Wednesday, April 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÝ ĐỒ THỰC SỰ CỦA TRUNG QUỐC TRONG VIỆC PHÁ HOẠI...

Ý ĐỒ THỰC SỰ CỦA TRUNG QUỐC TRONG VIỆC PHÁ HOẠI CÁP CỦA TÀU BÌNH MINH 02

BienDong.Net: Theo cáo tuyên bố của những cơ quan chức năng ở Hà Nội, ngày 30/11/2012, hai tàu cá Trung Quốc đã phá hoại cáp của tàu Bình Minh 02 khi đang tiến hành khảo sát bình thường trên thềm lục địa Việt Nam. Đây là lần thứ 2 tàu Bình Minh 02 bị phía Trung Quốc phá hoạt cáp thu nổ địa chấn (lần thứ nhất tàu Bình Minh bị tàu của Trung Quốc cắt cáp là cuối tháng 5/2011).

Một điểm chung của 2 vụ việc này là vụ việc xảy ra ngay trên thềm lục địa Việt Nam chỉ khác nhau về các vị trí cụ thể: năm 2011, vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 xảy ra ở khu vực cách bờ biển miền Trung Việt Nam trên 100 hải lý, còn lần này vụ việc xảy ra ở vị trí lùi lên phía Bắc, cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam khoảng 43 hải lý thuộc khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

Đây là khu vực mà Hà Nội và Bắc Kinh đang tiến hành đàm phán để phân định và bàn về hợp tác cùng phát triển.

Khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ có đặc điểm là khoảng cách giữa bờ biển Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc đều dưới 400 hải lý, có những chỗ khoảng cách dưới 200 hải lý. Theo thông lệ quốc tế và các án lệ quốc tế (do Tòa án phán quyết) thì đối với những khu vực mà bờ biển giữa 2 quốc gia không đến 400 hải lý sẽ áp dụng phương pháp đường trung tuyến (hay còn gọi là đường cách đều) trong vấn đề phân định. Như vậy, căn cứ vào luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì phân định biển tại khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ sẽ là đường cách đều giữa đường cơ sở của bờ biển miền Trung Việt Nam và đường cơ sở của đảo Hải Nam Trung Quốc. Theo nguyên tắc đất thống trị biển thì đường phân định thì đường phân định phải dịch về phía Đông (phía đảo Hải Nam) vì hiệu lực về thềm lục địa của bờ biển đất liền Việt Nam có tính pháp lý cao hơn hiệu lực của đảo Hải Nam Trung Quốc.

alt

Trong các ngày 04 và 06 tháng 12/2012, khi được phóng viên hỏi về vụ việc Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói vùng biển tàu Trung Quốc phá hoại cáp của tàu Bình Minh 02 “nằm trong vùng chồng lấn giữa đảo Hải Nam, Trung Quốc và đất liền Việt Nam ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”, đồng thời vu cáo “tàu của Hải quân Việt Nam xua đuổi một cách vô lý” các tàu cá Trung Quốc đang “đánh bắt bình thường tại khu vực này”. Ông Hồng Lỗi còn ngang nghiên yêu cầu “phía Việt Nam không áp dụng các hành động dầu khí đơn phương, chấm dứt quấy nhiễu các hoạt động tác nghiệp bình thường của tàu cá Trung Quốc tại vùng biển liên quan”.

Phát biểu của ông Hồng Lỗi hoàn toàn không phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và mâu thuẫn với ngay các hoạt động của Trung Quốc đang tiến hành ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (thời gian qua Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động khảo sát ở phía Đông đường trung tuyến khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thậm chí còn cho lắp đặt giàn khoan Ledong 22-1 ở khu vực này để khai thác khí đốt. Qua cách làm và phát biểu trên đây của Trung Quốc có thể thấy rõ ý đồ của Trung Quốc là đang muốn biến cả khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ thành khu vực tranh chấp.

Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, việc Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá vượt qua đường trung tuyến vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, thậm chí chỉ cách bờ biển Việt Nam 30 hải lý là việc làm có tính toán kỹ lưỡng, rất bài bản. Mục tiêu của Trung Quốc là dùng lực lượng dân sự tàu cá để cản phá các hoạt động dầu khí của Việt Nam, nếu lực lượng chức năng của Việt Nam gây ra sự cố thì Trung Quốc sẽ “lu loa” rồi lấy cớ để triển khai các hoạt động gây hấn. Đây là cách làm vi phạm luật pháp quốc tế và trái với những thông lệ và thực tiễn quốc tế.

Theo thực tiễn quốc tế, đối với các vùng biển khi chưa đạt được một giải pháp phân định cuối cùng thì không bên nào được tiến hành các hoạt động quản lý hoặc khai thác nguồn tài nguyên biển, kể cả hoạt động nghề cá lẫn hoạt động dầu khí vượt quá đường trung tuyến giữa hai bên. Theo đó, các hoạt động dầu khí của Việt Nam hoàn toàn nằm ở phía Tây đường trung tuyến về phía Việt Nam ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; còn việc Trung Quốc cho hàng trăm tàu cá vượt qua đường trung tuyến để hoạt động là hoàn toàn bất hợp pháp và trái với thực tiễn quốc tế. Các tàu cá của Trung Quốc lại còn quấy nhiễu, gây đứt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam lại càng là hành động phi pháp.

Theo thông báo của Hà Nội, hiện Việt Nam và Trung Quốc mới bắt đầu đàm phán về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Từ đầu năm 2012 đến nay, với 2 vòng đàm phán, hai bên mới tiến hành thảo luận về các nguyên tắc lớn mà chưa đưa ra những phương án phân định cụ thể, do vậy chưa thể tạo ra được vùng chồng lấn ở khu vực này. Không hiểu căn cứ vào đâu mà ông Hồng Lỗi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tự vạch ra “vùng chồng lấn” ở khu vực này. Phải chăng, Trung Quốc đang dùng các hành động trên thực địa và phát biểu “xằng bậy” để áp đặt Việt Nam phải chấp nhận cả khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ là chồng lấn rồi đòi chia chác?

Nếu đối chiếu các tọa độ, nơi xảy ra vụ tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp của tàu Bình Minh 02 thì khu vực này nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Sở dĩ ông Hồng Lỗi không dám đề cập đến “đường lưỡi bò” vì yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và bị cả thế giới lên án. Tuy nhiên, hành động và lời nói của Trung Quốc đang nhằm vào mục tiêu hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý.

Rõ ràng là với cách làm này, Trung Quốc đang gây áp lực và ép buộc trong giải quyết vấn đề phân định biển song phương với Việt Nam. Dư luận quốc tế đều nhận thấy rõ âm mưu này của Trung Quốc nên luôn kêu gọi Trung Quốc và các nước có tranh chấp giải quyết đa phương các tranh chấp ở Biển Đông. Hà Nội cần làm gì để vượt qua sự chèn ép của người láng giềng lớn phương Bắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước? Dễ dàng nhận thấy, để vượt qua những thách thức to lớn của Bắc Kinh, Hà Nội cần làm tốt 3 điều sau đây:

Một là, cần kiên quyết trên bàn đàm phán, bám sát vào luật pháp và thực tiễn quốc tế để đối chọi với những kẻ tham vọng phương Bắc. Điều đáng mừng là trong Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc đã có điều khoản “căn cứ vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để tìm giải pháp cơ bản lâu dài cho các vấn đề trên biển”. Đây là cơ sở thuận lợi để Hà Nội tiếp tục đấu tranh với Bắc Kinh trên bàn đàm phán.

Hai là, các lực lượng chức năng của Việt Nam cần có hành động quyết liệt hơn trên thực địa để bảo vệ cho các hoạt động dầu khí; cần tăng cường lực lượng để ngăn chặn hoạt động trái phép của tàu cá Trung Quốc; nếu tàu cá Trung Quốc vi phạm thì cần có những hành động quyết liệt, kể cả bắt giữ, xử phạt.

Ba là, Hà Nội cần kịp thời công khai hóa các hành động vi phạm của tàu cá, tàu chấp pháp của Trung Quốc trong các vùng biển của Việt Nam, vạch rõ bộ mặt thật của Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế. Đáng tiếc là vụ việc ngày 30/11/2012 vừa qua, Hà Nội đã lên tiếng quá muộn (5 ngày sau khi vụ việc xảy ra Hà Nội mới có phát biểu chính thức của người phát ngôn về sự vi phạm của Trung Quốc). Đáng lẽ ngay từ đầu, Hà Nội cần lên tiếng mạnh mẽ khi hàng trăm tàu cá Trung Quốc vi phạm vào vùng biển của Việt Nam. Việc không công khai những hoạt động vi phạm của tàu cá Trung Quốc trước dư luận đã làm cho những kẻ tham lam ở Bắc Kinh được đà lấn tới phá hoại cáp của tàu khảo sát Việt Nam.

Dù sinh sống ở đâu trên thế giới này, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng vô cùng phẫn nộ trước những việc làm bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế của Bắc Kinh trong thời gian gần đây, với những âm mưu và thủ đoạn của “quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh” thiết nghĩ, chính quyền Hà Nội nên kiên quyết, công khai trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới biển đảo của đất nước, tập hợp mọi lực lượng chống lại mưu toan của kẻ bá quyền phương Bắc.

                                                                                         Lê Nguyễn   

RELATED ARTICLES

Tin mới