Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiSUY NGẪM VỀ VIỆC BẮC KINH CÔNG KHAI CẢM ƠN NÔNG-PÊNH...

SUY NGẪM VỀ VIỆC BẮC KINH CÔNG KHAI CẢM ƠN NÔNG-PÊNH VỀ BIỂN ĐÔNG

Tân Hoa Xã ngày 2/9 đưa tin trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Cambodia Hun Sen, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảm ơn Cambodia vì sự ủng hộ của nước này dành cho Trung Quốc tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN khi ASEAN thảo luận tình hình Biển Đông. Động thái ngoại giao công khai này của Bắc Kinh dễ hiểu.

Nhờ có Nông pênh nên khối ASEAN đã không ra được Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng. Bắc Kinh hả hê khi tạo nên sự rạn nứt trong nội bộ ASEANtrong bối cảnh các thành viên khối này đang phấn đấu xây dựng cộng đồng chung vào năm 20015. Các nước ASEAN hết sức bất bình.

Họ đã cố gắng hết mức tìm các công thức thỏa đáng về đoạn Biển Đông trong dự thảo Thông cáo chung, nhưng thiện chí của họ đã trở thành công cốc. Còn Cambodia tìm cách thanh minh là “luôn cố gắng phối hợp giữa các nước cá biệt ASEAN với Trung Quốc, nhưng nước cá biệt ASEAN lại sử dụng vấn đề Biển Đông để bắt bí nhau”. Thậm chí vị Đại sứ nước này ở Manila lu loa rằng “Philippines và Việt Nam chơi trò chính trị bẩn thỉu”.

1. Khi dự Hội nghị quốc tế ở Hàn Quốc vào đầu tháng 8/2012, ông Tommy Koh, nguyên Chủ tịch Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật Biển cho biết “Hội nghị Ngoại trưởng AMM 45 không ra được Thông cáo chung do các thành viên bất đồng về cách thức thể hiện vấn đề Biển Đông. Philippines muốn đề cập về tình hình căng thẳng liên quan bãi Scarborough, Việt Nam muốn đề cập tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông. ”.

alt

Ảnh minh họa: Internet.

 

Các đề nghị mà Philippines và Việt Nam nêu ra có bắt bí ai không? Có gì bất hợp lý không? Hoàn toàn không. Ngoại trưởng Philippines Del Rosario nói “Nếu không thể thực hiện được Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc thì Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sẽ không có ý nghĩa”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản ánh cam kết tập thể của ASEAN đối với DOC trong Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng. Trước đây, khi xảy ra vụ việc bãi Vành Khăn (Mischief) vào năm 1995 và các vụ việc căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định ở vùng biển này, các nước ASEAN đều bày tỏ quan ngại về các diễn biến phức tạp trong các Thông cáo chung của ASEAN. Thậm chí vào năm 1995, các Ngoại trưởng ASEAN đưa ra Tuyên bố về vụ Mischief. Gần đây Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 cũng bày tỏ lo ngại của các nước ASEAN về các diễn biến phức tạp trong năm 2011, đặc biệt là vụ Trung Quốc dùng vũ lực cắt cáp tàu Bình Minh 02 ngay trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Do đó, việc Philippines đề nghị Thông cáo chung Hội nghị AMM 45 bày tỏ quan ngại về căng thẳng xung quanh bãi Scarborough là điều bình thường.

Việc Việt Nam đề nghị Thông cáo chung của Hội nghị AMM 45 khẳng định tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển cũng là một đề nghị hợp tình hợp lý. Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Đề nghị của Việt Nam chỉ tái khẳng định lại một quy định cơ bản của Công ước đó. Việt Nam không kêu gọi các nước ASEAN lên án các hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tóm lại, các đề nghị của Việt Nam và Philippines không đẩy các nước ASEAN khác trong đó có Cambodia vào tình thế khó xử và không bắt bí ai.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Hạ viện quốc phòng Australia cho biết tại cuộc họp kín của ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia nêu rõ những căng thẳng leo thang gần đây là điều gây lo ngại đối với tất cả các thành viên ASEAN, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ASEAN phải thống nhất trong hành động. Ngoại trưởng Malaysia ủng hộ ý kiến của Ngoại trưởng Indonesia và nhấn mạnh “Chúng ta phải nói tiếng nói chung, ASEAN phải chứng tỏ một tiếng nói thống nhất, nếu không uy tín của chúng ta sẽ bị xói mòn. Chúng ta phải đề cập tình hình Biển Đông, đặc biệt là bất kỳ hành động nào đi ngược lại luật pháp quốc tế về EEZ và thềm lục địa. Hoàn toàn không thể chấp nhận việc không đưa vấn đề này vào Thông cáo chung. Điều quan trọng là ASEAN phải bày tỏ rõ ràng những lo ngại về vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung”. Ngoại trưởng Singapore ghi nhận rằng “các diễn biến gần đây là đặc biệt đáng quan ngại” vì làm dấy lên “những cách giải thích kỳ lạ về luật pháp quốc tế, có thể làm suy yếu toàn bộ cơ chế của UNCLOS”. Ông này kết luận: “Điều quan trọng là ASEAN phải thể hiện rõ ràng trong Thông cáo chung mối quan ngại của khối về Biển Đông…Sẽ là tai hại nếu chúng ta không nói gì về vấn đề này”. Ông Carl Thayer thông tin tại cuộc họp này trước lúc Cambodia lên tiếng, không một nước nào phản đối quan điểm của Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore. Như vậy, 9 nước ASEAN ủng hộ yêu cầu chính đáng của Philippines và Việt Nam.

2. Ai cũng biết rằng, Bắc Kinh luôn tìm đủ mọi phương cách để ASEAN không thỏa thuận vấn đề Biển Đông mặc dù vấn đề này gắn với lợi ích trực tiếp của cả khối, trong đó có Cambodia. Bắc Kinh dùng đủ mọi thủ đọan (kể cả tiền bạc, kể cả áp lực) để Cambodia đi ngược dòng chảy của khối ASEAN. Là một nước nhỏ, một nước nghèo, Cambodia ở vào một tình thế khó khăn trước áp lực của Bắc Kinh. Chỉ có điều không thể quên dù bất cứ lý do nào là nếu Việt Nam không đổ xương máu thì chế độ diệt chủng Khơme Đỏ mà Bắc Kinh dựng lên vẫn đang bá chủ ở đất nước chùa Tháp. Năm 1998 nhiều thành viên ASEAN chưa nhất trí kết nạp Cambodia vào ASEAN. Với vai trò Chủ tịch năm đó, Việt Nam đã cố gắng để Hội nghị cấp cao ASEAN quyết định kết nạp nước này thành thành viên của ASEAN. Năm 2010 khi xung đột giữa Cambodia và Thái Lan liên quan tranh chấp đền Pretvihia lên tới đỉnh điểm, Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN đã nỗ lực cùng các nước ASEAN khác thuyết phục hai bên tranh chấp giảm căng thẳng và tiếp tục đối thoại.

Vải thưa không che được mắt thánh. Tại Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin và bình luận về lý do của việc Hội nghị Ngoại trưởng AMM 45 không ra được Thông cáo chung. Âu cũng là điều thiệt thòi cho mọi người. Lẽ ra báo chí Việt Nam phải lên tiếng và cung cấp toàn bộ sự thật cho dư luận. Ngoại trưởng Singapo K Shammugam cho hay Cambodia đã thất bại trong việc “giả mạo” một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được Thông cáo chung và đánh giá đó là một sự tổn hại nghiêm trọng đối với uy tín của ASEAN. K‎‎‎ý giả kỳ cựu của Thái Lan Vin Chavala đã phân tích trên tờ The Nation rằng “Khi tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, Cambodia đã thực hiện lập trường khăng khăng về Biển Đông thay vì cố gắng tìm kiếm những điểm chung giữa tất cả các bên liên quan như các nước chủ tịch ASEAN đã từng làm trong quá khứ. Cambodia đã quyết định đặt lợi ích của quốc gia mình là trên sự đoàn kết của các khối. Điều này về lâu dài sẽ phải tác động đối với cả Cambodia và ASEAN”. Ông Tommy Koh nhận xét “Chủ tịch Cambodia thay vì thực hiện nghĩa vụ tìm cách tạo sự đồng thuận thì lại ủng hộ quan điểm của Trung Quốc”. Philippines triệu Đại sứ Cambodia lên Bộ Ngoại giao để giải thích về phát ngôn vô trách nhiệm của vị này. Để tránh việc vị sứ thần vô trách nhiệm kia bị nước chủ nhà tuyên bố là “nhân vật không được chấp nhận” và trục xuất về nước, Cambodia đã vội vã rút ông ta về nước.

Qua câu chuyện này, người ta cũng đã tỉnh ngộ thêm một điều: ASEAN là một gia đình với 10 thành viên. Hy sinh lợi ích của anh em trong gia đình ASEAN vì người ngoài là cách làm thiếu khôn ngoan./.

Chí Tâm

RELATED ARTICLES

Tin mới