BienDong.Net: Sau 100 ngày Đại hội 18 bầu ra Ban Lãnh đạo mới của Bắc Kinh với người đứng đầu Tập Cận Bình, dư luận thế giới càng thấy rõ hơn chính sách cứng rắn của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.
Trong hơn 3 tháng qua sau khi Bắc Kinh có Ban Lãnh đạo mới, chính sách cứng rắn hơn trong các vấn đề trên biển của giới cầm quyền mới của Trung Quốc ngày càng lộ rõ hơn, thể hiện rõ trong phát biểu của người đứng đầu Trung Quốc và những hành động trên thực địa của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngày 28/01/2013, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức tháng 11/2013, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh “không một quốc gia nào có thể nuôi hy vọng Trung Quốc sẽ thương lượng các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình, cũng không nên nuôi hy vọng rằng Trung Quốc có thể chấp nhận quả đắng trong việc làm tổn hại lợi ích chủ quyền, an ninh và phát triển của Trung Quốc”.
Từ năm 2010, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, như vậy phát biểu của Tập Cận Bình thể hiện rõ chính sách cứng rắn của những người cầm quyền mới ở Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông. Không chỉ trong lời nói, những hành động trên thực địa ở Biển Đông và biển Hoa Đông từ đầu năm đến nay đã thể hiện rõ một chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh.
Trung Quốc liên tục tiến hành hàng chục cuộc tập trận, diễn tập quân sự ở Biển Đông, thậm chí với sự tham gia của cả 3 hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đáng chú ý là việc tổ chức huấn luyện cất, hạ cánh máy bay trực thăng của các tàu chiến Trung Quốc, diễn tập chống ngầm và tiếp vận trên không và trên biển, thực thi giám sát máy bay, tàu chiến nước ngoài ở Biển Đông, diễn tập vượt biển đổ bộ lên đảo…. Đặc biệt, ngày 30/01/2013 Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận với quy mô lớn trên vùng biển rộng lớn từ Hoàng Hải, qua biển Hoa Đông và Biển Đông đến tận Tây Thái Bình Dương. Đồng thời, các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc đẩy mạnh tuần tiễu để thực hiện cái gọi là “tuần tra, kiểm soát” theo “đường lưỡi bò”. Trong tháng 02/2013, Trung Quốc đưa biên đội 02 tàu Hải giám (72, 84) tuần tra từ khu vực quần đảo Hoàng Sa đến khu vực quần đảo Trường Sa. Trung Quốc tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên quan đến cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Mặt khác, Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền nội bộ, kích động chủ nghĩa dân tộc thực dụng; thực hiện nhiều biện pháp phân hoá chia rẽ nội bộ ASEAN trên vấn đề Biển Đông.
Qua những diễn biến trong hơn 3 tháng qua, cả trên các vấn đề nội bộ cũng như trong đối ngoại đã thấy rõ ảnh hưởng của Tập Cận Bình. Chỉ trong vòng hơn 100 ngày, Tập Cận Bình đã đạt được nhiều điều hơn những người tiền nhiệm. Tập đã không những nắm được lực lượng quân đội mà còn kiểm soát cả bộ máy công an và tư pháp. Điều này làm cho Tập Cận Bình tự tin hơn trong việc thực thi chính sách cứng rắn với các nước láng giềng.
Trong vấn đề biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục duy trì tình trạng căng thẳng với việc điều các tàu chiến, tàu chấp pháp đến hoạt động ở khu vực quần đảo Senkaku, thậm chí tàu chiến Trung Quốc còn chiếu ra đa do thám vào các tầu tuần dương Nhật Bản, dẫn đến tình trạng đối đầu hết sức nguy hiểm. Những hành động này của Trung Quốc đã cho thấy một chính sách ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh để từng bước khống chế biển Hoa Đông.
Những diễn biến ở Biển Đông và biển Hoa Đông trong hơn 3 tháng qua cho thấy, với việc nhanh chóng thâu tóm và kiểm soát quyền lực, Tập Cận Bình và Ban Lãnh đạo ở Bắc Kinh đã rất tự tin trong việc chủ động tăng cường mở rộng ảnh hưởng quốc tế, đẩy mạnh xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc biển” mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra; đồng thời tỏ ra hiếu chiến, ngạo mạn hơn trong việc bảo vệ “lợi ích cốt lõi”.
Chính sách cứng rắn của Tập Cận Bình và những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các nước láng giềng. Sự đe doạ, cưỡng ép của Bắc Kinh đã buộc Philippines phải đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra Toà Trọng tài phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 để giải quyết. Việc Philippines khởi kiện đã đặt Bắc Kinh vào thế bị động lúng túng và cuối cùng những giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã quyết định cự tuyệt với Tuyên bố khởi kiện của Philippines. Hành động này của Bắc Kinh vừa thể hiện rõ sự ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế của Bắc Kinh vừa cho thấy những yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Cho dù Trung Quốc không tham gia, Toà Trọng tài vẫn sẽ được thành lập để xem xét đơn khởi kiện của Philippines. Quá trình diễn biến vụ kiện trong 3-4 năm tới là một thách thức lớn đối với nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của Tập Cận Bình. Cách ứng xử của Trung Quốc với tiến trình vụ kiện, nhất là với phán quyết của Toà Trọng tài sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh nước lớn của Trung Quốc cũng như Ban Lãnh đạo ở Bắc Kinh và cá nhân Tập Cận Bình.
Chính sách cứng rắn của Bắc Kinh trên vấn đề biển đảo đã buộc Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Shinzo Abe lên tiếng cảnh báo rằng Tokyo đang mất dần sự kiên nhẫn trước thái độ quyết đoán, ngạo mạn về biển của Trung Quốc ở các vùng biển Đông Hải và Biển Đông. Ông Shinzo Abe nhấn mạnh hành động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku và sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã buộc Lực lượng Phòng vệ và bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải tăng ngân sách. Ông Abe còn cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ mất đi sự đầu tư của Nhật Bản và các nước khác nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng “sự cưỡng ép hoặc hăm doạ” đối với các nước láng giềng ở biển Hoa Đông và Biển Đông.
Đáp lại chính sách cứng rắn của tập đoàn cầm quyền Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, Washington cũng thể hiện một thái độ cương quyết. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama khẳng định trong nhiệm kỳ 2 sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng tại Châu Á – Thái Bình Dương”, trong đó vấn đề Biển Đông tiếp tục là một ưu tiên. Hoa Kỳ đang tìm cách tiếp cận mới sau khi tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng trong thời gian qua. Trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài, Hoa Kỳ tỏ thái độ ủng hộ ngày càng rõ rệt. Cuối tháng 01/2013, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ khi đến thăm Philippines đã phát biểu ủng hộ cách thức Philippines giải quyết tranh chấp với Trung Quốc tại cơ quan tài phán quốc tế, cho rằng đây là cách thức mà Mỹ luôn nhất quán ủng hộ. Ngày 15/02/2013, trong điện đàm với Ngoại trưởng Philippines, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tỏ ý “ủng hộ nỗ lực của Philippines trong giải quyết các tranh chấp bằng pháp lý”. Ngay sau khi Trung Quốc không cử Trọng tài viên, ngày 22/02/2013 Người phát Ngôn của Hoa Kỳ đã phát biểu ủng hộ giải quyết hoà bình tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm cả việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế.
Liên quan đến những hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Hoa Đông, Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định quần đảo Senkaku thuộc phạm vi hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đặc biệt, khi còn đương chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã cảnh báo trong trường hợp Trung Quốc tấn công quân sự quần đảo Senkaku, Hoa Kỳ có trách nhiệm hỗ trợ Nhật Bản bảo vệ theo Hiệp ước an ninh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Trong 100 ngày cầm quyền, Tập Cận Bình và những người Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã khá thành công trong việc nắm và củng cố quyền lực, thể hiện rõ bản lĩnh và sự quyết đoán trong việc triển khai chiến lược đưa Trung Quốc thành “cường quốc biển” với những hành động cứng rắn, táo tợn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận. Nhưng đó mới chỉ là “khúc dạo nhạc” ban đầu của những người cầm lái ở Bắc Kinh, trong gần 5 năm còn lại của nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tập Cận Bình và giới cầm quyền Bắc Kinh sẽ còn làm gì ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang là câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà nghiên cứu và bình luận quốc tế. Nhưng một điều đã quá rõ ràng là việc thực thi chính sách cứng rắn về các vấn đề trên biển của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với chính sách được gọi là “phát triển hoà bình” và “phát triển quan hệ hữu hảo tốt với các nước láng giềng” của Trung Quốc. Hơn thế nữa, chính sách cứng rắn về trên biển của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp phải phản đối quyết liệt của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế. Vụ kiện của Philippines và những căng thẳng chưa có dấu hiệu kết thúc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku đang làm đau đầu giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Trong thời gian tới khi Toà Trọng tài được thành lập thì những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được các luật sư hàng đầu phán xét; Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe ở Nhật Bản cũng sẽ không nhượng bộ và ngày càng cương quyết hơn; Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình cũng sẽ rảnh tay hơn trong việc thực hiện chiến lược “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương” để ngăn chặn “nguy cơ” Trung Quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông. Tập Cận Bình và giới Lãnh đạo Bắc Kinh sẽ làm gì đây để xây dựng “cường quốc biển” và bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của họ, chúng ta cùng chờ xem./.