Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnẤn Độ trên đường trở thành cường quốc hải quân

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc hải quân

BienDong.Net: Ngày 12.8.2013, Ấn Độ cho hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính họ thiết kế và chế tạo ngay sau khi chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên ‘made in India’ sẵn sàng đi vào giai đoạn thử nghiệm.

Hai sự kiện nổi bật này cho thấy quyết tâm của Ấn Độ đứng vào câu lạc bộ hiếm hoi các cường quốc có khả năng tự sản xuất các chiến hạm hiện đại.

 

Theo báo chí Ấn Độ, tàu sân bay tương lai của Ấn Độ mang tên INS Vikrant, trọng tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài 260 mét, có khả năng chở 36 chiếc máy bay chiến đấu, với 19 chiếc ngoài boong và 17 chiếc trong khoang chứa. Khoảng thời gian cất cánh giữa hai máy bay là chưa đầy 3 phút. Nó có thể dùng cho các loại máy bay chiến đấu MiG – 29K, cũng như máy bay tiêm kích hạng nhẹ LCA do chính Ấn Độ chế tạo, hay các phi cơ lên thẳng.

 alt

Tàu sân bay tương lai của Ấn Độ sẽ mang tên INS Vikrant

Dù được chính thức đưa xuống nước, nhưng tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ vẫn chưa được hoàn tất. Theo lời Đô đốc Robin Dhowan, Phó tư lệnh Hải quân Ấn Độ, công việc cần phải làm tiếp theo đối với tàu sân bay này còn rất nhiều. Ít ra phải đến năm 2016 con tàu mới có thể bắt đầu các chuyến thử nghiệm ngoài khơi, và sẽ chỉ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào năm 2018.

Cho dù vậy, đối với giới phân tích, sự kiện Vikrant được đưa xuống nước là một bước tiến quan trọng của Ấn Độ lên hàng cường quốc hải quân, gia nhập câu lạc bộ hiếm hoi các nước đóng được tàu sân bay cho chính mình. Hiện nay, câu lạc bộ này chỉ bao gồm 4 quốc gia Anh, Nga, Pháp, Mỹ – đều là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Đối với New Delhi, trở thành một cường quốc Hải quân sánh vai với 4 cường quốc đại dương kể trên là một niềm tự hào lớn, nhất là khi Ấn Độ trở thành quốc gia Châu Á đầu tiên chứng minh năng lực tự đóng tàu sân bay. Nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc cũng có đề án đóng tàu sân bay ‘made in China’, nhưng điều này đến nay vẫn chưa được chính thức xác nhận.

Phó Đô đốc RK Dhowan cũng mô tả ngày hạ thủy tàu INS Vikrant là giờ phút vinh quang của chương trình phát triển và nội địa hóa hải quân. Sự tự hào của Ấn Độ còn tăng lên gấp bội khi lễ ra mắt chiếc tàu sân bay tự chế tạo diễn ra chỉ hai hôm sau khi New Delhi loan báo sự kiện chiếc tàu ngầm hạt nhân cũng do họ tự chế tạo – tàu INS Arihant trọng tải 6.000 tấn – đã có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm ngoài khơi.

Và cũng như trong lãnh vực chế tạo tàu sân bay, Ấn Độ đã trở thành nước thứ sáu trên thế giới tự sản xuất tàu ngầm nguyên hạt nhân, cùng với Anh, Nga, Pháp, Mỹ và Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng đây là chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới có trang bị tên lửa đạn đạo mà không thuộc sở hữu của năm cường quốc hạt nhân được thừa nhận.

Tàu ngầm hạt nhân sẽ mở ra cánh cửa thứ ba cho năng lực phòng vệ và tấn công của Ấn Độ. Trước đây quân đội nước này đã có thể phóng tên lửa đạn đạo từ trên bộ và trên không.

Đối với Ấn Độ, việc tự chế tạo được hai loại phương tiện tiên tiến nhất trong ngành hải quân còn mang một ý nghĩa thực tiễn lớn lao: Giảm bớt sự lệ thuộc vào vũ khí nhập khẩu.

alt 

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant (indiandefense.com)

Thật vậy, Ấn Độ hiện đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu vũ khí trên thế giới, với 65% thiết bị quân sự nhập từ nước ngoài. Tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân là hai bằng chứng rõ nét nhất về sự lệ thuộc của Ấn Độ vào nước ngoài – cụ thể là vào Nga.

Từ tháng 4 năm 2012 vừa qua, Ấn Độ đã chính thức gia nhập hàng ngũ các nước có tàu ngầm nguyên tử. Thế nhưng, chiếc tàu mang lại cho New Delhi danh hiệu này lại là một tàu ngầm thuê dài hạn của Nga. Hải quân Ấn Độ cũng sắp đưa vào sử dụng một chiếc tàu sân bay, chiếc INS Vikramaditya. Và trong trường hợp này cũng vậy, đây là một chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Nga, được Ấn Độ mua và tân trang để sử dụng.

Đề án chế tạo tàu sân bay Vikrant và tàu ngầm hạt nhân Arihant nằm trong nỗ lực bù đắp cho khiếm khuyết nêu trên. Theo nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, tàu sân bay Vikrant là sản phẩm đầu tiên trong kế hoạch đóng 3 chiếc tàu sân bay, và bên cạnh chiếc tàu ngầm hạt nhân Arihant đầu tiên, Ấn Độ cũng đang cho đóng thêm 3 chiếc khác.

Dường như cảm thấy bất an về an ninh, chính phủ Ấn Độ đang chi ra hàng chục tỷ USD để nâng cấp kho khí tài. Theo hãng tư vấn KPMG, Ấn Độ sẽ chi khoảng 112 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng từ năm 2010 đến 2016.

BDN (Nguồn: RFI và BBC)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới