BienDong.Net: Sau khi tiến hành điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực địa chất khoáng sản, địa chất môi trường độ sâu từ 30m đến 100m nước vùng bờ biển Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện tiềm năng lớn tài nguyên địa chất, khoáng sản rắn đáy biển có khả năng khai thác công nghiệp.
Nguồn sa khoáng đa dạng
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, vùng biển Cửa Nhượng thuộc tỉnh Hà Tĩnh và vùng biển Cửa Gianh có độ sâu từ 50 – 65m nước là khu vực giàu triển vọng về sa khoáng đáy biển titan.Hiện các nhà khoa học cũng đã khoanh vùng 4 khu vực tập trung sa khoáng phân bố trong các đới bờ cổ với lượng tài nguyên dự báo lên tới 23.688.000 tấn quặng ilmenit, zircon. Vùng biển Vũng Tàu đến Côn Đảo có tài nguyên cát xây dựng dự báo là 88 tỷ mét khối.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã xác định được một số mỏ sa khoáng có ý nghĩa kinh tế như các mỏ có chứa Inmenit, Rutin,Monazit, Ziacon và các biểu hiện Manhêtit, Caxiterit, Vàng, Crôm, Corindon, Topa, Spiner,… Trong đó, có một số đang được tập trung khai thác là Quảng Xương, Thanh Hóa (trữ lượng Ti: 80.198 tấn, Zn: 2.298 tấn), mỏ Cẩm Hoà (trữ lượng Ti: 2.500.000 tấn, Zn: 85.995 tấn), mỏ Kẻ Ninh (trữ lượng Ti: 443.475 tấn, Zn: 35.126 tấn), mỏ Kẻ Sung (trữ lượng Ti: 3.370.000 tấn, Zn: 100.000 tấn), mỏ Đề Gi (trữ lượng Ti: 1.749.599 tấn, Zr: 78.978 tấn), mỏ Hàm Tân (Ti: 1.300.000 tấn, Zn: 442.198 tấn).
Liên quan đến các mỏ sa khoáng Titan, Ziacon, đất hiếm, những tài liệu thống kê cho thấy ven biển Việt Nam có 2 mỏ lớn, 7 mỏ trung bình, 6 mỏ nhỏ và hàng chục điểm quặng (dưới 25.000 tấn).
Đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh BienDong.Net)
Cát thủy tinh là một trong những khoáng sản chính ven biển Việt Nam, phân bố rải rác dọc bờ biển từ Bắc đến Nam. Có mỏ ở ngoài đảo như Vân Hải (Quảng Ninh). Hầu hết các mỏ cỡ lớn tập trung ở ven biển, đoạn từ Cam Ranh đến Bình Châu. Ước chừng có 20 mỏ đã được tìm kiếm, thăm dò với tổng trữ lượng khoáng 584 triệu tấn. Đa số các mỏ là cát thủy tinh. Một số mỏ cát có chất lượng tốt như Vân Hải, Cam Ranh có chất lượng cao để sản xuất pha lê dụng cụ quang học..
Ngoài quặng Titan cùng kim loại hiếm đi kèm và cát thủy tinh, các khoáng sản kim loại khác chỉ là những biểu hiện Vàng, Thiếc (Sầm Sơn, vùng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị – Huế, Quảng Nam – Quảng Ngãi, Quy Nhơn – Phú Yên, Bình Thuận – Vũng Tàu). Về quặng sắt, lớn nhất Việt Nam là mỏ Thạch Khê nằm ở ven biển Hà Tĩnh có trữ lượng 532 triệu tấn. Vật liệu xây dựng và san lấp được phân bố ở vùng nước nông, cửa sông, ven biển, trong đó khá tập trung ở vùng ven bờ nước nông Quảng Ninh – Hải Phòng.
Các nghiên cứu cho thấy tại vùng quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa khoáng vật Pyrit có cả ở 3 vùng biển theo độ sâu (thềm, sườn lục địa và biển sâu) nhưng chủ yếu ở rìa ngoài thềm lục địa tới chân lục địa độ sâu khoảng 200 – 2.800m. Phía Nam đảo Trường Sa pirit có hàm lượng khá cao, đạt 5,5 – 7,5% vât liệu trầm tích, dải phía Đông quần đảo ở độ sâu 1.000 – 2.000m hàm lượng pirit là khoảng 1 – 5% vật liệu trầm tích. Kết hạch sắt – mangan có xung quanh quần đảo Trường Sa trong đó hàm lượng mangan tăng dần theo độ sâu từ 500m – 3.000m (khoảng 1,5%). Kết hạch sắt – mangan tập trung chủ yếu ở chân lục địa độ sâu 2.000 – 4.000m. Ngoài ra tại vùng quần đảo này còn phát hiện thạch cao, thường đi cùng pirit, hàm lượng thay đổi từ 2,9% đến 6,5%.
Tiềm năng dầu khí lớn
Dầu khí là nguồn tài nguyên quan trọng đã được chú ý nghiên cứu rất sớm. Dầu khí tích tụ trong các bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay – Thổ chu, Tư Chính – Vũng Mây và nhóm bể Trường Sa. Dầu khí đã được phát hiện và khai thác ở các bể Cửu Long Nam Côn Sơn, Malay – thổ Chu, sông Hồng, bể Cửu Long có 5 mỏ đang khai thác là Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen và một số mỏ khác. Bể Cửu Long là bể chứa dầu chủ yếu ở thềm lục địa Việt Nam. Bể Nam Côn Sơn phát hiện cả dầu và khí, có 2 mỏ đang khai thác là Đại Hùng, và mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ…
Kết quả phân tích trữ lượng và tiềm năng dầu khí tính đến 31.12.2004 là 4.300 triệu tấn dầu quy đổi, đã phát hiện 1.208,89 triệu tấn dầu quy đổi chiếm 28% tổng tài nguyên dầu khí Việt Nam, trong đó tổng trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu qui đổi, chiếm 67% tổng tài nguyên dầu khí đã phát hiện. Trữ lượng dầu và condensat khoảng 420 triệu tấn (18 triệu tấn condensat), 394,7tỷ m3 khí trong đó khí đồng hành 69,9 tỷ m3 khí không đồng hành 324,8 tỷ m3.
Nhiều tiềm năng hidrat metan (băng cháy)
Biển Việt Nam nằm trong khu vực Biển Đông, được Sở Địa chất Hoa Kỳ (USGS) đánh giá đứng hàng thứ 5 ở Châu Á về tiềm năng băng cháy. Bộ TN&MT từ hơn 5 năm trước đã tổ chức các hội nghị khoa học về triển vọng khí hydrat trên các vùng biển Việt Nam. Dựa vào kết quả nghiên cứu, thăm dò dầu khí ban đầu, có thể phân Biển Đông Việt Nam ra 4 vùng dự báo để đánh giá tiềm năng băng cháy, đó là quần đảo Hoàng Sa và kế cận, Phú Khánh, Tư Chính – Vũng Mây và quần đảo Trường Sa và kế cận.
Để có được kết quả chính xác về tiềm năng một loại năng lượng mới trên vùng biển Việt Nam, ngày 3 – 6 – 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 796 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. Theo đó, sau giai đoạn nghiên cứu (2007 – 2015) kết thúc giai đoạn tiếp cận, nghiên cứu công nghệ, đến giai đoạn 2015 – 2020 bắt đầu đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng biển và thềm lục địa có triển vọng. Thực hiện Chương trình này Trung tâm Địa chất và Khoáng sản đã hoàn thành c Dự án “Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất các vùng biển Việt Nam”.
Hiện Trung tâm đề xuất tiếp tục triển khai giai đoạn 2012 – 2020 của Đề án 47 Dự án điều tra cơ bản địa chất khoáng sản biển phủ kín vùng biển Việt Nam độ sâu đến 300m nước nhằm tiếp tục cung cấp thêm các số liệu, cơ sở khoa học thực tế để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng băng cháy của Việt Nam.
BDN (nguồn Bộ TNMT)