, kể cả tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Khánh Hoà, Phú Yên.
Kỹ thuật nuôi tu hài khá đơn giản, việc nuôi không chiếm nhiều diện tích, và không phải đầu tư thức ăn. Nuôi tu hài ở Vân Đồn có hai hình thức: nuôi lồng bè và nuôi bãi. Vốn để nuôi tu hài ở lồng bè cao gấp 2 lần nuôi bãi .
Nuôi tu hài đem lại hiệu quả kinh tế cao (hiện giá ở mức 120.000 – 180.000 đồng/kg) khiến người dân Vân Đồn ồ ạt đầu tư. Năm 2003, chỉ có chưa đến 10 hộ chăn nuôi, đến nay cả huyện có tới 700 hộ nuôi. Có thời kì nuôi tu hài đã giúp hàng loạt hộ dân thoát nghèo, trở thành tỉ phú và thúc đẩy hoạt động du lịch của huyện Vân Đồn.
Thành công dễ dàng ban đầu đã dẫn đến phong trào người người nuôi tu hài, nhà nhà nuôi tu hài. Năm 2011, người dân Vân Đồn đầu tư nuôi lớn chưa từng có với số lượng con giống tu hài thả đạt đến 60 triệu con, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Để có lượng con giống trên, người dân phải nhập giống từ rất nhiều vùng ở cả miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí từ Trung Quốc.
Cũng do tình trạng sản xuất ồ ạt, giá tu hài giảm mạnh và phát sinh dịch bệnh không kiểm soát được. Bên cạnh đó là giải pháp để ứng phó với khó khăn do thiên tai gây ra trong chăn nuôi tu hài như đợt mưa lốc kéo dài vào tháng 6 và giữa tháng 7 năm ngoái đã cho thấy.
Đây cũng là vấn đề cần giải quyết tiếp theo thành công ngoạn mục của hoạt động chăn nuôi tu hài công nghiệp.
Hoa Biển ( tổng hợp )