Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTranh chấp Trung - Nhật: cuộc giành giật ưu thế khu vực?

Tranh chấp Trung – Nhật: cuộc giành giật ưu thế khu vực?

BienDong.Net: Mối quan hệ phức tạp của Nhật với Trung Quốc, vì gánh nặng lịch sử và các tranh chấp địa chính trị kéo dài đã trở nên “rắc rối” hơn, trong khi Nhật Bản có lẽ là quốc gia lo lắng nhất trước sự trỗi dậy sức mạnh kinh tế và quân sự Trung Quốc.

Đó là nhận định của Richard Weitz, nhà nghiên cứu cấp cao về phân tích Quân sự – Chính trị tại Học viện Hudson trong bài viết đăng trên worldpoliticsreview. Dưới đây là nội dung bài viết:

 

 alt

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ( Ảnh Internet )

Tại Trung Quốc đã diễn ra làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản với quy mô lớn. Động thái này bắt nguồn từ tuyên bố mà Tokyo đưa ra tuần trước rằng, họ quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân. Quần đảo này do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta – người đang công du châu Á, và nhiều quan chức khác của Mỹ đã bày tỏ quan ngại rằng, tranh chấp leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Hoa Đông có thể dễ dàng dẫn tới đối đầu vì sự hiểu nhầm hay sự cố nào đó.

Các cuộc đàm phán song phương về quần đảo này đã bắt đầu từ 2004 nhưng không thành công trong việc hoà giải xung đột chủ quyền của hai bên, cũng không thiết lập được một cơ chế đồng thuận để cùng khai thác tài nguyên năng lượng nằm ở các vùng kinh tế hàng hải có sự chồng lấn chủ quyền.

Chính quyền Obama khẳng định sẽ tôn trọng các cam kết an ninh của Mỹ với Nhật, nhưng cũng tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp.

Mối quan hệ phức tạp của Nhật với Trung Quốc, vì gánh nặng lịch sử và các tranh chấp địa chính trị kéo dài đã trở nên “rắc rối” hơn bởi thực tế rằng, sự thành công nhanh chóng của Trung Quốc trong tăng trưởng trùng khớp với một thập niên kinh tế trì trệ của Nhật Bản.

Nỗi lo an ninh của Nhật về Trung Quốc trong những năm gần đây bao gồm nỗ lực hiện đại hoá quân đội Trung Quốc (PLA), Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng và không ngừng mở rộng tiếp cận các tuyến vận chuyển và tài nguyên tự nhiên ở Hoa Đông.

Tháng 2/2005, lần đầu tiên, Tokyo và Washington công khai xác định “giải pháp hoà bình cho các vấn đề liên quan tới Eo biển Đài Loan” là một “mục tiêu chiến lược chung” tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nói một cách tổng quát hơn, Nhật Bản có lẽ là quốc gia lo lắng nhất trước sự trỗi dậy sức mạnh kinh tế và quân sự Trung Quốc. Các quan chức Nhật và Mỹ đã thông qua các chính sách “rào giậu” trong trường hợp sự trỗi dậy kinh tế, chính trị và quân sự Trung Quốc trở thành một mối đe doạ an ninh.  

Về phần mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có lo lắng tương tự trước các khả năng quân sự ngày một phát triển của Nhật, việc Tokyo mở rộng vai trò an ninh ở Đông Á và các nỗ lực sửa đổi những điều khoản hoà bình trong hiến pháp Nhật Bản.

Cụ thể, Bắc Kinh e ngại rằng, sự hợp tác quân sự đang mở rộng giữa Tokyo và Mỹ có thể dẫn tới việc Nhật sẽ hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh giả định xảy ra xung đột xuyên eo biển.

Về lâu dài, các chuyên gia an ninh Trung Quốc lo ngại Nhật có thể tận dụng tiềm năng công nghệ và công nghiệp bao gồm cả khả năng tiềm ẩn về vũ khí hạt nhân của mình, để trở thành một cường quốc quân sự lớn.

Quyết định của một uỷ ban nghị viện Nhật Bản khi cho phép chính phủ sử dụng các khả năng không gian mạnh mẽ của Nhật vào những mục tiêu quân sự “phi gây hấn” có thể càng đào sâu những lo lắng ấy. 

Kể từ cuối những năm 1990, các tàu Trung Quốc đã tiến hành những cuộc nghiên cứu thăm dò ở vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền, khiến cho các cuộc tranh chấp song phương thêm căng thẳng xung quanh quyền khoan thăm dò các mỏ khí tự nhiên dưới đáy biển ở Hoa Đông.

Hai nước còn có xung đột chủ quyền về việc phân định ranh giới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Các căng thẳng trở nên đặc biệt trầm trọng vào tháng 9/2010, sau khi một tàu cá Trung Quốc hoạt động ở vùng biển tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đụng độ với tàu phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG).

JCG đã bắt giữ vị thuyền trưởng tàu cá cùng các thành viên trên tàu và đưa về đất liền Nhật Bản. Sự cố lập tức leo thang thành một vấn đề quốc tế. Bắc Kinh phản ứng gay gắt, bao gồm cả lệnh cấm không chính thức xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu rất cần thiết cho nhiều sản phẩm công nghệ cao của Nhật.

Cuộc đụng độ gần đây về Senkaku/Điếu Ngư xảy ra vào thời điểm cả hai chính phủ đều phải đối mặt với thách thức mạnh mẽ có thể coi là “động lực” thúc đẩy đối đầu xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ hàng hải, quyền sở hữu các nguồn tài nguyên tự nhiên giá trị, tầm quan trọng chiến lược của khả năng trình diễn sức mạnh hàng hải và phòng thủ quốc gia. Cả hai chính phủ cũng phải đối mặt với chủ nghĩa dân tộc dâng cao làm lực cản trong tiến trình hoà giải.

Cuộc xung đột có thể dịu lại nếu các tài nguyên cạnh tranh được xác định có giá trị thấp hơn nhiều mong đợi. Cho tới nay, có rất ít bằng chứng xác thực con số ước tính của Trung Quốc về trữ lượng 160 tỉ thùng dầu trong khu vực tranh chấp.

Trữ lượng khí tự nhiên tuy ở các vùng biển tương đối nông và gần các vùng có nhu cầu cao của Trung Quốc thì vẫn nhỏ hơn nhiều trữ lượng phát hiện ở tỉnh Tân Cương cũng như Kazakhstan – dự kiến sẽ cung cấp cho Hệ thống ống dẫn Tây – Đông vận chuyển khí tự nhiên từ Trung Á tới Trung Quốc.

Từ quan điểm của Tokyo, một hệ thống ống dẫn từ Hoa Đông vào đất liền Nhật Bản vừa tốn kém vừa xây dựng rất khó khăn. Các công ty Nhật thay vào đó chú tâm hơn ở những cơ hội thương mại tại các phần khác của thế giới, bao gồm các mỏ khí rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn và ít rủi ro chính trị hơn.

Nhưng ngay cả khi quần đảo tranh chấp chứng minh giá trị thấp về mặt kinh tế, thì tư duy chiến lược trong cuộc cạnh tranh ưu thế hàng hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn ngày càng trở nên quan trọng.

Những bất mãn lịch sử trong quan hệ hai nước, cuộc cạnh tranh quyền thăm dò khai thác tài nguyên tự nhiên và sự ganh đua quân sự mới nảy sinh là vấn đề cơ bản mà Đông Á chưa bao giờ trải qua trong đó cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là những quốc gia mạnh mẽ và quyết đoán.

Trước Cải cách Minh Trị 1868 của Nhật, Trung Quốc là một cường quốc chiếm ưu thế trong khu vực. Ở thế kỷ tiếp theo, Tokyo giành được vị thế siêu cường và chỉ bị gián đoạn trong một thời gian ngắn sau Thế chiến II.

Trong kết quả của sự trì trệ kinh tế kéo dài ở Nhật và sự cải tổ kinh tế thành công của Trung Quốc, Đông Á giờ đây phải nhường chỗ cho hai cường quốc kinh tế tương đương, cả hai đều mở rộng các mối quan tâm an ninh và không ngừng gia tăng các khả năng khuếch trương sức mạnh.

Mặc dù giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực là điều không có lợi với tất cả mọi người, như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta nhấn mạnh tại Tokyo, Mỹ hay một cường quốc bên ngoài nào khác chẳng có thể làm gì nhiều để ngăn chặn căng thẳng. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao Mỹ có thể tiếp tục để góp phần duy trì đối thoại và những cơ chế khác để kiềm chế căng thẳng leo thang.

Thái An (chuyển ngữ)

RELATED ARTICLES

Tin mới