Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTổ đoàn kết sản xuất trên biển: Chỗ dựa cho ngư dân...

Tổ đoàn kết sản xuất trên biển: Chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi

BienDong.Net: Nghề đánh cá trên biển luôn đối diện với rủi ro do thiên tai hay tai nạn.

Nhiều cơn bão đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản đối với ngư dân, nhất là trong bối cảnh tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường hoạt động đơn lẻ, phân tán nên khi xảy ra các sự cố việc phối hợp hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ thường gặp rất nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2005 – 2006, ngư dân các tỉnh ven biển đã tiến hành lập các tổ đoàn kết (TĐK) để hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt hải sản, phòng chống những sự cố bất ngờ xảy ra. Ban đầu, các chủ tàu, thuyền tự tìm đến với nhau theo ngành nghề khai thác, theo gia đình hoặc khu vực đánh bắt. Về sau, mô hình này chuyên nghiệp hơn khi có sự vào cuộc của các cấp ngành ở địa phương, đặc biệt là lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản các tỉnh.

alt

Đoàn kết là sức mạnh cho ngư dân trên biển. Ảnh: Báo Quảng Bình

Điều kiện để thành lập TĐK là phải có ít nhất 3 tàu cá (có công suất máy từ 20 CV trở lên) và phải “3 cùng”: Cùng nghề đánh bắt, cùng địa bàn cư trú và cùng ngư trường. Các chủ tàu tự nguyện gia nhập TĐK theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi và hoạt động theo thỏa ước chung.

Một điều dễ nhận thấy là từ khi thành lập TĐK, từ đất liền đã có thể dễ dàng biết được các thành viên trong tổ đang hoạt động ở vùng biển nào, tình trạng ngư dân như thế nào, dự ước sản lượng tàu thu được thông qua báo cáo của tổ trưởng TĐK.

Nhiều ngư dân cho biết: Nhờ TĐK hiện các thuyền viên và chủ tàu đã thấy an tâm hơn trong việc vươn khơi bám biển dài ngày, không còn cảnh lẻ loi như trước nữa vì trong quá trình khai thác các thành viên vẫn thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm… Tham gia vào các Tổ đoàn kết, ngư dân thêm tự tin khi bám biển ra khơi, từ đó mạnh dạn đầu tư vốn để nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản. Thời gian qua, nhiều TĐK khai thác hải sản đã tăng cường công tác phối hợp trong đánh bắt và dịch vụ hậu cần. Các tàu thường đi theo nhóm nên khi gặp ngư trường có sản lượng thấp, các chủ tàu có thể dồn sản phẩm cho một tàu vận chuyển hải sản về tiêu thụ. Ngược lại nếu gặp ngư trường lớn thì gọi tàu đến khai thác. Do đó, chất lượng sản phẩm đảm bảo tươi, ngon và bán được giá. Khi chi phí sản xuất giảm, hiệu quả từng chuyến đi biển sẽ tăng lên, thời gian khai thác có thể kéo dài ngày hơn.

Chủ tàu tham gia TĐK có nhiều ưu thế trong khi đánh bắt trên biển. Điển hình như các TĐK khai thác hải sản ở xã Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), các thành viên đã giúp đỡ nhau trong huy động vốn sản xuất và góp phần ứng cứu nhau khi gặp thiên tai. Cơn bão số 9 năm 2009, nhờ làm tốt thông tin liên lạc mà 100% tàu, thuyền của xã Bảo Ninh đã vào nơi neo đậu an toàn, không có thiệt hại.

Đội tàu xa bờ của xã Bảo Ninh hiện có hơn 400 chiếc, công suất từ 300 đến 500 mã lực trở lên, khai thác chủ yếu ở ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng vịnh Bắc bộ. Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến tháng 8.2013, các tàu đánh bắt xa bờ của địa phương đã đạt sản lượng cá cao nhất trong hơn 10 năm qua, ước tính tổng doanh thu từ kinh tế biển của xã đạt gần 100 tỉ đồng. Theo ông Lê Văn Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Bình – thì một trong những lý do khiến ngư dân địa phương “thắng lớn” trong thời gian qua một phần là do các ngư dân đã phát triển mạnh mô hình ”Tổ đoàn kết trên biển”. Bên cạnh nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC), các tổ đoàn kết trên biển thực sự là nơi tập hợp ngư dân thành một khối thống nhất, nâng cao hiệu quả khi đánh bắt xa bờ và sẵn sàng là điểm tựa cho ngư dân khi gặp sự cố trên biển.

Theo Tổng cục Thủy sản hiện nay, cả nước đã thành lập 3.500 tổ ngư dân với khoảng 21.500 tàu cá và 136.000 lao động (trong tổng số từ 128.000 đến 132.000 tàu cá các loại với hơn 4 triệu lao động). Mô hình tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã góp phần quan trọng trong việc đánh bắt, khai thác hải sản hiệu quả hơn. Thông qua hoạt động của đoàn kết sản xuất trên biển, các đơn vị chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Mô hình tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã khẳng định được vai trò quan trọng và có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là trong tình hình phức tạp hiện nay trên Biển Đông. Bên cạnh những hiệu quả về kinh tế, các Tổ đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá đã tạo thêm sức mạnh và chỗ dựa cho ngư dân. Mỗi tổ đoàn kết, như một trạm tiền tiêu trên biển, mỗi ngư dân như một chiến sĩ trên mặt trận sản xuất, cùng nhau khai thác hải sản, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc thành lập TĐK, vẫn còn một số hạn chế, cần khắc phục tiếp trong thời gian tới, đó là tình trạng giữa các tàu, các tổ vẫn chưa tích cực thông báo cho nhau về những ngư trường có nhiều hải sản do chủ tàu muốn giấu ngư trường, hoặc do không muốn bị điều động phương tiện tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, do một số tàu thuyền không đăng ký tần số thực của máy thông tin hoặc thường xuyên thay đổi nên khi xảy ra các sự cố trên biển gây khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn. Các tổ cũng chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, liên kết với nhau để ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biển thủy hải sản để hạn chế bị tư thương ép giá.

BDN (tổng hợp theo các báo quốc nội)

RELATED ARTICLES

Tin mới