Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ và yêu sách về Biển Hoa Đông

TQ và yêu sách về Biển Hoa Đông

BienDong.Net: Ngày 14.12.2012 Trung Quốc đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa LHQ yêu sách thềm lục địa của họ trên Biển Hoa Đông. Về vấn đề này, xin giới thiệu góc nhìn của ông Dương Danh Huy, nhà nghiên cứu về Biển Đông hiện đang sống tại Oxford, (Anh) trong bài viết đăng trên BBC như một tài liệu tham khảo.

Cũng gần như Biển Đông, Hoa Đông là một vùng biển có nhiều tranh chấp. Về phía Nam là tranh chấp giữa Nhật, Trung Quốc và Đài Loan về quần đảo với tên tiếng Trung là Điếu Ngư và tên tiếng Nhật là Senkaku.

Về phía Bắc, ranh giới giữa Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc chưa được phân định. Ở giữa Nam và Bắc là tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Nhật và Trung Quốc.

Trong khu vực giữa Nam và Bắc này, chuỗi đảo Lưu Cầu của Nhật nằm cách đất liền và các đảo ven bờ Trung Quốc từ khoảng 320 đến khoảng 400 hải lý.

Cơ sở pháp lý

Nhật cho rằng ranh giới giữa hai nước phải là đường trung tuyến, cách đều hai nước từ khoảng 160 đến khoảng 200 hải lý.

Ngược lại, Trung Quốc dùng lập luận đáy biển trong khu vực này là sự kéo dài tự nhiên của đất liền Trung Quốc để cho rằng thềm lục địa của họ ra xa hơn đường tuyến. Nhưng trước đây Trung Quốc chưa tuyên bố ranh giới cụ thể cho yêu sách của họ.

 alt

Trung Quốc đòi thềm lục địa (đường vàng) tới sát Lưu Cầu của Nhật (Nguồn: CLCS)

 

Với đệ trình ngày 14/12/2012, Trung Quốc đã vận dụng một số điều khoản của UNCLOS về thềm lục địa mở rộng để biện minh cho việc đòi thềm lục địa ra tới đường nối một số điểm sâu nhất của Rãnh Okinawa.

Với đường nối đường nối các điểm sâu nhất đó, Trung Quốc đòi thềm lục địa ra đến từ khoảng 290 đến khoảng 340 hải lý, tức là khoảng 85% vùng đáy biển giữa Trung Quốc và Lưu Cầu, hoàn toàn bỏ qua các quyền lợi của Nhật.

Tuy nhiên, lập luận của Trung Quốc là không phù hợp với luật quốc tế.

Theo án lệ của các phiên tòa quốc tế thì khi vùng biển giữa hai quốc gia không rộng hơn 400 hải lý thì việc phân định không dựa vào sự kéo dài tự nhiên của đất liền hay địa lý đáy biển, mà chỉ dựa vào đất liền và đảo, các đảo nhỏ có thể bị bỏ qua hoặc chỉ được tính một phần hiệu lực.

Vì chuỗi đảo Lưu Cầu có nhiều đảo lớn, khó có thể bỏ qua hoặc chỉ được tính một phần hiệu lực, lập luận của Nhật có vẻ phù hợp với luật quốc tế hơn. Về sức mạnh thì Trung Quốc cũng khó lấn lướt được Nhật.

Thực tế áp dụng

Trên thực tế, khi Trung Quốc và Nhật thỏa thuận khai thác chung trong vùng tranh chấp này thì đối tượng khai thác chung, tức là mỏ khí đốt Chunxiao/Shirakaba, nằm vắt ngang đường trung tuyến.

Như vậy thỏa thuận khai thác chung đó đã dựa theo quan điểm của Nhật về ranh giới, trong khi quan điểm của Trung Quốc đòi thềm lục địa tới Rãnh Okinawa đã không có vai trò gì.

Nếu Nhật, và có thể cả Hàn Quốc, phản đối, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa có thể khước từ không xét đệ trình của Trung Quốc. Trong trường hợp Ủy ban có xét đi nữa, Ủy ban cũng không có thẩm quyền để phân định vùng nào là của Trung Quốc, vùng nào là của Nhật.

 alt

Bản đệ trình vẽ Senkaku / Điếu Ngư là của Trung Quốc (Nguồn: CLCS)

 

Về phía Nam, Trung Quốc cũng vẽ các đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như các điểm cơ sở của họ, và các đường cơ sở thẳng họ tuyên bố cho quần đảo này năm nay.

Như vậy, Trung Quốc cũng dùng đệ trình lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa như một cơ hội để khẳng định chủ quyền trên quần đảo này, mặc dù Ủy ban không có thẩm quyền để phán xét gì về vấn đề đó.

Tóm lại, đệ trình của Trung Quốc chỉ có giá trị chính thức hóa yêu sách của họ về thềm lục địa và là một cơ hội để tuyên bố về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, chứ không có giá trị pháp lý để hợp pháp hóa các yêu sách đó.

Việc Trung Quốc chính thức hóa yêu sách của họ về thềm lục địa cũng có giá trị nào đó trong tranh cãi pháp lý, mặc dù lập luận của họ vẫn là không hợp lý, nhưng có lẽ đệ trình này chủ yếu là một động thái chính trị trong bối cảnh căng thẳng Trung-Nhật nhằm gây sức ép lên Nhật, cũng như nhằm thỏa mãn tinh thần dân tộc trong nước.

Nhưng đệ trình này cũng cho thấy sự bất cập trong cách Trung Quốc vận dụng luật quốc tế.

Tại Biển Hoa Đông thì Trung Quốc vận dụng UNCLOS một cách một chiều, bỏ qua các án lệ của các phiên tòa quốc tế, để đòi 85% diện tích thềm lục địa giữa Trung Quốc và chuỗi đảo Lưu Cầu của Nhật.

Tại Biển Đông thì Trung Quốc cũng bỏ qua các án lệ của các phiên tòa quốc tế, còn UNCLOS thì có khi họ bỏ qua, có khi họ vận dụng Công ước đó một cách một chiều.

Dương Danh Huy (Nhà Nghiên cứu về Biển Đông)

RELATED ARTICLES

Tin mới