Saturday, November 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamTRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CHÍNH TRỊ

TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CHÍNH TRỊ

“Ai thống lĩnh được hòn đảo thế giới thì sẽ khống chế được cả thế giới”

Halford J. Mackinder

TRẦN KHÁNH*

Mở đầu

Tranh chấp chủ quyền biển Đông, trước hết là hai quần đảo Hoàng Sa (Pracel hay Paracels) và Trường Sa (Spratlys) nổi lên từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng chúng leo thang với mức độ khá nghiêm trọng, nhất là từ cuối thập niên đầu thế kỷ XXI bởi các hành động cứng rắn đòi chủ quyền của một số nước liên quan.

Sự nóng lên đó cùng với tần số cao các cuộc hội nghị, diễn đàn an ninh quốc tế đề cập nhiều đến vấn đề này(1) đang báo hiệu sự thay đổi tư duy và hành động chiến lược của nhiều quốc gia đối với biển Đông cũng như sự biến động phức tạp của môi trường địa chính trị và trật tự khu vực. Đây là một vấn đề rất lớn, không chỉ liên quan đến tranh chấp quyền và chủ quyền lãnh thổ, mà còn chứa đựng lợi ích và tham vọng chiến lược rộng lớn hơn của nhiều nước tại khu vực này. Hơn nữa, trong khi có khá nhiều bài viết phân tích khía cạnh lịch sử, pháp lý về chủ quyền biển Đông thì vấn đề cạnh tranh địa chính trị tại vùng biển này chưa được đề cập nhiều. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cố gắng trả lời một phần câu hỏi tại sao biển Đông hiện nay không chỉ thu hút sự quan tâm lớn của các nước có yêu sách đòi chủ quyền mà còn cả các nước lớn ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, và sự gia tăng xung đột ở biển Đông hàm chứa vấn đề gì và làm cách nào để tránh “thảm họa địa chính trị” có thể xẩy ra trong tương lai tại vùng biển tranh chấp này?

Cách tiếp cận để viết bài này chủ yếu dựa vào thuyết địa chính trị, tức là nghiên cứu sự tương tác giữa yếu tố chính trị và địa lý trong việc xác lập trật tự quyền lực ở một không gian lãnh thổ được xác định(2); Cụ thể ở đây chúng tôi xem xét chính sách của các nước (chủ yếu là nước lớn) trong việc sử dụng vị trí địa lý và tình huống chiến lược hiện nay ở biển Đông như một phương tiện hay nguồn lực để thực hiện mục tiêu địa chính trị (mục tiêu quyền lực) tại Đông Nam Á.

1. Vị trí chiến lược của biển Đông

Biển Đông là một biển nửa kín, rìa Tây Thái Bình Dương có diện tích khoảng 3,5 triệu km2 trải dài từ Singapore đến eo biển Đài Loan, từ vĩ độ 3” đến 26 Bắc và từ kinh độ 100” đến 121” Đông. Ngoài Việt Nam, biển Đông được bao bọc bởi Trung Quốc lục địa, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singaporre, Thái Lan và Campuchia. Với hệ thống các đảo và quần đảo(3), biển Đông được nối thông với biển Hoa Đông của Trung Quốc và biển Nhật Bản (qua eo biển Đài Loan), thông với Thái Bình Dương qua các biển đảo của Philippines và thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Xung quanh biển Đông có rất nhiều vịnh quan trọng như vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, vịnh Subic, vịnh Manila với nhiều cảng nước sâu vv… Chính vì vậy biển Đông trở thành nơi xuyên qua của các luồng thương mại hàng hải và hàng không quốc tế, nối liên các nước Đông Bắc Á với Đông Nam Á và là đường hàng hải ngắn nhất nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Trong số 10 tuyến đường hàng hải chính trên thế giới thì 5 tuyến đi qua khu vực Biển Đông. Hơn 90% thương mại quốc tế được vận chuyển bằng đường biển, trong đó 45% đi qua biển Đông(4). Có khoảng 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, 60% của Nhật Bản và 66% của Hàn Quốc đi qua biển Đông; Có tới 42% hàng xuất khẩu của Nhật Bản, 55% hàng xuất khẩu của các nước Đông Nam Á, 26% hàng xuất khẩu của các nước công nghiệp mới và 40% hàng của Australia cũng đi qua vùng biển này. Đối với Việt Nam, hơn 95% hàng xuất khẩu thông qua đường biển. Có thể nói, biển Đông đã trở thành “van điều tiết” dòng chảy thương mại, đặc biệt là vận chuyển dầu hỏa giữa các nước Trung Đông và châu Phi và các nền kinh tế ở Đông Á(5). Chính có những lợi thế trên, biển Đông thường được ví như “Địa Trung Hải châu Á”(6).    

Không những thế, biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu có, nhất là dầu khí và sinh vật biển. Theo đánh giá khu vực này chứa khoảng 130 tỷ thùng dầu mỏ và 900 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên, trong đó đã có khoảng 7 tỷ thùng dầu đã được kiểm chứng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày(7). Hơn nữa, vùng biển Đông còn có một lượng khí đóng băng lớn, tương đương với lượng dự trữ dầu khí trên. Ngoài ra, dưới đáy biển còn có khá nhiều kim loại quý hiếm như Coban, Mangan. Về hải sản, có trên 100 loài cá có giá trị kinh tế cao và có khả năng khai thác với số lượng lớn. Hiện nay, sản lượng đánh bắt cá tại vùng biển này chiếm khoảng 7-8% của cả thế giới.

Trong khu vực biển Đông thì quần đảo Trường Sa không chỉ có diện tích lớn nhất (trên 1,3 triệu km2, chiếm 38% tổng diện tích biển Đông), chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên nhất, đặc biệt là dầu khí, mà còn là nơi có vị trí chiến lược về giao thông hàng hải và phòng thủ chiến lược. Nếu quần đảo này có căn cứ quân sự hiện đại thì có thể kiểm soát được một địa bàn rộng, gần như toàn bộ Đông Nam Á và Đông Nam của Trung Quốc. Chính những lợi ích to lớn trên đã kích thích thêm tham vọng địa chính trị của nhiều nước , làm cho biển Đông trở nên nổi sóng trong nhiều thập kỷ qua.

2. Leo thang tranh chấp ở biển Đông

Trước thế kỷ XX, ngoại trừ Việt Nam, không có nước nào trong khu vực có bằng chứng để chứng minh họ đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sách “Trung Quốc Địa lý Giáo khoa” của Trung Quốc xuất bản năm 1906 không đề cập tên Tây Sa và Nam Sa và ghi rằng điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trong khi đó, suốt trong gần 3 thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến nửa sau thế kỷ XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam luôn cử những đội dân binh đến các quần đảo này để khảo sát và khai thác các nguồn tài nguyên. Thực dân Pháp cai trị Việt Nam, quản lý hai quần đảo này và đến 1956 chính quyền Sài Gòn tiếp quản, lập nên các đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, vào tháng 4 năm 1956, Trung Quốc lợi dụng cơ hội Pháp rút khỏi đó, bí mật đổ bộ chiếm nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Tháng 1 năm 1974, khi chế độ Sài Gòn đang trên đà sụp đổ, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm cụm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa và sau đó chiếm toàn bộ 23 đảo , bãi đá và cát thuộc quần đảo này(8).

Còn ở Trường Sa, trong khi Việt Nam gặp khó khăn lớn, Trung Quốc vào tháng 3 năm 1988 đã dùng vũ lực, chiếm đóng trái phép bãi Đá Chữ Thập và Đá Gaven cùng với một số bãi đá ngầm ở quần đảo này. Đến năm 1992, họ lại chiếm thêm Bãi Vạn An trên thềm lục địa của Việt Nam. Vào tháng 2 năm 1995, Trung Quốc bí mật chiếm bãi đá thuộc nhóm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) do Philippines quản lý. Như vậy, hiện đang tồn tại tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Trường Sa giữa giữa 4 nước 5 bên, gồm có Việt Nam, Trung Quốc lục địa), Đài Loan, Philippines, Malaysia(9). Trong cuộc tranh chấp này Việt Nam, Trung Quốc lục địa và Đài Loan đòi chủ quyền hầu như toàn bộ quần đảo Trường Sa, Philippines và Malaysia đòi chủ quyền một phần của quần đảo này.

Ngoài hai quần đảo trên, tranh chấp Biển Đông còn mở rộng ra cả vùng biển phía Nam đảo Trường Sa giữa 6 nước 7 bên gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc coi vùng biển này nằm trong đường biên giới “lưỡi bò” là vùng nước lịch sử do họ đơn phương tuyên bố sở hữu từ cuối năm 1947. Từ sau 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng có những tuyên bố tương tự(10).

Do nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN, tranh chấp biển Đông giữa các nước liên quan đòi chủ quyền trong nửa thập niên đầu thế kỷ XXI có phần lắng dịu. Tuy nhiên, từ sau đó, nhất là từ 2009 cho tới nay, tình hình biển Đông lại trở nên căng thẳng. Vào tháng 5 năm 2009 Trung Quốc chính thức gửi lên ủy ban LHQ về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) “Báo cáo về thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”, trong khi đó họ liên tục gửi công hàm phản đối hồ sơ của các nước khác như Việt Nam, Malaysia và Philippines(11). Trong các Công hàm này của Trung Quốc có kèm theo một bản đồ “hình lưỡi bò” (đường chữ U) 9 đoạn và cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”(12). Hơn nữa, Trung Quốc từ thời gian này tăng cường sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ cho mục tiêu xác lập chủ quyền của họ như tiến hành chấp pháp tại các khu vực tranh chấp, gây sức ép một số công ty đa quốc gia đang hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí với Việt Nam và Philippines, tiến hành nhiều cuộc tập trận với quy mô lớn trên biển Đông, thực hiện lệnh cấm bắt cá hàng năm và quấy nhiễu ngư dân các nước hoạt động hợp pháp trên vùng biển của mình v.v(13). Các hành động mới này đã đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của Công ước Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố ứng xử các bên về biển Đông (DOC) năm 2002 mà Trung Quốc đã ký, góp phần chính làm cho tình hình biển Đông trở nên căng thẳng. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và hợp tác, nhất là đến quá trình liên kết Đông Á, gây lo ngại cho nhiều nước Đông Nam Á, mà còn làm tổn hại đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của chính bản thân Trung Quốc.

Cùng với hành động trên, Trung Quốc cũng không ngần ngại va chạm với tàu của Mỹ đang hoạt động tại biển Đông(14), đồng thời đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân, không quân, xây dựng các cơ sở quân sự lớn ở Đảo Hải Nam(15) tiến hành các cuộc tập trận lớn trên biển gần chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản-Okinawa-Đài Loan xuống Philippines, và nhất là việc Trung Quốc coi biển Đông là một phần của “lợi ích cốt lõi”(16) về chủ quyền của mình, kiên quyết đòi đàm phán song phương với từng quốc gia có yêu sách, không chỉ làm cho các nước trong khu vực lo ngại, mà còn kích thích sự can dự của nhiều nước ngoài khu vực, nhất là Mỹ, nước có lợi ích chiến lược và tham vọng địa chính trị tại khu vực này.

3. Đan xen lợi ích chiến lược và xung đột địa chính trị tại biển Đông

Tranh chấp biển Đông trở nên phức tạp và bị đẩy lên mức độ ngày càng gay gắt trong những năm gần đây không bắt nguồn từ mâu thuẫn hay tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh hải do lịch sử để lại và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế, vùng chồng lẤn ở biển của nhiều quốc gia đòi yêu sách, mà còn xuất phát từ sự đan xen lợi ích, mưu cầu địa chính trị, trước hết là quản lý, kiểm soát tuyến hàng hải, hàng không chiến lược và nguồn tài nguyên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ tại khu vực này, từ đó mở rộng ảnh hưởng ra toàn khu vực châu Á-Tây Thái Bình Dương.

Trước hết là lợi ích của Trung Quốc. Tầm quan trọng của biển Đông hết sức to lớn đối với Trung Quốc là điều không phải nghi ngờ, nhất là khi nước này đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, đang trên đà phát triển mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà các học giả Trung Quốc luôn nhẤn mạnh rằng, biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh trên biển của Trung Quốc”(17). Trong lịch sử, người Trung Quốc từng cho rằng, Đông Nam Á, trong đó có biển Đông là khu vực ảnh hưởng truyền thống của họ và cũng là hướng thuận, làm ăn phát đạt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc hiện nay ở biển Đông.

Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc cảm thấy bị bao vây. Phía Đông của Trung Quốc đang tồn tại khối đồng minh chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn khá vững chắc. Khối liên minh này không ngừng được củng cố, nhất là sau sự kiện “tàu Cheonan” (3/2010). Đài Loan vẫn còn là hòn đảo chia cắt, được Mỹ, Nhật bảo trợ về mặt an ninh-quốc phòng. Những vật cản này làm cho Trung Quốc gặp khó khăn lớn thông qua phía Đông để vươn ra vùng nước sâu của Thái Bình Dương, trở thành cường quốc biển. Phía Tây Nam của Trung Quốc giáp Ấn Độ và Myanmar. Trong khi Ấn Độ đang trỗi dậy, cố gắng vươn lên thành cường quốc biển, và Mỹ đang tìm cách cải thiện, mở rộng quan hệ với hai nước Nam Á này, nên con đường đi qua phía Tây Nam, mở rộng quyền lực biển ở Ấn Độ Dương của Trung Quốc là khá hẹp. Còn phía Đông Nam của Trung Quốc, cụ thể là khu vực biển Đông có thể là nơi thuận lợi nhất cho nước này thực hiện mục tiêu tiến ra các đại dương. Các nước Đông Nam Á có yêu sách đòi chủ quyền lãnh hải ở biển Đông đều là nước nhỏ với tiềm lực hải quân hạn chế. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Mỹ đã rút dần các căn cứ quân sự lớn của họ khỏi khu vực này, nhất là ở hai căn cứ lớn Subic và Clark trên đất Philippines. Bước sang thập niên đầu thế kỷ XXI, lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ có bố trí lại quân đội của họ ở một số nơi trên đất Philippines và Thái Lan, nhưng mức độ còn khiêm tốn. Hơn nữa, gần một thập niên qua, Mỹ bị sa lầy ở Afganistan và Irắc, lực lượng quân sự bị phân tán. Còn nước Nga cũng từ thời gian này rút lực lượng quân sự của họ khỏi cảng Cam Ranh. Như vậy, ở chừng mực nhất định, Đông Nam Á nói chung, khu vực biển Đông nói riêng trong hai thập niên qua dường như có một “khoảng trống quyền lực”. Điều này có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân xuống khu vực biển Đông đang tranh chấp, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược của họ.

Về khía cạnh địa kinh tế, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ và nhập dầu mỏ đứng thứ hai thế giới. Năm 2008, nước này đã nhập tới 50% lượng dầu tiêu thụ trong nước (với 3,8 triệu thùng/ngày vào năm 2008), nhưng đến năm 2020, theo dự tính sẽ tăng lên khoảng 70% và đến 2035 là khoảng 75% với khoảng 11,6 triệu thùng ngày(18). Chính vì vậy, Trung Quốc đã coi khu vực biển Đông là “Vịnh Péc Xích thứ hai” về dầu khí, là nơi có thể cung cấp nguồn năng lượng bổ sung quan trọng cho phát triển tiếp theo của nền kinh tế(19).

Cùng với sự phức tạp, khó giải quyết tranh chấp dựa trên chứng cứ lịch sử và sự khác nhau trong cách hiểu và Áp dụng luật pháp quốc tế, nhu cầu bổ sung về dầu mỏ và sự phong phú về tài nguyên ở biển Đông cũng như mong muốn có một môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho Trung Quốc hợp tác và phát triển, Đặng Tiểu Bình đã từng đề xuất chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Tuy nhiên, chủ trương này chưa được các nước liên quan hưởng ứng một cách tích cực. Có lẽ các nước Đông Nam Á có yêu sách đều là nước nhỏ, lo ngại 4 chữ đầu trong Chủ trương 16 chữ “chủ quyền thuộc ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác, phân chia lợi ích” mà phía Trung Quốc đưa ra từ 1992(20). Hơn nữa, chủ trương đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp và coi vấn đề biển Đông là vấn đề khu vực mà Trung Quốc đưa ra không phù hợp với thực tiễn đan xen lợi ích và yêu sách của nhiều bên và cộng đồng quốc tế tại biển Đông đã làm cản trở các nỗ lực trên của Trung Quốc. Để đáp lại, các nước Đông Nam Á có tranh chấp đã đề xuất giải quyết vấn đề biển Đông bằng con đường đa phương và dựa trên luật pháp quốc tế, nhằm ràng buộc các hành vi của Trung Quốc. Điều này lại mâu thuẫn với chủ trương và mục tiêu của Trung Quốc là quản lý, kiểm soát khu vực biển Đông, điều mà không chỉ các nước có tranh chấp mà các nước khác ngoài khu vực, trong đó có Mỹ khó có thể chấp nhận được.

Đối với Mỹ, Đông Nam Á nói chung, biển Đông nói riêng ít nhất từ cuối thế kỷ XIX đã trở thành mục tiêu chiến lược của họ. Với luận thuyết “định mệnh lịch sử” và “sự quyết định của địa lý”, người Mỹ từ thế kỷ XIX đã cho rằng, nước Mỹ muốn tồn tại lâu dài và tiếp tục phát triển, trở thành cường quốc số một trên thế giới thì phải chinh phục được châu Á, trước hết là chiếm lĩnh biển cả. Muốn thực hiện điều này phải có hải quân mạnh để bảo vệ an toàn cho các dòng thương mại hiện hành và thay đổi thương mại cũng như các hoạt động chiến sự trong tương lai(21). Việc Mỹ thế chân Tây Ban Nha, chiếm đảo Philippines ở cuối thế kỷ XIX đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược bành trướng thế lực của họ ở Tây Thái Bình Dương. Từ thời gian này, vịnh Manila trở thành “ao nhà” của Mỹ. Dưới thời chiến tranh lạnh, hải quân Mỹ ở khu vực này (cụ thể là Hạm đội 7) đã hỗ trợ đắc lực cho chiến lược kìm chế Trung Quốc và chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á. Khoảng gần hai thập niên đầu sau chiến tranh lạnh, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Mỹ có phần lơ là với khu vực biển Đông, nhưng chưa bao giờ họ coi nhẹ vùng biển này. Yêu sách lãnh hải quá đáng của Trung Quốc và cách hành xử cứng rắn của các cơ quan hàng hải của nước này ở biển Đông từ 2009 không chỉ gây hoang mang cho nhiều nước châu Á, mà còn thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ.

Thực tiễn lịch sử cũng như viễn cảnh, biển Đông có tầm quan trọng khá đặc biệt với Mỹ, cả về địa kinh tế, quân sự chiến lược. Ba trong mười tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất của Mỹ đi qua Tây Thái Bình Dương và eo biển Malacca. Hiện nay, giá trị thương mại song phương hàng năm của Mỹ đạt tới 1.200 tỷ USD, chiếm hơn 22% giá trị thương mại song phương của thế giới đi qua khu vực biển Đông(22). Các nước đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc sâu sắc vào tuyến thương mại này, nhất là trong việc nhập khẩu dầu mỏ và các nguyện liệu khác cho phát triển công nghiệp. Trong chiến lược an ninh quân sự, biển Đông là một mắt xích trọng yếu trong hệ thống quân sự ven biển của Mỹ ở châu Á, chạy dài từ Vịnh Pec-xích, qua biển Đông đến bán đảo Triều Tiên, là nơi hỗ trợ đắc lực cho việc duy trì “vành đai sắt” khống chế Trung Quốc ở phía Đông, nhất là trong việc duy trì hiện trạng của Đài Loan cũng như duy trì quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ ở Đông Á/Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương. Hơn nữa, Mỹ cũng muốn có mặt và can dự nhiều hơn ở biển Đông để theo dõi sự triển khai của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển này. Ngoài ra, các nước xung quanh biển Đông cũng là đối tác thương mại và nhận đầu tư lớn của Mỹ(23). Trong bối cảnh ngày càng khan hiếm về dầu mỏ cũng như sự bất ổn chính trị ở các nước Trung Đông-Bắc Phi thì việc tăng cường hợp tác khai thác dầu khí ở biển Đông cũng đang thôi thúc người Mỹ.

Xuất phát từ lợi ích chiến lược và cách tiếp cận truyền thống về tự do hàng hải, Mỹ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội gia tăng tranh chấp biển Đông để củng cố ảnh hưởng của họ tại khu vực này trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Nếu trước 2009, Mỹ vẫn còn duy trì thái độ tương đối trung lập, hầu như không có quan điểm đúng sai pháp lý về các tuyên bố đòi chủ quyền và không ủng hộ yêu sách của bên nào, chủ yếu nhẤn mạnh đến tự do hàng hải, thì sau đó, nhất là từ năm 2010 trở nên “can dự tích cực”, công khai chỉ trích những hành động cứng rắn của Trung Quốc ở biển Đông, và coi vùng biển này nằm trong “lợi ích quốc gia” của họ(24). Hơn nữa, Mỹ đã cùng nhiều nước trong khu vực cương quyết quốc tế hóa vấn đề biển Đông, đưa chúng vào chương trình nghị sự của các hội nghị bàn về an ninh và hợp tác khu vực, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc(25). Thực ra đây chỉ là sự tái cam kết một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn về lợi ích chiến lược mà Mỹ đã từng theo đuổi tại biển Đông, ít nhất là từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai(26).

Có thể nói, việc Mỹ “can dự tích cực” vào biển Đông nằm trong chiến lược “trở lại châu Á” của họ(27). Các bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton, của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và đặc biệt là của Tổng thống Barack Obama trong chuyến công du lịch sử đến châu Á và Australia hồi tháng 11/2011 đã liên tục khẳng định rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thập niên tới của Mỹ là tăng cường đầu tư bền vững về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và những vấn đề khác tại châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một quyết sách được Mỹ xem xét một cách kỹ càng và có tính chiến lược(28).

Để thực hiện chiến lược trên, Mỹ triển khai khá đồng bộ trên các mặt như tham gia TAC, cử đại sứ thường trực tại ASEAN, đưa ra sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông và lập cơ chế hợp tác giữa vùng sông Mississippi và Tiểu vùng sông Mê Kông (2009), tham gia và thúc đẩy chương trình Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) (2010), tăng cường các hoạt động quân sự dọc theo vùng biển từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á và củng cố các quan hệ đồng minh chiến lược tại khu vực này, nhất là trục quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn-Australia. Đặc biệt, vào tháng 11/2011, Mỹ đã quyết định tái lập căn cứ quân sự của họ tại Darwin của Australia. Đây là căn cứ quân sự đầu tiên gần biển Đông Nam Á được Mỹ thiết lập trở lại kể từ sau kết thúc chiến tranh tại Việt Nam. Theo Mỹ, tăng cường sự hiện diện về quân sự sẽ hỗ trợ chắc chắn và có hiệu quả hơn cho can dự ngoại giao và kinh tế của họ ở khu vực. Điều này đang tạo ra những xung đột lớn về lợi ích chiến lược đối với nhiều nước, nhất là đối với Trung Quốc, nước đang muốn làm chủ biển Đông.

Tuy ở mức độ khác nhau, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Australia và nhiều nước khác cũng có lợi ích lớn ở biển Đông. Đối với Nhật Bản, sự an toàn và thông suốt trong vận chuyển qua biển Đông, nhất là qua eo biển Malacca còn quan trong hơn cả Mỹ. Hơn nữa, khu vực này còn là nơi có khả năng cung cấp một nguồn tài nguyên bổ sung lớn cho sự phát triển tiếp theo của nền kinh tế Nhật Bản. Thêm vào đó, sự gia tăng nhanh sức mạnh kinh tế và quân sự cùng với những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông cũng làm tăng thêm sức ép địa chính trị, kinh tế đối với Nhật Bản, nước đã bị Trung Quốc đẩy xuống hàng thứ ba trong trật tự kinh tế thế giới. Trong bối cảnh nhiều nước ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác khác để củng cố yêu sách đòi chủ quyền của mình và nhất là khi Mỹ công khai “trở lại châu Á”, Nhật Bản muốn sử dụng cơ hội này để duy trì ảnh hưởng vốn có của họ tại khu vực cũng như tạo thế tốt hơn trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Chính vì những lý do trên làm cho Nhật Bản trong những năm gần đây can dự nhiều hơn vào vấn đề biển Đông, cho dù không phải là nước có yêu sách đòi chủ quyền. Điều này được thể hiện rõ nhất bằng việc Nhật Bản ký với Philippines về Hiệp định Đối tác Chiến lược vào năm 2010 và Thỏa thuận hợp tác quân sự Nhật Bản-Philippines vào năm 2011, theo đó hai bên mở rộng các cuộc tập trận hải quân chung và các cuộc đàm phán thường kỳ giữa các quan chức bảo vệ biển của hai nước. Trước đó (vào tháng 4/2010), Nhật Bản đưa ra đề xuất thành lập diễn đàn Đối thoại tay ba giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ bàn về an ninh hàng hải và cứu trợ thiên tai khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cơ chế này đã được hình thành bằng cuộc họp đầu tiên giữa quan chức chức ngoại giao cấp cao 3 nước tổ chức tại Washington hôm 19/12/2011. Hơn nữa, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) vào đầu năm 2011 đã được huy động tới biển Đông để tham gia tập trận chung với lực lượng hải quân Mỹ và Australia ở ngoài khơi bờ biển Brunei. Đáng chú ý nữa, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Bali, Indonesia tháng 11/2011, đã mạnh dạn đề xuất thành lập một diễn đàn hợp tác hàng hải tại khu vực có sự tham gia của các thành viên EAS. Cùng với đó, Nhật đã hưởng ứng một cách mạnh mẽ quan điểm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải biển Đông theo UNCLOS năm 1982(29).

Tương tự, mối quan tâm của Ấn Độ đối với biển Đông cũng gia tăng nhanh trong những năm gần đây không chỉ bắt nguồn từ quan hệ truyền thống từ hàng ngàn năm trước(30), mà do nhu cầu mở rộng không gian hợp tác kinh tế và an ninh với các nước ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Biển Đông là một không gian biển mở, nơi có gần 50% hoạt động thương mại của Ấn Độ đi qua. Nguồn dầu khí dự trữ nơi đây khá phong phú. Trên thực tế, từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL) của Ấn Độ đã hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở biển Đông. Hơn nữa, sự gia tăng vai trò của Ấn Độ ở biển Đông không chỉ để thắt chặt quan hệ với ASEAN và các nước thành viên, trong đó Việt Nam là một trong những đối tác được ưu tiên, qua đó tăng cường quan hệ với Australia, các nước Đông Bắc Á, và xa hơn là Mỹ, mà còn giúp Ấn Độ giảm Áp lực cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Nam Á. Thêm vào đó, Ấn Độ cũng đang cố gắng trở thành cường quốc biển, và trên thực tế đã có thực lực khá mạnh về hải quân. Điều này cho phép Ấn Độ có khả năng trở thành đối tác tin cậy trong việc xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh trên biển với nhiều nước khác. Chính vì vậy, Ấn Độ, ngoài việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Australia, Mỹ, Nhật Bản, đã và đang mở rộng quan hệ toàn diện với ASEAN và các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Điển hình là ở nửa sau 2011, bất chấp sự ngăn cản mạnh mẽ của Trung Quốc, Tập đoàn OVL của Ấn Độ vẫn tiếp tục đầu tư thăm dò và khai thác hai lô dầu khí 127 và 128 ngoài khơi của Việt Nam cũng như việc Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của ASEAN và nhiều quốc gia khác về đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề biển Đông(31). Có thể nói, đây là một trong bước đi của chiến lược “hướng Đông” của Ấn Độ nhằm khẳng định vị thế cường quốc của mình ở châu Á trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nước Trung Quốc láng giềng.

Nước Nga cũng là một cường quốc nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nên lợi ích của họ dĩ nhiên là không nhỏ tại vùng biển Đông. Ngoài lợi ích thông thương hàng hải như mọi nước khác, nước Nga còn có quan hệ hữu nghị truyền thống và lợi ích hợp tác với Việt Nam, nước có chủ quyền lớn ở biển Đông. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô, sau đó là Nga đã đầu tư, thăm dò khai thác dầu khí ở biển Đông và hiện tại đang có nhiều lợi ích kinh tế lớn ở đây. Hơn nữa, với tư cách là một nước lớn, đang trên đường phục hồi vị thế vốn có của họ, nước Nga khó có thể bỏ qua những lợi ích chiến lược mang tính toàn cầu cả hiện tại cũng như lâu dài. Biển Đông cũng nằm trong lợi ích chiến lược của họ. Không phải ngẫu nhiên Nga mới đây điều Trung đoàn tên lửa S-400 đến đóng ở Viễn Đông, tuyên bố sẵn sàng tham gia hiện đại hóa cảng Cam Ranh thành Trung tâm dịch vụ hải quân quốc tế, bán vũ khí tàu ngầm hiện đại, máy bay chiến đấu Su 30, tên lửa hành trình Bastion cho Việt Nam, Indonesia và Malaysia cũng như khá thường xuyên đưa tàu chiến lui tới nhiều nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền biển Đông với Trung Quốc(32).

Australia – một quốc gia hạng trung, láng giềng của Đông Nam Á, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược ở biển Đông, cả về thương mại và an ninh quốc phòng. Việc nước này ký TAC và tham gia EAS vào năm 2005, đưa ra sáng kiến “Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương” (APC) (2008), nhất trí đàm phán tham gia “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) (2011) và nhất là gắn kết sâu sắc thương mại với các nước Đông Á(33), tăng cường hiện đại hóa hải quân, hợp tác an ninh, tập trận chung trên biển với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước ASEAN ở khu vực biển Đông hay liền kề với biển Đông(34), đặc biệt là nhất trí để Mỹ tái lập căn cứ quân sự ở Darwin vào cuối năm 2011 là những bằng chứng cụ thể về sự gia tăng can dự của Australia vào các vấn đề an ninh của khu vực. Hơn nữa, hơn một thập niên qua, Australia cố gắng cân bằng trong quan hệ Đông-Tây, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng những thành quả mang lại về kinh tế và chính trị, nhất là sự nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế ít được cải thiện. Trong bối cảnh quan hệ kinh tế mất cân đối do chú trọng xuất khẩu tài nguyên (chủ yếu xuất sang Trung Quốc)(35) và lo ngại về an ninh đang nổi lên ở biển Đông, Australia cũng muốn điều chỉnh chiến lược an ninh. Thêm vào đó, việc Mỹ quay trở lại Đông Nam Á, muốn củng cố đồng minh chiến lược tại khu vực này cũng tạo thêm cú hích cho sự gia tăng can dự của Australiavào vấn đề an ninh của khu vực, trong đó biển Đông vốn là một trong những phạm vị địa chính trị truyền thống Australia.

Đối với ASEAN, thì tranh chấp biển Đông không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của mỗi thành viên, mà còn là phạm vi địa chính trị của tổ chức này – với tư cách là Cộng đồng khu vực, trung tâm kết nối, kiến tạo một cấu trúc an ninh mới ở châu Á-Thái Bình Dương. Điều này được chế định bởi nhiều quốc gia thành viên ASEAN nằm bao quanh vùng biển này, có yêu sách đòi chủ quyền và tất cả đều chia sẻ lợi ích cả kinh tế và chiến lược, nhất là trong tự do thương mại và an ninh quốc phòng và là nơi đan xen lợi ích chiến lược của nhau và của các nước lớn.

Có thể nói, tham vọng và mục tiêu của ASEAN từ khi thành lập là muốn tạo dựng một môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Nam Á. Điều này được thể hiện rõ nét trong hầu hết các văn kiện của ASEAN, nhất là trong bản Hiến chương ASEAN đã đi vào cuộc sống từ 2008. Hơn nữa, việc ngăn ngừa, hòa giải và quản lý xung đột là một trong những nội dung, thành tố quan trọng cấu thành Cộng đồng chính trị, an ninh ASEAN (APSC).

Trên thực tế, ASEAN và nhiều nước thành viên đã phản ứng khá xây dựng trong vấn đề biển Đông. Trước sự hiện diện lần đầu tiên của hải quân Trung Quốc ở quân đảo Trường Sa vào cuối những năm 80 và việc Mỹ rút khỏi các căn cứ quân sự quan trọng của họ ở Philippines vào đầu những năm 90, ASEAN đã thông qua “Tuyên bố ASEAN về biển Đông” vào năm 1992, trong đó nhẤn mạnh rằng “mọi diễn biến bất lợi ở biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực” (36). Đến năm 1995, sau khi Trung Quốc chiếm một số bãi đá thuộc dãy đảo Vành Khăn, ASEAN đã phản ứng một cách quyết liệt và tuyên bố rằng, “ASEAN sẽ tìm kiếm một giải pháp sớm và hòa bình cho tranh chấp biển Đông và sẽ tiếp tục tìm kiếm các biện pháp và cách thức để ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy hợp tác ở biển Đông”(37). Tiếp đến vào năm 2002, ASEAN đã cùng Trung Quốc thông qua “Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên về biển Đông” (DOC). Đây là một nỗ lực tập thể không mệt mỏi của ASEAN trong thương lượng với Trung Quốc trên mặt trận chính trị-ngoại giao nhằm từng bước hướng tới “Bộ quy tắc ứng xử biển Đông” trong tương lai. Tuy nhiên, việc thực thi DOC, bao gồm cả việc thông qua “Bản Quy tắc Hướng dẫn DOC” sau đó chưa có hiệu quả cao(38). Thực tế căng thẳng ở biển Đông vẫn chưa có hồi kết. Điều này chứng tỏ rằng, sự tham gia và vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa, hòa giải tranh chấp ở biển Đông, tuy có những bước tiến và hiệu quả nhất định, nhưng chưa tương xứng với lợi ích và trách nhiệm của một trung tâm, động lực thúc đẩy hòa bình và hợp tác tại khu vực, một thành tố quan trọng cấu thành trật tự quyền lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Kết luận

Như vậy, tranh chấp biển Đông leo thang với mức độ khá nghiêm trọng trong thời gian gần đây không chỉ bắt nguồn từ xung đột lợi ích của các nước liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, quyền tài phán và khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà còn từ tham vọng chiến lược, kiểm soát địa chính trị tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh Trung Quốc, một nước lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng quyết đoán trong việc đòi chủ quyền và một nước Mỹ đang suy yếu tương đối, muốn duy trì vai trò chủ đạo tại khu vực này, thì vấn đề tranh chấp biển Đông lại càng trở nên phức tạp, có nguy cơ thổi bùng xung đột địa chính trị. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, các cuộc chiến tranh nổ ra ở các điểm nhạy cảm chiến lược trên thế giới như chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, chiến tranh ở Việt Nam trước 1975, chiến tranh ở Kosovo, ở Bắc Kavkaz và gần đây là chiến tranh ở Afganistan, Irắc, Libi v.v. đều có mang yếu tố của cạnh tranh quyền lực, một phần bắt nguồn từ xung đột địa chính trị giữa các nước lớn. Lần nữa, xung đột gia tăng ở biển Đông là lời cảnh tỉnh đối với cộng đồng quốc tế yêu hòa bình, trước hết là đối với các nước ven biển Đông.

Các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách đòi chủ quyền và các nước khác có lợi ích tại biển Đông khó có thể chấp nhận một nền chính trị cường quyền, chiếm đoạt hay phân chia ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực này, bởi biển Đông là không gian sinh tồn của họ. Người dân và chính phủ các nước ven biển Đông muốn sống hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, trước hết là với cả Trung Quốc và Mỹ, không muốn có “thảm họa địa chính trị” tại nơi mà quả ngọt thiên nhiên ban tặng cho họ. Chính vì vậy, các bên liên quan cần tôn trọng lịch sử, tuân thủ luật pháp và tập quán quốc tế, coi trọng lợi ích đan xen của nhau trong giải quyết tranh chấp biển Đông. Muốn làm được những điều trên, đòi hỏi các bên liên quan, trước hết là các nhà cầm quyền ở các nước phải có ý chí chính trị một cách mạnh mẽ, coi hòa bình là lợi ích tối thượng, là tài sản chung cần đặt lên hàng đầu. Có như vậy lợi ích chính đáng của các bên liên quan ở biển Đông và cả khu vực mới được đảm bảo.

Đối với ASEAN và các nước thành viên, biển Đông là phạm vi địa chính trị của họ. Tổ chức này cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia giải quyết tranh chấp. Đây là phép thử mới chứng minh tính hiệu quả và vai trò trung tâm của tổ chức này trong việc đảm bảo cho người dân và các quốc gia thành viên ASEAN được sống trong hòa bình cũng như duy trì động lực chủ đạo thúc đẩy quan hệ hòa bình và hợp tác của khu vực với các đối tác bên ngoài, nhất là với các nước lớn như đã được ghi trong bản Hiến chương ASEAN(39)./.

 

Chú thích:

* PGS. TSKH. Trần Khánh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện KHXH Việt Nam

1. Từ 2009 đến nay, liên tiếp có các Hội thảo quốc tế với quy mô lớn được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới chuyên bàn về vấn đề biển Đông. Chỉ riêng ở Việt Nam từ 2009 đến 2011 đã tổ chức 3 Hội thảo Quốc tế lớn về vấn đề này do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp thực hiện.. Đặc biệt, vấn đề biển Đông cũng trở thành chủ đề luôn được đề cập đến trong các Diễn đàn hợp tác an ninh song phương, đa phương ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trong các cơ chế hợp tác của ASEAN. Hơn nữa, số lượng các bài viết được đăng tải trên các kênh khác nhau về tranh chấp biển Đông tăng đột biến.

2. Khái niệm Địa chính trị (Geopolitics) do Rudolf Kjellé, người Thụy Điển đưa ra lần đầu tiên vào năm 1899, sau đó được nhiều học giả khác như Phridrich Ratzel, Halford Mackinder người Anh, Karl Haushofer người Đức và Nicholas John Skyman người Mỹ phát triển thành một thuyết khá hoàn chỉnh. Họ cho rằng, các yếu tố địa lý bao gồm lãnh thổ, dân số, vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên và mối quan hệ giữa các quốc gia không chỉ đóng vai trò trung tâm trong quyết định luận về chính sách quốc tế của quốc gia này hay quốc gia khác, mà còn có ý nghĩa trong việc tranh giành vị trí thống trị khu vực và thế giới.

3. Khu vực biển Đông có 4 nhóm đảo chính là quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và một bãi đã chìm là Trung Sa.

4. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 41.000 lượt tàu biển qua lại vùng biển này. Các tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca nhiều gấp 3 lần số lượng tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez, và lớn gấp 5 lần đi qua kênh đào Panama.

5. Xem thêm: Annual Report to Congrees. Military Power of People’s Republic of China, 2009, Office of the Secretary of Defense. Department of Defence, United of States of America,, p.4 ; Bronson Pervcival. Mỹ “quay trở lại châu Á và vấn đề biển Đông” (Tài liệu tham khảo Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ Ba, chủ đề “Biển Đông: Hợp tác an ninh và phát triển trong khu vực”. Hà Nội, ngày 4-5 tháng 11/2011), tr.3; Hoàng Việt. Một cái nhìn về chính sách của Trung Quốc đối với tranh chấp biển Đông//Thời đại mới, số 22, tháng 8, 2011, tr. 14-15.

6. Nhà Địa chính trị học Nicolas Spykman gọi khu vựcbiển Đông là “Địa Trung Hải châu Á” (Xem thêm: Tetsuo Kotani. Why China Wants South China Sea//The Diplomat, July 18, 2011; Trần Đại Nghĩa. Vị trí chiến lược của biển Đông và chủ trương đối sách của nước ta//Tạp chí Biển Việt Nam, số 4, 2007.

7. Một nguồn tin khác do Trung Quốc đưa ra, khu vực biển Đông có trữ lượng khoảng 225 tỷ thùng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, trong đó trữ lượng dầu mỏ ở khu vực Trường Sa khoảng 105 tỷ thùng, khả năng khai thác có thể đạt 18,5 triệu thùng/năm (Xem thêm: Biển Đông là “thước đo tương lai” của Mỹ ở châu Á, Vnexpress.net/gl/the-gioi…bien-dong-la-thuoc-do-tuong-lai-cua-my-o-chau a.

8. Trong các thư tịch và bản đồ cổ của Việt Nam như “Toàn tập Thiên Nam tứ lộ đồ thư”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Nam nhất thống chí” và nhiều tài liệu của các tu sỹ người nước ngoài có mặt tại Việt Nam trong thế kỷ XVII-XVIII đã xác định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời đó. Từ 1884, Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa và trực tiếp cai quản các quần đảo này. Từ 1956, Chính quyền Sài Gòn tiếp quản sự bàn giao của Pháp và đặt đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Từ 1961 đến 1963, họ cho xây bia chủ quyền tại các đảo chính như Trường Sa, An Bang, Song tử Tây, Song tử Đông, Thị Tử, Loại Ta v.v.. Còn quần đảo Hoàng Sa,từ 1961 chuyển quyền quản lý từ tỉnh Thừa Thiên sang tỉnh Quảng Nam. Xem thêm: Nguyễn Nhã. Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa-Trường Sa từ đầu thế kỷ XVII đến thời Pháp thuộc. Quỹ Nghiên cứu biển Đông, 2008; Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam. Tủ sách kiến thức nhà xuất bản Trẻ, 2008; Nguyễn Quang Ngọc. Chủ quyền của Việt nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX: Tư liệu và sự thật lịch sử//Nghiên cứu Trung Quốc, Số 6 (118), 2011; Lưu Văn Lợi. Cuộc tranh chấp Việt-Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội: Nxb. Công an Nhân dân, 1995; Monnique Chemillier –Gendreau. Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998; Lịch sử quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa//Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên-Huế, số 4 (75), 2009; Lê Huỳnh Hoa. Châu bản triều Nguyễn – Cơ sở lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa//Nghiên cứu Lịch sử, Số 12 (428), 2011, tr. 45-51.

9. GS. Rommel C. Banlaoi. Những căng thẳng mới và thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh biển tiếp tục tại khu vực biển Đông: Quan điểm của Philippines/ Biển Đông – Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực (Đặng Đình Quý cb.). Hà Nội; Nxb. Thế giới, 2010, tr.183.

10. Ngày 01 tháng 12 năm 1947, Bộ Nội vụ chính quyền Tưởng Giới Thạch lần đầu tiên cho công cố tài liều về “đường lưỡi bò” hay chữ U 11 đoạn. đến tháng 1 năm 1948 họ cho công bố thêm về bản đồ hình chữ U gồm 11 đoạn. Đến tháng 2 năm đó thì bản đồ này được xuất bản chính thức. Công bố này bị chính phủ Pháp phản đối mạnh mẽ. Đến những năm 60 của thế kỷ XX, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẽ bản đồ “đường lưỡi bò” từ 11 đoạn còn 9 đoạn mà không đưa ra một giải thích nào cả.

11. Ngày 6 tháng 5 năm 2009 Việt Nam và Malaysia cùng trình lên CLCS Báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gửi một Hồ sơ riêng của mình. Ngày 7 tháng 5 năm 2009, Trung Quốc gửi Công hàm phản đối các Hồ sơ trên và đến ngày 11 tháng 5 năm 2009 họ trình lên CLCS Báo cáo về thềm lục địa mở rộng của họ và lần đầu tiên công khai yêu sách “đường chữ U” Chín đoạn bằng cả văn bản lẫn bản đồ. Ngày 5 tháng 4 năm 2011, Philippines gửi Công hàm lên CLCS phản đối Hồ sơ của Trung Quốc. 10 ngày sau (14/11/2011) Trung Quốc gửi Công hàm phản đối lại Công hàm ngày 5 tháng 4 năm 2011 của Philippines.

12. CHND Trung Hoa. Công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. New York, 7/5/2009, CML/17/2009. http://www.un.org/Depts/ló/clcs_new/submissions_files/preliminary/chn2009preliminaryinformation_english.pdf

13. Tháng 7 năm 2007, Trung Quốc lập đơn vị hành chính thành phố Tam Sa gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ 2006, Đài Loan xây dựng sân bay ở đảo Thái Bình và đến 2008 là cắt băng khánh thành. Vào tháng 2 năm 2011, Trung Quốc cho 2 tàu đụng vào một tàu thăm dò dầu khí của Philippines thuộc sở hữu của Công ty Forum Energy. Vào ngày 26 tháng 5 và ngày 9 tháng 6 năm 2011, các tàu tuần tiễu của Trung Quốc cắt dây cáp của tàu thăm dò Việt Nam đang tiến hành các cuộc khảo cứu địa chẤn tại khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam, cách đất liền khoảng 120 hải lý. Vào tháng 7 năm 2011, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ trên hành trình thăm hữu nghị Cảng Nha Trang đã bị một tàu Trung Quốc yêu cầu rời khỏi “các vùng nước của Trung Quốc” khi tàu này đang di chuyển đến Hải Phòng. Đến tháng 9 năm 2011, Trung Quốc phản đối việc thăm dò dầu khí của Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ tại hai lô 127 và 128 của Việt Nam. Từ 2004, Trung Quốc đơn phương ban lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, đồng thời liên tục bắt bớ ngư dân Việt Nam hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

14. Như vụ va chạm của tàu Ngư chính Trung Quốc với tàu thám thính đại dương USNS Impreccable của Mỹ vào tháng 3/2009; giữa tàu ngầm Trung Quốc với lưới sóng Sonar siêu âm của tàu khu trục Mỹ US John S. McCain vào tháng 6/2009 v.v.

15. Như cho thử tàu sân bay đầu tiên, thử nghiệm loại máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ 5 là J-20 (xuất hiện vào tháng 3/2011), xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa HY-2 với đầu đạn DF-21D có khả năng bắn đắm khu trục hạm 3000 tẤn trên đảo Phú Lâm, phát triển các hạm đội tàu ngầm hiện đại và xây dựng các căn cứ quân sự mới hướng tới đại dương như căn cứ Ngọc Lâm (Yulin) gần Tam Á trên đảo Hải Nam v.v.

16. Cụm từ “Lợi ích cốt lõi” được các quan chức, học giả và giới báo chí Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều khoảng gần một thập niên qua nhằm khẳng định chủ quyền và quyền sử quân đội đối với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương khi các thực thể này có hành động đòi ly khai. Cụm từ này được phía Trung Quốc đưa ra đối với Mỹ vào cuối năm 2009, khi Tổng thống Obama thăm chính thức nước này. Mặc dầu Tổng thổng Mỹ không thích định nghĩa “lợi ích cốt lõi”, nhưng đã đồng ý để Trung Quốc đưa thuật ngữ này vào Tuyên bố chung. Vào tháng 3 năm 2010, các quan chức Trung Quốc đã nói với hai đại diện Mỹ rằng biển Đông có thể nâng lên thành “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Vào tháng 5 năm 2010 ông Dai Bingguo, một quan chức cấp cao của Trung Quốc nói lại với Ngoại trưởng Clinton về nội dung này. Ngoại trưởng Mỹ trở lời rằng, bà không đồng ý với điều đó. Phía Mỹ bị sốc và sau đó đã tung thông tin đó cho báo chí. Gặp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế, nên vào mùa thu năm 2010, Trung Quốc đã ra lệnh cấm các cơ quan thông tẤn nhà nước tránh viết về chủ đề này. Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đảo tháng 01 năm 2011, hai bên đã không đưa ra định nghĩa “lợi ích cốt lõi”. Trên thực tế, quan chức Trung Quốc đã dán mác “lợi ích cốt lõi” cho biển Đông”, nhưng các nhà lãnh đạo cũng như văn kiện chính thức của Nhà nước Trung Quốc không tuyên bố rõ ràng điều này, song họ cũng không phủ nhận điều đó (xem thêm: Nguồn gốc cụm từ “Lợi ích Cốt lõi” của Trung Quốc. Tuan Vietnam.net, http://vietnamweek.net , ngày 10 tháng 01 năm 2011.

17. Xem thêm: Tầm quan trọng về vị trí chiến lược của Nam Hải – Địa Trung Hải của châu Á . News.V1.CN, Ngày 18-07-2011.

18. Năm 2001, Trung quốc chỉ tiêu thụ khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày với sản lượng khai thác trong nước được 3,3 triệu thùng/ngày và chỉ cần nhập khẩu 1,7 triệu thùng ngày. Nhưng đến 2008, mức tiêu thụ tăng lên 7,8 triệu thùng/ngày, trong khi đó lượng dầu sản xuất được chỉ tăng lên tới 4 triệu thùng ngày, phải nhập tới 3, 8 triệu thùng ngày. Theo dự đoán mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc vào năm 2035 tăng lên16,9 triệu thùng /ngày, trong khi đó sản lượng trong nước có khoảng 5,3 triệu thùng/ngày, phải nhập khẩu tới 11,6 triệu thùng/ngày (Xem: Nguy cơ xẩy ra chiến tranh lạnh mới ở châu Á. TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Thứ 6, ngày 6/1/2012).

19. Từ năm 2005, Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch tăng cường thăm dò và khai thác dầu khí ở những vùng nước sâu ở biển Nam Hải (biển Đông). Tài liệu nhẤn mạnh rằng, Trung Quốc có thể gia tăng nỗ lực đơn phương khai thác tài nguyên ở Trường Sa trong tương lai (Xem: China Youth Daily, June 15, 2004; cs.com.cn./02/2008 1229_1698907.htm.; Zang Fengjiu. The prospect of national gas exploitation in the South China Sea. Vol 29, No. 1, 1 Jan. 2009, pp. 17-20.

20. Chủ trương 16 chữ của Trung Quốc được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 7 tháng 2 năm 1992. Sau đó phía Trung Quốc rút ngắn lại thành 8 chữ là “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”.

21. Tiêu biểu cho thuyết này là Đô đốc, Thiếu tướng hải quân Mỹ Alfred Thayer Mahan. Tư tưởng thống trị biển được ông thể hiện khá rõ nét trong hai công trình: The Influence of Sea Power upon History, 1660-1783. Boston, 1890: The Interests of American in Sea Power – Present & Futurre. Boston, 1897. Có thể nói, đây là sự kéo dài của học thuyết Monroe đưa ra từ năm 1823, trong đó cho rằng, châu Mỹ là của người Mỹ. Nước Mỹ phải phát triển thương mại hàng hải và hải quân nhằm ngăn chặn các hành động của các nước khác xâm phạm các vùng biển xung quanh nước Mỹ.

22. Rodney Jaleco. Khi Mỹ ‘đu dây” ở Đông Nam Á, http://vietnamweek.net, ngày 03-2-2011.

23. Tính đến cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, vốn đầu tư của Mỹ chiến tới 8,5% tổng lượng đầu tư vào Đông Nam Á với số lượng trên 160 tỷ USD, đứng thứ 3 sau EU, Nhật Ban, gấp hơn 4 lần Trung Quốc. Còn Đông Nam Á hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ.

24. Tại ARF tháng 7/2010, Mỹ và 11 quốc gia khác đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở biển Đông và đã dẫn đến một cuộc chiến ngoại giao với Trung Quốc. Sau đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã phát biểu với giới báo chí rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải ở biển Đông. Tại Hội nghị Shangri-la tháng 6/2011 tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Gates nhắc lại lập trường của Mỹ về vấn đề này, nhẤn mạnh Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, và tuân thủ luật quốc tế tại vùng biển này, đồng thời Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện cho các cuộc hội đàm về thực hiện DOC và tiến tới soạn thảo COC.

25. Trong số 18 nước tham dự EAS tổ chức tại Bali, Indonesia tháng 11/2011, có 15 nước đã nêu bật quan ngại của họ về tình hình biển Đông trước những hành động cứng rắn đòi chủ quyền của Trung Quốc.

26. Dưới thời chiến tranh lạnh, do mục tiêu ưu tiên là chống cộng sản, nhất là chống lại liên minh Xô-Việt, Mỹ chưa quan tâm nhiều đến các hành động cứng rắn của Trung Quốc ở biển Đông. Nhưng từ sau sự kiện Trung Quốc chiếm một số đảo đá nội thuộc chuỗi đảo Vành Khăn (Mischief) của Philippines, Mỹ đã có phản ứng rõ ràng hơn. Quốc hội Mỹ vào tháng 3 năm 1995 đã ra tuyên bố nhẤn mạnh “quyền đi lại tự do trên biển Đông và nơi này nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ”.

27. Cụm từ “nước Mỹ đã trở lại” được Ngoại trưởng Hillary Clinton phát biểu tại Thái Lan tháng 7 năm 2009 rằng “Nhân danh đất nước chúng tôi và chính quyền Obama, tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng rằng là nước Mỹ đã trở lại, chúng tôi xin cam kết và đảm bảo hoàn toàn mối quan hệ hữu nghị của chúng tôi ở Đông Nam Á” (Hillary Rodham Clinton, “Remarks with Thai Deputy Prime Minister Korbsak Sabhavasu”. US Department of State, 21 July 2009, http://www.state.hgov/secretary/rm/2009a/july/126271.htm.) Còn cụm từ “trở lại châu Á” được Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định trong tuyên bố của mình tại Trung Tâm Đông Tây (Hawai), tháng 01/2010 và tại ARF tại Hà Nội tháng 7/2010. Thực ra, Mỹ chưa bao giờ rời khỏi Đông Nam Á. Từ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bin Cliton và đầu nhiệm kỳ của G. Bush, Mỹ đã có kế hoạch “trở lại” khu vực này nhưng cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001 đã làm chậm tiến trình này.

28. Xem thêm: Carlyle A. Thayer. The Unied States, China and Southeast Asia//Southeast Asian Affairs 2011, Singapore: ISEAS, 2011; Hillary Clinton. America’s Pecific Century//Foreign Policy, Nomember, 2011 http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/10/11/americas pecific century page=full; Trọng Nghĩa. Chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ chính thức chuyển trọng tâm về châu Á. http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120106-chien-luoc-quoc-phong-moi-cua-hoa-ky-chinh-thuc-chuyen-trong-tam-ve-chau-a.

29. Xem thêm: Japan, Philippineses agree ‘strategic’ ties//Jane’s Defence Weekly,5 October 2010; Japan teke stand in South China Sea row but eclipsed by U.S.-China clash (by May Masangkay)//Kyodo New. http://english.kyodonew.jp./new 2011-11 127233.htmh; Vai trò mới của Nhật Bản ở biển Đông. http://vietnamnet.vn, ngày 04/10/2011.

30. Các quốc gia cổ năm trên bờ biển Đông như Phù Nam, Champa v.v. được hình thành và phát triển, một phần nhờ ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

32. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony tại hội nghị ADMM + lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội năm 2010 đã phát biểu rằng “an ninh của các tuyến hàng hải quan trọng đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương…Chúng tôi đang hợp tác với các nước khác trong khu vực để nâng cao an toàn cho ngành hàng hải ở khu vực. Cách tiếp cận tập thể về an ninh hàng hải sẽ mang lại lợi ích cho toàn khu vực” (Xem thêm: Kar Sitanshu. Towards an Inclusive Security Architecture: ASEAN +8 Defence Ministers’Meeting in Hanoi, India Strategic, October 2010

32. Lần đầu tiên sau 96 năm, tàu chiến Nga đã ghé thăm hữu nghị Philippines vào ngày 31/01/2012.

33. Đến cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, giá trị thương mại của Australia với châu Á, chủ yếu là với Đông Á đạt bình quân hàng năm trên dưới 200 tỷ USD, chiếm tới 3/5 giá trị buôn bán toàn cầu của nước này. Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch song phương năm 2009 đạt tới 105 tỷ USD.

34. Theo kế hoạch quân sự của Australia đưa ra năm 2009, thì nước này trong hai thập niên tới sẽ chi phí khoảng 72 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội, nhất là để mua các chiến đấu cơ và tàu ngầm tối tân. Lần đầu tiên vào tháng 7/2011, ốtstrâylia tham gia tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản ở ngoài khơi Brunây, thuộc khu vực biển Đông.

35. Việc xuất khẩu tài nguyên của Australia sang Trung Quốc đã làm tăng trưởng kinh tế nhanh miền Tây Australia, nhưng lại làm cho nền kinh tế Australia mất cân đối; Nhiều ngành công nghiệp khác giảm sức cạnh tranh do thiếu lao động tay nghề cao và đồng đô la tăng giá. Điều này đã làm cho nhiều người Australai không hài lòng.

36. 1992 AS EAN Declaration on the South China Sea.

37. 1995 Bangkok Summit Declaration.

38. Năm 2004 thành lập Nhóm làm việc Chung ASEAN-Trung Quốc (JWG) nhằm thực hiện DOC. Đến 7/2011, hai đối tác này mới thông qua được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC. Tuy nhiên 8 điểm đưa ra trong Bản Quy tắc này về cơ bản không khác là mấy với 10 điểm trong DOC, vẫn là những cam kết chung chung, thiếu sự ràng buộc về mặt pháp lý.

39. Hiến chương ASEAN, Điều 1, Khoản mục 1 và 15.

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới