Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngĐi Trường Sa: Lẩn thẩn nhớ... cẩu ở Trường Sa

Đi Trường Sa: Lẩn thẩn nhớ… cẩu ở Trường Sa

BienDong.Net: …Rồi một ngày nào đó, sẽ có người và cơ quan có trách nhiệm làm lịch sử về Trường Sa.

Trước lúc bắt tay vào công việc hệ trọng ấy, xin có một đề nghị nghiêm chỉnh.

Lời thỉnh cầu ấy thế này. Đề nghị trân trọng biên cái tên người lính thủy đầu tiên đã mang và con tàu nào đã chở cặp vợ chồng cẩu đầu tiên ra một đảo nổi hay đảo chìm nào đó của Trường Sa!

alt

Nói đến Trường Sa mà nhãng đi bỏ qua cái giống cẩu, coi như đã quên phứt một phần hồn cốt của quần đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vậy!

Tất nhiên cụ tổ cẩu Trường Sa, nói ở đây không phải là cặp ấy và có nhiều chuyến, nhiều lượt mang chó ra đảo nhưng bây giờ dân ta ra Trường Sa được trực tiếp chiêm ngưỡng đàn cẩu đông đúc xôm tụ trên các đảo nổi lẫn chìm của Trường Sa, người ta chẳng thể nào mà không thốt lên những thán từ khâm phục coi đó là thứ kỳ công lẫn kỳ quan!

Không hề lạm phát lẫn hào phóng từ ngữ ấy khi bạn đặt chân lên đảo Đá Lát, đảo Đá Tây hay Trường Sa Đông, Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang… hay bất kỳ đảo nào khác thì chó, trời ơi chó, những trắng, đen, vàng, nâu, tai cụp, tai vểnh, đuôi cụt, đuôi dài, to nhỏ vừa vừa… tất thảy đều mừng rỡ quấn quýt chào đón bạn. Bữa ở Trường Sa Đông, mải lùi để chụp ảnh, tôi vô ý dẫm phải một ổ chó con đang bú mẹ dưới tán cây phong ba. Nếu ở đất liền thì dứt khoát lãnh đủ vài nhát phản ứng của cái tình mẫu- tử- cẩu ấy. Nhưng ở đây tôi chỉ bắt gặp cái nhìn bao dung lẫn ngạc nhiên của chó mẹ, vì cớ gì mà cái giống người kia lại hoảng hốt làm vậy?

alt

Nói hết thảy mừng rỡ không hẳn… Hy hữu chăng là hôm tôi đến đảo Đá Tây, chừng hơn ba chục con to nhỏ vui vẻ quấn quýt với khách nhưng riêng mấy chú cẩu lực lưỡng nọ cứ gừ gừ khi chiếu cái nhìn không mấy thiện cảm vào… tốp văn công nữ khác với những ánh nhìn tròn dẹt của lính đảo! Lính ta lấy làm ngạc nhiên lắm, bình thường chúng ngoan có sủa cắn ai bao giờ? Mãi về sau mới bừng ra cái lẽ, đám chó lực lưỡng ấy vì sinh sau nên chưa hề biết trên đời này lại có chủng người ( văn công- phụ nữ) được coi là đồng chủng với những anh lính thuỷ của đảo mà chúng từng quấn quýt. Hơn năm nay lính đảo mới thấy mặt văn công huống hồ mấy chú cẩu kia mới hơn 10 tháng tuổi. Lạ là phải. Lính đảo đã lạ mà những chú cẩu mới tý tuổi này lại càng lạ!

Tiêu chuẩn chỉ cơm thừa canh cặn và cá bể đun qua nhưng các chú cẩu trên đảo bị lính ta sai cho khối việc. Nhưng chúng tự nguyện tập cho đến mệt lử động tác ào ra biển khi có vật lạ ném xuống. Tập canh gác và tuần tra đêm… Phiên tuần tra đêm nào của lính ta cũng có vài chú cẩu lẽo đẽo theo. Có đảo, lính ta giải trí bằng cách tập cho chúng bơi thi.

Vì là bí mật quân sự nên tôi chỉ nói có đảo số lượng cẩu gấp bốn đến 6 lần lính ta.

Ở đảo Tiên Nữ tôi nhác thấy những chú cẩu mù mắt cụt đuôi hay chỉ có 3 chân. Chả phải tật bệnh gì đâu mà thoái hoá giống đấy. Nhị đại, tam đại và cả tứ nữa đồng… chuồng. Phiền toái là thế. Lính ta thi thoảng nếu có dịp thuận tiện lại phải nhờ tàu đem gả chồng gả vợ cho chúng từ đảo này sang đảo khác để tránh thoái hoá giống nòi.

alt

Anh bạn đồng nghiệp cùng đi, lần trước anh ra Trường Sa đi lẻ chứ không theo đoàn kể lại một chuyện thế này. Tại đảo nọ, anh em quyết định thịt một chú cẩu đãi khách. Chuyện chỉ nói qua nhưng hình như cái giống tinh khôn này biết? Bởi khi anh lính đặt tay lên con nào ( chúng không hề phản ứng cắn hay sủa nào khác ) trong số đối tượng mang án tử hình ấy thì con nào cũng, ngạc nhiên chưa, nước mắt cứ ròng ròng! Anh hoảng quá và thể theo đề nghị của khách, án tử hình đã được bãi bỏ. Bù lại chiều ấy anh được một bữa ốc biển tuý luý. Anh bạn tôi hình như vốn quý giống cẩu ( riêng ở đảo) này hay sao mà tỷ mẩn những ghi chép lẫn thống kê những thứ nghe khá lẩn thẩn lẫn lạ tai. Tỷ như anh dự định sẽ hỏi nhà khoa học nào đó rằng tại sao giống cẩu ở đảo sinh tới mười mười một, cá biệt còn hơn nhưng vẫn nuôi được, vẫn bụ bẫm chứ không tỉa ( giết ) bớt như ở trong đất liền thường chỉ để tối đa là 5, 6 con? Hoặc bản năng của loài vật này là hay cắn sủa dữ dằn tại sao chó ở đảo lại rất lành ai cũng có thể vuốt ve được? vv… và vv…

Tất nhiên, tôi chả tiện kể ra đây khoản mộc tồn từng cung cấp cho lính ta khoản proteine thượng thặng để thêm sức canh giữ những hòn đảo chủ quyền.

Dưỡng lính đảo chi công, kế tổ tông chi nghiệp. Cái nghiệp mà trong đất liền thì giữ nhà, ra đây thì giữ đảo, giữ cho lính ta cái tình cảm cân bằng gần gũi. Duy trì đuợc tiếng chó sủa, tiếng gà gáy ở những hòn đảo xa xôi cũng là một cách gìn giữ hoà bình? Cái công ấy lớn lắm thay!

Xuân Ba

RELATED ARTICLES

Tin mới