Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếCăng thẳng Trung Quốc-Philippines: Trọng tài Quốc tế và Biển Đông

Căng thẳng Trung Quốc-Philippines: Trọng tài Quốc tế và Biển Đông

BienDong.Net: Ngày 22/1/2013, Philippines đã đột phá tình trạng bế tắc hàng thập kỷ trong thảo luận với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông (Nam Trung Hoa) – Manila gọi là Biển Tây Philippines – bằng việc khởi động vụ kiện ra trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đối với những hành động gần đây của Trung Quốc.

Những tranh chấp này liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough và những nguồn tài nguyên phong phú xung quanh.

Bằng hành động này, chính quyền Benigno “Noynoy” Aquino III muốn “thực hiện chính sách [của Tổng thống] giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên luật pháp… theo luật quốc tế”1. Với việc làm này, chính quyền Philippines gây ra sự bất ngờ cho Trung Quốc và các thành viên khác của ASEAN, chống lại điều mà họ cho là hành xử nặng tay của Trung Quốc.2 Mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện, quá trình phân xử của trọng tài quốc tế sẽ vẫn diễn ra.3

Mặc dù mới diễn ra trong thời gian ngắn, phản ứng hấp tấp của Trung Quốc cho thấy sự thay đổi rõ rệt ở Manila sau một năm đầy “thảm họa”, trong đó một tàu hải quân đơn độc của Philippines đang tuần tra các hoạt động đánh cá bị “quây” tại bãi Scarborough và Philippines đã mất kiểm soát đối với bãi này, không thể tiếp cận các nguồn cung hậu cần trong bãi đậu và mất khả năng bảo vệ hệ sinh thái dễ bị xâm hại cùng các loài sinh vật quý hiếm của bãi này trước sự xâm phạm của Trung Quốc.

Trung Quốc điều đội tàu chấp pháp có sức mạnh vượt trội và một số lượng lớn tàu cá dân sự để áp đảo số ít tàu thuyền của Philippines tại bãi này.4 Trong khi đó, Hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phô diễn sức mạnh ở những vùng biển lân cận.5 Sau khi hai bên dường như đã thỏa thuận rút lui và trả lại nguyên trạng, Philippines đã tuân thủ, còn Trung Quốc thì không.6 Thực tế, sau khi các tàu của Philippiness rời đi, Trung Quốc đã dựng hàng rào chặn lối hẹp vào trong bãi và bố trí một tàu chấp pháp ngăn cản Philippines quay lại.7

Kết cục không mấy tốt đẹp này dạy cho Philippines hai bài học về việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông: thứ nhất, người Trung Quốc có sức mạnh vượt trội và sẽ sử dụng nó; và thứ hai, với sức mạnh như vậy thì việc thương lượng về chủ quyền và yêu sách về tài nguyên sẽ không có kết quả trừ khi thay việc dùng sức mạnh bằng một tiến trình trong đó bên yếu và bên mạnh bình đẳng với nhau. Vì vậy, Manila đã lựa chọn việc đưa tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc ra kiện để giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, trong đó Trung Quốc và Philippines đều là thành viên.

Những điều khoản giải quyết tranh chấp của UNCLOS

UNCLOS đưa ra bốn cách giải quyết tranh chấp. Hai cách đầu là bằng tòa án quốc tế thường trực và hai cách sau là bằng các thủ tục trọng tài. Các nước có quyền tự do lựa chọn nơi lập tòa xét xử miễn là họ có tham gia Công ước. Hai tòa án nói trên bao gồm các thẩm phán thường trực có lý lịch chuyên môn công khai và nhiều kinh nghiệm, trong khi các hội đồng trọng Tài được thành lập, cho phép các bên có một mức độ kiểm soát đối với thẩm phán xét xử vụ kiện của họ. Nếu một quốc gia không lựa chọn, UNCLOS coi như nước đó đã chấp nhận thủ tục phân xử.8 Trung Quốc đệ trình hai tuyên bố chính thức về các vấn đề chủ quyền và thủ tục lên Vụ Các vấn đề Đại dương và Luật Biển Liên Hợp Quốc, nhưng chưa bao giờ tuyên bố về việc giải quyết tranh chấp.9 Do đó, để gải quyết bằng pháp lý các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc, lựa chọn duy nhất cho Philippines là khởi kiện ra tòa trọng tài.

Mỗi bên có quyền chỉ định một trong năm thành viên của Hội đồng Trọng Tài. Philippines chọn Thẩm phán Rudiger Wulfram, một trọng tài đáng kính người Đức làm việc tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) từ năm 1996. Chính phủ Trung Quốc có 30 ngày kể từ 22/1 để chỉ định thẩm phán – quyền mà nước này từ chối – thậm chí họ được phép lựa chọn một người Trung Quốc. Theo quy định, vì Trung Quốc từ chối tham gia, Chủ tịch ITLOS, hiện là Thẩm phán người Nhật Shunji Yanai, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, sẽ chọn thay cho Trung Quốc. Với giả định Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia, ba thẩm phán còn lại – gồm Chủ tịch Hội đồng Trọng Tài – sẽ được Thẩm phán Yanai chỉ định.

Vụ kiện này tạo ra nhiều thách thức cho Trung Quốc. Thứ nhất, mặc dù chính phủ Trung Quốc rất muốn thương lượng ngoại giao song phương để giải quyết tranh chấp, song vai trò thành viên UNCLOS và trình trạng vẫn không thể trong giải quyết tranh chấp với Philippines đã tạo ra nguy cơ Trung Quốc bị kiện. Ngoài ra, nếu vụ kiện diễn ra, Bắc Kinh có thể ở thế bất lợi do nhiều yêu sách về quyền trên Biển Đông của TQ không vững chắc trước luật quốc tế.10 Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cũng lo ngại về những người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành khi họ thấy rằng chính phủ để mất kiểm soát một vấn đề lớn vào tay một nước nhỏ ở Đông Nam Á và Thẩm phán Nhật. Tuy nhiên, giờ Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện, Hội đồng Trọng Tài sẽ vẫn tiếp tục mà không cần có họ, mang lại một thắng lợi nhỏ cho Manila và có thể hướng dư luận quốc tế có lợi về phía Philippines.

Yêu sách của Philippines

Do UNCLOS cho phép các nước bảo lưu các tranh chấp chủ quyền, tranh chấp về ranh giới trên biển và các tuyên bố về quyền lịch sử – và Trung Quốc đã làm như vậy trên thực tế – Philippines không thể đưa vấn đề chủ quyền đối vớ quần đảo Trường Sa ra tòa án và các thẩm phán cũng không thể vạch đường biên giới trên biển cho hai bên.11 Tuy vậy, Hội đồng Trọng Tài có thể cho rằng họ có quyền quyết định một số vấn đề bức xúc nhất nhất cho chính phủ Philippines. Trong Thông báo và Tuyên bố chủ quyền chính thức, Philippines đưa ra bốn yêu sách riêng biệt: đường chín đoạn của Trung Quốc là không có giá trị; các cấu tạo địa lý do Trung Quốc chiếm đóng trên bãi Scarborough chỉ là đá; các công trình của Trung Quốc trên những bãi chìm là bất hợp pháp; và việc Trung Quốc sách nhiễu người Philippines trên biển cũng là bất hợp pháp.

Đường chín đoạn của Trung Quốc không có giá trị. Thứ nhất, Philippines yêu cầu Hội đồng Trọng Tài xác định rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông trái với UNCLOS và do đó không có giá trị.12 Đây thực sự là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước khác như Philippines. Manila khẳng định rằng chỉ có luật quốc tế, điển hình là UNCLOS, chứ không phải là câu chuyện lịch sử hay các yếu tố không liên quan khác của một quốc gia, mới có thể là cơ sở cho các quyền về biển hợp pháp hiện nay. Tuy chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố công khai chính sách về ý nghĩa của đường này, nhưng Trung Quốc đã chính thức đệ trình một bản vẽ đường này lên Liên Hợp Quốc năm 200913 nhằm phản đối yêu sách chung giữa Việt Nam và Malaysia về các quyền trên thềm lục địa tại những vùng nước dựa trên UNCLOS.14 Trong khi vụ kiện của Philippines là thách thức pháp lý đầu tiên đối với yêu sách lịch sử quá rộng của Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và có thể cả Indonesia đều có những bất bình tương tự đối với nước láng giềng phương Bắc và có thể có lợi từ vụ kiện này.

Trung Quốc cho rằng họ được phép đòi hỏi các quyền lớn hơn trên Biển Đông so với quy định của UNCLOS do “UNCLOS +” (UNCLOS cộng thêm những yếu tố khác, chẳng hạn như lịch sử) hợp pháp hóa quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.15 Quả thực, luật nội địa của Trung Quốc cho rằng dù có UNCLOS, Trung Quốc vẫn có những “quyền lịch sử” khác ở những đại dương xung quanh.16 Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có thể lập luận một cách thuyết phục rằng đường chín đoạn dựa trên một loại “chủ quyền lịch sử” nào đó thì có lẽ Hội đồng Trọng Tài không có thẩm quyền xem xét vấn đề này bởi vì Trung Quốc thực hiện quyền bảo lưu, yêu không không xem xét vấn đề trên. Tuy nhiên, yêu sách của Trung Quốc theo “chủ quyền lịch sử” đối với những vùng biển rộng lớn như vậy có thể bị tòa coi là không hợp lý theo luật hiện nay và tòa có thể vận dụng UNCLOS để bác bỏ yêu cầu trên của Trung Quốc. Thực vậy, nếu Trung Quốc được phép yêu sách như trên thì liệu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể khẳng định chủ quyền đối với các đại dương trên thế giới dựa trên lịch sử của họ không? Hội đồng Trọng Tài có thể chọn cách xác định các giới hạn theo luật pháp đối với những yêu sách về chủ quyền lịch sử.

Các cấu tạo địa chất mà Trung Quốc chiếm đóng là đá. Thứ hai, Philippines cho rằng Trung Quốc “chiếm đóng những dải san hô nhỏ, không thể sinh sống, chỉ ngang bằng mặt nước khi thủy triều cao, và đó là ‘đá’ theo… UNCLOS.”17 Điểm mấu chốt của yêu sách này là “không có cấu tạo nào mà Trung Quốc chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa có thể duy trì đời sống hoặc hoạt động kinh tế của con người”.18 Nếu Hội đồng Trọng Tài chấp thuận, kể cả trường hợp Trung Quốc thực sự có chủ quyền đối với những cấu tạo nhỏ này, vì là đá nên theo quy định chúng không được hưởng những vùng tài nguyên (vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa) bao quanh. Do đó, kết hợp hai yêu sách đầu, Philippines khẳng định rằng cả đường chín đoạn lẫn yếu tố địa lý đầu không phải là cơ sở hợp pháp để Trung Quốc khẳng định quyền tài phán đối với những vùng nước ngoài 12 hải lý từ những đá nhỏ này.

Các công trình của Trung Quốc trên những cấu tạo chìm là bất hợp pháp. Thứ ba, Philippines cho rằng Trung Quốc đã “chiếm đóng và xây dựng các công trình trên các cấu tạo chìm không đủ tiêu chuẩn là đảo theo UNCLOS, mà là những bộ phận thuộc thềm lục địa của Philippines”.19 Một số cấu tạo chìm trong đường chín đoạn cách Philippines 50 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 550 hải lý.20 Tuyên bố này cho rằng Trung Quốc không có các quyền hợp pháp đối với thềm lục địa cách xa bờ biển của Trung Quốc. Những quyền đó thuộc về Philippines vì UNCLOS cho phép một quốc gia ven biển có các quyền về thềm lục địa “thông qua sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của nước đó”.21 Thông báo của Philippines nêu các công trình do Trung Quốc xây dựng ở 4 địa điểm – đá Mischief (Vành Khăn), đá McKennan, đá Gaven và đá Subi – các cấu tạo chìm khi thủy triều cao. Chúng cách bờ biển của đảo Palawan, Philippines từ 130 đến 230 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc một khoảng lớn hơn nhiều.22 Từ đó, Philippines cho rằng các công trình của Trung Quốc xâm phạm bất hợp pháp thềm lục địa của Philippines.

Một chi tiết hết sức quan trọng, nhưng không được nêu, trong yêu sách này là vào năm 2011 tàu thuyền Trung Quốc ngăn cản hoạt động nghiên cứu địa chấn của các công ty Philippines thăm dò hydrocarbon dưới Bãi Cỏ Rong (Reed Bank).23 Bãi Cỏ Rong nằm trong đường chín đoạn đứt nét của Trung Quốc, nhưng nằm ngay ngoài khơi đảo Palawan và do đó về mặt địa lý là một phần của thềm lục địa Philippines. Nếu Philippines có thể thuyết phục Hội đồng Trọng Tài rằng đường chín đoạn đứt nét của Trung Quốc không có giá trị, rằng Trung Quốc không có cơ sở nào khác cho yêu sách về các quyền trên thềm lục địa trong khu vực và rằng Bãi Cỏ Rong là một phần hợp pháp của thềm lục địa Philippines, thì theo quy định, các công ty nói trên của Philippines được tự do tiến hành khai thác các mỏ hydrocarbon mà Trung Quốc không có quyền can thiệp.

Sự sách nhiễu của Trung Quốc là bất hợp pháp. Cuối cùng, Thông báo nêu trên khẳng định rằng Trung Quốc “ngăn cản việc thực thi các quyền của Philippines”.24 Yêu sách này có liên hệ chủ yếu với bãi Scarborough, phần lớn nằm dưới mặt nước, nhưng có một vài đá nhô trên mặt nước khi thủy triều cao mà về mặt kỹ thuật có thể bị đòi hỏi là lãnh thổ có chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả trường hợp Trung Quốc có chủ quyền đối với những đá nhỏ này, họ chỉ được hưởng tối đa một vùng 12 hải lý xung quanh chúng, không phải là bao quanh toàn bộ dãi đá ngầm lớn hơn nhiều lần. Do đó, Thông báo trên cho rằng việc Trung Quốc chiếm đoạt toàn bộ đá này là bất hợp pháp, va việc Trung Quốc tiếp tục ngăn cản quyền của công dân Philippines trong việc “tiếp cận các nguồn tài nguyên sinh vật trong khu vực này” cũng là bất hợp pháp.25 Những vụ việc diễn ra ở bãi Scarborough là bằng chứng mới nhất trong chuỗi các vụ việc mà ngư dân Philippines cho rằng Trung Quốc đã dùng vũ lực đe dọa họ. Thí dụ, vào tháng 6/2011, Manila phản đối vụ việc trong đó tàu Trung Quốc được cho là đã bắn vào ngư dân Philippines trong vùng tranh chấp ở Biển Đông.26 Yêu sách của Philippines nhằm chấm dứt sự ngăn cản trên của Trung Quốc.

Diễn biến tiếp theo

Mặc dù Trung Quốc mới đây đã từ chối tham gia tiến trình trọng tài quốc, căng thẳng Trung Quốc-Philippines chưa thể kết thúc trong tương lai gần. Thứ nhất, Trung Quốc vẫn còn cơ hội thay đổi lập trường và tham gia vụ kiện, hoặc ít nhất là khiếu nại về việc Hội đồng Trọng Tài có quyền xét xử đối với các yêu sách của Philippines hay không. Tuy sự thay đổi như trên khó xảy ra, nhưng nếu làm như vậy thì Trung Quốc có thể tái khẳng định với các nước láng giềng đang ngày càng lo ngại rằng TQ cam kết giải quyết tranh chấp bằng các cơ chế chứ không phải dựa vào sức mạnh. Lựa chọn thứ hai của Trung Quốc – và có lẽ dễ xảy ra nhất – là tiếp tục không tham gia và hy vọng sẽ có kết quả thuận cho họ. Nếu thua kiện, TQ có thể tuyên bố vụ kiện không có giá trị và phớt lờ kết quả của vụ kiện. Tuy nhiên, việc không tham gia vụ kiện và đặc biệt là phớt lờ kết quả bất lợi sẽ khiến các nước láng giềng của Trung Quốc tin rằng Trung Quốc không có ý định tuân theo luật quốc tế. Đáp lại, các nước khác trong khu vực và bên ngoài sẽ phải tìm cách củng cố trật tự dựa trên luật pháp, cho phép các bên tranh chấp vị thế bình đẳng trước một Trung Quốc lớn hơn.

Thứ ba, Trung Quốc có thể cho rằng lựa chọn tốt nhất của họ là tìm cách cô lập và ép Philippines hủy bỏ vụ kiện. Điều này cũng có thể phản tác dụng do sự phản đối quốc tế ngày càng tăng. Ngoài ra, việc này rốt cuộc có thể không hiệu quả vì Philippines đã rút ra bài học từ vụ việc ở bãi Scarborough rằng họ chịu sức ép về kinh tế và chính trị từ Trung Quốc ít hơn so với một số nước khác trong khu vực. Có lẽ là tồi tệ hơn cho Trung Quốc nếu họ chọn cách ép buộc, vì Bắc Kinh tự họ sẽ chứng minh “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” mà họ đã bác bỏ.

Cuối cùng, với những rủi ro và kết quả của mỗi lựa chọn, Bắc Kinh có thể chọn cách thương lượng kín với Manila để hủy vụ kiện. Tuy nhiên, cách này đòi hỏi Trung Quốc phải đánh đổi cho Philippines một thứ gì đó có ý nghĩa, chẳng hạn như cho Philippines tiếp cận trở lại với bãi Scarborough, đảm bảo việc khai thác dầu khí của Philippines diễn ra mà không bị sách nhiễu và cam kết rằng việc thương lượng về kết quả cuối cùng sẽ tiếp tục với tình thần thiện chí. Tuy nhiên, những thương lượng như vậy có thể chỉ thành công nếu Philippines thể hiện sự thận trọng và hợp lý trong đàm phán. Nếu Bắc Kinh chọn cách tiếp cận thứ tư này, và nếu Manila đi đường ngoại giao kín, thì có thể hy vọng rằng sẽ đạt được sự hòa giải hiệu quả. Trong trường hợp này, vụ kiện quốc tế sẽ phục vụ mục đích của Tổng thống Aquino trong việc tìm kiếm “một giải pháp giải quyết tranh chấp hòa bình và dựa trên luật pháp… theo luật quốc tế”.27

Chú thích:

1. Albert del Rosario, “Tuyên bố của Ngoại trưởng Albert del Rosario về các thủ tục trọng tài UNCLOS kiện Trung Quốc để đạt được giải pháp hòa bình và lâu dài đối với những tranh chấp trên Biển Tây Philippines” (Bộ Ngoại giao, Manila, ngày 22/1/ 2013).

2. Ian Storey, “Manila Ups the Ante in the South China Sea”, China Brief, 13 số 3, ngày 1/2/2013.

3. Pia Lee-Brago, “On with UN arbitration”, The Philippine Star, ngày 20/2/2013, http://www.philstar.com/headlines/2013/02/21/911285/un-arbitration.

4. Alexis Romero, “25 Ships Still in Panatag”, The Philippine Star, ngày 6/7/ 2012; và Redempto D. Anda, “Chinese Fishing Fleet Closes in on Pag-asa Island”, Inquirer Southern Luzon, ngày 25/7/2012.

5. Jaime Laude, “Chinese Landing Ship Spotted”, The Philippine Star, ngày 19/7/ 2012.

6. Alexis Romero, “3 Chinese Ships Still in Panatag”, The Philippine Star, ngày 9/7/2012.

7. Alexis Romero, “23 Chinese Boats Inside Panatag’s Lagoon”, The Philippine Star, ngày 26/6/2012.

8. UNCLOS, Phần XV: Giải quyết tranh chấp, Điều 287(5), http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/unclos/part15.htm.

9. Trung Quốc đệ trình tuyên bố phê chuẩn ngày 7/6/1996 và tuyên bố khác ngày 25/8/2006. Xem “Thông báo và tuyên bố”, Vụ Các vấn đề đại dương và Luật Biển Liên Hợp Quốc, http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_declarations.htm.

10. Xem Peter A. Dutton, “Cracks in the Global Foundation: International Law and Instability in the South China Sea”, Patrick M. Cronin, chỉnh lý, “Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea” (Trung tâm An ninh mới của Mỹ, tháng 1/2012).

11. Xem thông báo của Trung Quốc về việc phê duyệt UNCLOS ngày 7/6/1996, tại “Thông báo và tuyên bố”, Vụ Các vấn đề đại dương và Luật Biển Liên Hợp Quốc.

12. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Philippines, Thông báo và Tuyên bố chủ quyền, số 13-0211 (ngày 22/1/ 2013), 2. Để biết thêm thông tin về lịch sử đường chín đoạn đứt nét, xem Cronin, chỉnh lý, “Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea.”

13. Xem Thư từ Tổng Thư ký Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc, CML/18/2009 (ngày 7/5/2009), http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf.

14. Đệ trình chung lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa theo Điều 76, Đoạn 8 của UNCLOS 1982 liên quan phần lãnh thổ phía Nam của Biền Nam Trung Hoa (tháng 5/2009), http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/mys_vnm2009excutivesummary.pdf.

15. Xem Su Hao, “China’s Positions and Interests in the South China Sea: A Rational Choices [sic] in its Cooperative Policies” (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ngày 11/9/2011). Quả thực, trong diễn đàn tháng 6/2011 mà bài báo đề cập, Su Hao nhắc lại rằng chính sách về các quyền trên biển của Trung Quốc là “UNCLOS +”.

16. Xem Điều 14 của luật Trung Quốc gọi là Đạo luật Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa, được thông qua tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa IX, ngày 26/6/, http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/chn_1998_eez_act.pdf.

17. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Philippines, Thông báo và Tuyên bố chủ quyền, 2.

18. Như trên, 4.

19. Albert del Rosario, “Tuyên bố của Ngoại trưởng Albert del Rosario về các thủ tục trọng tài UNCLOS kiện Trung Quốc để đạt được giải pháp hòa bình và lâu dài đối với những tranh chấp trên Biển Tây Philippines”.

20. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Philippines, Thông báo và Tuyên bố chủ quyền, 4.

21. UNCLOS, Điều 76(1).

22. Xem Bộ Ngoại giao Cộng hòa Philippines, Thông báo và Tuyên bố chủ quyền, 6-8 (các đoạn 14-19). Xem “Digital Gazetteer of the Spratly Islands”, http://community.middlebury.edu/~scs/macand/gazetteer.htm.

23. “Manila Says Gas Testing Stopped After China Boat Incident,” Reuters, ngày 7/3/2011 và Alena Mae S. Flores, “UK Oil Firm Completes South China Sea Survey”, Manila Standard, ngày 23/3/2011.

24. Albert del Rosario, “Tuyên bố của Ngoại trưởng Albert del Rosario về các thủ tục trọng tài UNCLOS kiện Trung Quốc để đạt được giải pháp hòa bình và lâu dài đối với những tranh chấp trên Biển Tây Philippines”.

25. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Philippines, Thông báo và Tuyên bố chủ quyền, 8-9.

26. “Philippines Says China Violated Its Seas,” AFP, ngày 4/6/2011.

27. Albert del Rosario, “Tuyên bố của Ngoại trưởng Albert del Rosario về các thủ tục trọng tài UNCLOS kiện Trung Quốc để đạt được giải pháp hòa bình và lâu dài đối với những tranh chấp trên Biển Tây Philippines”.

Tác giả: Peter A. Dutton, Trung tâm An ninh mới của Mỹ

BDN (Biên dịch)

RELATED ARTICLES

Tin mới