BienDong.Net: Thời gian qua, Hoa Kỳ ngày càng tỏ rõ thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông.
Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, Hoa Kỳ liên tiếp phát biểu bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông, cả trong tiếp xúc song phương với Trung Quốc và các nước cũng như tại các diễn đàn đa phương.Với Trung Quốc ngay trong cuộc gặp đầu tiên với Tập Cận Bình sau khi tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2, ông Barack Obama đã nêu rất thẳng thắn vấn đề Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc hành xử có trách nhiệm, không đe doạ hoặc gây sức ép với các nước láng giềng ven Biển Đông; nhấn mạnh phải tôn trọng luật pháp quốc tế; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán chính thức về COC; đồng thời nói rằng tàu “mắc cạn” của Philippines ở bãi Cỏ Mây là tàu quân sự, thuộc nghĩa vụ bảo vệ theo Hiệp định giữa Mỹ và Philippines.
Tiếp đó, khi tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Uỷ viên quốc vụ Dương Khiết Trì sang Washington dự đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama một lần nữa bày tỏ quan điểm khá rõ ràng trên vấn đề Biển Đông, cảnh báo Trung Quốc không sử dụng vũ lực và hăm doạ sử dụng vũ lực trong các tranh chấp căng thẳng trên biển với các quốc gia láng giềng; phản đối việc Trung Quốc phong toả không cho các tàu tiếp tế của Philippines vào khu vực bãi Cỏ Mây để tiếp tế.
Ngày 18/7/2013, trước khi lên đường đi thăm Ấn Độ và Singapore, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tại Washington rằng các cuộc tranh chấp xung quanh những hòn đảo tại Biển Đông cần được giải quyết bằng con đường hoà bình. Ông nói “tự do hàng hải, không ngăn cản thương mại hợp pháp, giải quyết hoà bình tranh chấp sẽ mang lại lợi ích chung cho các bên. Trước đó, ngày 10/7/2013, phát biểu khai mạc vòng Đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc lần thứ 5 tại Washington, ông Biden cũng đã lên tiếng cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc lợi ích với tự do hàng hải, nhưng điều này còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Hoa Kỳ còn nhiều lần bày tỏ quan điểm về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương như: tại Hội nghị Shangri – la đầu tháng 6/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel tuyên bố “Hoa Kỳ cương quyết chống lại bất kỳ nỗ lực cưỡng chế nào để thay đổi nguyên trạng. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng các sự cố hay tranh chấp nên được giải quyết theo cách thức duy trì hoà bình và an ninh, phù hợp với luật pháp quốc tế, và bảo vệ thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như tự do hàng hải và hàng không”; phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) tổ chức tại Washington DC, Quyền trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Joe Yun nhấn mạnh mối quan tâm hàng đầu của Washington là tự do hàng hải, khi 50% tổng lượng hàng hóa trên thế giới được trung chuyển qua khu vực Biển Đông và cần được bảo vệ. Quan tâm thứ 2 của Hoa Kỳ là đảm bảo hoạt động khai thác hợp pháp những nguồn tài nguyên trên Biển Đông của các công ty, trong đó có các công ty Hoa Kỳ. Ông Joe Yun nhấn mạnh “các yêu sách phải dựa trên luật pháp quốc tế, và phải phù hợp với luật quốc tế, bao gồm cả UNCLOS…., yêu sách đó phải dựa trên các cấu trúc địa chất”; phản đối “việc các bên tranh chấp thúc đẩy tranh chấp thông qua các biện pháp cưỡng chế, đe doạ và chắc chắn không được thông qua sử dụng vũ lực” hoặc “các nỗ lực chớp nhoáng hay đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông”; cho rằng “giải quyết tranh chấp qua trung gian thứ 3 hay Trọng tài quốc tế là một biện pháp hoà bình và các bên không được đe doạ, uy hiếp hay trả đũa”; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để đưa ra khung hành xử cho các bên ở Biển Đông; phát biểu trước Diễn đàn An ninh khu vực ARF tại Brunei hôm 02/7/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, không đơn phương sử dụng sức mạnh áp đặt, chỉ trích việc gia tăng sử dụng ngôn từ đe doạ nước khác, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông tại cơ chế tài phán quốc tế, bao gồm cơ chế Trọng tài và Hoa Kỳ phản đối việc đe doạ hay gây sức ép với bên khởi kiện.
Đáng chú ý là ngày 29/7/2013, Thượng viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết mang số hiệu S. RES. 167 lên án mọi hành động cưỡng bức và đe dọa do các lực lượng trên biển tiến hành tại vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Lời lên án không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như toàn bộ các sự kiện nêu lên đều chỉ rõ Bắc Kinh là thủ phạm gây bất ổn. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng kêu gọi các bên tranh chấp biển đảo trong khu vực là nên cố gắng tự kiềm chế, tránh các hành động có nguy cơ làm căng thẳng leo thang, trong đó có các hành vi “đưa người đến cư ngụ tại những hòn đảo lớn nhỏ, bãi cạn, bãi ngầm hay các thực thể địa dư khác”. Nghị quyết đặc biệt khẳng định hậu thuẫn của chính quyền Mỹ đối với tiến trình đi đến một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như các hoạt động ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp tại Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định cho khu vưc
Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 3 năm Thượng viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Nghị quyết lần này do Thượng nghị sỹ Robert Menendez (đảng Dân chủ, New Jersey), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chủ xướng. Đồng tác giả là các Thượng nghị sỹ Bob Corker, Ben Cardin và Marco Rubio thuộc tiểu ban CÁ – TBD.
Như vậy, có thể thấy nội bộ Hoa Kỳ có sự thống nhất cao về chính sách “tái cân bằng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” nói chung và trên vấn đề Biển Đông nói chung. Cả cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp đều lên án những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm cả cơ chế Trọng tài quốc tế; đồng thời hối thúc ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC.
Mặt khác, Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện của tàu sân bay, tàu khu trục và các loại tàu chiến khác ở Biển Đông; tiến hành diễn tập quân sự với Philippines, Singapore….
Nguyên nhân của việc Hoa Kỳ tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông là những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở biển Hoa Đông đang đe doạ những lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ về tự do hàng hải ở khu vực. Về lâu dài mục tiêu khống chế, độc chiếm Biển Đông và biển Hoa Đông để thực hiện chiến lược xây dựng cường quốc biển của Trung Quốc trở thành thách thức lớn đối với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ. Nhận thức rõ nguy cơ của Trung Quốc đối với vai trò vị trí của Hoa Kỳ ở khu vực, Hoa Kỳ thấy cần phải lên tiếng mạnh mẽ và có hành động cụ thể để ngăn chặn.