Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBẮC KINH TRIỂN KHAI CÁCH LÀM CŨ, CHIÊU BÀI MỚI TRONG THỰC...

BẮC KINH TRIỂN KHAI CÁCH LÀM CŨ, CHIÊU BÀI MỚI TRONG THỰC HIỆN Ý ĐỒ ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG

Từ đầu năm 2012, Trung Quốc tăng cường
bắt giữ tàu cá của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời cổ suý cho tàu cá Trung Quốc
đẩy mạnh hoạt động trong vùng biển của các nước khác trên Biển Đông. Đây là
cách làm cũ lâu nay của Bắc Kinh, song đang được Trung Quốc sử dụng như một
chiêu bài mới để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông.


Để thực hiện chiêu bài mới, chỉ trong vài
tháng qua Trung Quốc triển khai một loạt hoạt động đẩy mạnh phát triển nghề cá
và tăng cường lực lượng bảo vệ hoạt động nghề cá ở Biển Đông, như triển khai
xây dựng căn cứ nghề cá ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là đảo “Vĩnh
Hưng”); xây dựng cầu tàu và căn cứ dịch vụ nghề cá ở Trường Sa. Đặc biệt, Trung
Quốc kéo dài thời hạn và phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc đơn
phương ban hành từ những năm 90 của thế kỷ XX. Ngoài ra, theo trang mạng của Cục
Hải Dương nhà nước Trung Quốc, Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch triển khai đội
tàu trọng yếu ở Biển Đông, gồm 1 tàu công xưởng chế biến hải sản 30.000 tấn, 1
tàu chở dầu 20.000 tấn, 2 tàu chở hàng trên 10.000 tấn, 3 tàu hỗ trợ từ 3.000 –
5.000 tấn cùng với 300 – 500 tàu cá Trung Quốc trên 100 tấn sẽ tập hợp thành đội
tàu “Đặc Hồn” ngư nghiệp chuyên đánh bắt ở khu vực nước sâu trên Biển Đông. Nếu
kế hoạch này được triển khai trên thực tế thì tàu cá của Trung Quốc sẽ dải dầy
đặc ở Biển Đông làm gì còn chỗ để cho tàu cá của các nước khác hoạt động! Với kế
hoạch này, Trung Quốc đang biến Biển Đông thành “ao nhà” sở hữu riêng của Trung
Quốc!

Điểm mới là Trung Quốc cử biên đội tàu Hải
giám và tàu Ngư chính liên tục tuần tra trên Biển Đông để hỗ trợ cho các tàu cá
Trung Quốc. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Phi-lip-pin tại khu vực bãi cạn Scarborough cũng xuất phát từ vấn đề nghề cá. Trung Quốc
cho tàu cá hoạt động trái phép trong thềm lục địa của Phi-lip-pin ở khu vực bãi
cạn Scarborough, khi tàu công vụ của Phi-lip-pin kiểm soát, bắt giữ tàu cá
Trung Quốc thì ngay lập tức Trung Quốc điều các tàu Hải giám và tàu Ngư chính đến
can thiệp đuổi các tàu cá và tàu công vụ của Phi-lip-pin ra khỏi khu vực để khống
chế toàn bộ khu vực bãi cạn Scarborough rồi đổ lỗi cho Phi-lip-pin là nguyên
nhân gây ra vụ việc. Sự đổi trắng thay đen trong cách làm của Bắc Kinh, thật là
ngang ngược!

Đối với Việt Nam, Trung Quốc tăng cường bắt
giữ, xử phạt nặng tàu cá và ngư dân Việt Nam, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm
2012, Trung Quốc đã bắt giữ 9 tàu cá với 54 ngư dân Việt Nam; liên tiếp trấn
áp, thậm chí sử dụng tàu quân sự uy hiếp, tịch thu ngư cụ, xăng dầu, hải sản của
ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên Biển Đông, nhất là tại khu vực quần
đảo Hoàng Sa. Nhiều lần, Trung Quốc còn nổ súng uy hiếp, xua đuổi tàu cá và ngư
dân Việt Nam.
Cách hành xử đó của Trung Quốc đối với những ngư dân nghèo khó thật không xứng
đáng với hình ảnh của một nước lớn Trung Quốc Cộng sản.

Tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của các
tàu Ngư chính cũng nhiều lần vi phạm vùng biển ở khu vực gần đảo Natuna của
In-đô-nê-xi-a và đã từng xảy ra va chạm với với tàu công vụ của In-đô-nê-xi-a.

Mới đây, 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam được tổ
chức thành 2 biên đội, mỗi tổ gồm 06 tàu xuất phát từ Cảng Tam Á đi Trường Sa
tiến hành đánh bắt vùng biển xung quanh đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là “Vĩnh Thử”)
và đá Xu Bi mà Trung Quốc gọi là “Chử Bích” thuộc quần đảo Trường Sa. Trong số
30 tàu cá xuất phát đi Trường Sa, có 01 tàu cung ứng hậu cần số hiệu “Quỳnh Tam
Á F8168” với tải trọng 3000 tấn chuyên cung cấp dầu, nước, đá lạnh, thu mua sản
phẩm và các dịch vụ khác, đồng thời làm nhiệm vụ tàu chỉ huy, 29 tàu còn lại đều
có tải trọng trên 140 tấn, có thiết kế vỏ bằng thép, mỗi tàu có khoảng 15,16
ngư dân.

Các trang mạng Trung Quốc như Tân Hoa Xã,
Hoàn Cầu, Nam Phương… còn đưa tin để khuếch trương cho việc Trung Quốc phái Tàu
Ngư Chính lớn nhất có số hiệu 310 đến vùng biển này để thực hiện cái gọi là để
“bảo vệ ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trên Biển Đông” như luận điệu lâu nay của
Trung Quốc. Tân Hoa Xã đưa tin của phóng viên có mặt trên tàu cá “Quỳnh Tam Á
11181” đã chứng kiến hoạt động đánh bắt cá đêm của các tàu cá Trung Quốc ở khu
vực Trường Sa. Đây phải chăng là bước tập dượt cho việc triển hai kế hoạch đội
tàu “Đặc Hồn” ngư nghiệp đi đánh bắt ở Biển Đông nói trên của Trung Quốc?

Việt Nam và Phi-lip-pin đã lên tiếng phản
đối hoạt động trái phép của các tàu cá Trung Quốc. Ngày 14/7/2012, Đại diện của
Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh “Hoạt động khai
thác của ngư dân Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa là phi pháp, xâm phạm
chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”, đồng thời “yêu cầu phía Trung Quốc
có trách nhiệm giáo dục, hướng dẫn ngư dân tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt
Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế”. Ngày 16/7, Hội nghề cá Việt Nam đại diện cho
quyền lợi của hội viên và ngư dân Việt Nam phản đối hành động vi pháp của các
tàu cá Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân đi khai thác hải
sản trên vùng biển Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động sai trái
này.

Ngày 16/7/2012, phát biểu tại cuộc họp báo,
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phi-lip-pin cũng đã cảnh báo các tàu cá Trung Quốc
không được xâm phạm và khai thác tài nguyên biển trong vùng đặc quyền kinh tế
200 hải lý của Phi-lip-pin; nhấn mạnh Phi-lip-pin có quyền xử lý, phát triển và
thăm dò tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nếu đội tàu Trung Quốc
xâm phạm, Phi-lip-pin sẽ có biện pháp đáp trả, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Phi-lip-pin còn cho biết vẫn còn hàng chục tàu cá
Trung Quốc hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough, tâm điểm tranh chấp giữa
Phi-lip-pin và Trung Quốc trong hơn 3 tháng qua.

Hoạt động trái phép của các tàu cá Trung Quốc
ở vùng biển các nước khác và việc Trung Quốc uy hiếp, bắt giữ trái phép các tàu
cá nước ngoài không phải là vấn đề gì mới. Ngoài việc gây ra các vụ việc liên
quan đến tàu cá ở Biển Đông, Trung Quốc đã gây ra nhiều vụ việc phức tạp liên
quan đến hoạt động nghề cá ở khu vực biển Đông Hải với Nhật Bản và ở vùng biển
Hoàng Hải ở phía Bắc với Hàn Quốc. Tháng 9 năm 2010, đã từng xảy ra vụ việc
Trung Quốc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển của Nhật Bản và việc Nhật Bản xử
lý hành vi trái phép của viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã làm cho quan hệ
Trung – Nhật xuống mức thấp nhất. Tháng 12/2011, tàu cá Trung Quốc khi vi phạm
vùng biển của Hàn Quốc bị xử lý thì ngư dân Trung Quốc còn đâm chết các quan chức
thi hành công vụ của Hàn Quốc.

Điều đáng chú ý ở đây là hiện nay vấn đề
nghề cá đang được Trung Quốc sử dụng như một thủ đoạn để thực hiện âm mưu thôn
tính Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh với phương châm là “nghề cá tiên
phong” trong việc thực hiện chủ quyền. Với chiêu bài “lấy thịt đè người” Trung
Quốc đang tổ chức các đội tàu đánh cá lớn dưới sự yểm trợ của các tàu Hải giảm,
ngư chính đi đến đánh bắt thuỷ sản ở các vùng biển của các nước láng giềng từng
bước thực hiện cái chính sách lâu nay của Trung Quốc là biến khu vực không
tranh chấp của các nước khác thành khu vực tranh chấp rồi đòi “cùng khai thác”,
“cùng thắng”.

Chiêu bài nghề cá đang được Trung Quốc sử dụng
như một công cụ để hiện thực hoá yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” từng bước thực
hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông. Các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác
trước các ý đồ đen tối của Bắc Kinh trong việc sử dụng lực lượng tàu cá ngư dân
như Trung Quốc đã từng sử dụng người Hoa để chống In-đô-nê-xi-a trước đây và sử
dụng vấn đề người Hoa để phát động cuộc chiến tranh biên giới đánh Việt Nam năm
1979.

Tại Hội nghị ARF 19 ở Phnom Penh vừa qua, Ngoại
trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong cuộc họp báo đã bày tỏ lo ngại và lên án việc
Trung Quốc đang sử dụng vấn đề nghề cá như một công cụ để triển khai ý đồ của
Trung Quốc ở Biển Đông. Bà nói: “Chúng ta đã thấy những trường hợp đáng lo ngại
về sự thúc ép kinh tế, nguy cơ sử dụng quân sự, và tàu thuyền chính phủ liên
quan tới tranh chấp giữa các ngư dân”.

Để đối phó với âm mưu thâm độc trong việc sử
dụng vấn đề nghề cá ở Biển Đông của Bắc Kinh, các nước ven Biển Đông cần tổ chức
lại hoạt động ngư nghiệp một cách chặt chẽ hơn; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các nước ven Biển Đông trong lĩnh vực nghề cá; cần thành lập các hiệp hội, tổ
chức nghề cá của các nước ven Biển Đông để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của
ngư dân các nước ven biển trước ngu cơ bành trướng của Trung Quốc. Đồng thời cần
có sự hợp tác chặt chẽ với các nước lớn như Mỹ, Nhật… là những nước quan tâm
nhiều tới hoạt động chèn ép của Trung Quốc trong lĩnh vực nghề cá./.

Quang Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới