Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu sân bay và khát vọng vươn ra biển xa của Trung...

Tàu sân bay và khát vọng vươn ra biển xa của Trung Quốc

Xuất phát từ ý tưởng của Mao Trạch Đông về việc thành lập đội
tàu buôn được hộ tống bởi tàu sân bay từ năm 1958, Trung Quốc đã có một hành
trình dài hơn 50 năm để có được tàu sân bay đầu tiên của mình từ con tàu Varyag
đang xây dựng dở dang dưới thời Liên Xô cũ. Tuy nhiên, hành trình này không hề
đơn giản mà phải có một kế hoạch dài hạn, được tính toán kỹ lưỡng từ phía Trung
Quốc.

Tàu sân bay Varyag theo kế hoạch xây dựng ban đầu vào năm 1985
là một tàu chiến lớp Kuznetsove dài khoảng 300 mét, có thể mang vài chục máy bay
chiến đấu phản lực và khoảng 10 máy bay trực thăng. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm
1991, Ucraina đã thừa kế con tàu vẫn đang trong quá trình xây dựng. Năm 1992, khi
các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ từ bỏ con đường cộng sản chủ nghĩa, việc xây
dựng tàu Varyag cũng bị đình lại bởi Ucraina không đủ khả năng để triển khai tiếp
dự án.

Năm 1997, Cơ quan Tái thiết và Phát triển Quốc gia Ucraina
đã tổ chức bán đấu giá con tàu với giá khởi điểm là 20 triệu đôla. Năm 1998, một
doanh nhân Trung Quốc tên là Cheng Zhen Shu cho biết công ty của ông ở Hồng Kông
có tên gọi Công ty Du lịch Chong Lot sẽ trả 20 triệu đôla để mua lại tàu Varyag
và đưa con tàu ra khỏi Biển Đen, qua Địa Trung Hải đến Macau. Ông Cheng cho biết,
ở đó công ty của ông sẽ sửa sang lại con tàu, biến nó từ tàu chiến trở thành một
khách sạn và casino nổi.

Trong khi đó, với mục tiêu gần như duy nhất là bảo vệ bờ biển,
hải quân Trung Quốc với 500 tàu chiến đã khát khao có tàu sân bay từ rất lâu. Theo
một bài viết năm 2010 của Tạp chí Bình luận Chiến tranh Hải quân (Naval War
College Review), chính Chủ tịch Mao Trạch Đông đã đề xuất kế hoạch thành lập đội
tàu buôn được hộ tống bởi tàu sân bay từ năm 1958.

Ý tưởng của Mao Trạch Đông

Tuy nhiên, ý tưởng của Mao Trạch Đông đã không thể trở thành
hiện thực vì thiếu kinh phí, giống như một kế hoạch khác của Trung Quốc trong năm
1970 nhằm mua  một tàu sân bay hiện đại của
nước Anh. Trong những năm 1980, Tướng hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh, khi đó
là Đô đốc Hải quân Trung quốc đã bày tỏ mong muốn có một tàu sân bay. Ông Lưu
Hoa Thanh tuyên bố vào năm 1987: “Nếu Trung Quốc không có tàu sân bay thì
khi tôi chết sẽ không nhắm được mắt”.

Trên thực tế, ông Lưu Hoa Thanh nghỉ hưu năm 1997 và tàu Varyag
đã được mua lại một năm sau đó.

Mặc dù vậy, Varyag không phải là tàu sân bay cũ đầu tiên mà
Trung Quốc mua từ nước ngoài. Năm 1982, Bắc Kinh đã mua tàu sân bay Melbourne
trọng tải 15.000 tấn từ Úc để tháo dỡ toàn bộ thiết bị ra nghiên cứu rồi phá bỏ.
Năm 1998, Nga bán cho Trung Quốc một tàu sân bay lớn hơn có tên gọi Minsk, và hai năm sau đó bán tiếp một tàu sân bay khác có
tên gọi là Kiev.
Sau khi trải qua quá trình nghiên cữu kỹ lưỡng bởi các chuyên gia thiết kế tàu của
Trung Quốc, cả hai con tàu này đã được biến thành công viên giải trí nổi.

“Công nghệ nước ngoài”

Theo ông Robert S. Wells, một cựu chỉ huy Hải quân, hiện là
cố vấn cho Lầu Năm Góc thông qua một công ty tư vấn tư nhân có trụ sở tại Bắc Virginia
khẳng định: “Các nhà hoạch định quân sự của Bắc Kinh không có thiên hướng tự
nghiên cứu mà thích bắt chước công nghệ nước ngoài. Và họ làm việc này mà không
hề quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ”.

Tháng 12/2006, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, quân đội
Trung Quốc đã hoàn thành việc vây dựng một mô hình lớn của tàu sân bay lớp Nimitz
của Mỹ để dành cho mục đích huấn luyện.

Vào thời điểm đó, có dấu hiệu cho thấy Công ty Du lịch Chong
Lot có thể là một phần của dự án bắt chước kỹ thuật quân sự của Trung Quốc thể
hiện qua việc ông Cheng – người đứng đầu của công ty đã trải qua 10 năm là sỹ quan
quân đội Trung Quốc. Ông Chong-Pin Lin, một học giả Đài Loan về an ninh quốc gia,
từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này khẳng định “Chúng tôi luôn luôn
có nghi ngờ lớn về vấn đề này”.

Ông Cheng nhấn mạnh công ty Chong Lot của ông chỉ chuyên hoạt
động trên lĩnh vực du lịch. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông này phủ nhận
việc đã lập kế hoạch giao tàu Varyag cho quân đội Trung Quốc. Trong buổi trả lời
phóng vấn tờ báo này vào tháng 11/1998, ông khẳng định công ty ông sẽ đầu tư 200
triệu đôla để biến con tàu này trở thành khu nghỉ mát trên mặt nước với
“600 phòng khách sạn, một trung tâm hội nghị và các điểm tham quan khác nhau,
bao gồm cả một hộp đêm và ‘sân chơi quân sự dành cho trẻ em’.”

“Hải quân nước xanh”

Tin tức về việc một công ty Trung Quốc có quan hệ với giới quân
sự nước này mua lại tàu Varyag đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan tình báo phương
Tây, rằng “Trung Quốc đang cố gắng chuyển đổi lực lượng hải quân hiện với nhiệm
vụ chủ yếu là phòng vệ bờ biển, thành lực lượng “hải quân nước xanh”, có khả năng
chiếu sức mạnh quân sự ra nước ngoài”.

Chính phủ các nước phương Tây gây sức ép Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho
phép ông Cheng kéo con tàu Varyag chỉ có mỗi vỏ tàu đi qua eo biển Bosphorus.
Nhật báo Thương mại Hồng Kông cũng cho biết, các quan chức Trung Quốc hứa sẽ
chi trả cho Thổ Nhĩ Kỳ bất cứ thiệt hại nào gây ra trong quá trình di chuyển
này.

Tờ Nhật báo Thương mại cho biết, ông Cheng phàn nàn rằng sự chậm
trễ sẽ làm ông mất cơ hội cạnh tranh xin cấp giấy phép hoạt động casino. Ông hi
vọng rằng Macau, lúc đó thuộc quyền kiểm soát
của Bắc Kinh, sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho phép ông cải tạo con tàu.

Hành trình gian nan

Tháng 11/2001, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép tàu Varyag đi qua eo biển
Bosphorus. Ở Địa Trung Hải, con tàu gặp phải một cơn bão mạnh ở ngoài khơi Hy Lạp,
đứt dây kéo và trôi dạt trên biển. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã phải đáp máy
bay trực thăng trên boong tàu để giúp lắp lại dây kéo.

Trong quá trình này, một thủy thủ rơi xuống biển chết. Cuối cùng
con tàu tàu đã được buộc chặt vào tàu kéo và tiếp tục cuộc hành trình. Tuy
nhiên, điểm thả neo cuối cùng của con tàu vào năm 2002 không phải ở Macau mà là
ở cảng Đại Liên phía bắc Trung Quốc, nơi có nhà máy đóng tàu lớn nhất nước này.

Ngày càng rõ ràng là Varyag sẽ không bao giờ được sử dụng
vào mục đích làm sòng bạc như tuyên bố của ông Cheng. Hai học giả Ian Storey và
You Ji đã theo sát những gì họ gọi là “tường trình liên tục về việc Trung Quốc
dự định để có được một tàu sân bay, qua đó đạt được tham vọng xây dựng khả năng
hoạt động ở vùng biển xa cho hải quân”.

Bằng chứng rõ ràng

Hai học giả trên đã sàng lọc thông qua tin đồn trên mạng
Internet, những tuyên bố khó hiểu từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, và
thông tin tình báo trong lĩnh vực vận tải biển. Trong một bài viết trong số
tháng 1/2004 của tạp chí Bình luận Chiến tranh Hải quân, Storey và Ji kết luận “không
có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc có ý định tân trang, xây dựng, hoặc mua
một tàu sân bay. Vì vậy, khả năng Trung Quốc có tàu sân bay vấn chỉ là phỏng
đoán”.

Tuy nhiên, những người Đài Loan lại suy nghĩ theo hướng khác.
Không lâu sau khi con tàu cập cảng ở Đại Liên, và công nhân bắt đầu sơn con tàu
thành màu xám như các tàu của hải quân Trung Quốc. Giáo sư Lin của Đài Loan khẳng
định “Chúng ta đã thấy sự thật. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.”

Năm 2006, Trung Quốc ban hành Sách trắng về quốc phòng tuyên
bố Hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng nhiệm vụ của mình vượt ra ngoài phòng vệ bờ biển,
bao gồm “các hoạt động phòng thủ ngoài vùng biển xa”. Trong năm 2009, khi một
phóng viên của hãng Bloomberg tới Đại Liên, ông quan sát thấy ánh hàn điện lóe
lên vào lúc hoàng hôn trên boong của con tàu sân bay Varyag. Rõ ràng là con tàu
đang được sửa chữa ở nơi cách cửa hàng đồ nội thất của Tập đoàn Ikea khoảng 600
mét.

Thiết kế theo mô hình STOBAR

Tàu Varyag được thiết kế theo mô hình STOBAR (cất cánh quãng
đường ngắn, hạ cánh sử dụng hệ thống bắt và hãm máy bay). Tàu sân bay thuộc
nhóm này thường được làm đơn giản hơn và dễ bảo trì hơn các tàu sân bay sử dụng
hệ thống phóng máy bay như các tàu sân bay của Mỹ với khả năng có thể đón được máy
bay nặng hơn ở trên cao.

Trong tháng 4 năm 2011, Tân Hoa Xã đưa tin về việc Trung Quốc
sắp khai trương con tàu này, đồng thời đăng ảnh trên trang web chính thức. Cơ
quan tin tức nhà nước Trung Quốc tuyên bố “Tàu chiến lớn sắp sửa hoạt động,
hoàn thành giấc mơ tàu sân bay 70 năm của Trung Quốc”. Bắc Kinh đặt lại tên con
tàu là Thi Lang, tên một đô đốc hải quân trong thế kỷ 17 của Trung Quốc phục vụ
hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đã từng dẫn đầu một lực lượng 300 tàu đổ bộ
chinh phục Đài Loan.

Tháng 8/2011, Tàu Thi Lang đã có một chuyến thử nghiệm đầu tiên
dưới lá cờ Trung Quốc. Sau gần một thập kỷ vá víu bởi các kỹ sư Trung Quốc, nó vẫn
còn thiếu tên lửa, máy bay phản lực và các phi công, nhưng nó đã có thể tự vận
hành bằng động cơ của mình.

Mục đích lớn hơn

Từ Đài Bắc đến Tokyo, Seoul và Washington, các nhà ngoại giao
và các nhà phân tích quân sự theo dõi sát sao mỗi bước di chuyển của tàu Thi Lang,
tìm kiếm dấu hiệu về những ý đồ lớn hơn đằng sau đó của Trung Quốc. Ông Wells,
cựu chỉ huy hải quân Mỹ đồng thời là Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng dưới
thời Tổng thống George W. Bush khẳng định: “Thật đáng ngạc nhiên với rất nhiều
người rằng Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà
không có một tàu sân bay nào”.

Những nước có tàu sân bay hiện nay bao gồm Mỹ, Nga, Pháp và Brazil,
trong đó chỉ riêng Mỹ đã có 11 chiếc. Ông Wells cho rằng, việc Trung Quốc khai
trương tàu sân bay cho thấy Trung Quốc muốn được các nước khác coi trọng với
vai trò là một cường quốc.

Tàu sân bay Thi Lang là một phần trong chương trình cải tổ lớn
hơn của quân đội Trung Quốc. Chương trình này bao gồm đóng mới hàng chục tàu ngầm
được trang bị tên lửa hành trình và phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất,
được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt tàu sân bay và tàu chiến khác với tên gọi
là DF-21D.

Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược

Để đáp lại, Mỹ đã khẳng định nước này không cho phép Trung Quốc
bắt nạt các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Lầu Năm Góc lên kế hoạch nhận bàn
giao vào năm 2015 một thế hệ tàu sân bay mới chạy bằng năng lượng hạt nhân được
trang bị máy bay do thám không người lái. Trong một chuyến đi châu Á cuối tháng
11/2011, Tổng thống Barack Obama đã công bố Mỹ đặt trong tâm mới vào khu vực
châu Á – Thái Bình Dương, minh họa qua việc di chuyển hàng ngàn binh sỹ Mỹ tới
các căn cứ quân sự ở Úc.

Việc Mỹ phô trương sức mạnh là một phần của phản ứng của Mỹ
sau khi Trung Quốc gia tăng các biện pháp mạnh với Việt Nam và Philippines nhằm
khẳng định chủ quyền tại Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”. Theo Bộ Quốc
phòng Mỹ, vùng biển này là nơi có lượng hàng hóa trị giá 5,3 nghìn tỉ đôla đi
qua hàng năm, trong đó 1,2 nghìn tỉ đôla có liên quan đến Mỹ. Từ năm 2004, Chủ tịch
Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã công khai tuyên bố chính sách hải quân mới, theo đó
Trung Quốc sẽ tham gia đảm bảo an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế, đảm bảo
sự tiếp cận với các nguồn năng lượng, và bảo vệ các công dân Trung Quốc sống ở nước
ngoài.

Lo ngại của Đài Loan

Đài Loan lo sợ rằng Bắc Kinh đang che giấu một kế hoạch mô
phỏng cuộc xâm lược của Đô đốc Thi Lang trong lịch sử. Đài Loan có 23 triệu dân,
ít hơn nhiều so với 1,3 tỷ của Trung Quốc. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có khoảng
1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn được triển khai nhằm vào Đài Loan.

Bị xa lánh bởi hầu hết các nước, Đài Loan không có một đại diện
chính thức nào tại Liên Hiệp Quốc và không được phép có đại sứ quán chính thức tại
Washington. Theo pháp luật Mỹ năm 1979, Mỹ có nghĩa vụ đảm bảo khả năng tự vệ của
Đài Loan thông qua việc cung cấp vũ khí cho quốc gia này. Gần đây nhất là vào tháng
9/2011, các quan chức Mỹ đã được Quốc hội phê chuẩn nâng cấp hạm đội máy bay
chiến đấu F-16 của Đài Loan.

Thứ trưởng Quốc phòng
Đài Loan Andrew Yang trả lời trong một cuộc phỏng vấn qua e-mail đã khẳng định:
“Trung Quốc đại lục đã chuyển từ phương thức tư duy chiến lược truyền thống,
tập trung vào vượt biển để đánh trận trên đất liền sang bao vây Đài Loan bằng cách
khéo léo triển khai lực lượng ngoài khơi phía đông bờ biển Đài Loan”.

Không thù địch với các nước

Về lý thuyết, một tàu sân bay dẫn đầu lực lượng đặc nhiệm hải
quân Trung Quốc có thể được sử dụng để loại bỏ khả năng giải cứu Đài Loan của Mỹ.

Bắc Kinh khẳng định rằng không có tư tưởng thù địch với các
nước trong khu vực. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Liu Zhenmin nói với các phóng
viên rằng: “Khi các quan chức Trung Quốc gặp gỡ Tổng thống Obama trong một hội nghị
thượng đỉnh quốc tế tại Indonesia trong tháng 11/2011, phái đoàn Bắc Kinh cho biết
nước này đã được chuẩn bị để đàm phán về COC”. Ông Liu cho biết thêm, mục đích
của Trung Quốc là bảo vệ tuyến giao thông đường biển quốc tế. Bắc Kinh coi Mỹ
là “một nước có vai trò quan trọng ở châu Á kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.”

Mười ngày sau, vào ngày 29/11, tàu Thi Lang có chuyến hành
trình thử nghiệm lần thứ hai.

Bất chấp sự căng thẳng, quan hệ kinh tế giữa Đài Loan và Trung
Quốc đã được cải thiện trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Đài Loan Mã
Anh Cửu, người đã tái đắc cử vào giữa tháng 1/2012. Đài Loan đã nới lỏng các hạn
chế thương mại, du lịch và đầu tư, đồng thời kết thúc lệnh cấm du khách từ đại
lục kéo dài sáu thập kỷ. Trong năm 2010, Đài Loan và Trung Quốc đã ký kết một hiệp
định thương mại, cắt giảm thuế quan và tăng cường hoạt động giao dịch ngân hàng
giữa hai bờ eo biển.

“An ninh khu vực”

Ghi nhận những phát triển ngoại giao tích cực, Thứ trưởng Bộ
Các vấn đề Đại lục của Đài Loan Chao Chien-Min cho biết trong một cuộc phỏng vấn
e-mail rằng “sự phát triển quân sự liên tục ở Trung Quốc không chỉ đe dọa
hòa bình ở eo biển Đài Loan mà còn đe dọa an ninh khu vực.”

Tháng 4/2011, Đô đốc Robert Willard, chỉ huy quân sự hàng đầu
của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu trước Ủy ban Quân lực Thượng
viện Mỹ rằng ông không coi các tàu sân bay Trung Quốc là một mối đe dọa trong
tương lai gần. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng sự hiện diện của các tàu sân bay
này sẽ gây rắc rối cho các đồng minh của Mỹ.

Ông phát biểu tại buổi điều trần: “Dựa trên những phản hồi
chúng tôi nhận được từ các đối tác và đồng minh ở Thái Bình Dương, tôi cho rằng
sự thay đổi trong nhận thức của các nước trong khu vực sẽ là đáng kể.” Ngoài
cam kết của mình với Đài Loan, Mỹ cũng có các hiệp ước phòng phủ với Nhật Bản ,
Hàn Quốc, Philippines, và Thái Lan. Ông Willard đảm bảo với các thượng nghị sĩ rằng
Trung Quốc sẽ phải trải qua “một thời gian dài đào tạo và phát triển trước
khi có đủ năng lực vận hành tàu sân bay.

Brazil hỗ trợ huấn luyện

Đáp máy bay phản lực xuống boong của một con tàu đang tròng
trành là một trong những hoạt động khó khăn nhất trong tất cả các cuộc diễn tập
quân sự. Theo một sách trắng của Lầu Năm Góc xuất bản năm 2011, Brazil từ năm năm
2009 đã tuyên bố sẽ đào tạo về hàng không cho hải quân Trung Quốc.

Các nhà lạc quan ở phương Tây coi việc mở rộng hoạt động hải
quân Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn hơn. Kể từ năm 2008, Hải quân Trung
Quốc đã tham gia hoạt động chống cướp biển và nhân đạo ở vùng biển ngoài khơi
châu Phi. Vào mùa hè năm 2011, Trung Quốc triển khai đội hình hộ tống thứ 9 tại
khu vực này. Các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Quốc thậm chí còn đề cập một chủ
đề cấm kỵ trước đây là xây dựng các căn cứ tiếp vận và sửa chữa ở nước ngoài để
hỗ trợ các nhiệm vụ chống cướp biển.

Hộ tống bằng tàu chiến

Ông Wells, cựu chỉ huy hải quân Mỹ cho biết, “người Trung
Quốc tự hào có tàu chiến của họ hộ tống các tàu buôn của các nước khác. Đó là một
điều tốt”. Là một nhà cố vấn của Lầu Năm Góc, trong năm 2011 ông đã tham gia
một hội nghị quân sự ở Bahrain, nơi các quan chức hải quân Trung Quốc có một bài
thuyết trình về hoạt động của họ trong lưu vực Somali và vịnh Aden. Ông Wells
cho biết, người Trung Quốc đã công khai vận động về trách nhiệm tham gia chống
cướp biển.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối đưa ra đưa ra dẫn giải cho cho bài viết
này. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ chuyên về ngoại giao của Mỹ ở Thái Bình
Dương khẳng định mối quan hệ giữa quân đội hai nước đã góp phần cải thiện quan
hệ tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tướng Lưu Hoa Thanh đã sống để nhìn thấy hải quân của mình tham
gia vào các hoạt động chung ở nước ngoài – một điều không thể tưởng tượng ở thời
kỳ ông đang làm việc. Ông cũng có thể đã biết về sự khởi xướng của một trong những
mục tiêu khác trước đây ông đặt ra: Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo được một
tàu sân bay.

Trong báo cáo thường niên 2011 gửi Quốc hội về Phát triển Quân
sự và An ninh liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho rằng việc xây dựng tàu
sân bay nội địa đầu tiên của Bắc Kinh có thể đã bắt đầu năm ngoái. Báo cáo cho
rằng, “nếu Trung Quốc bắt đầu chế tạo tàu sân bay vào năm 2011 thì Hải quân
Trung Quốc có thể có tàu sân bay nội địa đầu tiên đi vào vận hành năm 2015. “

Hai học giả Li và Weuve cho rằng, việc Trung Quốc đã từng xây
dựng nhiều tàu chở hàng, tàu chở dầu và tàu chở khí hóa lỏng lớn mang lại kinh nghiệm
hữu ích trong việc xây dựng các thân tàu của tàu sân bay vốn phức tạp hơn. Theo
Lầu Năm Góc, Trung Quốc cũng đang phát triển một loại máy bay chiến đấu có khả
năng sử dụng được trên tàu sân bay với tên gọi là J-15, hoặc “Cá mập bay” – dựa
trên mô hình máy bay chiến đấu Su-33 của Nga được Trung Quốc mua lại từ Ucraina
năm 2004.

Mặc dù hải quân Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ, song tướng
Lưu Hoa Thanh đã không được chứng kiến chuyến đi đầu tiên của tàu sân bay Thi Lang
dưới lá cờ Trung Quốc. Ông qua đời hồi tháng Giêng năm 2011 ở tuổi 94./.

Nam Sơn (Theo Bloomberg)

RELATED ARTICLES

4 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới