Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân để củng cố tham...

Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân để củng cố tham vọng biển

BienDong.Net:Trong động thái mới nhất nhằm hiện đại hóa và mở rộng hải quân, Trung Quốc đang tăng tốc sản xuất hàng loạt tàu khu trục tàng hình tiên tiến. Động thái này sẽ khiến cho tương quan lực lượng hải quân khu vực nghiêng về phía Trung Quốc và đặt nước này vào vị thế mạnh hơn để thực thi tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và trên các vùng biển Hoa Đông, Biển Đông.

Trong nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số về chi tiêu quân sự, Hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào mục tiêu thống trị khu vực và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào liên quan đến Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh đang tranh chấp biển đảo và các nguồn tài nguyên biển với một số nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc  đưa tin Trung Quốc đã hạ thủy chiếc tàu khu trục Type 052C Luyang II-class thứ 6 và nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải đã chế tạo loại tàu này với tiến độ 2 chiếc mỗi năm.

”Hoàn cầu thời báo”, phụ trương của “Nhân dân nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc,  ngày 5/9 đưa tin rằng Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo lớp tàu khu trục mới Type 052D, hiện đại hơn Type  052C. Báo này cho rằng chế tạo các tàu khu trục là “nổi bật trong làn sóng thứ hai đóng tàu chiến sau năm 2000” và  6 chiếc tàu khu trục Type 052C đã được đóng trong khoảng thời gian rất ngắn kể từ cuối năm 2010.

Theo các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ, tàu khu trục Type 052D sử dụng công nghệ tàng hình, trọng tải  6.000 tấn với 64 bệ phóng tên lửa thẳng đứng cho phép phóng nhanh các loại tên lửa phòng không, chống hạm hoặc tên lửa hạm đối đất.

 alt

Trung Quốc đã đóng xong chiếc tàu hộ tống 1.800 tấn Type 056, trang bị tên lửa hạm đối hạm. (Ảnh chinesemilitaryreview.com).


Tàu khu trục Type 052D có vẻ nhỏ hơn về kích thước và hỏa lực nhỏ hơn so với các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và  tàu tuần dương Ticonderoga mang tên lửa của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, theo giáo sư Toshi Yoshihara và James Holmes của Đại học Hải quân Mỹ, các loại tàu khu trục mới nhất làm gia tăng đáng kể sức mạnh của hải quân Trung Quốc trong “các cuộc xung đột cục bộ trên vùng biển châu Á. “

Đài Loan rất lo ngại trước việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo tàu khu trục tàng hình Type 052D và triển khai  ở vùng biển Thái Bình Dương phía Đông Đài Loan. Các nhà phân tích Đài Loan cho rằng Trung Quốc sẽ đóng ít nhất 10 tàu khu trục Type 052D để bổ sung cho đội ngũ 6 tàu khu trục Type 052C hiện hành và  tạo ra một hạm đội 16 tàu chiến tương đương với các tàu Aegis hiện đại.

Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có 6 tàu chiến được trang bị công nghệ Aegis và Hàn Quốc hiện chỉ có 3 chiếc. Điều này sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc đương đầu với  bất kỳ hải quân châu Á nào, trừ Hải quân Mỹ.

Trong báo cáo hàng năm mới nhất về sức mạnh quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc có lực lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ lớn nhất ở châu Á, với gần 80 tàu nổi, hơn 50 tàu ngầm, khoảng 50 tàu đổ bộ và 85 khinh hạm mang tên lửa tấn công.

 alt

Trung Quốc đã triển khai một hạm đội bao gồm 60 tàu cao tốc mang tên lửa lớp Houbei. (Ảnh chinesemilitaryreview.com).

Trung Quốc đã đóng và đưa vào phục vụ một số lượng tàu chiến ngày càng nhiều và cho phép nước này đạt được mục tiêu tại Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông bằng vũ lực, nếu cần thiết. Trong số các tàu chiến này, sẽ có 8 tàu đổ bộ 20.000 tấn có thể chở được 800 quân và nhiều tàu chạy bằng đệm không khí, xe thiết giáp và máy bay trực thăng vũ trang. Hiện thời, 2 tàu đổ bộ loại này đã được triển khai. 
Đến cuối tháng 8/2012, Trung Quốc đã đóng xong chiếc tàu hộ tống 1.800 tấn Type 056, trang bị tên lửa hạm đối  hạm và có thể hoạt động trong vùng nước tương đối nông. Thêm 9 nữa đang được đóng và ít nhất 16 chiếc đã được lên kế hoạch.

Kể từ năm 2004, Trung Quốc cũng đã triển khai một hạm đội bao gồm khoảng 60 tàu cao tốc mang tên lửa lớp Houbei. Với vỏ bằng nhôm, loại tàu này rất thích hợp với việc hoạt động tại các đảo san hô và rạn san hô rải rác tại những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

Theo hai giáo sư Yoshihara và Holmes, các tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và tàu mang tên lửa Houbei có thể được sử dụng để hình thành các nhóm tàu tấn công viễn chinh, dễ dàng vượt mặt các lực lượng hải quân Đông Nam Á. Đội tàu tấn công hỗn hợp này “sẽ đặc biệt thích hợp với việc đánh chiếm các hòn đảo ở Biển Đông”.

Minh Bích (theo Japan Times Online)

RELATED ARTICLES

Tin mới