(Vietnam+) – Tại sao Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lại ngày càng hung hăng, tự tin và quyết liệt hơn trong cách đối xử với Mỹ và các đồng minh của Washington?
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong) ngày 11/3, câu trả lời có thể nằm ở một chiến thuật cổ xưa của Trung Quốc được gọi là “liên hoàn kế”, một phần của “36 kế” xuất phát từ Kinh dịch.Cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã kết hợp chiến thuật cổ xưa này vào tư tưởng chiến lược của mình, và chiến thuật này gần đây đã được giới truyền thông Trung Quốc thảo luận, cho rằng đây chính là chiến thuật mà Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, khiến cho người Nhật Bản rơi vào tình cảnh khó khăn. Việc sử dụng chiến thuật này cho thấy Bắc Kinh đã đưa mối quan hệ Mỹ – Trung vào một con đường thù địch, biến Mỹ thành đối thủ cạnh tranh, khi Trung Quốc tìm cách làm suy yếu ảnh hưởng của Washington ở châu Á.
Tàu tuần duyên Nhật Bản đối diện tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ( Ảnh Internet )
Chiến thuật “liên hoàn kế” này đầu tiên gây ra cho đối thủ của Trung Quốc những phán đoán lộn xộn; thứ hai là kích động và tạo ra những xung đột nội bộ đối với đối thủ của Trung Quốc; và thứ ba là khoét sâu những mâu thuẫn và xung đột nội bộ của đối thủ trước khi tiến hành tấn công. Chiến thuật này không có nghĩa là PLA cần phải sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại Mỹ. Đúng hơn là Bắc Kinh đang nhanh chóng sử dụng tất cả các lợi thế đối với Mỹ để tìm kiếm sự cân bằng chiến lược giữa hai nước.
Để thực hiện hiệu quả chiến thuật này, Trung Quốc phải hoàn thành những điều kiện tiên quyết – đạt được sự ổn định trong nước cùng với sự ổn định về kinh tế, chính trị và quân sự, trước khi nước này có thể cạnh tranh với các cường quốc khác.
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện các cuộc cải cách, Trung Quốc đã tiến những bước dài trên con đường xây dựng sức mạnh quốc gia bằng cách đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự. Vì thế, bước đầu tiên trong chiến thuật “liên hoàn kế” giờ đây có thể được thực hiện. Washington đã luôn luôn bị ngạc nhiên bởi sự phát triển nhanh chóng của PLA.
Bước thứ hai là tìm cách gây ra những xung đột chính trị trong nội bộ đối thủ. Điều này được thể hiện trong những chia rẽ giữa các cộng đồng kinh doanh và an ninh của Mỹ. Bất chấp ảnh hưởng từ những rào cản và mối quan ngại về an ninh, các công ty Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các thương vụ đầu tư của họ ở Trung Quốc và chuyển địa bàn kinh doanh đến Trung Quốc để thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Các công ty Mỹ kiếm tiền ở Trung Quốc thúc đẩy Mỹ dễ dàng tiến vào Trung Quốc để bảo vệ những lợi ích này. Việc thiếu sự phối hợp giữa Chính phủ Mỹ và lĩnh vực tư nhân đang bị Bắc Kinh khai thác và lợi dụng. Bước thứ hai cũng cố gắng tạo ra căng thẳng giữa Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc tìm cách chia rẽ và chế ngự các nước và vùng lãnh thổ này bằng các cơ chế song phương ưa thích của mình.
Trong bối cảnh môi trường an ninh châu Á – Thái Bình Dương, bước ba – tiến hành một cuộc tấn công – là chiến lược lâu dài của Bắc Kinh và nhằm mục đích loại bỏ ảnh hưởng của Washington. Trong ngắn hạn, PLA sẽ không do dự trong việc thể hiện những khả năng quân sự của mình đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Do vậy, đến nay Bắc Kinh đã “kiểm tra” các vùng biển bằng cách đe dọa Nhật Bản, Philippines và Việt Nam bằng những động thái quyết liệt trong tranh chấp lãnh hải. Cuối cùng, Trung Quốc tìm cách để gây mất uy tín một liên minh an ninh với Mỹ.
Có một số cách mà Mỹ có thể phản ứng lại. Đầu tiên, Mỹ cần phải giữ được trật tự ở ngay sân nhà. Điều này là rất quan trọng đối với việc xóa đi những nghi ngờ về khả năng Mỹ đang suy giảm sức mạnh. Hơn nữa, Mỹ phải là tấm gương đi đầu và xử lý tốt hơn các mối quan hệ với Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ nên cố gắng tạo những mối quan hệ tốt hơn với các lĩnh vực công cộng và tư nhân của mình. Những chính sách hồi sinh nền kinh tế và tăng cường sự cạnh tranh kinh doanh của Mỹ cũng nên là một trọng tâm. Tuy nhiên, về cơ bản, do chiến thuật “liên hoàn kế” của Trung Quốc, chưa chắc Mỹ và Trung Quốc đã có thể củng cố mối quan hệ mang tính xây dựng nếu Trung Quốc không từ bỏ mục tiêu chiến lược là làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.