Dọc theo hữu ngạn đê sông Hồng, cách Hà Nội chừng 30 cây số là bến Chương Dương. Ngày nay, Chương Dương là một vùng đất thanh bình rợp bóng tre, những vườn chuối và những bãi cát chạy dài. Trải qua bao thế kỉ, do hoạt động bồi lấp của dòng sông Cái, quần thể chứng tích năm xưa nay chỉ còn là một bến đò mênh mang sóng nước, một ngôi đền dựng trên nền ngôi đình nghìn năm tuổi và gốc đa từng chứng kiến chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần xưa kia. Theo tên gọi chính thức, người ta gọi đây là Cụm di tích Đền và Bến Chương Dương, nhưng dân làng vẫn quen gọi đây là đình, thờ người có công khai phá vùng này và vị anh hùng dân tộc đã có công giữ nước.
Đền Chương Dương
Đền Chương Dương còn giữ được 28 đạo sắc phong từ các đời vua. Theo sử liệu, đền được xây dựng để thờ Dương Tam Kha, cách nay đã hơn nghìn năm. Dương Tam Kha là con tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, em ruột Dương Hậu, vợ Ngô Quyền. Ngô Quyền là con rể nhưng lại được Dương Đình Nghệ giao trách nhiệm gìn giữ đất nước, Dương Tam Kha làm bộ tướng của Ngô Quyền.
Khi Ngô Quyền mất, ủy thác cho Dương Tam Kha trông coi mấy người con là Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập. Ngô Xương Ngập nắm triều chính nhưng hay rượu chè, bỏ bê việc nước, bị Dương Tam Kha đuổi sang vùng Hải Dương và nuôi Ngô Xương Văn để sau này nối nghiệp cha.
Ngô Xương Văn sau này nhân đi dẹp loạn đã quay về đánh úp cậu Dương Tam Kha và lên làm vua. Nhưng xét tình máu mủ ruột thịt, cậu lại có công nuôi mình nên Ngô Xương Văn để cậu đi lấy dân lập ấp, xa chính quyền Trung ương.
Đến vùng ven sông Hồng không có người ở, Dương Tam Kha đưa người từ Thanh Hóa ra, chủ yếu là người làng Chương Xá quê ông. Vùng này là một bãi bồi hoang dại có nhiều chim giang sếu tụ họp, để lại nhiều vết chân nên gọi Chân Giang. Sau đó, ông lấy họ Dương và lấy tên đầu của làng Chương Xá đặt cho đất mới là Chương Dương.
Dương Tam Kha mất, người dân xây đình tôn ông là thành hoàng. Đình tồn tại cho đến khi Thượng tướng Trần Quang Khải cùng các tướng sĩ đánh bại quân Nguyên trên bến sông này.
Sau chiến thắng Chương Dương, nhân dân nức lòng suy tôn vị anh hùng dân tộc, và đình Chương Dương thờ thần hoàng làng năm xưa cũng được người dân lập thành đền thờ vị anh hùng có công dẹp giặc cứu nước.
Theo trí nhớ của thủ từ Đào Duy Khải và các cụ cao niên trong làng, trước đây ngôi đền uy nghi, đồ sộ, cột lim 2 người ôm. Đến năm 1946, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, du kích lấy một cột to trong đền rồi đắp một ụ lớn dùng cột đền ngăn ô tô giặc Pháp. Nhưng quân Pháp lại tiến qua làng bằng xe tăng và băng qua ụ.
Ngày nay ụ đất ấy vẫn còn ở ngay đê phía sau đền.
”Cây đa hoa gạo”
Đền Chương Dương xưa nổi tiếng trong vùng “có cây đa ra hoa gạo”. Người trong vùng vẫn ngâm nga câu thơ: “Cây đa hoa gạo thắm tươi/ Chương Dương bến cũ thuyền xuôi thuận dòng/ Ngàn Thu lừng lẫy chiến công/ Quân thù quét sạch non sông vững bền”.
Cây đa thì rõ rồi, vì trong khuôn viên đền Chương Dương vẫn còn đó gốc đa cổ thụ. Nhưng sao lại là “cây đa có hoa gạo”?
Câu chuyện không có gì quá xa xôi, những người trung niên trong làng cũng vẫn còn được chứng kiến. Họ nhớ như in kí ức về cây đa ôm lấy thân cây gạo trải rộng cả mẫu đất. Chỉ riêng vòng quanh gốc gạo, hai chục người nối tay nhau ôm không xuể.
Tương truyền, cây gạo và cây đa có từ thời làm đình. Khi khánh thành đình, bô lão trong làng cho chặt một cành đa, một cành gạo. Một cành để treo chiêng, một cành treo trống. Đình làm xong thì trời mưa, cành đa và cành gạo cắm cạnh nhau đâm rễ mà sinh sôi phát triển. Thời gian trôi qua, rễ cây đa ôm trùm lấy thân gạo. Người làng này, ai cũng tự hào về cây đa hoa gạo rợp cả một vùng đất. Vì cây đa là cây cao nhất vùng, nó đã trở thành vật chuẩn cho các phi công khi bay về sân bay Gia Lâm bên kia sông Hồng.
Nhánh còn lại của “Cây đa hoa gạo” năm xưa
Cách đây khoảng 20 năm nhiều cây gạo trong làng chết hàng loạt, cây gạo trong cây đa cũng khô héo dần rồi chết hẳn, khiến dân làng tiếc mãi.
Hiện nay, cạnh đền vẫn còn bộ rễ đa hình dáng ôm lấy một thân gạo, thực ra đây chỉ là nhánh đa nhỏ, rễ phụ đâm xuống, chứng tỏ “cây đa hoa gạo” ở đền Chương Dương xưa kia lớn vô cùng.
Lừng lẫy Chương Dương
Cách ngôi đền nhỏ vài trăm mét, ngang qua con đê, một con đường bê tông chạy xuống mép sông, làm nơi người xe đi xuống bến. Đó là Bến Chương Dương. Từ trên đê, Bến đò khuất lấp giữa những rặng tre và sau những ụ cát lớn, nơi tập kết của những thuyền “hút cát”.
Đều đặn 30 phút, bến đò huyên náo trong chốc lát khi những chuyến phà cập bến đưa đón khách sang sông. Chếch phía bên kia, tả ngạn sông Hồng, cạnh xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên chính là xã Hàm Tử, nơi cùng ghi dấu chiến công oanh liệt năm xưa gắn liền với tên tuổi vị anh hùng Trần Quang Khải.
Theo sử liệu, Trần Quang Khải là con thứ vua Trần Thái Tông, người làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam định, sinh năm 1241, mất năm 1294. Ông là vị tướng tài học rộng.
Khoảng cuối năm Giáp Thân (1284), trước sức tấn công ồ ạt của quân xâm lược nhà Nguyên dưới quyền tổng chỉ huy của Thoát Hoan, quân ta thua liên tiếp, cuối cùng phải bỏ kinh đô Thăng Long cho giặc chiếm đóng. Tiết chế thống lĩnh toàn quân là Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa Vua chạy về Thanh Hóa, và sắp xếp việc kháng chiến chống ngọai xâm.
Mùa Xuân năm sau, Ất Dậu (1285), Đạo quân Nguyên do Toa Ðô thống lĩnh đi đường Chiêm Thành tiến ra định đánh chiếm đất Nghệ an, nhưng thượng tướng Trần Quang Khải chống giữ rất vững, Toa Ðô không đánh nổi, lại thêm lương thực ngày một cạn dần, Toa Ðô bèn bàn với Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vượt biển ra Bắc để hợp binh với Thoát Hoan. Ðược tin ấy, Trần Quang Khải phi báo ra Thanh Hóa cho Trần Hưng Ðạo biết. Hưng Ðạo liền sai Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đem quân ra đón đường đánh Toa Ðô ở vùng Hải Dương và cho Trần Quang Khải mang một đạo quân thứ hai kéo thẳng ra Thăng Long, chờ lúc nào Trần Nhật Duật diệt xong quân Toa Ðô thì cùng hợp binh đánh úp Thăng Long.
Qủa nhiên tháng 4 năm ấy (Ất Dậu), quân Trần Nhật Duật gặp đoàn chiến thuyền của Toa Ðô ở bến Hàm Tử (thuộc tỉnh Hưng Yên). Quân ta đánh rất hăng, Toa Ðô tử trận, Ô Mã Nhi trốn trên chiếc thuyền nhỏ chạy thoát.
Trần Quang Khải được tin đại thắng, liền chia quân một mặt đánh chiến thuyền của Thoát Hoan ở bến Chương Dương, mặt khác bổ vây Thăng Long và giải phóng được kinh đô. Quân Thoát Hoan chạy trối chết sang được sông Hồng để lại huyền thoại nhục nhã về viên tướng bại trận phải chui ống đồng chạy trốn.
Trần Quang Khải kéo quân vào thành mở tiệc khao quân. Giữa lúc cất chén vui vẻ, các tướng sĩ đề nghị thượng tướng ngâm một bài thơ. Trần Quang Khải tay bưng chén rượu, ngâm rằng:
Ðoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san.
Nghĩa là:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu.
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Bến Chương Dương ngày nay
Đến Chương Dương mới thấy, người dân Chương Dương ngày nay từ già tới trẻ vẫn tự hào về chiến công xưa. Cách đây hơn chục năm, khi khai thông dòng chảy bãi nước phía trước đền Chương Dương, gần bến đò, người dân đã đào được rất nhiều hài cốt, và đoán đây là hài cốt các chiến binh xưa. Những hài cốt này sau đó đều được an táng cẩn thận.
Bến Chương Dương vẫn còn đây, những dấu tích xưa vẫn còn đây. Cứ ngày 10/8 hàng năm là làng mở hội, thanh niên trai tráng lại được chọn đua thuyền rồng, cuộc đua như nhắc lại trận đánh Chương Dương.
Bến Chương Dương sẽ có tượng Trần Quang Khải!
Cách đây 3 năm, Bộ VH,TT&DL đã có chủ trương đầu tư quần thể di tích bến Chương Dương với tổng mức kinh phí 57 tỷ đồng, đã có văn bản về tới huyện. Trong đó có các hạng mục: tu bổ xây dựng lại đền, tạc bức tượng Trần Quang Khải cao 13 mét bằng đá xanh nguyên khối, tiến hành khai thông dòng sông vào trước cửa đền làm một âu thuyền phía dưới để thuyền có thể từ sông Hồng vào được.
Tháng năm trôi qua, dù trải qua bao biến đổi, chiến thắng Chương Dương vẫn khắc sâu trong tâm trí dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ các thế hệ người Việt tiếp nối truyền thống oanh liệt đánh giặc ngoại xâm giữ nước, để nuôi mãi ước mơ người xưa với câu thơ đọc lên còn dậm dựt trong lòng:
“ Thái bình nên gắng sức, non nước ấy nghìn thu “
Hoa Biển Xanh ( viết lại theo các báo quốc nội)