BienDong.Net: Tân Hoa Xã hôm 28.1 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ hy vọng tình hình quanh bãi Hoàng Nham ở Trường Sa “sẽ ổn định và không có thêm xung đột” trong khi vẫn khẳng định Hoàng Nham là “ một phần lãnh thổ không thể chối cãi” của Trung Quốc.
Đây là phản ứng mới nhất từ Bắc Kinh kể từ sau khi Trung Quốc bác bỏ việc Philippines đưa tranh chấp biển đảo ra trọng tài quốc tế.Hoàng Nham là tên của Trung Quốc gọi bãi san hô Scarborough ở Biển Đông, nơi chứng kiến cuộc đụng độ căng thẳng giữa hai bên trong năm qua.
Hôm 22.1.2013, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công bố ở Manila rằng nước ông quyết định đưa cuộc tranh chấp liên quan đến Bãi Scarborough và Đường lưỡi bò của Trung Quốc ra trọng tài quốc tế.
Theo giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh khu vực từ Canberra, Australia thì ý nghĩa to lớn đầu tiên của quyết định khiếu kiện nói trên là phản kháng lại chủ trương tuyệt đối không quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng với việc kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, Philippines đang theo đuổi chiến lược ba mũi nhọn là ngoại giao, chính trị và pháp lý nhằm đối phó với những yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Philippines đưa ra bốn cáo buộc: Một là, “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là phi pháp xét theo luật pháp quốc tế. Hai là, Trung Quốc đã chiếm giữ và xây dựng cơ sở trên các bãi đá ngầm, bãi cạn, bãi cạn lúc chìm lúc nổi… trên Biển Đông và gọi chúng một cách bất hợp pháp là “đảo”. Ba là, Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền của Philippines trong vùng lãnh hải nước này. Bốn là, Philippines tìm kiếm một phán quyết trong luật pháp quốc tế về vấn đề mà Trung Quốc chưa đưa vào danh sách “không chấp nhận” của Bắc Kinh.
Ông Thayer nói: “Ðây là một vụ kiện không những mang tính pháp lý mà còn mang tính thuyết phục tinh thần rất mạnh. Nếu tòa phán quyết thậm chí chỉ thiên một phần về Philippines thôi, thì cũng làm xẹp bớt những khẳng định của Trung Quốc, và đem lại thêm tính hợp pháp và sự che chở quốc tế cho Philippines.”
Theo ông Thayer, quyết định của Philippines được cho là buộc Trung Quốc phải lên tiếng, và theo luật quốc tế, Trung Quốc không được dùng vũ lực chừng nào tranh chấp bằng con đường khiến kiện chưa được giải quyết xong.
Các chuyên gia theo dõi vấn đề Biển Đông cũng cho rằng hành động chính trị – pháp lý của Philippines sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình “quốc tế hóa” tranh chấp biển Đông. Nó cũng có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền tại các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông và các quốc gia này có thể sẽ làm theo Manila để đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế.
Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS năm 1994 nhưng không tham gia tiến trình xét xử liên quan đến các hoạt động quân sự và tranh chấp tại các vùng nước lịch sử. Chính quan điểm này của Trung Quốc, và cả việc nước này bác bỏ vai trò của Tòa án Công lý Quốc tế trong việc giải quyết những tranh chấp về chủ quyền, đã khiến các tranh chấp chủ quyền trong khu vực luôn lâm vào tình trạng bế tắc. Nó cũng tạo kẽ hở cho Bắc Kinh đẩy mạnh tham vọng chiếm giữ Biển Đông thông qua chiến thuật “lấy mạnh hiếp yếu” và “chia để trị”.
Ông Thayer nói rằng phán quyết của tòa trọng tài, tuy trên nguyên tắc mang tính “ràng buộc”, nhưng vẫn có thể dễ dàng bị Trung Quốc làm lơ, bởi vì không có cơ chế nào kèm theo để thi hành bất kỳ phán quyết nào có thể được đưa ra.
Về phần mình, ông Sam Bateman, một chuyên gia nổi tiếng về an ninh hàng hải, thừa nhận rằng Trung Quốc có thể từ chối tham dự phiên tòa, và đó có thể chính là điều mà chính phủ Philippines nhắm tới. Ông nói: “Nếu Trung Quốc quyết định không tham gia phiên toà, đương nhiên sự kiện này sẽ dẫn tới một vòng lên án khác của quốc tế…”
Thăng Long ( theo BBC và SGTT )