Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNhật Bản sẽ phá thế độc quyền của Trung Quốc về đất...

Nhật Bản sẽ phá thế độc quyền của Trung Quốc về đất hiếm

BienDong.Net: Các nhà khoa học Nhật Bản vừa tìm thấy một trữ lượng đất hiếm khổng lồ dưới đáy biển Thái Bình Dương có thể giúp Tokyo phá vỡ sự độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Chúng tôi đã tìm thấy những mỏ đất hiếm chỉ nằm cách đáy biển từ 2-4 mét với hàm lượng cao chưa từng thấy, và khai thác hoàn toàn không quá tốn kém- giáo sư Yasuhiro Kato thuộc trường đại học Tokyo, người cần đầu nhóm các nhà khoa học nói trên cho biết.

alt

Mỏ đất hiếm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật vừa được tìm thấy

Trung Quốc gần như hoàn toàn nắm độc quyền các nguyên tố nặng trong chuỗi 17 nguyên tố đất hiếm, mặc dù nước này cũng là nhà cung cấp chủ lực toàn bộ chuỗi các nguyên tố đất hiếm sau khi thành công trong việc đẩy lùi các đối thủ kinh doanh mặt hàng này hồi những năm 1990. Hiện tại Trung Quốc vẫn chiếm tới 97% nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu.

Trung Quốc đã gây sốc đối với thế giới khi họ đột ngột giảm xuất khẩu đất hiếm hồi năm 2009, gây nên sự phản đối giận dữ và những vụ kiện pháp lí của cả Mỹ và EU tại Tổ chức thương mại thế giới. Trung Quốc bào chữa rằng họ phải làm như vậy để “kiểm soát hoạt động buôn lậu và tình trạng xâm hại môi trường”.

Ý đồ thực sự của họ là buộc các công ty nước ngoài phải đặt nhà máy tại Trung Quốc. Họ muốn nói: Nếu ông muốn có đất hiếm của chúng tôi, ông phải xây dựng nhà máy ở đây để chúng tôi có thể đánh cắp công nghệ của các ông- giáo sư Kato giải thích.

alt

Giáo sư Yasuhiro Kato với mẫu đất hiếm thu được ở độ sâu 4.000 mét dưới Thái Bình Dương ( ảnh Reuters )

Nhóm các nhà khoa học thuộc Cơ quan khoa học biển- trái đất và Trường Đại học Tokyo lần đầu tiên phát hiện những trữ lượng lớn đất hiếm ở miền Trung Thái Bình Dương cách đây hai năm. Người ta cho rằng trữ lượng đất hiếm này lớn gấp 1000 lần toàn bộ các mỏ đất hiếm trên đất liền, trong đó có một số mỏ nằm ở vùng biển xung quanh quần đảo Tahiti thuộc Pháp.

Phát hiện mới nhất liên quan đến đất hiếm là ở Vùng kinh tế đặc quyền của Nhật Bản, trong lớp bùn dưới đáy biển sâu xung quanh đảo Minami-Torishima, cách mặt biển 5.700 m. Mặc dù ở độ sâu rất lớn, mỏ đất hiếm này gồm những kết hạch có hàm lượng đất hiếm cao có thể khai thác bằng cách sử dụng khí áp không gây nhiều xáo động đối với đáy biển và không cần phải lọc.

Giáo sư Kato cho biết hoạt động thăm dò sẽ tiếp tục tiến hành trong hai năm nữa trước khi có thể lên phương án khai thác mỏ. Hơn 50% lượng kim loại trong khu mỏ này là các nhân tố nặng hơn trong chuỗi các nguyên tố đất hiếm, lớn gấp đôi mức phân bố tại các mỏ chủ chốt của Trung Quốc và không có sản phẩm phụ thorium có tính phóng xạ vốn khiến cho việc khai thác kim loại này rất khó khăn.

Nhật Bản tiêu thụ một nửa lượng đất hiếm của thế giới để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, kể cả xe hơi, đồ điện tử, cũng như cho các hệ thống vũ khí tiên tiến và các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. Tokyo tố cáo Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm như là công cụ gây sức ép. Nhật Bản đã chật vật tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm khác với chiến lược bảo đảm nguồn cung cấp đất hiếm ổn định. Một liên doanh khai thác đất hiếm ở Việt Nam lúc đầu tỏ ra rất triển vọng song cho đến nay mới chỉ thu được những nguyên tố đất hiếm nhẹ hơn.

Theo Giáo sư Kato, chỉ cần một chiếc tàu khoan tìm tại khu vực Minami-Torishima cũng có thể bảo đảm cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ đất hiếm của Nhật trong một năm, phá vỡ tình trạng lệ thuộc của Nhật vào đất hiếm với chi phí tối thiểu. Chúng tôi không cần phải khai thác mỏ một cách ráo riết, chỉ cần buộc Trung Quốc phải hạ giá đất hiếm của họ.

Đất hiếm là nhân tố thiết yếu đối với cuộc cách mạng kĩ thuật cao, được sử dụng trong sản xuất ipad, màn hình tivi tinh thể lỏng, lade, thiết bị dùng cho động cơ xe hơi. Dysprosium là nguyên tố đất hiếm đóng vai trò vô cùng thiết yếu bởi nó được dùng để chế tạo nam châm mạnh nhất thế giới có thể duy trì ổn định ở nhiệt độ rất cao. Nguyên tố Neodymium được dùng để chế tạo xe hơi vừa chạy điện vừa chạy xăng, trong khi Terbium dùng để sản xuất bóng đèn có thể tiết kiệm điện tới 40%.

Các nguyên tố đất hiếm còn được dùng trong các vũ khí điều khiển chính xác, tên lửa, máy bay quân sự, vệ tinh và thiết bị nhìn đêm. Các hệ thống xe tăng của Mỹ như M1A2 Abrams và radar Aegis Spy-1 đều phải sử dụng samarium.

Washington đã tỏ ra bị động khi Trung Quốc bắt đầu cấm xuất khẩu đất hiếm. Giờ đây, Bộ quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ đã đặt ưu tiên khẩn cấp cho việc tìm những nguồn cung cấp mới nhưng cảnh báo rằng Mỹ có thể phải mất một thập kỉ để xây dựng lại chuỗi cung cấp nguyên liệu này. Hội Vật liệu từ tính Mỹ (US Magnetic Materials Association) nói rằng nước Mỹ đã lâm vào một cuộc “khủng hoảng thầm lặng”.

Phần lớn các nguyên tố đất hiếm thực ra không phải quá hiếm, nhưng rất khó tìm thấy chúng ở dạng tập trung có thể khai thác được, và việc luyện kim vô cùng phức tạp..

Tìm ra mỏ đất hiếm là phát hiện lớn thứ hai dưới đáy biển trong vòng một tháng được người Nhật công bố. Trước đó, Tokyo công bố đột phá trong việc chiết xuất khí đốt từ băng cháy methane hydrates dưới đáy biển, một kỹ thuật tốn kém, nhưng có thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu của Nhật trong một thế kỉ tới.

BDN ( theo The Telegraph )

 

RELATED ARTICLES

Tin mới