Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỸ LÊN ÁN MẠNH MẼ NHỮNG HÀNH ĐỘNG LEO THANG MỚI CỦA...

MỸ LÊN ÁN MẠNH MẼ NHỮNG HÀNH ĐỘNG LEO THANG MỚI CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Trước các hoạt động quá kích của Trung Quốc ở Biển Đông từ đầu năm, Mỹ tỏ ra kiềm chế, bày tỏ thái độ có chừng mực, song những hành động leo thang quá mức của Trung Quốc trong những ngày gần đây đã buộc Mỹ phải lên tiếng mạnh mẽ.

 Đối với việc Trung Quốc chủ động gây ra tranh chấp căng thẳng kéo dài với Philippin tại khu vực bãi cạn Scarborough từ đầu tháng 4/2012, Mỹ đã phản ứng có mức độ và đứng ra làm trung gian để 2 nước giảm căng thẳng; khuyên cả Trung Quốc và Philippin cùng rút tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough. Nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc cho “một cú lừa ngoạn mục”. Trong khi theo lời khuyên của Mỹ, Philippin đã rút hết tàu ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough thì Trung Quốc không những không rút hết tàu ra khỏi khu vực mà còn ngang nhiên đặt 2 thanh chắn ở khu vực cửa vịnh ra vào của bãi cạn Scarborough.

Trong khi Mỹ tỏ thái độ một cách kiềm chế như vậy thì Trung Quốc lại được đà lần tới. Trung Quốc tiếp tục lấn tới công bố Quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” ngày 21/6/2012, rồi ngày 23/6/2012 tiếp tục công bố mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam 60 hải lý; đồng thời tăng cường bắt giữ, đánh đập ngư dân Việt Nam. Không thể làm ngơ trước những hành động quá khích đó của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đưa ra thông điệp rõ ràng hơn về Biển Đông trong chuyến thăm Việt Nam và tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF 19, Diễn đàn Đông Á EAS. Tại Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tại PhnomPenh Ngoại trưởng Hillary Clinton phản đối “sự ép buộc, dọa dẫm, đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp” ở Biển Đông; đồng thời, bày tỏ lo ngại về “sự thúc ép kinh tế, nguy cơ sử dụng quân sự, và tàu thuyền chính phủ liên quan tới tranh chấp giữa các ngư dân” ở Biển Đông. Phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton là nhằm phê phán những việc làm sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, song có thể thấy Mỹ vẫn còn không muốn làm mất mặt Trung Quốc nên cũng chỉ tỏ thái độ một cách có mức độ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không nhận thức được sự kiềm chế của Mỹ mà lại tiếp tục có những hành động ngày càng hiếu chiến hơn ở Biển Đông. Ngay sau Diễn đàn an ninh khu vực ARF và Diễn đàn Đông Á, Trung Quốc lại triển khai một loạt các hành động leo thang mới ở Biển Đông, cụ thể là: ngày 19/7/2012 Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa,” đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974; ngày 21/7/2012, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”; ngày 23/7/2012 Phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm “Thị trưởng”; ngày 24/7/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Những việc làm hết sức ngang ngược nói trên của Trung Quốc đã thể hiện sự coi thường thái độ thiện chí của Mỹ, bất chấp luật pháp quốc tế. Điều này làm cho Mỹ không còn kiềm chế được nữa mà đã bày tỏ thái độ kiên quyết hơn trên vấn đề Biển Đông trong những ngày gần đây cả ở các cơ quan lập pháp và hành pháp. Ngày 24/7/2012, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã lên tiếng phê phán mạnh mẽ một loạt các hành động liên tiếp của Trung Quốc đề khai sinh ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Bà nói: “Chính phủ Trung Quốc đã có một bước đi sai trái là khoanh vùng toàn bộ các nhóm đảo tranh chấp cũng như các vùng lãnh hải xung quanh là “thành phố hành chính Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam”, “Mỹ rất quan ngại trước những hành động đơn phương” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 24/7/2012, Thượng nghị sĩ John McCain lên án mạnh mẽ những hành động của Trung Quốc liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Ông tuyên bố “Quyết định của Ủy ban quân sự trung ương Trung Quốc muốn triển khai quân đội tới quần đảo trên Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích không cần thiết”; đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc “bổ nhiệm đại biểu lập pháp” để quản lý những khu vực tranh chấp ở Biển Đông “chỉ củng cố thêm lý do vì sao các nước Châu Á ngày càng gia tăng lo ngại về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ bành trướng của Trung Quốc” và yêu sách của Trung Quốc “không có cơ sở trong luật pháp quốc tế”. Thượng nghị sĩ McCain cảnh báo về “khả năng Trung Quốc sẽ cố gắng áp đặt những tuyên bố này thông qua cưỡng chế và đe dọa” và cho rằng các hành động của Bắc Kinh “gây thất vọng và không xứng đáng với một cường quốc có trách nhiệm”.

Ngày 25/7/2012, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb đã lên án mạnh mẽ những hành động ngạo mạn của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại những tuyên bố của chính Trung Quốc. Phát biểu tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Jim Webb nhấn mạnh việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” có thể được hiểu như là một hành động đơn phương vô căn cứ đối với một khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền; việc Trung Quốc đưa quân đội ra đồn trú ở khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và trái với tuyên bố của Bắc Kinh sẵn sàng cùng ASEAN hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Ông Jim Webb yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc với Trung Quốc và báo cáo Thượng viện Mỹ về vấn đề này.

Đặc biệt là Thượng viện Mỹ đang xem xét việc thông qua một Nghị quyết mới (Nghị quyết số 524) gồm 6 điểm về vấn đề Biển Đông. Chúng ta còn nhớ năm 2011, trước việc Trung Quốc có những hành động gây hấn cắt cáp quang tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam, Thượng viện Mỹ đã ra một Nghị quyết lên án những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. So với Nghị quyết về Biển Đông năm 2011 thì Dự thảo Nghị quyết số 524 được Thượng Nghị sỹ John Kerry giới thiệu tại Thượng viện Mỹ hôm 23/7 vừa qua có một số điểm mới rất quan trọng như yêu cầu “không đưa người ra ở các đảo, bãi ngầm, bãi cạn và các cấu trúc hiện nay không có người ở và xử lý khác biệt một cách xây dựng”. Nội dung này đã trực diện bác bỏ Luật bảo vệ hải đảo của Trung Quốc, ngăn ngừa khả năng Trung Quốc chiếm đóng các đảo đá mới ở Biển Đông. Nghị quyết 524 kêu gọi các bên giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đáng chú ý là Nghị quyết 524 ủng hộ hoạt động tăng cường lực lượng quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông, trong đó có việc tăng cường quan hệ đối tác với các lực lượng quân sự các nước trong khu vực để hỗ trợ tự do hàng hải, duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, kể cả hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở. Với nội dung này, Nghị quyết 524 đã ủng hộ cho việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, ngăn chặn những hành động phiêu lưu mới của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Nghị quyết 524 được Thượng viện Mỹ thông qua trong một vài ngày tới thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào những việc làm ngang ngược của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, trong mấy ngày qua có nhiều chính giới, học giả ở Mỹ dưới các hình thức khác nhau đã lên tiếng phản đối những việc làm sai trái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Với những động thái nói trên của cả Chính phủ và Quốc hội Mỹ cho thấy một sự thống nhất trong nội bộ Mỹ khi nhìn nhận về “mối đe dọa” của Trung Quốc đối với các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông nói riêng và đối với việc duy trì hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông nói chung. Điều này phản ánh rõ thái độ tức giận của Mỹ trước những việc làm ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những phản ứng mới đây của Mỹ trên vấn đề Biển Đông hết sức quan trọng, nó không chỉ làm cho các nước ven Biển Đông như Việt Nam và Philippin… vững tâm và tự tin hơn trong cuộc đấu tranh chống lại những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông mà còn buộc Trung Quốc phải cân nhắc thận trọng những hành động leo thang mới của mình trên Biển Đông. Trung Quốc không thể ngang nhiên hoành hành theo hướng bất chấp tất cả như trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, mục tiêu thôn tính, khống chế Biển Đông là xuyên suốt của Trung Quốc, do vậy Trung Quốc sẽ còn có những hành động phiêu lưu mới trong tương lai. Để ngăn chặn những việc làm lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ cần phải hành động quyết liệt hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ thái độ tức giận qua những phát biểu mạnh mẽ trong mấy ngày qua. Các nước ASEAN cần tăng cường sự đoàn kết nhất trí, vượt qua những khó khăn vừa qua tại Hội nghị AMM-45 ở Campuchia để có tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, tạo điều kiện cho Mỹ, Nhật, Ấn Độ và các nước khác đóng góp vào việc ngăn chặn những hành động leo thang mới của Nhà cầm quyền bành trướng Bắc Kinh.

Việt Nam và Philippin đang là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hành động ngang ngược của Bắc Kinh, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình hai nước cần tranh thủ thái độ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, đấu tranh trước những hành động thô bạo của thế lực bành trướng Bắc Kinh, bảo vệ quyền lợi của mình theo đúng luật pháp quốc tế./.

                                                                      Việt Chi

RELATED ARTICLES

Tin mới